1) Xin hiểu đúng về đèn xanh
Hiệu lệnh duy nhất của đèn tín hiệu xanh là “được đi” nên nhiều người nhầm từ “được” với quyền lựa chọn giữa “đi” và “dừng”
Các hành vi trong giao thông phải tương ứng phù hợp với hiệu lệnh, đòi hỏi sự chính xác đến từng nội dung và động tác của hành vi. Từ “được đi” trái nghĩa với “được dừng”, thực hiện 1 hành vi trái với hành vi phải chấp hành thì gọi là không tuân thủ hiệu lệnh
Không tuân thủ hiệu lệnh của đèn tín hiệu xanh được xác định lỗi và xử phạt như thế nào?
Căn cứ khoản 1 điều 9, khoản 1 điều 11 Luật GTĐB, đối tượng của tín hiệu vàng và đỏ không phải chấp hành quy định tại điểm e khoản 4 điều 18, điều 19 Luật GTĐB vì hiệu lệnh của tín hiệu vàng và đỏ mâu thuẫn với quy định này
Trong giai đoạn của tín hiệu xanh, hiệu lệnh của tín hiệu xanh phù hợp với quy định tại điểm e khoản 4 điều 18, điều 19 Luật GTĐB. Phạm vi hiệu lực của tín hiệu xanh ở sau vạch dừng, vì vậy đối tượng dừng xe sau vạch dừng được xác định lỗi theo điểm a khoản 3 điều 10 Luật GTĐB. Mức xử phạt tại điểm l khoản 3 điều 5 NĐ 171 là 700k
Đối tượng dừng xe trước vạch dừng, trong khoảng cách từ 5m đến vạch dừng được xác định lỗi theo điểm e khoản 4 điều 18 Luật GTĐB. Mức xử phạt tại điểm đ khoản 3 điều 5 NĐ 171 là 700k
Đối tượng dừng xe trước vạch dừng, cách vạch dừng quá 5m trở lên được xác định lỗi theo điều 19 Luật GTĐB trong khu vực đông dân cư. Mức xử phạt tại điểm e khoản 3 điều 5 NĐ 171 là 700k
Như vậy, lỗi không tuân thủ hiệu lệnh của đèn tín hiệu xanh đều xác định được trong hầu hết các trường hợp, có tính liên tục từ phía trước vạch dừng đến sau vạch dừng, có cùng 1 mức phạt là 700k
Cản trở giao thông chỉ là hậu quả, là lỗi gián tiếp của hành vi vi phạm hành chính do không tuân thủ hiệu lệnh của tín hiệu xanh gây ra trong trường hợp dừng xe gây tai nạn, tắc đường... mà người bị thiệt hại có bằng chứng về hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra thì đối tượng vi phạm còn bị phạt bổ sung tại điểm c khoản 11 điều 5 NĐ 171, phải bồi thường khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 2 điều 28 Luật xử lý VPHC. Mức bồi thường khắc phục hậu quả có thể lớn hơn gấp nhiều lần mức xử phạt vi phạm hành chính của hành vi vi phạm
Một người lái xe hiểu sai về đèn vàng cho rằng khi tín hiệu vàng bật sáng, anh ta sẽ phải dừng lại được trước vạch dừng, vì anh ta coi đèn vàng như 1 đèn đỏ thứ hai và không dám vượt qua. Tại bất kỳ nút giao nào có đồng hồ của đèn tín hiệu, dựa vào đồng hồ, anh ta sẽ thực hiện dừng xe trong giai đoạn đèn xanh đang sáng
