(Tiếp)
Các chiến dịch phi tuyến tính và không liên tục
Học thuyết và huấn luyện của Lục quân Mỹ hiện nay chủ yếu cho rằng, các chiến dịch quân sự quy mô lớn sẽ liên tục về mặt bản chất. Điều này có nghĩa là, người ta kỳ vọng một phòng tuyến lực lượng phía trước (FLOT) đương đầu với quân địch mà cũng có một phòng tuyến lực lượng phía trước, và rằng phía sau những FLOT này là khu vực nhìn chung là an toàn. Nói cách khác, sự kỳ vọng ở đây là, các lực lượng cơ động – bộ binh, thiết giáo và trinh sát – sẽ trực tiếp giao chiến với quân địch, trong khi các bộ phận khác như pháo binh, công binh, thông tin, phòng không, hậu cần và hành chính sẽ tương đối an toàn trước hỏa lực trực tiếp của đối phương. Do đó, xuất hiện một giả định về chính diện tiến công và phòng ngự, với các khu vực hậu phương tương đối an toàn phía sau tương tự như những gì đã diễn ra trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, chiến tranh Triều Tiên và thậm chí Chiến dịch Bão táp Sa mạc.
Chiến dịch Bão táp Sa mạc
Những gì chúng ta đã chứng kiến cho đến nay trong cuộc xâm lược của Nga nhằm vào U-crai-na là phi tuyến tính và không liên tục. Trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh, người Nga đã sử dụng những đòn tiến công thọc sâu rất nhanh dọc theo những con đường dẫn tới các thành phố và mục tiêu quan trọng. Đồng thời, họ cũng sử dụng máy bay trực thăng để chiếm giữ các vị trí quan trọng, chủ yếu là sân bay. Những đòn tiến công nhanh này đã bỏ qua phần lớn lực lượng U-crai-na. Ở những giai đoạn sau đó, các lực lượng tác chiến của Nga tiếp tục sử dụng chiến thuật này để cố gắng chiếm được các thành phố, thị xã quan trọng nằm dọc mạng lưới vận tải ở miền đông U-crai-na. Đồng thời, lực lượng bảo đảm của Nga không được an toàn khi họ ở phía sau một tuyến chiến đấu liên tục của Nga. Thay vào đó, họ đã liên tục bị tấn công bởi các lực lượng của quân đội U-crai-na, Lực lượng phòng thủ lãnh thổ và thậm chí dân thường được vũ trang.
Chiến thuật đánh lướt của quân đội Nga trong ngày đầu tiên của một chiến dịch quân sự ở U-crai-na không phải là điều gì đó mới mẻ. Trong lần thu giữ Crưm năm 2014, cuộc tấn công vào Gru-di-a năm 2008 và cuộc xâm lược Áp-ga-nít-xtan năm 1979, người Nga đã sử dụng chiến thuật thọc sâu nhanh cùng với đổ bộ đường không và tấn công bằng máy bay trực thăng. Thậm chí trong lần triển khai đầu tiên lực lượng gìn giữ hòa bình tới Cô-xô-vô năm 1998, người Nga đã sử dụng một đòn tiến công thọc sâu nhanh để chiếm giữ sân bay ở thủ phủ Pristina của Cô-xô-vô. Do đó, chiến thuật này rõ ràng là một lựa chọn ưa thích của người Nga và là một chiến thuật mà Lục quân Mỹ và NATO có thể trải nghiệm nếu xung đột nổ ra giữa NATO và Nga.
