*Chuyện vui lịch sử: chương trình vũ trụ của Zambia!
Có lẽ nhiều người còn chưa nghe đến tên đất nước Zambia. Thì đây, đó là một nước ở phía Nam Châu Phi, nằm phía dưới CHDC Congo. Quốc gia này lúc trước có tên là Bắc Rhodesia, thuộc một liên bang thuộc địa của người Anh cùng với Zimbabwe và Malawi ngày nay. Năm 1964, Bắc Rhodesia giành độc lập, đổi tên thành Zambia, tổng thống Kenneth Kaunda thân Liên Xô đã lãnh đạo Zambia trở thành nước thuộc khối Xã hội chủ nghĩa cho đến tận năm 1990.
Tuy nhiên, đất nước nghèo khó này lại là nước thứ 3, chỉ sau 2 siêu cường Liên Xô và Mỹ, có chương trình chạy đua vào không gian trong Chiến tranh Lạnh. Câu chuyện tưởng như điên rồ này lại hoàn toàn có thật vào những năm 60 thế kỷ trước. Dĩ nhiên là nó không thành công, nhưng ít nhất là đã được thực hiện một cách nghiêm túc và nỗ lực. Người đề xuất chương trình này, Edward Makuka Nkoloso, là một nhân vật thực sự có tài và rất nổi tiếng của đất nước Zambia.
Edward Mukuka Nkoloso được sinh ra vào năm 1919, ở phía bắc của Bắc Rhodesia thuộc Đế quốc Anh. Nkoloso gia nhập quân đội thuộc địa Ạnh khi lớn lên. Ông được cho là có một trí óc phi thường, tò mò và bản tính năng động, hiếm có đối với một người gốc Zambia. Ông chiến đấu trong quân đội Anh, thuộc trung đoàn Rhodesia trong thế chiến 2, một trung đoàn chiến đấu ở những mặt trận xa xôi từ Somali, Madagascar, Trung Đông cho tới Miến Điện.
Không tìm thấy vinh quang quân sự trên chiến trường, vào cuối cuộc chiến, Edward Mukuka Nkoloso xuất ngũ với tư cách là một trung sĩ và bắt đầu tìm kiếm chính mình trong cuộc sống dân sự. Ông đã thay đổi nhiều công việc khác nhau từ giáo viên, quan chức, đến chính trị gia đấu tranh cho sự độc lập của quê hương, và thậm chí bị chính quyền Anh bắt giữ vì tham gia bạo động.
Nhưng khi quốc gia độc lập năm 1964, không khó khăn để người ta nhận ra tài năng của Edward Mukuka Nkoloso. Ông nhanh chóng được Tổng thống Kenneth Kaunda mời vào chính quyền mới, và không do dự trao cho ông chức Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học, Nghiên cứu Vũ trụ và Triết học Quốc gia Zambia. Ông trở thành một người không chỉ nổi tiếng, mà còn được tôn trọng trên khắp đất nước Zambia.
Chỉ có điều, Nkoloso có tham vọng lớn hơn nhiều so với những gì ông có, thậm chí có thể nói là không tưởng: Đưa người Zambia lên vũ trụ, cạnh tranh với Mỹ và Liên Xô.
Từ những năm 1960, trên báo đài người ta thường thấy những tin tức về những chương trình tham vọng của Liên Xô và Mỹ nhằm đưa người lên không gian. Tất nhiên vào năm đó chưa nước nào thành công. Nhưng với Edward Mukuka Nkoloso, đọc được những tin tức này làm ông ta quyết định khởi động một chương trình đầy tham vọng, nhằm đưa Zambia vượt 2 quốc gia này trở thành nước dẫn đầu vào vũ trụ. Thậm chí còn xa hơn, ông còn muốn đưa người Zambia gồm 1 cô gái, 2 con mèo và 1 nhà truyền giáo lên Sao Hỏa. Chưa hết, còn muốn thuộc địa hóa Sao Hỏa và truyền đạo Thiên chúa cho cư dân sao Hỏa (thời đó người ta còn chưa biết sao Hỏa có sự sống không?).
Giống như Liên Xô và Mỹ, lần lượt tạo ra 2 thuật ngữ ''kosmonaut'' và ''Astronaut'', để không ''đụng hàng'', Nkoloso tự tạo cho mình thuật ngữ ''afronauts'' (có nghĩa là ''nhà du hành vũ trụ châu Phi'').
Câu chuyện tưởng như đùa nhưng thực sự Nkoloso đã thực hiện nó một cách nghiêm túc.
Từ năm 1960 cho đến khoảng năm 1969, chương trình này đã tìm cách phóng tên lửa gửi một cô gái tên Matha Mwambwa, 17 tuổi và hai con mèo lên Mặt trăng. Ngoài ra còn có kế hoạch cho một chuyến đi đến sao Hỏa. Nkoloso hy vọng sẽ đánh bại các chương trình không gian tương ứng của Hoa Kỳ và Liên Xô ở đỉnh cao của Cuộc đua không gian.
Để huấn luyện các phi hành gia, Nkoloso đã thiết lập một cơ sở tạm thời ở một trang trại bỏ hoang cách Lusaka 11 km (7 dặm), nơi các thực tập sinh sẽ được lăn xuống một ngọn đồi gồ ghề trong một thùng dầu 200 lít. Điều này, theo Nkoloso, sẽ huấn luyện những người du hành trong cảm giác không trọng lượng trong việc du hành vũ trụ. Ngoài ra, họ đã sử dụng xích đu lốp để mô phỏng tình trạng không trọng lượng.
Nkoloso tuyên bố các mục tiêu của chương trình là truyền bá Kitô giáo cho người sao Hỏa "nguyên thủy" và hy vọng Zambia trở thành "người điều khiển Thiên đường thứ bảy của không gian giữa các vì sao". Tuy nhiên, ông đã chỉ thị cho nhà truyền giáo trong chương trình không gian ''không ép buộc Kitô giáo đối với cư dân sao Hỏa bản địa''.
Tên lửa, được đặt tên là D-Kalu 1, là một con tàu hình trống 3 mét, được đặt theo tên của tổng thống đầu tiên của Zambia, ông Kenneth David Kaunda. "Tên lửa'' được làm bằng nhôm và đồng, làm hết sức đơn giản. Ngày ra mắt tên lửa dự kiến là vào ngày 24 tháng 10 năm 1964, Ngày Độc lập của Zambia và sẽ diễn ra từ Sân vận động Độc lập ở thủ đô Lusaka.
Người ta nói rằng Nkoloso đã yêu cầu UNESCO tài trợ 7.000.000 bảng Anh để hỗ trợ cho chương trình không gian của mình. Người ta cũng nói rằng ông cũng đã xin viện trợ 1,9 tỷ đô la Zambia từ "nguồn tư nhân". Tuy nhiên, Bộ Năng lượng, Giao thông vận tải và Truyền thông của Zambia đã nêu rõ rằng những yêu cầu này không được chấp nhận.
Nhưng khó khăn về chi phí và kỹ thuật không phải trở ngại duy nhất với tham vọng của Nkoloso. Sự vô kỷ luật ở ''trung tâm nghiên cứu'' của Nkoloso đã dẫn đến việc nghiên cứu không hiệu quả. Có quá nhiều cuộc quan hệ diễn ra giữa các học viên, cuối cùng dẫn đến Matha Mwambwa, phi hành gia 17 tuổi của ông có thai và buộc phải từ bỏ chương trình không gian. Dĩ nhiên nhiều người tỉnh táo nhanh chóng nhận ra sự vô lý của ý tưởng đưa người Zambia lên vũ trụ. Nhiều người chỉ trích Nkoloso và nói ông bị điên. Chính phủ Zambia đã cố gắng tránh xa dự án của ông.
Dự án cuối cùng thất bại, nhưng Nkoloso vẫn đổ lỗi cho ''yếu tố nước ngoài'' đã phá hoại dự án của ông. Theo đó, ông đổ lỗi cho các điệp viên Liên Xô và Mỹ đã ngăn cản Zambia tiến lên với chương trình vũ trụ. Tất nhiên điều này là vô căn cứ, bởi với điều kiện thực tế của đất nước Zambia, chương trình này không có cơ may thành công nào.
Tuy nhiên, tham vọng không gian đổ vỡ không đồng nghĩa với thất bại cho bản thân Nkoloso. Với tài năng thực sự, ông sống tiếp cuộc sống sau đó với cống hiến trong nhiều cơ quan chính phủ Zambia, nhất là ngành Luật và là một trong những nhân vật thân cận của Tổng thống Kenneth Kaunda. Ông còn cống hiến cho Liên Xô cũng như quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Zambia. Thậm chí vào năm 1985, ông còn nhận được ''Huân chương 40 năm Chiến tranh Vệ Quốc của Liên Xô'', là người châu Phi duy nhất nhận được huân chương này. Cùng nhận với ông có Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái của QĐND Việt Nam.
Edward Makuka Nkoloso kết thúc cuộc đời trong vinh quang vào năm 1989. Sau khi mất, ông được phong làm Đại tá quân đội, an táng với nghi lễ cho nguyên thủ quốc gia. Ngày nay ở Zambia, Edward Makuka Nkoloso vẫn là một nhân vật được tôn trọng.
Nhưng ngày nay, người ta lại lật lại chương trình không gian bị bỏ quên của Edward Makuka Nkoloso như một trò đùa phổ biến trên Internet về sự ảo tưởng của các quốc gia nhỏ. Nhưng dù sao, nó cũng có thể coi như một phần hài hước nhỏ xen lẫn vào cuộc đời của ông.