(Tiếp)
Tại Mỹ, trong nội bộ Hải quân đã có tranh cãi rất lớn về hướng phát triển một loại tàu sân bay mới, và các cuộc thảo luận sôi nổi về vấn đề sử dụng như thế nào với 69.000 tấn trọng tải dư thừa của tàu sân bay. Cuối cùng, ý kiến ủng hộ việc đóng một tàu sân bay hạng nhẹ đã thắng thế. Trong bối cảnh đó, vào ngày 26 tháng 9 năm 1931, chiếc USS Ranger với lượng chuán nước 14.567 tấn đã được khởi đóng tại xưởng đóng tàu Newport News. Là chiếc tàu chiến đầu tiên của Hải quân Mỹ được thiết kế và chế tạo với mục đích làm tàu sân bay, Ranger bộc lộ nhiều vấn đề trong thực chiến: Một mặt, Ranger quá nhỏ để thực hiện các tác chiến cất và hạ cánh trên tàu sân bay trong điều kiện biển khắc nghiệt. Mặt khác, sàn đáp nhỏ và kho dự trữ nhiên liệu, đạn dược ít ỏi của Ranger khiến việc bảo đảm cho tác chiến của các máy bay trên hạm gặp nhiều khó khăn, hiệu quả tác chiến cũng hạn chế. Những vấn đề nổi bật trong ứng dụng chiến đấu này đã trở thành kinh nghiệm quý báu trong việc chế tạo các tàu sân bay hạng nhẹ của Mỹ, được ứng dụng và cải tiến rộng rãi trên các tàu sân bay hạng nhẹ lớp Independence.
USS Ranger
Ở Vương quốc Anh, cho đến Thế chiến thứ hai, tàu sân bay hạng nhẹ mới được chế tạo với số lượng lớn. Do tàu sân bay lớn chỉ có thể được chế tạo bởi các nhà máy đóng tàu đặc biệt, đòi hỏi nhiều lao động, thiết bị và thời gian. Vì vậy, để tránh tình trạng cạn kiệt tàu sân bay, từ năm 1941 đến năm 1942, Hải quân Anh đã xây dựng kế hoạch đóng tàu sân bay hạng nhẹ và hạ ngưỡng kỹ thuật xuống một mức độ nhất định, khiến ngay cả những xưởng đóng tàu thương mại không có kinh nghiệm đóng tàu sân bay cũng có thể chế tạo. Tàu sân bay hạng nhẹ lớp Colossus ra đời trong bối cảnh đó, tuy thành tích của nó trong Thế chiến thứ hai không thật nổi bật, nhưng lại được nhiều nước ưa chuộng do tỷ lệ hiệu suất/chi phí cực cao. Sau chiến tranh, nhiều tàu sân bay lớp Colossus đã phục vụ trong hải quân các nước khác, thậm chí tàu sân bay Minas Gerais phục vụ ở Brazil mãi đến năm 2001 mới được nghỉ hưu.
Tàu sân bay hạng nhẹ lớp Colossus
Đổi mới và phát triển khái niệm chiến đấu
Biến đổi hình thái tác chiến trên biển.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hàng không và sự trỗi dậy nhanh chóng của lực lượng hàng không trên bộ, tư tưởng tác chiến hàng không cũng được phát triển thêm. Người đầu tiên xây dựng một cách hệ thống lý luận không quân là nhà lý luận quân sự người Ý Giulio Duhet. Trong cuốn sách “Quyền kiểm soát trên không” xuất bản năm 1921, ông chỉ ra rằng, không quân sẽ là lực lượng chính và quyết định trong chiến tranh trong tương lai.
Dưới ảnh hưởng của "Quyền kiểm soát trên không", tình hình tác chiến trên biển bắt đầu thay đổi, và cuộc chiến bắt đầu mở rộng từ không gian hai chiều trên bộ, trên biển truyền thống sang không gian tác chiến ba chiều: trên bộ, trên biển và trên không. Tư tưởng tác chiến khống chế biển từ trên không bắt đầu nảy sinh.
Billy Mitchell của Mỹ và Yamamoto Isoroku của Nhật Bản là những đại diện quan trọng cho chủ trương giành thắng lợi bằng hàng không. Mitchell đã sử dụng một loạt dữ liệu thực nghiệm trong cuốn sách "Lý luận phòng không" của mình để chứng minh rằng, các cuộc không kích của máy bay là một mối đe dọa chết người đối với tàu bè trên biển. Yamamoto cũng cho rằng, máy bay sẽ trở thành lực lượng chính quyết định thắng bại trên biển trong tương lai, và đưa ra tuyên bố “Chỉ cần nhìn vào sự phát triển nhanh chóng của máy bay trong 10 năm qua, sẽ tin rằng trong 10 năm tới, máy bay chắc chắn sẽ đạt được những kết quả đáng kinh ngạc hơn nữa”.