Những người suy nghĩ giống anh ta thuộc nhóm “dư thừa” về thời gian, nhưng cùng là những người hiểu sai đèn vàng, còn phân ra một nhóm nữa gọi là nhóm “tiết kiệm”. Đối với nhóm người này thời gian là tài sản quý giá, là quyền lợi chính đáng, họ sẽ tranh thủ vài giây cuối của tín hiệu xanh để nhấn ga tăng tốc, thậm chí tăng tốc độ ngay từ xa nếu như họ phát hiện ra thời gian đèn xanh còn nhiều, miễn làm sao vượt qua được vạch dừng trước khi đèn vàng bật sáng
Cả hai nhóm “dư thừa” và “tiết kiệm” đều hiểu sai về đèn vàng, là hậu quả sau khi họ đã hiểu sai về đèn xanh! Thay vì thực hiện nguyên tắc đồng tốc để giữ khoảng cách đều giữa các xe đi qua nút giao trong thời gian đèn xanh, 2 nhóm thực hiện các hành vi phá vỡ sự ổn định dòng lưu thông: dừng xe hoặc tăng tốc độ. Sự xung đột về hành vi giữa 2 nhóm làm gia tăng nguy cơ va chạm và xảy ra tai nạn
Coi đèn vàng là đèn đỏ thứ 2, không có nghĩa mất đi thời gian lưỡng lự, bối rối trong tính toán để quyết định đi hay dừng, 2 nhóm trên chỉ thuần túy đưa thời gian của đèn vàng vào ngay giai đoạn của đèn xanh mà thôi
Hiểu đơn giản, hiệu lệnh “dừng lại” được tự ý thêm vào và trở thành hiệu lệnh thứ 2 của đèn xanh
Anh ta tự đặt ra nguyên tắc dừng 3 giây lấy từ công thức tính khoảng cách dừng xe trước chướng ngại vật, thuộc nhóm “dư thừa” nên anh ta coi nút giao như chướng ngại vật và cứ cách vạch dừng một đoạn đủ dài cho 3 giây dừng lại là anh ta thực hiện, bất kể đèn tín hiệu là màu nào. Đối với anh ta, chúng đều có hiệu lệnh “dừng lại”. Nhờ có đồng hồ đếm ngược, ai học theo nguyên tắc 3 giây của anh ta cũng thừa khả năng dừng lại được trước vạch dừng với tốc độ tối đa 25km/h, nguyên tắc này hoàn toàn có cơ sở
Tiếc cho anh ta, các nhà thiết kế thời gian đèn tín hiệu lại tính thời gian giải phóng nút giao bao gồm cả đi và dừng, khác với nguyên tắc dừng 3 giây. Công thức tính thời gian cho tín hiệu vàng là 1 hàm nhiều biến, mục đích thiết kế thời gian đèn vàng để làm sao giảm thiểu tối đa tổn thất thời gian và tổn thất năng lực thông hành, mang ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động an toàn và hiệu quả của một nút giao có tín hiệu
Để mỗi người thiếu chuyên môn như anh ta tự thiết kế thời gian đèn vàng cho bản thân dựa trên các con số của đồng hồ đèn tín hiệu xanh sẽ thiếu sự chính xác, hiệu lệnh không xuất hiện thống nhất tại cùng một thời điểm. Chưa có công trình khoa học nào chứng minh được người lái xe tự đặt ra thời điểm xuất hiện hiệu lệnh sẽ an toàn và hiệu quả hơn hiệu lệnh thống nhất do các nhà thiết kế thời gian đèn tín hiệu tính toán
