[Funland] Lịch sử Dẫn đường Không quân

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Như vậy, trong đợt hoạt động mở màn này, tuy không quân ta hoạt động tại các khu vực quen thuộc và số lần xuất kích không nhiều, nhưng các kíp trực ban dẫn đường: Hoàng Ngọc Hớn-Dương Ngoạn, Đỗ Duy Đản-Nguyễn Văn Nhâm tại sở chỉ huy và Đào Văn Phao-Dư Văn Thắng trên hiện sóng đều cùng nhau nỗ lực chuẩn bì chu đáo từng phương án dẫn đường, tính toán số liệu chính xác, hiệp đồng dẫn đường tỉ mỉ và khi thực hành cả dẫn đường và phi công đều không để xảy ra bất kỳ một sai sót nào.

Ngày 25 tháng 9 năm 1978, địch tăng cường thêm lực lượng cho hai sư đoàn bộ binh 1 và 5, trong đó có các loại pháo phòng không 12,7, 14,5 và 37mm. Chúng tổ chức kìm chân Quân đoàn 4 không cho vào Prasot, đồng thời mở hướng tiến công xuống phía Mộc Hóa và dự tính trước ngày 1 tháng 10 năm 1978 sẽ đẩy lùi quân ta ra khỏi các vị trí mà chúng đã chiếm được từ đầu tháng 7 năm 1978. Sư đoàn 372 tiếp tục đưa F-5 vào đánh và có sử dụng thêm RF-5 để trinh sát đường không. Căn cứ vào ý định chiến đấu của sư đoàn bạn, các thủ trưởng trực chỉ huy Trung đoàn 935: Nguyễn Văn Nghĩa và Phan Minh Thành tổ chức đánh hai đợt, mỗi đợt cách nhau 3 giờ. Kíp trực ban dẫn đường: Hoàng Ngọc Hớn và Đỗ Duy Đản tại sở chỉ huy, Đào Văn Phao và Dư Văn Thắng trên hiện sóng tại C-51 phối hợp cùng nhau dẫn F-5 đánh theo kế hoạch.


Đợt 1 ta hoạt động từ 12 giờ 40 đến 15 giờ 03 phút, 5 đôi F-5 đánh 3 mục tiêu: E6 (đông-đông nam Prasot 4,5km, dọc theo Đường 1), E1 (Prasot) và E3 (bắc-tây bắc Prasot 6km), đường bay: Biên Hòa-Phú Cường-Gò Dầu Hạ-mục tiêu-Biên Hòa, hướng công kích 160 độ. 3 đôi bay: Lê Khương-Nguyễn Văn Nhượng, Ngô Duy Tuân-Nguyễn văn Ớt và Dương Đình Nghi-Nguyễn Văn Kháng tập trung đánh vào E6, đôi bay: Nguyễn Thanh Xuân-Nguyễn Văn Nuôi đánh E1 và đôi bay: Phạm Hy - Phạm Văn Đức đánh E3. Cùng hoạt động trong đợt này, từ 14 giờ 14 đến 14 giờ 54 phút, phi công RF-5: Hoàng Hữu Hiền bay trinh sát theo đường bay: Biên Hòa-Phú Cường-Tây Ninh-E1- E3-Biên Hòa. Khi đến đến mục tiêu, phi công thực hiện chụp ảnh từ độ cao 3.000 feet với tốc độ 420 knot, rồi về hạ cánh. Đợt 2 được tiến hành từ 15 giờ 20 đến 15 giờ 59 phút, 2 đôi F-5 đánh 2 mục tiêu: V6 (đông-đông bắc Lò Gạch 12,5km) và V2 (đông bắc Lò Gạch 11km), đường bay: Biên Hòa-Phú Cường-Mộc Hóa-mục tiêu-Biên Hòa, hướng công kích 190 độ. Các đôi bay Khương-Nhượng đánh V6 và Xuân-Nuôi đánh V2.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Trong trận này, hai đường bay chi viện hỏa lực và một đường bay trinh sát do dẫn đường đề xuất đều đáp ứng yêu cầu chiến thuật, phát huy được yếu tố bất ngờ. Tại E6, địch bị thiệt hại nặng cả về sinh lực và vũ khí, trang bị; tại E1, 1 sở chỉ huy tiểu đoàn bị phá huỷ và tại V6, 2 đại đội bộ binh bị tiêu diệt. Tuy nhiên, khi vào công kích E3, do phi công nhận dạng nhầm mục tiêu, nên bom đã rơi xuống vị trí cách E3 khoảng 4km về phía đông bắc, nơi có lực lượng bộ binh của ta. Đây là một sai lầm rất nghiêm trọng trong chi viện hỏa lực. Ngoài ra, lần đầu tiên dung RF-5 trinh sát chụp ảnh, nên kết quả còn thấp, nhưng nguyên nhân chính là do chuẩn bị không kỹ cả về cách bay và cách dẫn.

Ngày 26 tháng 9 năm 1978, F-5 được giao đánh 3 mục tiêu V3 (đông bắc Lò Gạch 18,5km), E9 (bắc-tây bắc Svay Riêng 8km) và E10 (bắc-tây bắc Svay Riêng 4,5km). Căn cứ vào yêu cầu của nhiệm vụ và tính chất của mục tiêu, trung đoàn đã phân chia sử dụng F-5 như sau: Đợt 1, cho 2 đôi đánh V3, 3 đôi đánh E9 và đợt 2, cho 2 đôi đánh E10. Dẫn đường đề nghị chỉ dùng đường bay xuống phía Mộc Hóa như hôm trước, nhưng từ Mộc Hóa đến mục tiêu ta không bay ở độ cao 10.000 feet mà giữ 15.000 feet để đề phòng hỏa lực phòng không 37mm của địch, sau khi thấy tốt mục tiêu sẽ giảm ngay độ cao và tốc độ, rồi vòng phải vào bổ nhào xuống mục tiêu. 7 giờ 50 phút, sở chỉ huy Trung đoàn 935 vào cấp 1 và cho mở ra-đa. Kíp trực ban dẫn đường: Nguyễn Văn Nhâm-Dương Ngoạn tại sở chỉ huy, Đào Văn Phao - Dư Văn Thắng trên hiện sóng vào vị trí công tác. Thứ tự cất cánh đánh V3: 8 giờ 39 phút, đôi bay: Ngô Duy Tuân-Mai Văn Sách và 5 phút sau, đôi bay: Nguyễn Thanh Xuân-Nguyễn Văn Ớt; đánh E9: 9 giờ 07 phút, đôi bay: Nguyễn Văn Nhượng-Nguyễn Văn Kháng, 9 giờ 13 phút, đôi bay: Nguyễn Hữu Lâm-Đỗ Viết Nhã và 9 giờ 17 phút, đôi bay: Phạm Hy-Phạm Văn Đức. Đợt 2, đánh E10: Đôi bay: Dương Đình Nghi-Nguyễn Văn Nuôi cất cánh lúc 13 giờ 05 phút và đôi cuối cùng: Ngô Duy Tuân- Nguyễn Văn Kháng, 13 giờ 10 phút, rời đường băng Biên Hòa. Những sai lầm và thiếu sót của hôm trước đã cơ bản được khắc phục, F-5 hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


Tháng 9 năm 1978, căn cứ vào mệnh lệnh tác chiến của Quân chủng Không quân, để tăng cường lực lượng chiến đấu bảo vệ và giữ yên biên giới Tây Nam của Tổ quốc Trung đoàn 925 nhận nhiệm vụ cơ động chuyển sân Mig-19 từ Phù Cát vào Biên Hòa. Kế hoạch bảo đảm dẫn đường kịp thời được triển khai ngay ở tất các đơn vị có liên quan trên toàn tuyến cơ động chuyển sân. Đội ngũ dẫn đường sở chỉ huy nhanh chóng lên đường: 2 trợ lý dẫn đường của Sư đoàn 370 là Đỗ Long và Phạm Tân Thuần được bổ sung cho ban Dẫn đường Sư đoàn 372 và 2 trợ lý dẫn đường của Trung đoàn 925 là Hà Văn Bền và Trần Văn Quang vào Biên Hòa phối hợp với Tiểu ban Dẫn đường Trung đoàn 935 để cùng thực hiện dẫn MIG-19 làm nhiệm vụ. Như vậy, công tác bảo đảm dẫn đường ở Biên Hòa ngày càng trở nên phức tạp và nặng nề hơn vì tại đây ngoài F-5 còn có cả MiG-21, MiG-17 và MiG-19. Đây chính là một trong những mốc lịch sử rất quan trọng của Tiểu ban Dẫn đường Trung đoàn 935: Một tiểu ban được đảm nhiệm dẫn tất cả các kiểu loại máy bay tiêm kích có trong trang bị của Không quân nhân dân Việt Nam tham gia chiến đấu trên chiến trường Tây Nam, trong đó dẫn đánh mục tiêu trên mặt đất là nhiệm vụ trung tâm, dẫn yểm hộ, sẵn sàng đánh mục tiêu trên không là nhiệm vụ quan trọng.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Trong khoảng thời gian tháng 10 và 11 năm 1978, tình hình chiến sự trên biên giới Tây Nam tạm lắng. Đây là dấu hiệu rất bất thường. Đến đầu tháng 12, một số đơn vì tinh nhuệ của địch bắt đầu đánh vào nhiều vị trí trọng yếu của ta. Tiếp sau đó, bọn ********* Khơ-me đỏ liều lĩnh điều động 19 sư đoàn trong tổng số 24 sư đoàn của chúng áp sát biên giới Việt Nam, bộc lộ rõ ý đồ dùng sức mạnh quân sự, tiến công quy mô lớn, đánh chiếm một số tỉnh biên giới, làm bàn đạp tiến công sâu vào nội địa nước ta. Tình hình biên giới Tây Nam trở nên cực kỳ căng thẳng. Toàn bộ mọi động thái của địch đều được ta theo dõi, phân tích và đánh giá rất nghiêm túc và toàn diện.

Để thực hiện quyết tâm tác chiến bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế và khôi phục tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam - Cam- pu-chia, đồng chí Lê Trọng Tấn - Tư lệnh Mặt trận Tây Nam trực tiếp giao nhiệm vụ cho Quân chủng Không Quân. Ta sử dụng lực lượng của 3 quân khu, 3 quân đoàn và một phần lực lượng của Quân chủng Không quân và Hải quân phối hợp hiệp đồng với lực lượng cách mạng của bạn, mở chiến dịch đánh trả mạnh mẽ, tranh thủ thời cơ thuận lợi tiến hành phản công quyết liệt, tạo mọi điều kiện chuyển sang tiến công chiến lược, tiêu diệt lực lượng vũ trang, đánh đổ tập đoàn ********* Khơ-me đỏ Pôn-pốt Iêng-xa-ry, giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Mọi công tác chuẩn bị phải được tiến hành thật chu đáo, đầy đủ, hết sức bí mật và nhanh chóng để chiến dịch Tây Nam có thể bắt đầu vào ngày 23 tháng 12 năm 1978.

Công tác chuẩn bị cho chiến dịch được Quân chủng tổ chức triển khai đồng bộ và nhịp nhàng từ trên xuống dưới, từ cơ quan đến đơn vị. Ngoài các tin tức về địch do cấp trên thường xuyên thông báo xuống, kết quả trinh sát điện tử và chụp ảnh của các chuyến bay do các tổ bay EC-47 và C-130 trong ngày 6 tháng 12 năm 1978 đã trực tiếp làm rõ thêm thực trạng một số mục tiêu quan trọng trên chiến trường.


Quân chủng lấy Sư đoàn 372 làm lực lượng nòng cốt trong chiến dịch này, đồng thời điều thêm lực lượng của các đơn vị khác vào phối thuộc chiến đấu và bảo đảm chiến đấu cho Sư đoàn 372. Ta vừa xây dựng quyết tâm và làm kế hoạch chiến đấu, vừa tổ chức cơ động chuyển sân và củng cố các sân bay. Ngày 18 tháng 12 năm 1978, 1 phi đội MiG-21 có đủ trình độ đánh địch cả ban ngày và ban đêm của Trung đoàn 921 từ Nội Bài vào Biên Hòa để ngày 25 tháng 12 sẽ bắt đầu trực chiến. 4 Mi-6 của Trung đoàn 916 và một số C-130, C-119k và EC-47 của Trung đoàn 918 (từ giữa năm 1978, Trung đoàn 918 trực thuộc Quân chủng) cũng được tăng cường cho Sư đoàn 372. Công tác bảo đảm dẫn đường trên toàn tuyến Bắc Nam của ngành Dẫn đường đã kịp thời đáp ứng ngay các yêu cầu cơ động chuyển sân của Quân chủng và của các đơn vị. Đội ngũ dẫn đường sở chỉ huy ở phía bắc tiếp tục vào tăng cường cho Tiểu ban Dẫn đường Trung đoàn 935, bao gồm 3 trợ lý dẫn đường Trung đoàn 921 là Khổng Vũ Bằng, Đoàn Văn Bình, Trương Thanh Lương và 2 trợ lý dẫn đường Sư đoàn 371 là Dương Minh Phương và Trần Hồng Thái.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Căn cứ vào ý định của Quân chủng, Sư đoàn 372 thành lập 2 sở chỉ huy phía trước là F-1 đặt tại Bến Cầu, F-2 tại Châu Đốc và 5 Tổ tham mưu chiến dịch (tham mưu không quân) theo hướng tác chiến của các quân khu, quân đoàn và Quân chủng Hải quân. Các Tổ tham mưu chiến dịch đều được biên chế gọn mạnh về quân số và có đủ thiết bị thông tin liên lạc theo đúng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tổ tham mưu chiến dịch theo hướng tác chiến của Quân đoàn 4 do đồng chí Trần Văn Lại phụ trách, đồng chí Phạm Tường Thuật trợ lý dẫn đường Trung đoàn 935 được cử đi hướng này; theo hướng tác chiến của Quân khu 5, Quân đoàn 2 và Quân chủng Hải quân do đồng chí Lê Hải, Tham mưu trưởng sư đoàn phụ trách, trung úy Hoàng Đức Hạnh, trợ lý dẫn đường sư đoàn được phân công đi cùng; theo hướng tác chiến của Quân khu 7 do đồng chí Thái Công Thuấn, Trưởng ban Tác chiến sư đoàn phụ trách, có thiếu úy Lưu Thế Nghiệp trợ lý dẫn đường Trung đoàn 937; theo hướng tác chiến của hướng Quân đoàn 3 do đồng chí Lê Minh Đức phụ trách, có thiếu úy Hồ Hạnh, trợ lý dẫn đường Trung đoàn 935 và theo hướng tác chiến của hướng Quân khu 9 do Phó Tham mưu trưởng sư đoàn Tưởng Phi Đằng phụ trách, có thiếu úy Hà Khắc Hồng trợ lý dẫn đường Trung đoàn 937 tham gia.

Về hệ thống sân bay: Sân bay Biên Hòa được chọn làm căn cứ trung tâm, 2 sân bay trọng điểm là Cần Thơ và Tân Sơn Nhất, các sân bay phía trước là Dương Minh Châu, Trảng Lớn, Thất Sơn, Phú Quốc, Plei Ku... Tất cả đều được nhanh chóng củng cố nhằm bảo đảm cho tất cả các loại máy bay và trực thăng của không quân ta hoạt động thật hiệu quả, đáp ứng mọi yêu cầu của các nhiệm vụ trên giao trong chiến dịch này.

Ngày 23 tháng 12 năm 1978, Quân đoàn 4 nổ súng mở màn chiến dịch Tây Nam, tiến hành bao vây, chia cắt đội hình 3 sư đoàn 271, 703 và 340 của địch ở khu vực rừng Hòa Hội (tây-tây bắc Tây Ninh 23km). Trung đoàn 935 được giao nhiệm vụ chi viện hỏa lực cho các đơn vị đánh trên hướng chủ yếu của Quân đoàn 4. Thủ trưởng trực chỉ huy quân sự và chính trị Nguyễn Văn Nghĩa và Phan Sinh Thành yêu cầu kíp trực ban dẫn đường tập trung kiểm tra kỹ các phương án dẫn đường, hiệp đồng chặt chẽ với các đầu mối, phân chia công việc rõ ràng, bình tĩnh phối hợp cùng nhau xử lý mọi tình huống, nhất là khi có không quân địch xuất hiện. Tại Biên Hòa, lực lượng làm nhiệm vụ trực chi viện hỏa lực gồm 2 biên đội và 1 đôi F-5. Các máy bay này, ngoài mang bom, đều mang 2 tên lửa không đối không. Trực tiêm kích yểm hộ cho F-5 có 2 đôi MiG-21, 2 đôi MiG-19 và 1 đôi MiG-17. Trên sân bay Dương Minh Châu có 1 U-17, 2 đôi UH-1 vũ trang và 1 UH-1 vận tải sẵn sàng cất cánh theo lệnh.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Kíp trực ban dẫn đường Sư đoàn 372 chịu trách nhiệm dẫn chính MiG-21, 19, 17 và theo dõi các chuyến bay của Trung đoàn 917. Kíp trực ban dẫn đường Trung đoàn 935: Nguyễn Văn Nhâm-dương Ngoạn tại sở chỉ huy và Nguyễn Văn Hưng và Phí Đình Khang trên hiện sóng tại C-51 tập trung dẫn F-5. Các kíp trực ban dẫn đường đều hiệp đồng chặt chẽ với đồng chí Phạm Tường Thuật trợ lý dẫn đường theo hướng tác chiến của Quân đoàn 4. Đúng 15 giờ, không quân ta bắt đầu hoạt động. 2 phi công U-17: Phan Huy Tứu-nguyễn Văn Sửu lên trinh sát. Từ 15 giờ 15 đến 16 giờ 0 5 phút, 3 tốp F-5 lần lượt cất cánh và bay theo đường bay: Biên Hòa-Phú Cường-núi Bà Đen, rồi vòng trái về phía mục tiêu. Tốp thứ nhất, biên đội: Dương Đình Nghi-Hoàng Thành-Nguyễn Văn Kháng-Nguyễn Thăng Thắng. Tốp thứ hai, 3 phi công: Nguyễn Hữu Lâm-Nguyễn Văn Nuôi-Nguyễn Văn Ớt. Tốp thứ ba, đôi bay: Nguyễn Thanh Xuân-Mai Văn Sách. Với 9 lần/chiếc chi viện hỏa lực, F-5 đánh trúng Sở chỉ huy Sư đoàn 703 và các trận địa pháo của địch ở khu vực Hòa Thanh (nam Hòa Hội 7km). Trong khi F-5 đánh, kíp trực ban dẫn đường sư đoàn dẫn MiG-21 và MiG-17 lên yểm hộ tại khu vực Svay Riêng và điều hành UH-1 cất cánh đúng ý định của thủ trưởng trực chỉ huy. Ngày hôm sau, 24 tháng 12, Quân đoàn 4 đẩy nhanh tốc độ truy kích địch trên hướng chủ yếu, không quân ta cho tiếp 4 lần/chiếc F-5 lên chi viện hỏa lực, đánh trúng 1 trong 2 mục tiêu được giao ở Kp. Trach (tây-tây bắc Hòa Hội 13km).

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian Quân đoàn 4 đánh mạnh, tiến xa trên hướng chủ yếu của chiến dịch Tây Nam và các quân khu, quân đoàn khác tiến hành các đòn phản công trên các hướng quan trọng, từ cuối tháng 12 năm 1978, lực lượng trực chiến của Quân chủng Không quân trên các sân bay ngày càng tăng, không những đối với lực lượng chi viện hỏa lực mà cả đối với các lực lượng yểm hộ và phục vụ, bảo đảm khác. Khi tiến hành chi viện hỏa lực, ngoài F-5, A-37 và UH-1 vũ trang, sẽ có thêm C-130, C-119K với tầm hoạt động xa hơn và lượng mang bom đạn lớn hơn. Điều kiện thời tiết đánh các mục tiêu trên mặt đất không chỉ ban ngày mà cả ban đêm. Lực lượng MiG-21, MiG-19 và MiG-17 đều đã sẵn sàng cất cánh chặn đánh không quân địch, nếu chúng liều lĩnh xuất hiện.


Để chuẩn bị chi viện hỏa lực cho Quân khu 5, không quân ta khẩn trương tiến hành cơ động chuyển sân. Ngày 23 tháng 12 năm 1978, Trung đoàn 917 đưa lên Plei Ku: 6 UH-1, 2 U-17 và 1 CH-47 do đồng chí Nguyễn Xuân Trường chỉ huy. Ngày 25 tháng 12, Trung đoàn 918 cho 2 C-119K từ Tân Sơn Nhất lên Plei Ku do đồng chí Lê Năng đảm nhiệm và chở Tổ tham mưu chiến dịch của đồng chí Lê Hải. Ngày 27, 2 C-130 cơ động lên Biên Hòa. Một phần lực lượng F-5, MiG-19 tại Biên Hòa và MiG-19 tại phù Cát cũng đã được Quân chủng Không quân đưa vào kế hoạch tác chiến trên hướng này.


Sau khi được quán triệt ý định tác chiến của Quân khu 5 là sử dụng hai sư đoàn bộ binh 307 và 309, Trung đoàn thiết giáp 574 và Trung đoàn pháo binh 572, chia làm hai hướng, bao vây tiêu diệt sư đoàn 801 và trung đoàn 15 của địch, phát triển thọc sâu vào hậu cứ quân khu Đông Bắc của Khơ-me đỏ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào nổi dậy của nhân dân Cam-pu-chia tại vùng này và nắm chắc các mục tiêu quan trọng cần phải đánh; đội ngũ dẫn đường trên không trong các tổ bay nhanh chóng hoàn thành các phương án dẫn bay theo từng nhiệm vụ cụ thể của mình, đặc biệt là dẫn C-130, C119k tập kích vào các mục tiêu nằm trong hậu phương của địch và trực ban dẫn đường tại các sở chỉ huy kịp thời hiệp đồng, thông báo các phương án dẫn bay đã được phê chuẩn đến các đầu mối.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Sáng 28 tháng 12 năm 1978, lực lượng kỹ thuật của Trung đoàn 918 tập trung lắp bom MK-81 lên C-130 và lắp đạn cối lên C-119K, đội ngũ dẫn đường trên không của các tổ bay tiến hành rà soát lại các số liệu đường bay, kiểm tra các thiết bị dẫn bay và hệ thống máy ngắm, kíp trực ban dẫn đường tại các sở chỉ huy hiệu chỉnh lại thứ tự thời gian cất cánh của tất cả các tốp trinh sát, tập kích, yểm hộ và bảo đảm. Mọi mặt công tác chuẩn bị trực tiếp cho nhiệm vụ chiến đấu đều được hoàn thành xong trước thời hạn quy định của Quân chủng. Tất cả tập trung chờ lệnh xuất kích.

Tại sở chỉ huy Plei Ku đồng chí Lê Hải cho 2 U-17 lần lượt lên trinh sát khu vực phía tây Đường 19 và đường 94. Ngay lập tức các thông tin về thời tiết và các vị trí khả nghi có địch đã được đồng chí Hoàng Đức Hạnh, trợ lý dẫn đường hướng Quân khu 5, ghi chép đầy đủ và đánh dấu lên bản đồ công tác của Tổ tham mưu chiến dịch.

11 giờ 20 phút, theo lệnh của Sở chỉ huy Sư đoàn 372, tổ bay C-130 thứ nhất do lái chính Tiêu Khánh Nha chỉ huy, trong đó có dẫn đường trên không Đặng Văn Lự và tiếp theo là tổ bay C-130 thứ hai do lái chính Phan Hữu Hùng, dẫn đường trên không Đỗ Tuấn rời đường băng Biên Hòa. 11 giờ 49 phút, đôi bay F-5: Nguyễn Văn Nuôi- Mai Văn Sách cất cánh yểm hộ cho C-130 và kíp trực ban dẫn đường sư đoàn dẫn vào bay tại khu vực Lộc Ninh- Ph. Cha Nêng (đông bắc Lộc Ninh 39km)-Đồng Xoài. C-130 lấy độ cao, vào W1 và bay lên Plei Ku. Vào lúc này, theo kế hoạch tác chiến của Quân chủng Không quân, Sở chỉ huy Sư đoàn 370 lệnh cho 4 MiG-19 tại Phù Cát cất cánh. Kíp trực ban dẫn đường Trung đoàn 925 dẫn MiG-19 vào khu vực cách Plei Ku 40km về phía tây bắc bay yểm hộ cho C-130. Còn Trung đoàn 917 cho 2 UH-1 từ Plei Ku, bay theo hướng tây vào khu vực trực cấp cứu. C-130 đến Plei Ku, vòng trái, rồi bay qua điểm cuối K1 (Ph.Kampadou ở ngã ba sông, tây-tây nam Plei Ku 65km). Tổ bay thứ nhất vào đánh mục tiêu K4 (Virâcheăy-vi Ra Chây), tổ bay thứ hai đánh K3 (Bung Lung). Mỗi tổ ném 2 loạt mỗi loạt ném một nửa số lượng bom mang theo. Loạt bom đầu tiên của tổ bay thứ nhất rơi vào mép bên trái khu A, còn loạt bom sau trúng vào khu B của K4. Tổ bay thứ hai ném loạt đầu, điểm nổ so với tâm mục tiêu K3 lệch trái 500m và loạt cuối cùng lệch phải 300m. C-130 thoát ly khỏi khu vực chiến đấu về Biên Hòa hạ cánh. 12 giờ 40 phút, đôi bay MIG-19: Vũ Công Thuyết-Phạm Văn Đích cất cánh từ Biên Hòa, bay yểm hộ tại khu vực Bến Cầu- Kh Đar và đến 13 giờ 45 phút, đôi bay F-5: Dương Đình Nghi-Nguyễn Khắc Chiến tiếp tục lên yểm hộ tại khu vực Phước Hòa (Bù Gia Mập)-Tuy Đức (đông bắc Phước Hòa 35km)-Phước Tâm (Bù Đăng).

Từ Plei Ku, C-119K cất cánh đánh vào K2 (Bâ Kêv), nhưng rất tiếc, do sự cố kỹ thuật đột xuất, nên chỉ có 1 chiếc tham gia. Sau khi phát hiện mục tiêu, lái chính Trần Văn Tuyên đưa máy bay vào đúng hướng tiếp cận mục tiêu, giữ ổn định trạng thái bay bằng, độ cao và tốc độ bay. Dẫn đường trên không Nguyễn Khắc Thọ lấy phần tử ngắm. Loạt thứ nhất, 60 quả đạn cối 82mm rơi đúng vào sở chỉ huy của Sư đoàn 801 Khơ-me đỏ. C-119K vòng lại, ném tiếp loạt thứ hai, 72 quả đạn cối còn lại đều rơi vào khu vực K2. Đúng lúc này, lái chính Trần Văn Tuyên cảm thấy trạng thái máy bay có biểu hiện bất thường. Anh bình tĩnh giữ chắc tay lái và điều khiển máy bay bay về Plei Ku hạ cánh an toàn. Ngay sau đó, nguyên nhân đã được tổ kỹ thuật làm rõ: cánh thăng bằng ngang của C-119K bị biến dạng do thùng chứa các quả đạn cối va phải khi rời khỏi máy bay. C 130 và C-119K của Trung đoàn 918 lập công đánh thắng trận đầu trong chiến dịch Tây Nam. Các đồng chí dẫn đường trên không Đặng Văn Lự, Đỗ Tuấn và Nguyên Khắc Thọ đã dẫn thành công máy bay vận tải C-130 và C-119K, được cải tiến mang bom đạn, tập kích vào các mục tiêu nằm trong hậu phương của địch, đồng thời ghi thêm một chiến công vẻ vang cho ngành Dẫn đường Không quân.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Sau khi C-119k đánh mục tiêu K2, 4 UH-1 từ Plei Ku cơ động đến sân bay phía trước Đức Cơ (tây-tây nam Plei Ku 44km) và cất cánh theo lệnh gọi đánh vào tuyến phòng thủ của địch. Đến chiều, UH-1 vũ trang tiếp tục thực hiện chi viện hỏa lực cho các đơn vị của Quân khu 5.

Sáng 29 tháng 12 năm 1978, 2 C-130 đánh theo kế hoạch vào mục tiêu K3 lần thứ hai và 3 UH-1 vũ trang, được 2 U-17 chỉ thị mục tiêu, đánh theo lệnh gọi vào K2. Bộ đội Quân khu 5 phản công và làm chủ chiến trường. Ngay chiều 29, toàn bộ lực lượng của không quân ta tại Plei Ku cơ động chuyển sân về Tân Sơn Nhất để chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến đấu mới.

Trong lúc Quân khu 5 phản công giành thắng lợi trên trục Đường 19, 94 và tiến thẳng vào hậu cứ quân khu Đông Bắc của quân Khơ- me đỏ thì bộ đội Quân khu 7 đánh rất thuận lợi, phản công nhanh theo trục Đường 13 lên phía bắc. Địch rút chạy, nhưng mưu đồ của chúng là sẽ cùng với các lực lượng phía sau tạo ra một tuyến phòng thủ mới tại khu vực Kra Chie (Cro Chê). Trước tình hình đó, để thực hiện đứng ý định tác chiến của Bộ Tư lệnh chiến dịch, ngày 30 tháng 12 năm 1978, Trung đoàn 935 được giao nhiệm vụ tập kích vào các mục tiêu Ki (bến phà Kra Chie) và K2 (khu tập trung quân phía tây bến phà Kra Chie) trước khi quân ta tiến sát đến phía đông sông Mê Công.

15 giờ 20 phút, đôi bay F-5: Ngô Duy Tuân-Nguyễn Thăng Thắng và 5 phút sau, đôi bay MiG-21: Hoàng Quốc Dũng-Nguyễn Văn Toàn cất cánh. Kíp trực ban dẫn đường Trung đoàn 935 dẫn F-5 và MiG-21 vào bay yểm hộ khu vực sau đó cho các đôi F-5 làm nhiệm vụ tập kích vào K1 và K2 lần lượt mở máy theo kế hoạch. 15 giờ 58 phút, đôi bay F-5 thứ nhất: Dương Đình Nghi-số 1 và Bùi Văn Ký- số 2 cất cánh. Số 1, do không nâng được bánh trước, đã chủ động dừng lại. Còn số 2, theo lệnh của chỉ huy bay, tiếp tục lên. Khi đôi F-5 thứ hai mở máy thì máy bay của phi công Lê Kim Toán bị hỏng, nên đến 16 giờ 09 phút, đội trưởng Nguyễn Thanh Xuân mới rời đường băng. 16 giờ 19 phút, đôi bay F-5 thứ ba: Phạm Hy-Nguyễn Văn Ớt cất cánh và không gặp sự cố kỹ thuật nào. Ngay lập tức, thủ trưởng trực chỉ huy trung đoàn Nguyễn Văn Nghĩa ra lệnh cho 3 tốp F-5 chỉ tập trung đánh K1 và giữ đúng cách bay đã được chuẩn bị. Từ Phú Cường, qua Snoul (bắc-tây bắc Lộc Ninh 31km) và đến gần mục tiêu F-5 bay ở độ cao từ 1 000 feet đến 2.000 feet, sau đó kéo cao lên 10.000 feet, rồi vòng lại vào bổ nhào theo hướng 170- 180 độ. Bom của F-5 đánh trúng đầu đông của bến phà Kra Chie, Sở chỉ huy Sư đoàn 260 và 1 trận địa pháo của địch. Khi F-5 còn đang đánh, sở chỉ huy Trung đoàn 935, phát hiện trên không có địch và dẫn ngay đôi MiG-21 Dũng-Toàn vào, nhưng sau đó lại mất mục tiêu.

Đây là một trong những ngày không quân ta hoạt động đạt hiệu quả thấp. Ngoài nguyên nhân về kỹ thuật hàng không, phi công số 2 của đôi F-5 thứ nhất đã bay lệch khá xa mục tiêu do chuẩn bị dẫn đường không kỹ cả về số liệu bay và cách nhận dạng địa tiêu. Còn dẫn đường tại sở chỉ huy đã không kịp thời nhắc nhở phi công F-5 khi thấy vết bay thực tế sai lệch quá lớn.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Trong thời gian Quân khu 7 đánh địch trên Đường 13 thì Quân đoàn 3 tiến hành phản công mãnh liệt dọc theo trục đường 7: từ khu vực Mi mốt (bắc núi Bà Đen 50km), qua Ph.Kreh (tây-tây nam Mi mốt 28km) và lên phía Kông Pông Chàm. Ngày 31 tháng 12 năm 1978, Trung đoàn 935 tổ chức đánh hai đợt vào 2 mục tiêu T1 ở Kh.Suông (đông nam Kông Pông Chàm 22km) và T5 tại Phumi Kândan Chrum (đông nam Kông Pông Chàm 38km) nhằm chi viện cho các đơn vị của Quân đoàn 3 tiến nhanh hơn. Kíp trực ban dẫn đường trung đoàn: Đào Văn Phao-Đỗ Duy Đản tại sở chỉ huy và Nguyễn Văn Hưng trên hiện sóng chịu trách nhiệm dẫn chính.

Đợt 1 F-5 bắt đầu hoạt động từ 7 giờ 50 phút đến 9 giờ 56 phút 30 giây. Biên đội thứ nhất: Lê Khương-Nguyễn Văn Ớt-Phạm Hy-Nguyễn Văn Nuôi bay theo đường bay: Biên Hòa-phú Cường-núi Bà Đen-Mimốt vào đánh T1. Biên đội thứ hai: Dương Đình Nghi-Hoàng Thành-Nguyễn Văn Kháng-Nguyễn Thăng Thắng cũng bay đến Mi mốt, nhưng vào đánh T5. Đợt 2 từ 14 giờ 24 phút 45 giây đến 15 giờ 29 phút 30 giây. 3 đôi bay: Nguyễn Thanh Xuân- Mai Văn Sách, Dương Bá Kháng-Hoàng Hữu Hiền và Nguyễn Văn Kháng-Phí Đức Quỳ tiếp tục tập trung đánh T1. Nhưng sau khi bay qua núi Bà Đen, F-5 không lên Mi mốt mà vòng sang Thiện Ngôn rồi mới vào T1.

Trong trận đánh này kíp trực ban dẫn đường trung đoàn đã phát huy cách dẫn bay thấp, lựa chọn chính xác vị trí kéo cao và điểm bắt đầu vòng vào bổ nhào, tạo thuận lợi cho phi công sau khi cải hướng chiến đấu, thực hiện công kích mục tiêu được ngay, đồng thời xử lý nhanh chóng hai trường hợp khi phi công phát hiện nhầm mục tiêu trước lúc vào công kích. Kíp trực ban dẫn đường Sư đoàn 372 luôn theo dõi chặt chẽ 3 UH-1 bay sẵn sàng cấp cứu và 3 đôi MiG-19, MiG-21 và MIG-17 bay yểm hộ khu vực. Dẫn đường đã thực hiện dẫn đánh đúng ý định của người chỉ huy là vừa tiêu diệt địch vừa gây ùn tắc trước khi chúng rút chạy về Kông Pông Chàm. Hiệu quả đánh địch đã được nâng lên rõ rệt.


Trước khả năng phát triển rất thuận lợi trên toàn chiến trường, Quân chủng Không quân đã chỉ đạo cho Sư đoàn 372 chuẩn bị thật chu đáo về mọi mặt để sẵn sang đưa các lực lượng của ta vào chi viện cho bộ đội các quân khu, quân đoàn, quân chủng trên nhiều hướng của chiến dịch, nhưng trong cùng một thời gian.

Ngày 1 tháng 1 năm 1979, quân Khơ-me đỏ tiếp tục rút lui theo Đường 13 về Kra Chie và theo đường 7 về Kông Pông Chàm. Theo phương án dẫn đường đã được trực chỉ huy đồng ý, kíp trực ban dẫn đường Trung đoàn 935 dẫn hai tốp (7 lần/chiếc F-5) từ 8 giờ 35 phút đến 9 giờ 41 phút, đánh vào hai mục tiêu K3 và K4 (nam Kra Chie 13 và 17km), chìm 1 phà và trúng nhiều tàu chở quân đang chuẩn bị rời bến sang bờ tây sông Mê Công. Sau đó, theo lệnh của thủ trưởng trực chỉ huy trung đoàn, kíp trực ban dẫn đường dẫn đánh tiếp hai đợt nữa, mỗi đợt hai tốp (5 lần/chiếc F-5) từ 11 giờ 40 phút 30 giây đến 12 giờ 50 phút và từ 15 giờ 10 phút 30 giây đến 16 giờ 14 phút, đều vào mục tiêu T7 (đầu đông của bến phà Kông Pông Chàm). Kết quả là địch bị chìm 1 phà và bị cháy 4 tàu sông.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Cũng trong ngày 1 tháng 1 năm 1979, theo kế hoạch tác chiến của Bộ Tư lệnh chiến dịch, Quân khu 9 và Quân đoàn 2 tiến hành phản công địch tại khu vực núi Xôm (tây Tịnh Biên 13km). Trung đoàn không quân 937 sử dụng 12 A-37 đánh tiêu diệt 2 sở chỉ huy của trung đoàn 15, trung đoàn 17 và đánh trúng một số chốt phòng thủ quan trọng của địch nằm ở phía nam và đông nam núi Xôm. Các đơn vị bộ binh của ta nhanh chóng vượt qua cửa mở và tiến sâu vào tung thâm.

Đây là các trận đánh mở màn cho năm 1979 của không quân ta. Đội ngũ dẫn đường sở chỉ huy đã hiệp đồng chặt chẽ với đội ngũ phi công và các thành phần khác, dẫn thành công F-5 đánh địch tại hai khu vực cách xa nhau 76km, chi viện hiệu quả cho các đơn vị của Quân khu 7 và Quân đoàn 3, đồng thời dẫn A-37 đánh địch cách khu vực của F-5 hoạt động từ 165 đến 245km, chi viện kịp thời cho các đơn vị của Quân khu 9 và Quân đoàn 2 trong cùng một ngày.

Ngày 2 tháng 1 năm 1979, tại Biên Hòa, ngoài F-5 trực chi viện hỏa lực, trực tiêm kích phòng không gồm 3 đôi MiG-21, 3 đôi MIG-19, 1 đôi MIG-17 và 1 đôi F-5. Còn ở sân bay Dương Minh Châu: 2 U-17, 3 UH-1 và 1 CH-47. Khi Quân đoàn 4 đánh trên hướng quan trọng của mình về phía Svay Riêng vào sư đoàn 1 và 460 của địch, kíp trực ban dẫn đường Trung đoàn 935: Lê Quốc Bảo-Hoàng Ngọc Hớn tại sở chỉ huy và Nguyễn Văn Hưng-Phí Đình Khang trên hiện sóng thực hiện dẫn 8 lần/chiếc F-5 đánh vào 2 mục tiêu V5 ở Moeuchey (bắc-tây bắc Svay Riêng 16km) và V6 tại Chantrey (bắc-tây bắc Svay Riêng 24km), làm tê liệt hệ thống chỉ huy của sư đoàn 1. Kíp trực ban dẫn đường Sư đoàn 372: Đặng Văn Dũng-Nguyễn Việt Cường-Lê Huy Tương-Vương Kính đã lần lượt dẫn 1 đôi F-5 và 1 đôi MIG-17 bay yểm hộ khu vực cho F-5 tại tây bắc Kông Pông Trach 10km, quản lý chặt chẽ 1 U-17 và 1 UH-1 vận tải của Trung đoàn 917 hoạt động ở Tây Bến Sỏi 12km và dẫn các đôi trực tiêm kích phòng không khác lên làm nhiệm vụ vì trong ngày Quân khu 7, Quân đoàn 3, Quân khu 9 và Quân đoàn 2 đang cơ động, bố trí đội hình để chuẩn bị đánh lớn.


Quân Khơ-me đỏ không thể chống đỡ nổi thế và lực phản công rất mạnh của Quân đoàn 4, chúng buộc phải rút chạy về phía Ph.Niếc Lương (tây-tây bắc Svay Riêng 60km). Qua đánh giá tình hình, Bộ Tư lệnh Quân chủng Không quân nhận đỉnh: Chúng nhất thiết sẽ bám theo hệ thống đường bộ, sau đó qua phà Niếc Lương, sang bờ tây sông Mê Công để củng cố lực lượng và xây dựng tuyến phòng thủ mới. Đây là điểm nút giao thông cực kỳ quan trọng đối với địch, nhưng lại là mục tiêu đánh rất thuận lợi của không quân ta. Do đó, khi được Bộ Tư lệnh chiến dịch giao nhiệm vụ, Quân chủng Không quân đã xây dựng ngay kế hoạch đánh địch bằng đòn tiến công tập kích đường không vào khu vực Niếc Lương. Sư đoàn 372 nhanh chóng phân chia mục tiêu cho các đơn vị. Các tiểu ban Dẫn đường hai trung đoàn 935, 937 và đội ngũ dẫn đường trên không trong các tổ bay của Trung đoàn 918 tập trung hoàn thành ngay các phương án dẫn máy bay của đơn vị mình đánh vào các mục tiêu được giao; còn Trung đoàn 917 lại tập trung làm các phương án dẫn bay trinh sát, cấp cứu, vận chuyển súng đạn và thuốc men, chở cán bộ và đón thương binh theo yêu cầu của Quân đoàn 4.

 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Ngày 3 tháng 1 năm 1979, theo lệnh của thủ trưởng trực chỉ huy Trung đoàn 935 Nguyễn Văn Nghĩa, kíp trực ban dẫn đường: Hoàng Ngọc Hớn-Đào Văn Phao-Dương Ngoạn-Đỗ Duy Đản tại sở chỉ huy và Nguyễn Văn Đờn- Đình Khang trên hiện sóng tại C-51 dẫn lần lượt từng 1 F-5 lên đánh theo kế hoạch. 6 giờ, sở chỉ huy vào cấp 1 và cho mở ra-đa dẫn đường. 6 giờ 35 phút, đôi bay F-5 thứ nhất: Nguyễn Thanh Xuân-Nguyễn Văn Trọng cất cánh từ Biên Hòa, qua Gò Dầu Hạ, vào đánh các mục tiêu cố định ở hai bên Đường 1 phía tây bắc Svay Riêng. 7 giờ 15 phút 30 giây, đôi bay F-5 thứ hai: Nguyễn Văn Kháng- Nguyễn Thăng Thắng cất cánh và tiếp sau đó là 4 đôi bay F-5 nữa: Nguyễn Hữu Lâm-Hoàng Thành, Dương Đình Nghi-Bùi Văn Ký, Nguyễn Văn Nuôi-Nguyễn Văn Ớt và Hoàng Hữu Hiền-Đỗ Viết Nhã lên đánh các đoàn xe, pháo của địch đang rút chạy trên Đường 1 từ Ph. Svay Chrum (tây bắc Svay Riêng 5km) đến Ph. Ampil (tây bắc Svay Riêng 25km). 9 giờ 30 phút, đôi bay cuối cùng tham gia đánh đợt 1 hạ cánh.

Sau khi đôi bay F-5 thứ nhất cất cánh, A-37 của Trung đoàn 937 được lệnh xuất kích đánh vào các mục tiêu tại núi Xôm lần thứ hai. 3 biên đội: Âu Văn Hùng-Trần Ngọc Tôn-Đoàn Hữu Cầu-Ngô Văn Phúc, Huỳnh Hiền-Trần Xuân Lai-Nguyễn Văn Sinh-Nguyễn Văn Quang và Nguyễn Hùng Vân-Thái Quang Hợi-Phùng Công Định- Đào Văn Sơn nối nhau rời đường băng Biên Hòa, bay thấp ở độ cao 1.500 feet, hạn chế liên lạc đối không và khi còn cách mục tiêu 3 phút 30 giây mới kéo cao lên 10.000 feet, vào công kích với góc bổ nhào 35 độ, ném bom từ độ cao 7.000 feet, rồi thoát ly. Sở chỉ huy của 2 Sư đoàn 210, 250 và 1 trận địa pháo 105mm của quân Khơ-me đỏ tại khu vực núi Xôm bị tiêu diệt, buộc địch phải rút lui về Ta Keo.

Chấp hành lệnh của sư đoàn, Trung đoàn 935 khẩn trương tổ chức chuẩn bị cất cánh đánh tiếp vào các đoàn xe, pháo của địch đang kéo nhau chạy về Niếc Lương. 11 giờ 43 phút, bắt đầu đánh đợt hai, 4 đôi bay F-5: Nguyễn Văn Kháng-Mai Văn Sách, Hoàng Hữu Hiền - Đỗ Viết Nhã, Ngô Duy Tuân-Phí Đức Quỳ (riêng phi công Phí Đức Quỳ không cất được do máy bay bị hỏng bánh trước) và Lê Khương-Phạm Trọng Chinh tiến hành đánh địch dọc theo Đường 1 từ Ph.Pray Nhây (tây-tây bắc Svay Riêng 20km) đến Ph.Lôvia (đông nam Niếc Lương 14km). Đợt 2 kết thúc vào lúc 12 giờ 50 phút.


Trong quá trình F-5 đánh địch, kíp trực ban dẫn đường sư đoàn đã phân công nhau dẫn từng đôi MiG-21 bay yểm hộ khu vực cho F-5 và A-37 ở tây nam Mộc Hóa 15km, theo dõi các chuyến bay của Trung đoàn 917 phục vụ theo yêu cầu của Quân khu 7, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, Quân khu 9, Quân đoàn 2 và tính toán thời gian cất cánh cho Trung đoàn 937 đánh tiếp vào các mục tiêu tại khu vực Niếc Lương. 14 giờ 55 phút, từ Biên Hòa A-37 bắt đầu cất cánh, biên đội thứ nhất: Nguyễn Văn Tài-Nguyễn Văn Vịnh-Cao Văn Phúc-Trần Trọng Vượng, tiếp sau đó là biên đội thứ hai: Âu Văn Hùng-Trần Ngọc Tôn-Đoàn Hữu Cầu-Ngô Văn Phúc và biên đội thứ ba: Huỳnh Hiền-Trần Xuân Lai-Nguyễn Văn Sinh-Nguyễn Văn Quang. Trên đường bay A-37 giữ độ cao thấp, gần đến mục tiêu kéo cao, rồi vào ném bom bổ nhào theo hướng chiến đấu từ 160 đến 180 độ. Ngay từ những loạt bom đầu, nhiều trận địa pháo phòng không của địch bảo vệ bến phà Niếc Lương đã bị chế áp trong đó có 1 trận địa cao xạ 37mm bị tiêu diệt. Những loạt bom tiếp theo của A-37 rơi trúng vào 2 đầu bến, 1 chiếc phà lớn bị cháy và 2 tàu chở quân bị chìm. Đến 15 giờ 54 phút, A-37 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Đợt 3 của Trung đoàn 935 được thực hiện từ 15 giờ 24 Phút đến 17 giờ 23 phút. Có 5 đôi bay F-5: Lê Khương-Phí Đức Quỳ, Phạm Hy-Lê Kim Toán, Dương Đình Nghi-Bùi Văn Ký, Nguyễn Hữu Lâm-Phạm Trọng Chinh và Nguyễn Văn Kháng-Nguyễn Thăng Thắng tham gia đánh vào các đoàn xe, pháo của địch dọc theo Đường 1 từ Kp.Tra Bek (đông nam Niếc Lương 25km) đến Kp. Xưng (đông nam Niếc Lương 5km), các cụm quân đang bị ùn tắc ở phía đông bến phà Niếc Lương và cả tàu thuyền đang cố chạy sang bờ tây sông Mê Công.

Tuy ban ngày, quân địch bị F-5 và A-37 đánh cả trên Đường 1 và tại bến phà Niếc Lương, nhưng lực lượng của chúng vẫn phải tiếp tục dồn về đây. Tối 3 tháng 1 năm 1979, Bộ chỉ huy chiến dịch yêu cầu không quân giáng một đòn nữa vào bến phà Niếc Lương. Nhiệm vụ này được giao cho Trung đoàn 918. Vào lúc 22 giờ, tổ bay C-130 do lái chính Tiêu Khánh Nha chỉ huy, 2 dẫn đường trên không là Đặng Văn Lự (dẫn chính) và Vũ Mạnh (dẫn phụ)... xuất kích từ Biên Hòa. Trên đường bay đến bến phà, do trời xấu, nhiều mây, nên kíp trực ban dẫn đường Sư đoàn 372 đã kịp thời phối hợp cùng với dẫn đường trên không đưa máy bay ta vào đúng đường bay dự tính. Khi tới gần mục tiêu, lái chính Tiêu Khánh Nha giữ máy bay bay bằng ổn định đúng độ cao, tốc độ và hướng bay chiến đấu; dẫn đường trên không Đặng Văn Lự tập trung tinh lực điều chỉnh ra-đa trên C-130, thấy rõ bến phà Niếc Lương, lấy phần tử ngắm và đề nghị lái chính cho phép ném loạt, toàn bộ 40 quả MK-81-250 trong một lần. Sau khi bay qua mục tiêu, C-130 vòng lại, ở phía dưới có nhiều đám cháy bùng lên dữ dội.

Như vậy, trong ngày 3 tháng 1 năm 1979, chỉ riêng tại khu vực từ Svay Riêng đến Niếc Lương và tại núi Xôm không quân ta đã sử dụng 29 lần/chiếc F-5, 24 lần/chiếc A-37 và 1 lần/chiếc C-130. Riêng F-5, trong 19 phi công tham gia xuất kích, có 8 phi công bay 2 chuyến và 1 phi công bay 3 chuyến là Nguyễn Văn Kháng. Còn đối với A-37, trong 16 phi công tham gia xuất kích, có tới 50% bay 2 chuyến. Tất cả các chuyến bay trên đều được bản chính xác đánh trúng mục tiêu được giao, vào đúng thời gian quy định, gây thiệt hại nặng nề cho quân Khơ-me đỏ. Đây là một trong những ngày đội ngũ dẫn đường Quân chủng Không quân dẫn đánh đạt hiệu quả chiến đấu cao nhất trong chiến dịch Tây Nam. Đặc biệt, 6 đồng chí trực ban dẫn đường F-5: Hoàng Ngọc Hớn, Đào Văn Phao, Dương Ngoạn, Đỗ Duy Đản, Nguyễn Văn Đờn và Phí Đình Khang đã liên tục làm việc từ 6 giờ đến 17 giờ 23 phút, nhưng không để xảy ra sai sót lớn nào và 2 đồng chí dẫn đường trên không Đặng Văn Lự và Vũ Mạnh đã dẫn thành công lao đánh đêm trận đầu tiên, làm cho bến phà của địch bị tắc hẳn.

Những đòn chủ động, đón trước của không quân ta đánh vào các lực lượng rút lui của địch đã góp phần quan trọng làm mất đi khả năng dồn quân về phòng thủ cho Phnôm Pênh, đồng thời tạo điều kiện rất thuận lợi cho các đơn vị của Quân đoàn 4 phát triển phản công nhanh.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Trên hướng chủ yếu của chiến dịch Tây Nam, sau khi quân đoàn 4 làm chủ toàn bộ khu vực Ph. Niếc Lương và trên các hướng khác quân ta đều giành thắng lợi giòn giã, Bộ Tổng Tham mưu quyết định sẽ triển khai lực lượng đánh thẳng vào Phnôm Pênh. Để thực hiện quyết định trên, cần tổ chức một số trận đánh hết sức quan trọng ở nhiều khu vực khác nhau.

Căn cứ vào ý định tác chiến của Quân chủng Không quân, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 372 nhanh chóng triển khai ngay kế hoạch đánh địch cho từng đơn vị. 21 giờ 18 phút đêm 5 tháng 1 năm 1979, Sở chỉ huy Sư đoàn cho 1 chiếc C-130 của Trung đoàn 918 cất cánh từ Biên Hòa, bay theo đường bay: Biên Hòa-Phú Cường-Hòn Chông-Phú Quốc- đảo Cô Tang, rồi bất ngờ vòng phải vào mục tiêu (cảng Ream, tây bắc Phú Quốc 52km). 22 giờ 36 phút, máy bay ta tiếp cận mục tiêu, dẫn đường trên không Đặng Văn Lự ngắm chính xác và ném toàn bộ số lượng bom mang theo trong 1 lần, rồi thoát ly về Tân Sơn Nhất. Khu vực cảng bốc cháy dữ dội. Đến 2 giờ 27 phút rạng sáng 6 tháng 1 năm 1979, chiếc C-130 thứ hai cất cánh và tiếp tục đánh trúng mục tiêu vào lúc 3 giờ 33 phút khi các đám cháy do bom của chiếc C-130 thứ nhất vẫn chưa kịp tắt hẳn và cũng trở về Tân Sơn Nhất hạ cánh an toàn. Dẫn đường trên không của 2 tổ bay C-130 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong trận đánh đêm lần thứ hai của Trung đoàn 918.


Trong ngày 6 tháng 1 năm 1979, nhịp độ xuất kích của không quân ta tăng lên rất nhanh. Từ 7 giờ 50 phút đến 11 giờ 45 phút, kíp trực ban dẫn đường Trung đoàn 935: Nguyễn Hồng Thái-Đỗ Duy Đản tại sở chỉ huy và Nguyễn Văn Hưng trên hiện sóng lần lượt dẫn 3 đôi bay F.5: Nguyễn Văn Kháng-Hoàng Thành, Ngô Duy Tuân-Phí Đức Quỳ và Nguyễn Thăng Thắng-Nguyễn Khắc Chiến theo đường bay từ Biên Hòa, qua Hồng Ngư, rồi ngược dòng Mê Công lên phía Niếc Lương. Hỏa lực của F-5 đã đánh cháy 5 tàu quân sự, ngăn chặn quân địch rút lui theo đường sông về Phnôm Pênh. Trong thời gian F-5 đánh, kíp trực ban dẫn đường Sư đoàn 372: Lê Thành Chơn và Nguyễn Văn Nhâm dẫn từng đôi MiG-21 lên yểm hộ khu vực cho các máy bay làm nhiệm vụ cường kích tại phía bắc Hồng Ngự.

9 giờ, đôi bay F-5: Đỗ Viết Nhã-Mai Văn Sách lên trinh sát khu vực phía bắc Phnôm Pênh từ Cra Chơ Ma (đông bắc Kông Pông Chàm 37km) đến Kông Pông Chnăng, 9 giờ 22 phút, đôi bay MiG-21: Trịnh Bá Tư-Nguyễn Văn Toàn cất cánh vào khu vực Kông Pông Chàm bay yểm hộ và 12 giờ 05 phút, đôi bay F-5. Hoàng Hữu Hiền-Nguyễn Văn Nuôi tiến hành trinh sát khu vực Phnôm Pênh. Tại 2 sân bay Kông Pông Chnăng, Pô Chen Tông và trong các khu vực lân cận đều không có biểu hiện gì về sự hoạt động của không quân địch.

Từ 15 giờ 59 phút đến 16 giờ 53 phút, 2 đôi bay F-5: Ngô Duy Tuân-Phí Đức Quỳ và Nguyễn Thăng Thắng - Nguyễn Khắc Chiến được sở chỉ huy dẫn theo đường bay Biên Hòa-Phú Cường-Mộc Hóa-Thất Sơn, vào đánh mục tiêu ở nam Ta Keo 8km. Ngay sau đó các biên đội A-37 cũng được dẫn vào đánh mục tiêu trên. Sở chỉ huy của hai sư đoàn 210 và 250 lại bị tiêu diệt, nhiều cụm pháo binh, xe tăng và xe cơ giới của địch bị trúng bom. Hỏa lực của F-5 và A-37 đã chi viện rất hiệu quả cho các đơn vị bộ binh cơ giới của Quân khu 9 và Quân đoàn 2. Khi bộ đội ta đánh qua thị xã Ta Keo, địch tổ chức phản kích hòng chiếm lại. 4 tổ bay Mi-6 và Mi-8 đã nhanh chóng chở lực lượng tăng cường của Quân đoàn 2 đến đúng vị trí đổ bộ và kết hợp chở ngay thương binh về tuyến sau. Lực lượng phòng thủ của địch ở phía nam Phnôm Pênh đã bị ta đánh thiệt hại nặng. Đội ngũ dẫn đường trên không Mi-6 và Mi-8 đã ra quân thắng lợi trên chiến trường Tây Nam trong nhiệm vụ đổ bộ đường không.

Cũng trong ngày 6 tháng 1 năm 1979, 15 giờ 03 phút, tổ bay C-119K do lái chính Trần Văn Tuyên chỉ huy, trong đó có dẫn đường trên không Nguyễn Khắc Thọ cất cánh từ Biên Hòa lên đánh bến phà Kông Pông Chàm. Loạt đạn cối thứ nhất trúng đội hình xe cơ giới của địch nằm trên đường 7, sát đầu đông của bến và loạt thứ hai rơi vào khu tập trung quân chốt giữ ở phía đông của bến phà Kông Pông Chàm.
 

bocume

Xe tăng
Biển số
OF-31146
Ngày cấp bằng
12/3/09
Số km
1,337
Động cơ
767,485 Mã lực
Nơi ở
Hà Nội
Website
yogabau.vn
Quá hay, không hiểu với những con người này mà có những vũ khí hiện đại thì sức mạnh thế nào nhỉ :D
 

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Quá hay, không hiểu với những con người này mà có những vũ khí hiện đại thì sức mạnh thế nào nhỉ :D
Bài dài thế mà bác cũng đọc hết cơ à :D em phục bác đấy, mấy trang đầu em up lên đoạn dài quá, đang phải dãn bài cho nó ngắn ngắn lại để anh em đọc đỡ đau mắt, cảm ơn bác nhé, mong bác tiếp tục ủng hộ em vì đến đây mới chỉ đc 2/3 quyền sách thôi bác ạ, em định chiều nay nghỉ ở nhà dãn hết mấy trang đầu rồi em mới post tiếp :D
 

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Trên tất cả các hướng của chiến trường Tây Nam quân ta đều thực hiện đúng ý định tác chiến của Bộ, nhanh chóng chuyển từ những đòn phản công quyết định sang tiến công chiến lược, tập trung đánh vào Phnôm Pênh, sào huyệt của quân Khơ-me đỏ.

Sáng sớm ngày 7 tháng 1 năm 1979, các đơn vị đầu tiên của Quân đoàn 4 đã lặng lẽ vượt qua sông Mê Công, rồi chia làm nhiều mũi tiến quân lên phía bắc. Không quân ta cho U-17, F-5 và A-37 tiến hành ngay một số chuyến bay trinh sát đường không ở 3 khu vực phía đông, bắc và nam Phnôm Pênh, thu nhận nhanh các thông tin mới nhất về tình hình địch, phục vụ kịp thời cho các đòn đánh tiến công đầu tiên của bộ đội ta.


Tại Sở chỉ huy Sư đoàn 372, sau khi được quán triệt kỹ ý định đánh địch của thủ trưởng trực chỉ huy Nguyễn Ngọc Độ, kíp trực ban dẫn đường: Lê Thành Chơn - Đặng Văn Dũng-Đặng Văn Hảo - Đinh Khởi Nghĩa - Vương Kính kiểm tra lại lần cuối tất cả các phương án dẫn đường đã được thông qua. Từng người đều được phân công nhiệm vụ rõ ràng. Trong lúc đó kíp trực ban dẫn đường Trung đoàn 935: Đào Văn Phao-Dương Ngoạn (đảm nhiệm dẫn F-5) Hà Văn Bền (Mig-19 -Trương Thanh Lương (MiG-21) tại sở chỉ huy và Nguyễn Văn Hưng-Phí Đình Khang trên hiện sóng tại C-51 sẵn sàng nhận lệnh của thủ trưởng trực chỉ huy Nguyễn Văn Nghĩa.

9 giờ 30 phút, sở chỉ huy vào cấp 1 và cho mở ra-đa dẫn đường. 9 giờ 45 phút, đôi bay F-5: Dương Bá Kháng-số 1 và Nguyễn Văn Trọng-số 2 nhận lệnh mở máy. Do máy bay của số 2 gặp trục trặc kỹ thuật, nên số 1 phải chờ và đến 10 giờ mới được lệnh cất cánh. Tiếp sau đó các đôi bay F-5: Nguyễn Văn Nuôi-Nguyễn Văn Ớt, Nguyễn Thanh Xuân-Mai Văn Sách, Phạm Hy-Lê Kim Toán rời đường băng Biên Hòa lên đánh các mục tiêu tại nút giao thông ngã ba giữa đường 7 và đường 6 ở Skun (bắc-đông bắc Phnôm Pênh 58km). Đợt 1 kết thúc vào lúc 11 giờ 55 phút, Vào các thời điểm 13 giờ 44, 13 giờ 57, 14 giờ 13 và 14 giờ 38 phút, các đôi bay F-5: Hoàng Hữu Hiền-Đỗ Viết Nhã, Nguyễn Hữu Lâm-Bùi Văn Ký, Nguyễn Thanh Xuân-Mai Văn Sách và Phạm Hy-Lê Kim Toán lần lượt cất cánh đánh đợt 2 vào các mục tiêu di động trên các đoạn đường bộ và đường sông cách Phnôm Pênh từ 25km đến 15km về phía bắc.

Ngay sau đối F-5 Hiền-Nhã cất cánh, vào lúc 13 giờ 46 phút, đôi bay MiG-19: Phạm Cao Hà - Nguyễn Mạnh Tùng rời đường băng Biên Hòa. Trực ban dẫn đường Hà Văn Bền dẫn MIG-19 vào khu vực Svay Antor (đông Phnôm Pênh 55km) - Skun bay yểm hộ cho F-5. 14 giờ 42 phút, khi đôi: Lâm-Ký về đến đỉnh sân thì biên đội F-5: Lê Khương-Nguyễn Thăng Thắng-Dương Đình Nghi-Nguyễn Văn Kháng nhận lệnh cất cánh, nhưng không bay lên phía núi Bà Đen mà bay qua Svay Riêng, rồi lấy hướng vào sát phía nam Phnôm Pênh. 14 giờ 57 phút, đôi bay MiG-21: Hoàng Quốc Dũng-Trịnh Bá Tư lên tiếp và được trực ban dẫn đường Trương Thanh Lương dẫn yểm hộ ở phía sau biên đội F-5 vì biên đội này có nhiệm vụ đặc biệt là tập kích vào sân bay Pô Chen Tông. Lệnh ném bom của đội trưởng Lê Khương được phát ra vào lúc 15 giờ 03 phút 10 giây. Bom của F-5 rơi trúng vào 2 đầu đường băng, làm cho máy bay của địch không còn đủ cự ly để cất cánh.

 

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Kíp trực ban dẫn đường Trung đoàn 935 Đào Văn Phao, Dương Ngoạn, Hà Văn Bền, Trương Thanh Lương, Nguyễn Văn Hưng và Phí Đình Khang đã lựa chọn đường bay phù hợp, tính toán thời gian cất cánh chính xác và phối hợp dẫn F-5, MiG-19 và MiG-21 rất nhịp nhàng, góp phần quan trọng tạo nên trận tập kích đầy bất ngờ. Quân Khơ-me đỏ đã buộc phải tháo chạy trước sức tiến công mãnh liệt của các quân khu, quân đoàn, lại rơi vào tình cảnh vô cùng hoảng loạn bởi đòn đánh hiểm hóc của không quân ta. Cách dẫn tập kích của Không quân nhân dân Việt Nam vào Pô Chen Tông hôm nay, không những thừa kế mà còn phát triển cách dẫn tập kích vào Tân Sơn Nhất ngày 28 tháng 4 năm 1975 lên một tầm cao mới.

15 giờ 45 phút, theo lệnh của thủ trưởng trực chỉ huy, kíp trực ban dẫn đường cho 2 đôi F-5: Dương Bá Kháng - Nguyễn Văn Trọng và Nguyễn Văn Nuôi - Nguyễn Văn Ớt cất cánh đánh tiếp đợt ba vào các đoàn tàu của địch đang rút chạy trên đoạn sông Tông Lê Xáp từ Kp.Luông (bắc- tây bắc Phnôm Pênh 32km) về Phnôm Pênh. Trong ngày 7 tháng 1, tại khu vực Ta Keo, chấp hành lệnh của thủ trưởng trực chỉ huy Trung đoàn 937, kíp trực ban dẫn đường thực hiện dẫn 1 biên đội A-37 vào chi viện hỏa lực cho các đơn vị Quân khu 9 phá vỡ tuyến phòng thủ của hai sư đoàn 210, 250. Bộ đội ta nhanh chóng vượt qua thị xã Ta Keo. Ngay sau đó, Trung đoàn 917 cho U-17 liên tục chỉ thị mục tiêu cho 2 biên đội A-37 khác chi viện hỏa lực cho đội hình bộ binh cơ giới của Quân khu 9 tăng tốc độ tiến công địch theo trục Đường 2 về phía Phnôm Pênh và chỉ thị cho UH-1 vũ trang vừa chi viện hỏa lực vừa yểm hộ cho tàu hải quân ta tiến theo sông Mê Công lên Niếc Lương.


Sau khi Quân đoàn 2 đã chuyển hướng tiến công sang phía tây để cùng với bộ đội hải quân của ta đánh địch, sáng ngày 7 tháng 1, lực lượng hành quân bằng xe cơ giới của Sư đoàn 325 đã bất ngờ gặp phải các bãi lầy, nên vào chiếm lĩnh trận địa muộn hơn so với giờ nổ súng quy định. Lữ đoàn hải quân 126 đổ bộ vào cảng Kông Pông Xom (Xi Ha Núc Vin) đúng lúc thuỷ triều xuống, xe tăng, xe lội nước và lính thuỷ đánh bộ không phối hợp được với nhau. Còn trên bến, địch sử dụng hỏa lực mạnh, chống trả rất quyết liệt. Tốc độ tiến công Kông Pông Xom bị giảm hẳn so với dự tính. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định đưa không quân vào chi viện. Sư đoàn Không quân 372 cho 3 biên đội A-37 xuất kích kịp thời, đánh trúng các cụm hỏa lực quan trọng của địch, tạo thuận lợi cho quân ta vượt lên đẩy nhanh tốc độ tiến công vào Kông Pông Xom.

 

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Chiều 7 tháng 1 năm 1979, trước sức tiến công rất mạnh của Quân khu 7 và Quân đoàn 3, nhiều đơn vị của quân Khơ-me đỏ đã rút chạy theo trục đường 6 về phía Xiêm Riệp. Phát huy khả năng đánh nhanh, vươn xa với lượng bom đạn lớn, Trung đoàn 918 tiến hành đòn tập thích bất ngờ vào sân bay Xiêm Riệp, thực hiện đúng ý định tác chiến của cấp trên. Tổ bay C-130 do lái chính Tiêu Khánh Nha chỉ huy, cất cánh từ Biên Hòa, được dẫn đường trên không Đỗ Tuấn dẫn chính xác, đã trút bom đúng mục tiêu vào lúc 17 giờ 50 phút. Đoàn quân thất trận của Khơ-me đỏ càng trở nên hoang mang ngay cả trên đường rút.

Đến cuối ngày 7 tháng 1 năm 1979, quân ta hoàn toàn làm chủ thế trận trên chiến trường Tây Nam. Quân Khơ-me đỏ, kẻ gây tội ác diệt chủng, đã trở thành tàn quân và phải rút khỏi Phnôm Pênh. Với thế đánh áp đảo và cường độ xuất kích lớn, không quân ta làm chủ toàn bộ vùng trời được giao. Đội ngũ dẫn đường phía nam ghi thêm chiến công mới cho ngành Dẫn đường Không quân.

Sau khi thất thủ ở Phnôm Pênh, ngày 8 tháng 1 năm 1979, tàn quân Khơ-me đỏ kéo nhau chạy theo hai hướng chủ yếu là tiếp tục ngược đường 6 lên Xiêm Riệp và ngược cả đường 5 lên Bát Tam Băng. Quân chủng Không quân đã sử dụng C-130 và F-5 tập kích liên tiếp vào 2 sân bay Xiêm Riệp và Bát Tam Băng, đồng thời cho MiG-21 và F-5 yểm hộ và chuyển tiếp chỉ huy chặt chẽ, quyết không để cho địch có cơ hội rút chạy bằng đường không.

Vào lúc 5 giờ 20 và 5 giờ 29 phút, 2 tổ bay C-130 do các lái chính Trần Văn Quang và Phan Hữu Hùng chỉ huy, cất cánh từ Biên Hòa, bay qua Kông Pông Thom, vào đánh Xiêm Riệp. 5 giờ 52 phút, 1 chiếc MiG-21 lên yểm hộ ở phía sau, đồng thời làm nhiệm vụ chuyển tiếp chỉ huy. Đây là lần xuất kích đầu tiên của không quân ta vào lúc bình minh trên chiến trường Tây Nam. Trong trận đánh này có sự đóng góp rất lớn của các đồng chí dẫn đường trên không C-130 Vũ Mạnh, Trần Đình Lợi và kíp trực ban dẫn đường Trung đoàn 935.

9 giờ 47 phút 30 giây, đôi bay F-5: Dương Đình Nghi - Nguyễn Khắc Chiến nhận lệnh xuất kích đánh Xiêm Riệp. 9 giờ 48 phút, đôi bay F-5: Ngô Duy Tuân-Phạm Trọng Chinh cất cánh, lên độ cao 20.000 feet, được dẫn vào khu vực phía bắc Phnôm Pênh để yểm hộ và chuyển tiếp chỉ huy. 9 giờ 51 phút 30 giây, đôi bay F-5: Nguyễn Văn Kháng - Nguyễn Thăng Thắng rời đường băng Biên Hòa, bay qua Kông Pông Chnăng, vào đánh Bát Tam Băng. 10 giờ 06, tổ bay C-130 do lái chính Tiêu Khánh Nha chỉ huy cất cánh đánh tiếp vào Bát Tam Băng và 10 giờ 16 phút, tổ bay C-130 do lái chính Trần Văn Quang cất cánh đánh Xiêm Riệp. Tại khu vực Bát Tam Băng trời xấu, tổ bay của lái chính Tiêu Khánh Nha không thấy rõ mục tiêu, đã báo cáo ngay về sở chỉ huy và được phép chuyển sang đánh Xiêm Riệp.
 

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Đến chiều, tổ bay C-130 do lái chính Phan Hữu Hùng cất cánh vào lúc 15 giờ 08 và đánh bồi thêm một trận bom xuống Bát Tam Băng và 15 giờ 48 phút, đôi bay MiG-21: Nguyễn Văn Phú-Nguyễn Văn Toàn lên yểm hộ và chuyển tiếp chỉ huy. Đây là trận đánh đầu tiên của không quân ta mà khi về hạ cánh vào lúc hoàng hôn. Trận tập kích lớn bằng nhiều đòn đánh liên tiếp của C-130 và F-5 vào 2 mục tiêu Xiêm Riệp và Bát Tam Băng kết thúc thắng lợi.

Công tác bảo đảm dẫn đường trong trận tập kích này đạt hiệu quả rất cao. Chỉ trong một đêm mọi công việc chuẩn bị như tính toán số liệu, xây dựng phương án dẫn bay và thông qua người chỉ huy, tiến hành hiệp đồng dẫn đường và thông báo đến các đầu mối... đều được hoàn tất rất chu đáo, tỉ mỉ ở cả hai cấp sư đoàn và trung đoàn cũng như trong tất cả các kíp trực ban dẫn đường, phi công và tổ bay. Giải pháp dẫn bay yểm hộ kết hợp với chuyển tiếp chỉ huy và xác định gián cách thời gian bay giữa các tốp đã giúp cho người chỉ huy liên tục nắm bắt được tình hình máy bay ta khi hoạt động ngoài tầm của ra-đa dẫn đường và đối không vì cự ly đường bay từ Biên Hòa đến Xiêm Riệp khoảng 425km, còn đến Bát Tam Băng khoảng 455km.

Trên cơ sở nắm chắc ý định tổ chức đánh địch của thủ trưởng trực chỉ huy, kíp trực ban dẫn đường Sư đoàn 372: Lê Thành Chơn-Đặng Văn Dũng-Nguyễn Văn Nhâm- Nguyễn Việt Cường-Vương Kính đã liên tục tính toán thời cơ cất cánh hợp lý cho tất cả các tốp, kết hợp chặt chẽ giữa "tính mò" và các khẩu lệnh chuyển tiếp chỉ huy để đánh dấu đúng vị trí máy bay ta, luôn bám sát kết quả dẫn bay thực tế của kíp trực ban dẫn đường trung đoàn và dẫn đường trên không trong các tổ bay, kịp thời đề xuất cho thủ trưởng trực chỉ huy phương án chuyển sang đánh ngay mục tiêu thứ hai khi có đủ điều kiện…Đây là bài học vô cùng quý giá cho ngành Dẫn đường Không quân về phương pháp công tác cả trong giai đoạn chuẩn bị và thực hành dẫn bay tập kích đường không vào các mục tiêu cách xa căn cứ xuất phát trên 400km.

Cũng trong ngày 8 tháng 1 năm 1979, đội ngũ dẫn đường trên không UH-1 và CH-47 của Trung đoàn 917 đã kịp thời dẫn 9 chuyến bay chở các đoàn cán bộ vào Phnôm Pênh và tiếp quản sân bay Pô Chen Tông, liên tiếp dẫn các chuyến bay đón thương binh từ nhiều vị trí khác nhau trên các hướng tác chiến về tuyến sau an toàn.
 

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Phát huy thành quả đã đạt được, ngày 9 tháng 1 năm 1979, Sư đoàn 372 tiếp tục thực hiện kế hoạch tập kích sâu vào các mục tiêu của địch cách xa căn cứ xuất phát của ta. 10 giờ 35 phút, tổ bay C-130 do lái chính Trần Văn Quang chỉ huy, cất cánh từ Biên Hòa, bay qua Mộc Hóa, xuống Phú Quốc đánh cảng Ream. 10 giờ 46 phút, tổ bay C-47 do lái chính Nguyễn Chí Cự chỉ huy, lên chuyển tiếp chỉ huy cho C-130 tại khu vực Rạch Giá. Ngay sau đó, 10 giờ 48 phút, tổ bay C-130 nữa do lái chính Phan Hữu Hùng chỉ huy, cũng rời đường băng Biên Hòa đánh cảng Ream. 11 giờ 05 phút, đôi bay F-5: Nguyễn Hữu Lâm-Nguyễn Thăng Thắng xuất kích, bay qua Niếc Lương và Kông Pông Spư (tây tây nam Phnôm Pênh 45km), rồi dọc theo Đường 4 xuống đánh cảng Kông Pông Xom và 1 chiếc F-5 được dẫn vào khu vực Hồng Ngự bay chuyển tiếp chỉ huy.

Đến buổi chiều, cường độ đánh địch của không quân ta không giảm. Hai biên đội A-37 lần lượt cất cánh vào lúc 14 giờ 15 và 14 giờ 31 phút, lên đánh cảng Ream. Sau đó 2 C-130 nhận lệnh cất cánh đánh Bát Tam Băng với gián cách thời gian giữa 2 chiếc là 25 phút. 15 giờ 15 phút, đôi bay F-5: Phạm Hy-Nguyễn Văn Ớt cất cánh, bay qua Kông Pông Chàm, dọc theo bờ tây nam của Biển Hồ cũng lên đánh Bát Tam Băng. 15 giờ 45 phút, bom của 2 chiếc F-5 rơi vào mục tiêu, 15 giờ 55 phút, bom của chiếc C-130 thứ nhất cũng rơi vào mục tiêu và 16 giờ 18 phút, bom của chiếc C-130 thứ hai tiếp tục rơi vào mục tiêu. Hỏa lực tập trung của F-5 và C-130 trúng vào các kho bom, đạn, nhiên liệu của địch, gây cháy dữ dội kéo dài nhiều giờ. 15 giờ 20 phút, đôi bay F-5: Ngô Duy Tuân-Nguyễn Khắc Chiến cất cánh, cũng bay qua Kông Pông Chàm, rồi qua tiếp Bát Tam Băng lên đánh nút giao thông Xi Xô Phôn, cách biên giới Thái Lan 32km. Nhưng rất tiếc trên đoạn bay cuối cùng phi công đã giữ số liệu dẫn bay không thật chính xác và nhận dạng nhầm địa tiêu, nên kết quả ném bom chưa đạt yêu cầu. Mặc dù vậy, đây vẫn là chuyến bay tập kích đường không do F-5 đảm nhiệm, đánh vào mục tiêu cách căn cứ Biên Hòa xa tới 610km, rất đáng được ghi nhớ.

15 giờ 22 và 15 giờ 35 phút, 2 bay đôi F-5: Nguyễn Hữu Lâm-Nguyễn Thăng Thắng và Dương Đình Nghi- Mai Văn Sách tiếp tục cất cánh, nhưng bay xuống Phú Quốc rồi vòng lên đánh cảng Kông Pông Xom lần thứ hai trong ngày.

Kíp trực ban dẫn đường Trung đoàn 935 vừa bám sát các tốp tập kích vừa lần lượt dẫn từng chiếc F-5 vào các khu vực ở phía bắc và phía đông Phnôm Pênh làm nhiệm vụ chuyển tiếp chỉ huy, đồng thời phối hợp chặt chẽ với dẫn đường trên không trong các tổ bay UH-1 nhanh chóng dẫn bay đến các khu vực quy định sẵn sàng làm nhiệm vụ cấp cứu.

 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top