Từ đó, tư tưởng "giành thắng lợi bằng hàng không" tức khống chế biển từ trên không bắt đầu lan truyền nhanh chóng, điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của công nghệ hàng không, mà còn thúc đẩy sự thay đổi tình hình tác chiến trên biển.
Xác lập chiến lược khống chế biển từ trên không.
Trong gần hai thập kỷ kể từ khi tàu Hōshō được đưa vào tác chiến năm 1922, Nhật Bản đã trải qua rất nhiều cuộc thăm dò thực tiễn, và việc sử dụng tàu sân bay ngày càng trở nên thuần thục. Năm 1941, trong cuộc tấn công bất ngờ của Hải quân Nhật Bản vào Trân Châu Cảng, máy bay trên hạm cất cánh từ tàu sân bay của Hải quân Nhật Bản đã gây thiệt hại nặng nề cho Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ với chi phí rất nhỏ. Sau trận chiến này, tàu sân bay dần thay thế thiết giáp hạm và trở thành bá chủ trên biển mới. Kể từ đó, quyền thống lĩnh trên không và quyền thống trị trên biển được kết hợp chặt chẽ với nhau, tác chiến trên biển đã bước vào một kỷ nguyên mới khống chế biển từ trên không.
Tàu Hōshō
Dưới sự chỉ đạo của chiến lược khống chế biển từ trên không, lực lượng hàng không trên biển đã bắt đầu phát triển nhanh chóng, tính năng của máy bay trên hạm được nâng cao về chất lượng, tàu sân bay hạng nhẹ cũng có một đấu trường rộng hơn, và các khái niệm tác chiến liên quan cũng đã được phát triển thêm. Các phương thức vận dụng cụ thể được chia thành ba loại sau:
Đầu tiên là, tiến hành một trận quyết đấu hạm đội để giành quyền kiểm soát trên không trên chiến trường. Trong các trận hải chiến như Trận Guadalcanal, Trận Mariana và Trận Vịnh Leyte trên chiến trường Thái Bình Dương, đều in dấu ấn của tàu sân bay hạng nhẹ. Khi tác chiến biên đội gồm các tàu sân bay hạng nhẹ và hạng nặng, các máy bay trên hạm mà chúng mang theo có thể tăng cường sức mạnh hàng không của biên đội, giành quyền kiểm soát trên không trên chiến trường và cung cấp sự yểm hộ trên không cho hạm đội.
Tàu sân bay trong trận chiến Vịnh Leyte
Thứ hai là, tiến hành tác chiến chống tàu ngầm và bảo vệ các tuyến vận tải. Trong Thế chiến thứ hai, phương thức hộ tống truyền thống đã tỏ ra bất lực trước mối đe dọa từ tàu ngầm, và "bầy sói" của quân Đức ở Đại Tây Dương từng gây tổn thất nặng nề cho tàu bè của quân đồng minh. Tình hình này đã có sự thay đổi cơ bản sau khi các tàu sân bay hạng nhẹ gia nhập đội hình hộ tống. Máy bay trên hạm có thể phát hiện chuyển động của tàu ngầm nhanh hơn và chính xác hơn, đồng thời dẫn đường cho các tàu mặt nước tấn công chúng một cách hiệu quả.
Thứ ba là, thực hiện vận chuyển máy bay và mở rộng phạm vi tác chiến của không quân. Thực hiện nhiệm vụ vận chuyển máy bay cũng là một chức năng quan trọng của tàu sân bay hạng nhẹ. Thông qua việc đưa máy bay đến các căn cứ không quân được thiết lập ở các vùng biển hoặc hải đảo chiến đấu khác, có thể tăng cường một cách hiệu quả khả năng chiếm ưu thế trên không của khu vực mục tiêu. Trong trận Guadalcan, "Lực lượng không quân Cactus" do tàu sân bay hạng nhẹ USS Long Island vận chuyển đến sân bay Henderson, đã lợi dụng ưu thế tác chiến của căn cứ để giao chiến với không quân Nhật Bản từ Rabaul tới, kiểm soát thành công vùng trời khu vực Guadalcan, cung cấp một bảo đảm vững chắc cho chiến thắng cuối cùng của trận chiến.
Tàu sân bay trong trận chiến Guadalcan
.........