Ngược lại, nếu tính thêm các trường hợp gặp khó khăn phân biệt các con số liên tục ẩn hiện so với phân biệt màu sắc vào trong cả 2 nhóm “dưa thừa” và “tiết kiệm”, thì các hành vi chấp hành hiệu lệnh không thống nhất càng gây ra sự hỗn loạn, rất nguy hiểm đối với giao thông. Thiệt hại về sinh mạng và tài sản cần thống kê cụ thể, nhưng thiệt hại về thời gian có thể tạm tính ngay ra được nếu như tất cả mọi người tham gia giao thông đều hiểu sai về đèn xanh và đèn vàng
Giả sử mỗi ngày có 500k lượt phương tiện đi qua nút giao có đèn tín hiệu, đặt thời gian tối thiểu cho đèn vàng là 3 giây như trong tiêu chuẩn, thời gian đèn vàng sáng các phương tiện ở tất cả các hướng không đi vào nút giao. Tính đơn giản mỗi ngày xã hội mất 416,7 giờ công lao động của 52 người, một năm xã hội mất 152.095 giờ công lao động của 19.011 người, thiệt hại và lãng phí nguồn lực của xã hội không hề nhỏ
2) Xin hiểu đúng về đèn đỏ
Tưởng chỉ có những người hiểu sai về đèn xanh và đèn vàng, ít ai ngờ rằng chính những người này lại góp phần thúc đẩy những người khác hiểu sai về đèn đỏ. Khoảng trống thời gian lãng phí mà những người hiểu sai về đèn xanh và vàng tạo ra khiến những người đang chờ đèn đỏ ở hướng khác nôn nóng, họ sẽ tranh thủ tận dụng khoảng trống để sớm xuất phát đi vào nút giao khi đèn đỏ còn vài giây cuối cùng. Những người này thuộc nhóm “cơ hội”
Tình trạng phổ biến đến nỗi nhiều nơi, người ta vẫn đi sớm vào nút giao khi đèn đang đỏ bất chấp sự có mặt của lực lượng chức năng và dường như nhận được sự cảm thông của lực lượng này. Hiếm có trường hợp nào bị xử phạt vì lỗi vượt đèn đỏ do xuất phát sớm, mặc dù rất xứng đáng bị phạt do ý thức kém, ở trạng thái đứng yên họ không phải chịu áp lực rủi ro về tình huống bất ngờ, cấp thiết, bất khả kháng như các phương tiện ở hướng di chuyển
Một nhóm hiểu sai về đèn đỏ nữa cũng có tên là “tiết kiệm”, thời gian đối với họ vô cùng quý giá. Nếu quan sát được thời gian đèn đỏ còn nhiều, họ sẽ tận dụng khoảng thời gian nhàn rỗi này để sử dụng cho những việc cá nhân: đọc tin nhắn, xem một đoạn phim, bắt đầu say sưa câu chuyện với người ngồi cùng xe, mải ngắm cô nàng nào đó trên đường... để rồi mất tập trung giao thông, đèn xanh đã bật sáng mà quên chưa chịu nhúc nhích
Tất cả những người hiểu sai về đèn tín hiệu tùy mức độ đều có nguy cơ cao tạo ra xung đột giao thông tại các nút giao lên cấp số nhân, gây nguy hiểm đối với chính bản thân những người thuộc các nhóm trên và cả những người hiểu đúng về đèn tín hiệu
3) Nguyên nhân nào dẫn đến hiểu sai về đèn tín hiệu?