Quân đội Nga tại Pristina của Cô-xô-vô năm 1998
Đồng thời, chúng ta phải thừa nhận rằng các lực lượng quân sự ngày nay không lớn như thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ nhất, thứ hai hoặc thậm chí chiến tranh Triều Tiên. Các lực lượng quân sự nhỏ hơn nghĩa là ở các khu vực tác chiến rộng lớn, các chiến dịch tuyến tính, liên tục hầu như là không thể. Lục quân Mỹ đã trải nghiệm điều này ở Irắc và Áp-ga-nít-xtan, mặc dù trong những hoàn cảnh ít khốc liệt hơn so với những gì chúng ta đang chứng kiến ở U-crai-na. U-crai-na là một ví dụ về khu vực tác chiến rộng tới mức quân đội của những nước lớn – quân đội Nga, Mỹ, hoặc thậm chí lực lượng của NATO – không thể hình thành một hệ thống tiến công hay phòng ngự tuyến tính, liên tục. Thực tế cho thấy, ngoại trừ tuyến chiến đấu (tuyến tiếp xúc) với các khu vực ly khai ở vùng Luhansk và Donetsk tồn tại trong 8 năm qua, các lực lượng phòng ngự của U-crai-na đã bị tách rời nhau và buộc phải tác chiến độc lập theo những đội hình nhỏ, nhất là trước khả năng tiến công bằng pháo binh và không quân của Nga, Lục quân U-crai-na có nên tập trung lực lượng để tổ chức phản công hay không. Đồng thời, các đơn vị của Nga bố trí cực kỳ phân tán và các đơn vị làm nhiệm vụ bảo đảm bị cô lập và dễ bị tấn công bất cứ nơi đâu phía sau các phòng tuyến phía trước.
Vậy những hàm ý đối với Lục quân Mỹ là gì? Trước hết, Lục quân phải nhận thức được rằng các LSCO trong tương lai sẽ là phi tuyến tính và không liên tục. Hai là, chúng ta phải điều chỉnh học thuyết để cho phép Lục quân Mỹ và lực lượng liên hợp tiến hành hiệu quả hơn với các chiến dịch phi tuyến tính và không liên tục. Ba là, công tác huấn luyện và đào tạo sĩ quan Lục quân phải chuẩn bị cho người chỉ huy, sĩ quan tham mưu, các đơn vị và người lính sẵn sàng tác chiến trong môi trường phi tuyến tính và không liên tục và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Học thuyết Lục quân Mỹ hiện nay không chuẩn bị đầy đủ cho thực tế này. Bản thảo cuối cùng của Điều lệnh Tác chiến 3-0 mới (
Tác chiến) đưa ra rất ít định hướng đối với các chiến dịch phi tuyến tính và phi tiếp xúc, cho dù về mối đe dọa của chiến dịch hoặc về chính chúng ta. Trong khi các khu vực không liên tục chưa được đề cập tới, cách thức Lục quân tác chiến khác với các khu vực tuyến tính, liên tục chưa được giải quyết. Tương tự như vậy, học thuyết cho các quân đoàn, sư đoàn và lữ đoàn ít đề cập tới những chiến dịch như vậy. Ví dụ, Tài liệu kỹ thuật Lục quân 3-92 (
Tác chiến quân đoàn) chỉ đặt vấn đề điều chỉnh vị trí đặt sở chỉ huy cơ bản trong một chiến dịch không liên tục. Chỉ có trong học thuyết trinh sát, vốn gần như luôn luôn phi tuyến tính và không liên tục, những chiến dịch như vậy mới được đề cập tương đối sâu. Ngoài ra, học thuyết tác chiến hiện nay cho các chiến dịch tương lai của Lục quân (
Lục quân Mỹ trong tác chiến đa môi trường vào năm 2028) nhận định rằng các hệ thống phòng thủ của đối phương sẽ là tuyến tính về bản chất và hầu như không đề cập gì tới các chiến dịch phi tuyến tính. Lý do cho điều này là, phương thức tác chiến là xuyên thủng các hệ thống phòng ngự, sau đó chia cắt và khai thác lợi thế từ những khu vực phòng ngự bị xuyên thủng. Trong thực tế, việc mới tái tổ chức sư đoàn Lục quân Mỹ được gọi là sư đoàn thọc sâu. Thọc sâu ám chỉ một hệ thống phòng ngự tuyến tính của đối phương, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy, về mặt học thuyết và khái niệm, Lục quân Mỹ vẫn coi các chiến dịch quân sự quy mô lớn về bản chất là tuyến tính và liên tục.
Nếu Lục quân Mỹ phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn các chiến dịch phi tuyến tính, không liên tục, lực lượng này cần phải thay đổi cách thức xây dựng đội ngũ lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo là người tạo không khí và xây dựng văn hóa cho bất kỳ tổ chức lục quân nào. Các nhà lãnh đạo xác định cách thức tổ chức của họ sẽ điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm mới của chiến tranh. Các nhà lãnh đạo cuối cùng cũng là người chịu trách nhiệm cho mọi vấn đề Lục quân làm được hoặc không làm được. Điều này đòi hỏi người lãnh đạo phải nhận thức được bản chất của chiến dịch phi tuyến tính và không liên tục và tiến hành các bước đi để đưa Lục quân trở thành một lực lượng có thể chiến đấu và chiến thắng trong một môi trường như vậy. Để điều đó xảy ra chúng ta phải đào tạo những nhà lãnh đạo có khả năng nhận thức, hình dung, diễn đạt và chỉ đạo chiến dịch trong một môi trường như vậy. Điều này không thể có được nếu thông qua một lớp học duy nhất ở Trường Chỉ huy và Tham mưu hoặc một giờ hướng dẫn tại khóa học chuẩn bị cho học viên trước khi tham gia Khóa Chỉ huy. Thay vào đó, người lãnh đạo phải được đào tạo ngay từ những khóa học đầu tiên khi họ là sĩ quan hoặc hạ sĩ quan để phát triển trong một môi trường gồm các chiến dịch phi tuyến tính và không liên tục.
Điều đó nghĩa là những bài giảng trên lớp, các cuộc diễn tập trên thực địa thuộc hệ thống giáo dục quân sự chuyên nghiệp và hệ thống phát triển hạ sĩ quan chuyên nghiệp phải tích hợp các nội dung về chiến dịch phi tuyến tính và không liên tục. Tương tự như vậy, các chương trình phát triển lãnh đạo tổ chức và đơn vị phải nhấn mạnh đến chiến dịch phi tuyến tính và không liên tục, cho dù dưới hình thức trinh sát thực địa,nghiên cứu địa hình, hoặc thảo luận học thuật. Việc đào tạo chỉ huy đơn vị và tự đào tạo phải bao gồm những kiến thức về chiến dịch phi tuyến tính và không liên tục, vì thế người chỉ huy được đào tạo cả về lý luận, lịch sử và thực tiễn của các chiến dịch phi tuyến tính và không liên tục. Có lẽ quan trọng nhất là các lãnh đạo cao cấp phải nêu gương bằng cách giúp cấp dưới phát triển nhận thức và áp dụng các chiến dịch của Lục quân vào môi trường phi tuyến tính và không liên tục để đối phó với những kẻ thù có khả năng áp dụng rất tốt những chiến thuật như vậy.
Hiện nay, phần lớn nội dung huấn luyện của Lục quân nhấn mạnh tới các chiến dịch tuyến tính và liên tục. Các WFXs của Lục quân để huấn luyện các sư đoàn và quân đoàn được dựa trên những tình huống mang bản chất tuyến tính và chính diện liên tục, với các khu vực hậu phương được bảo vệ trước các cuộc tiến công lớn. Các tình huống huấn luyện ở Trung tâm Huấn luyện quốc gia ở căn cứ Fort Irwin, bang California và Trung tâm Sẵn sàng chiến đấu liên hợp đa quốc gia ở Hohenfels, Đức đang điều chỉnh cho phù hợp với những gì đang diễn ra ở U-crai-na, nhưng vẫn bao gồm các chiến dịch tuyến tính, liên tục. Thông thường, Trung tâm Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu liên hợp ở căn cứ Fort Polk, bang Louisiana nhấn mạnh tới các chiến dịch phi tuyến tính. Điều này chủ yếu là bởi địa hình và môi trường tác chiến của khu vực huấn luyện, và bởi thực tế rằng các lực lượng được huấn luyện ở đó chủ yếu là bộ binh nhẹ. Cần phải có nhiều mô hình như vậy. Công tác huấn luyện Lục quân Mỹ cần phải điều chỉnh cho phù hợp với những tình huống hiện nay, đó là vừa tuyến tính vừa phi tuyến tính, vừa liên tục và vừa không liên tục nhằm chuẩn bị cho Lục quân trước nhiều loại môi trường tác chiến, nhiệm vụ và mối đe dọa trong tương lai.
..........