(Tiếp)
Phát triển bầy đàn máy bay không người lái trên toàn cầu
Máy bay không người lái của Mỹ.
Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ bầy đàn và đã triển khai một loạt các chương trình bầy đàn UAV và đạn dược. Năm 2017, Mỹ đã trình diễn dàn UAV Perdix của họ: ba máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet đã phóng tổng cộng 103 UAV Perdix.
UAV Perdix
Những UAV này tạo thành đội hình tại một điểm được định trước và sau đó điều động để thực hiện 4 nhiệm vụ khác nhau. Ba trong số các nhiệm vụ là bay lượn trên không quanh mục tiêu, và nhiệm vụ thứ tư là tạo thành một vòng tròn có đường kính 100 mét trên bầu trời. Cuộc trình diễn đã chứng minh năng lực bay theo đội hình tự thích ứng, trí tuệ phân tán tập thể và khả năng tự phục hồi của Perdix. Những bầy UAV như vậy có nhiều mục đích sử dụng: thứ nhất, chúng có thể được máy bay chiến đấu phóng ra để cung cấp hoạt động trinh sát, tìm diệt lực lượng đối phương và báo cáo vị trí của địch cho lực lượng mặt đất; thứ hai là, gây nhiễu thông tin liên lạc của đối phương, tạo thành một mạng lưới thông tin liên lạc bay diện rộng, hoặc tiến hành giám sát liên tục một khu vực nhất định; thứ ba là nạp lượng chất nổ nhỏ để tấn công một binh sĩ đối phương; thứ tư là, trong chiến đấu không đối không, ngụy trang thành một mục tiêu lớn hơn nhiều so với chính nó để đánh lừa máy bay, phương tiện mặt đất và radar trên tên lửa của đối phương.
UAV X-61A
Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng Mỹ (DARPA) cũng đã trình diễn UAV X-61A Gremlins. Ý định của dự án Gremlins của DARPA là biến máy bay chở hàng như C-130 thành máy bay mẹ có khả năng phóng và thu hồi một bầy UAV nhỏ, đồng thời bố trí UAV thành các nhóm nhỏ, giá rẻ, có thể tái sử dụng. Những UAV có các cảm biến khác nhau và có trọng tải hiệu quả hơn so với với máy bay truyền thống.
Công nghệ bầy UAV chi phí thấp (LOCUST) của Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ là một dự án phát triển bầy đàn khác đang được thực hiện, nhằm phóng UAV cỡ nhỏ từ thiết bị phóng dạng ống để thực hiện các cấp độ nhiệm vụ khác nhau.
Lục quân Mỹ cũng đang nghiên cứu các bầy UAV và các thuật toán trí tuệ nhân tạo dựa trên việc tăng cường học tập để sử dụng trong khu vực chiến trường chiến thuật dưới kịch bản tác chiến đa miền. Trong trường hợp này, bầy đàn sẽ được kết hợp động và phối hợp với các phương tiện di động không đồng nhất để vượt qua khả năng phòng thủ của kẻ thù.
Mỹ cũng đang thử nghiệm vận chuyển đạn dược phối hợp thông minh để triển khai tên lửa thông qua sử dụng đạn dược thông minh của hệ thống UAV. Vật mang có thể được phóng và triển khai từ hệ thống pháo phản lực bắn loạt dẫn đường (GMLRS) và hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS). Vật mang bao gồm nhiều UAV thông minh có thể triển khai, có khả năng mang đạn xuyên giáp được tạo thành từ các vụ nổ nhỏ tới mục tiêu được chỉ định. Dự án Golden Horde của Không quân Mỹ, nằm trong kế hoạch tiên phong phát triển công nghệ tấn công thế hệ tiếp theo, sẽ kết nối mạng các loại đạn đường kính nhỏ để tiến hành tác chiến phối hợp sau khi phóng, theo một loạt các quy tắc định trước, từ đó nâng cao hiệu quả.
UV dự án Golden Horde
Ngoài ra, chương trình Skyborg của Không quân Mỹ nhằm mục đích thiết kế và triển khai một phi đội trí tuệ nhân tạo gồm những máy bay chiến đấu không người lái trung thành. Là một phần của Skyborg, Kratos XQ-58A, máy bay dùng làm bia thế hệ thứ năm (Sierra 5GAT) và hệ thống tổ chức lực lượng trên không (ATS) của Boeing đang được phát triển và thử nghiệm.