Một người hiểu sai về đèn tín hiệu sẽ ở trong một, hai hoặc cả 3 nhóm trên tùy từng tình huống cụ thể. Chiếm đa số là hai nhóm “tiết kiệm” và “cơ hội”, về bản chất họ có thể là bất kỳ ai trong số chúng ta, là những người hoàn toàn bình thường về mặt trí tuệ và hành vi. Trong mỗi người đều có xu hướng tâm lý tối đa hóa lợi ích khi bị buộc phải tính toán lựa chọn theo bản năng tự nhiên, sẽ chọn cái dễ nhìn thấy nhất, dễ lấy nhất, và đồng hồ là công cụ hoàn hảo để tính toán thu được lợi thời gian
Ví dụ trong giao thông hàng không, tổ lái cần giữ những thông tin chuyên môn để bình tĩnh xử lý, không được cho hành khách biết vì nếu để họ biết thì phản ứng của hành khách có thể quá sớm do tâm lý hoảng loạn dẫn đến mất kiểm soát máy bay
Quan sát tập trung vào từng chữ số thay đổi trên đồng hồ đếm ngược sẽ xuất hiện tâm lý gấp gáp, vội vàng... như sắp sửa hết, kết thúc, tạm gọi là “hiệu ứng đồng hồ cát”. Hiệu ứng tâm lý này tác động mạnh lên những người yêu thích thể thao, những người chịu áp lực về thời gian... Mỗi lần con số nhảy nhót giảm dần như mỗi lần ra hiệu lệnh thúc dục, cùng với cố gắng tính toán có lợi về thời gian sẽ dẫn đến cảm nhận sự chênh lệnh rút ngắn thời gian vận động sinh học bên trong cơ thể, thông tin này tác động vào trí não thành phản xạ có điều kiện ra lệnh phải thực hiện sớm hành vi
Ngoài ra đồng hồ đếm ngược còn gây ra tâm lý chủ quan, thiếu tập trung khi ngay từ ban đầu người lái xe đã định lượng được thời gian còn lại và tranh thủ sự chú ý sang việc khác
Video minh họa xuất phát sớm, vượt đèn đỏ:
Chưa có nghiên cứu khoa học đánh giá đầy đủ về tác dụng và tác hại của đồng hồ tín hiệu đếm ngược trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cũng như chưa có một tiêu chuẩn kỹ thuật nào. Đồng hồ đếm ngược lắp đặt tràn lan như hiện nay có nhiều lý do, nhưng cốt lõi phải chăng là vì lợi ích cá nhân và sự vô trách nhiệm với xã hội? Sau đây là vài chiêu trò gian lận đã được nhận diện:
- Thứ nhất, rút ngắn thời gian của đèn vàng so với tiêu chuẩn
Theo tiêu chuẩn 22 TCN 273-01, đặt thời gian tối thiểu đèn tín hiệu vàng sáng phải từ 3 giây trở lên, tùy thuộc vào vận tốc, gia tốc, chiều dài xe quy đổi, chiều rộng nút giao... mà tăng thời gian đèn vàng lên cho phù hợp. Vậy mà hầu hết đèn tín hiệu vàng hiện nay có thời gian không quá 3 giây, đa phần trong số này đều có thời gian trên dưới 2 giây, nhiều nơi hỏng, thậm chí không có thời gian đèn vàng. Không khó để kiểm tra gian lận thời gian bằng cách sử dụng smartphone quay video đèn vàng, ứng dụng đồng hồ bấm giây, đồng hồ điện tử đeo tay có chức năng bấm giây...
Rút ngắn thời gian của đèn vàng dẫn đến khó chấp hành đèn vàng, hậu quả là dễ bị vi phạm vượt đèn đỏ hoặc xảy ra tai nạn. Chỉ vì muốn thu được nhiều tiền xử phạt mà những kẻ vô đạo đức sẵn sàng rút ngắn thời gian đèn vàng bất chấp thiệt hại về sinh mạng con người và tài sản, hậu quả gây ra có thể còn hơn cả nạn trộm cướp đường phố. Tùy vào mức độ ít hay nhiều, đây là mánh khóe có ở mọi quốc gia
Tuy nhiên, khác biệt là về sự minh bạch, nơi nào người dân có được tiếng nói thực sự mà đại diện của họ tại quốc hội không phải là dạng kiêm nhiệm cơ quan đoàn thể, vừa đá bóng vừa thổi còi... thì trò gian lận sẽ khó phát triển hơn
