Vua Việt Nam từ thời nhà Đinh dựng nước đến Bảo Đại đều xưng là Hoàng đế mợ ạ, nhưng là trong nội bộ hoặc là với các nước nhỏ yếu và/hoặc xa xôi, đồng thời vẵn nhận sắc phong tước vương của Trung Quốc (có lẽ đến hết thời Tự Đức, còn sau đó bị Pháp chiếm rồi thì xưng là gì cũng không còn quan trọng nữa), đầu tiên là quận vương (Giao Chỉ quận vương), tức là chỉ là vua ở cấp quận (tất nhiên khái niệm quận ngày xưa khác), về sau mới được nâng lên thành quốc vương. Cách làm này có lẽ bắt nguồn từ thời Triệu Đà, xưng đế, rồi nhận sắc phong của nhà Hán, bỏ đế hiệu khi đối ngoại, nhưng trong nội bộ vẫn xưng đế.
Tham khảo sang hai quốc gia đồng văn khác của Việt Nam là Triều Tiên và Nhật Bản. Từ thời cổ đại (Tam Quốc, nhà Cao Ly rồi đến nhà Triều Tiên), vua Triều Tiên chỉ xưng vương và nhận sắc phong từ Trung Quốc. Đến năm 1897, nhà Triều Tiên mới đổi thành Đại Hàn Đế quốc, vua trở thành Hoàng đế, không chấp nhận sắc phong từ Trung Quốc nữa, nhưng lúc đó Triều Tiên đã nguy ngập và chỉ vài năm sau là bị Nhật Bản chiếm, tính ra chỉ có hai đời xưng đế là Triều Tiên Cao Tông và Triều Tiên Thuần Tông (từ 1897 đến 1910).
Trong khi đó, Nhật Bản luôn xưng đế và coi mình ngang hàng với Trung Quốc, chưa bao giờ chấp nhận sắc phong từ Trung Quốc.
Còn một số quốc gia khác như Hung-nô, Mông Cổ, Trung Á và Nam Á cũng có chấp nhận sắc phong từ Trung Quốc nhưng văn hóa của họ khác nên không bàn ở đây.