Kratos XQ-58A
Máy bay không người lái của Nga.
Người Nga có nhiều kinh nghiệm trong việc phối hợp tác chiến bằng UAV và kinh nghiệm phản công ở Ukraine và Syria. Trong mười năm qua, Nga đã tăng cường nghiên cứu và phát triển UAV, mục tiêu của nước này là trang bị một số lượng lớn UAV cho quân đội vào năm 2025. Một trong những kế hoạch đó được gọi là nhóm 93, Mục đích là để điều phối chuyển động mật độ cao trong một nhiệm vụ tấn công bão hòa. Ý tưởng này ban đầu được đề xuất bởi Học viện Không quân Zhukovsky và các doanh nghiệp tư nhân, phóng cùng lúc hơn 100 UAV, mỗi UAV mang một đầu đạn nặng 5,5 pound. Nga cũng thử nghiệm S-70 Okhotnik, đóng vai người lái trung thành cùng bầy chiến đấu cơ xâm nhập không phận của đối phương. Vào năm 2020, Nga cũng đã công bố dự án UAV có tên mã là Grom. Nga cũng nhận thức được về ưu thế dẫn đầu của Mỹ trong tính tự chủ của bầy máy bay, nên họ đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm để thu hẹp khoảng cách trong các lĩnh vực này trong 10 năm tới.
S-70 Okhotnik
UAV dự án Grom
Máy bay không người lái của Anh.
Vương quốc Anh có thể sẽ sở hữu một dàn lực lượng UAV đầu tiên trên thế giới vào giữa năm 2021, để thực hiện các cuộc tấn công liều chết trong tuyến phòng thủ của kẻ thù và chế áp hệ thống phòng không của đối phương. Phi đội 216 của Không quân Hoàng gia Anh đã được giao nhiệm vụ thử nghiệm và triển khai các khả năng của bầy UAV trong tương lai. Vương quốc Anh cũng đã công bố Dự án Mosquito, nằm trong chương trình máy bay không người lái chiến đấu mới với trọng lượng nhẹ và thích hợp về kinh tế của Không quân Hoàng gia. Mục tiêu là phát triển một loại máy bay không người lái trung thành có kết nối mạng vào năm 2023. Vương quốc Anh cũng đã thử nghiệm một bầy UAV tự chủ, mỗi chiếc mang một biến thể của mồi nhử chủ động có thể sử dụng như một vật mang tác chiến điện tử, để thực hiện một cuộc tấn công mô phỏng phi động năng vào radar mạng lưới phòng không tích hợp của đối phương.
UAV Dự án Mosquito
Máy bay không người lái của Ấn Độ.
Kể từ năm 2019, Không quân Ấn Độ đã đi tiên phong trong việc phát triển bầy đàn UAV với dự án Meher Baba, chủ yếu cho các hành động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.
UAV dự án Meher Baba
Vào tháng 01/2021, tại Lễ duyệt binh kỷ niệm ngày thành lập Lục quân ở New Delhi, Lục quân Ấn Độ đã thể hiện khả năng tấn công thuần thục của mình, một dàn 75 UAV tự chủ với khả năng thông minh phân tán và tính toán biên, đã tấn công cảm tử và tiêu diệt tất cả các loại mục tiêu mô phỏng. Trong cuộc trình diễn, UAV trinh sát điều tra mục tiêu, sau đó một UAV mẹ thả các UAV cảm tử có gắn chất nổ để tấn công. Các nhà bình luận phương Tây chỉ ra rằng, so với dàn máy bay cỡ lớn nhấn mạnh sự đồng nhất của dự án UAV của Mỹ, tính độc đáo của Ấn Độ nằm ở chỗ, lần đầu tiên trên thế giới, họ công khai thể hiện những nỗ lực của mình đối với bầy đàn không đồng nhất, mang đến một khả năng khác cho sự phát triển của bầy đàn UAV. Một công ty khởi nghiệp của Ấn Độ đã phối hợp với quân đội Ấn Độ trong kế hoạch phát triển bầy đàn này.
Ngoài ra, Công ty TNHH hàng không Hindustan (HAL) đã tung ra hệ thống bầy đàn UAV phóng từ trên không như một phần của hệ thống phối hợp tác chiến trên không thế hệ tiếp theo (CATS), sử dụng các phương tiện tầm xa phóng từ trên không và mạng lưới đơn vị bầy đàn để xâm nhập vào không vực đang tranh chấp. Phòng Thực nghiệm Nghiên cứu Không quân Mỹ đang hợp tác với Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực của hệ thống bầy đàn UAV phóng từ trên không.
UAV chương trình CATS
Một bộ phận khác của chương trình CATS của HAL là Dự án Máy bay chiến binh trung thành, chủ yếu dành cho các nhiệm vụ phòng không và tác chiến tấn công. Điều đáng chú ý là, Ấn Độ đã thúc đẩy tốt việc kết hợp lực lượng nghiên cứu và sản xuất nội địa của mình để đón nhận công nghệ đột phá về UAV. Vào năm 2021, HAL đã công bố mô hình chiến binh 1: 1 đầu tiên tại Triển lãm Hàng không Ấn Độ ở Bangalore.
UAV của các quốc gia khác.
Lần đầu tiên, hãng Hàng không Pháp đã trình diễn sự phối hợp bầy đàn máy bay tầm xa và kỹ thuật lái của dự án Hệ thống Hàng không tác chiến tương lai/Hệ thống Tác chiến tương lai.
Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh năng lực thuần thục về UAV của mình thông qua việc sử dụng các phương tiện sản xuất trong nước như TB-2 ở chiến trường Syria và Libya. UAV TB-2 do Azerbaijan mua từ Thổ Nhĩ Kỳ, với hệ thống quang học và cảm biến tiên tiến hơn, có thể quay trở lại căn cứ để nhanh chóng tiếp nhiên liệu, tái trang bị và quay trở lại bầu trời, sau đó bay lượn trên chiến trường. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang thực hiện nhiều chương trình máy bay không người lái dạng bầy đàn. Trong đó chủ yếu nhất là máy bay bốn cánh xoay Kargu, có thể đóng vai trò tấn công động năng trên chiến trường chiến thuật. Thổ Nhĩ Kỳ đang hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc về UAV toàn cầu. Tuy nhiên, đối mặt với các lệnh trừng phạt gần đây của Mỹ đối với ngành công nghiệp quốc phòng của mình, Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng mất đi sự hỗ trợ công nghệ cao từ phương Tây.
UAV TB-2
Iran là một quốc gia Trung Đông khác sử dụng bầy đàn UAV trong các hành động quân sự. Iran đã biến UAV trở thành trụ cột chính trong chiến lược quân sự của mình. Chính quyền Iran chủ yếu sử dụng UAV cho hai mục đích giám sát và tấn công. UAV mà nước này phát triển bao gồm UAV có khả năng thả bom hoặc phóng tên lửa và quay trở lại căn cứ, cũng như UAV cảm tử tìm kiếm mục tiêu cơ hội.
UAV Iran
Triển vọng tương lai
Điều đáng chú ý là, sự xuất hiện của bầy đàn UAV hiện tại chưa phải là "sản phẩm" ở trạng thái cuối cùng, nhưng trong 10 năm tới, sự lan rộng của công nghệ bầy đàn UAV trên toàn thế giới là điều không thể tránh khỏi. Mặc dù hiện tại, sự phát triển của UAV ở hầu hết các quốc gia đều được giữ bí mật, nhưng việc áp dụng UAV trong hành động quân sự của chính phủ các nước đã cung cấp một cái nhìn thoáng qua về sự tiến bộ của nó. Sự ưa chuộng sử dụng cảm biến, UAV và vũ khí tấn công tầm xa là yếu tố quyết định thành công cuối cùng trên chiến trường hiện đại. Vì thế, câu hỏi đặt ra không phải là có hay không, mà là khi nào và ở đâu, bầy UAV sẽ được áp dụng như một khái niệm tác chiến thuần thục trong chiến tranh tương lai và thay đổi hoàn toàn hình thái của chiến tranh trong tương lai./.