Hai đoạn video này đã tố cáo gian lận thời gian đèn vàng để kiếm lợi của chính quyền gây nguy hiểm cho giao thông, vụ việc được đưa lên truyền hình:
Một người phát hiện thời gian đèn vàng đặt 2,8 giây không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, theo người này phải đặt thời gian ít nhất là 4 giây:
- Thứ hai, rút ngắn thời gian của đồng hồ đếm ngược so với thời gian thực
Ở nơi tiếng nói của dân không được lắng nghe, sự xuất hiện đồng hồ đếm ngược như 1 phao cứu sinh giúp họ xác định được thời gian để bù đắp vào thời gian bị thiếu hụt của đèn vàng, tức là dừng xe sớm hơn khi đèn xanh còn khoảng 2-3 giây
Người lái xe thuộc nhóm “dư thừa” không hẳn là dư thừa thời gian hay tiền bạc, bản chất anh ta có thể cũng giống như những người khác, thậm chí tính toán cân đong lợi ích rất chi li. Biết được trò gian mà bất lực không thể xử lý thì phải tìm cách đối phó khác, đồng hồ đếm ngược chính là công cụ sẽ giúp anh ta tránh lọt vào bẫy của bộ máy quan liêu tham nhũng và không bị mất thêm nhiều thời gian bị làm phiền
Tuy vậy, chỉ nhìn thấy một mặt có lợi của đồng hồ đếm ngược là đối phó với gian lận thời gian, có thể dẫn đến bệnh cuồng đồng hồ và đặt niềm tin mù quáng vào đồng hồ, dẫn đến suy nghĩ cực đoan về đèn tín hiệu. Ở những nút giao có đồng hồ, nguyên tắc dừng 3 giây liệu có trở thành cứu cánh giúp mọi người không lọt vào bẫy rút ngắn thời gian đèn vàng?
Câu trả lời là không giúp được gì! Đơn giản thôi, ví dụ mỗi lần nhảy số trên đồng hồ tín hiệu xanh, chỉ cần bớt đi 0,3 giây ở mỗi số thì khi nhìn thấy số 3 trên đồng hồ, thực chất tổng số còn lại chỉ là 2,1 giây theo thời gian thực. Tức là thời gian nhảy số sẽ nhanh lên, nguyên tắc 3 giây chết thảm ngay lập tức
Đây là video bằng chứng minh họa cho phân tích trên, đèn đỏ có số 0 và vẫn có thời gian, đèn xanh không có số 0 và không có đèn vàng:
Còn đây là
thí nghiệm nhẹ nhàng liên quan thời gian phản ứng của đèn vàng, từ lúc hiệu lệnh xuất hiện đến lúc nhận được và phản ứng cần ít nhất là 0,2 giây:
Một mũi tên trúng 2 đích, vừa ăn được phần trăm tiền đầu tư đồng hồ đếm ngược do “nhu cầu cấp bách” của người dân?! vừa giăng ra một cái bẫy tinh vi hơn để người dân tiếp tục vi phạm mà không biết được nguyên nhân. Vì vậy mà các quốc gia có tỷ lệ tham nhũng cao rất ưa chuộng sử dụng đồng hồ tín hiệu, dễ che đậy vỏ bọc bằng những mỹ từ: vì an toàn giao thông và những lý do tốt đẹp khác, nhưng thực chất bên trong là thúc đẩy gia tăng vi phạm và mất an toàn như đã phân tích về mặt trái của đồng hồ ở phần 1 và 2. Ý thức giao thông càng đi xuống, những kẻ tham nhũng càng hưởng lợi
Tóm lại, hiểu sai về đèn vàng nói riêng cũng chính là do hiểu sai về đèn tín hiệu nói chung. Nguyên nhân là do những kẻ tham nhũng muốn gây ra tình trạng luật pháp không rõ ràng để lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, chúng thừa hiểu rằng chừng nào quốc hội còn là bù nhìn thì những việc làm xấu xa của chúng chưa bị trừng phạt
Bài hơi nặng phân tích, đã hứa với cụ Thuy_CK chỉ gọn trong 1 còm nên nhà em vẫn để ở đây
Video về tình huống va chạm đèn vàng với đèn đỏ, ngay ở nước phát triển luật rõ ràng vẫn có người hiểu sai về đèn vàng: