Ký ức chiến trận (2)
Quảng Trị (1972 - 2022)
-Nguyễn Xuân Vượng-
[...]
Chớm Đông, mùi hoa sữa đặc quánh lùa vào sảnh. Tối muộn, cũng là lúc em gấp lại cuốn
"Ký ức chiến trận" của bác Nguyễn Xuân Vượng. Trăng mờ, ánh đèn cao áp hắt một màu vàng le lói...những cảnh tượng trầm buồn ấy, không đủ so sánh với những nuối tiếc, xót xa mà cuốn Ký ức này phô bày, hiển hiện bằng con chữ...
1972; Thành cổ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; Sông Thạch Hãn; Đường Trường Sơn...hay những địa danh thân thuộc khác, đều nhắc nhớ về một "Mùa hè đỏ lửa". Mùa hè bắt đầu từ năm 1965, khi còn là một cậu học sinh phổ thông, bác Vượng đã phải nghe tiếng máy bay gầm rít, bom đạn của Mỹ dội từ các nơi khác và dần tiến sang tỉnh Thanh Hoá. Để rồi, như bao thanh niên yêu nước, cũng dấn thân vào chiến trường, lăn lộn qua từng trận địa; tiếp tục theo đuổi con đường học hành; sang nước ngoài và trở về làm kinh tế. Và, 50 năm sau, đã gửi gắm tất cả "thanh xuân", "trái tim" vào cuốn "Ký ức". Nhưng trái tim người lính ấy, thỉnh thoảng, vẫn rung lên những thổn thức, những đau đáu nhớ thương về Đồng đội, Chỉ huy và cả những nơi đã từng đi qua.
Biết địa danh Quảng Trị và cuộc chiến năm 1972 là vô cùng khốc liệt. Qua những thước phim với tiếng súng, bom dội, máy bay gầm rú và những vẩn khói mù mịt - thông qua bàn tay biên đạo, dựng cảnh, hoặc những diễn viên chuyên nghiệp được hoá trang sao cho thế hệ như chúng em hiểu và biết được quá khứ hào hùng, Tự Do được đánh đổi như thế nào. Nhưng, điều đó giống như một cuộc dạo chơi, chưa hề hấn gì, với một người lính trực tiếp cầm súng, chứng kiến và trải qua từng diễn biến của cuộc chiến tranh khi đó. Khi mà cái chết ngay trước mặt; cái đau đớn và xót xa bất lực khi bản thân mình cũng vô định về tương lai...Bởi cuộc chiến ác liệt quá! Cam go quá! Nhìn thấy nỗi khổ tâm của Đồng đội, hay những khát khao rất "đời", trong đó có cả của mình, mà không có một lối thoát nào - chỉ bằng cách dâng mình cho Tổ quốc!
Không màu mè; không thêm thắt; không tô vẽ cho những người lính trở thành một "tượng đài bất tử" với những lời lẽ, câu cú trau chuốt. Bởi tốt nghiệp trường Tổng hợp khoa Sử, nên cái "chất Sử" đã ngấm vào máu thịt, bởi vậy, từng lời kể đều chân thực. Người đọc hay cả những cảm nhận từ bạn bè, đều cảm thấy chiến tranh "ác liệt thế đấy!", "khó khăn hiểm nguy ngay trước mắt đấy!". Và không phải để được ca tụng, tán dương, làm "hồng" cho Ký ức mà (bác) Nguyễn Xuân Vượng phải dặm dài từng câu chuyện. Không một chi tiết nào, cảm thấy là "hơi quá". Nhưng luôn "nhìn" thấy trước mắt một cảnh tượng với đất đá bị xới tung lên; máy bay đảo qua đảo lại như rang lạc; và máu, xác người "nhuộm" đỏ mỗi bước hành quân...
Thiếu thốn lương thực; thuốc men; đói rét hay những trận mưa triền miên; rồi cả những cái u uất, chất chứa từ những người chung hầm, những người cầm súng bảo vệ Tổ quốc, chưa một lần được trở về thăm nhà...Nỗi sợ hãi, khi
"Lửa tắt, xác anh Trung được đưa ra ngoài, cháy xém, những thớ thịt nứt ra rỉ nước đỏ nhờ nhờ, mùi thịt cháy khét lẹt. Đám lính mới khóc không thành tiếng, có đứa nằm vật xuống bờ cỏ ven đường, mắt nhắm nghiền không dám nhín cảnh tượng rùng rợn đó.". Hay cả những lúc xả súng như muốn "quên đời" bằng việc bất chấp lệnh "cấm bắn".
Chẳng dừng lại ở đấy, cuốn "Ký ức" này, còn gợi lên một niềm cảm thương sâu sắc với những mong mỏi, khát khao rất "Người". Đó là những mối tình câm trong chiến tranh! Những mảnh ký ức về tình yêu trong sáng vô ngần, đến cả chạm tay cũng chưa từng. Giấu những riêng tư bằng các câu thơ tự sáng tác; mượn những nỗi niềm của ai đó để chôn chặt trong tim một tình yêu thuần khiết đến nhói lòng. Để đến lúc nằm lại ở đâu đó trong nghĩa trang Trường Sơn, Việt Trung...đều trọn vẹn thanh tân một đời trai trẻ!
Một cuộc chiến khốc liệt, một chảo lửa ngùn ngụt cháy mà hàng ngàn máu xương đã nhuộm đỏ ối trời Quảng Trị. Những con đường, không chỉ mưa trắng trời, "mưa thủng tăng" mà còn là những "cơn mưa trong lòng" ở hậu phương khi nhận về chỉ là một nắm đất. Sự xót xa đâu đó tưởng như là chuyện đương nhiên, thì khi ở trong cuộc chiến, họ - những người lính, còn bơ vơ, khổ sở vì cái sự biền biệt của mình. Đến nỗi
"Có một lần, đơn vị anh hành quân qua địa bàn tỉnh Thanh. Anh được cấp trên cho tranh thủ nghỉ thăm gia đình 3 ngày. Con bé Hải nhất quyết không theo bố. Nó cứ đứng từ xa nhìn bố nó bằng một cặp mắt đầy cảnh giác, cứ đến gàn là nó bỏ chạy và khóc toáng lên. Anh mang quà, bánh, đồ chơi dụ nó kiểu gì nó cũng không cho anh bế. Đến ngày thứ ba, trước lúc anh lên đường nó mới miễn cưỡng cho anh ôm nó một cái.". Một chi tiết thật giống y như trong
"Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Mà ngày đó, đọc lên thôi, đã thấy một nỗi thương cảm quá trời!
Còn rất rất nhiều những sự kiện, tuy không liền mạch, nhưng đều cho người đọc cảm nhận sâu sắc về một thời binh biến đau thương. Những nhân vật xuất hiện trong
'Ký ức chiến trận", đều có thật. Người còn, người khuất. Người ở lại quê hương hay đã ra khỏi biên giới và được đào tạo, học tập như chính tác giả. Người nào cũng đều mang trong mình một "vết sẹo" sâu và dài. "Vết sẹo" về một thuở cầm súng để bảo vệ chủ quyền, giành giật từng mét đất, và nhìn những người chung chiến tuyến với mình trở về với đất Mẹ, lành lặn hay tan thành những mảnh vụn bởi B52. Vết sẹo mãi không lành, khi ngày 27/7 mỗi năm, bao nhiêu hình ảnh, âm thanh của chiến trường xưa vọng về, không dứt. Nhìn những nấm mộ của Đồng đội, mà trong lòng chưa nguôi nỗi nhớ thương...!
...
Chân thành cảm ơn bác
angkorwat đã gửi tặng em cuốn 'Ký ức chiến trận". Chưa khi nào, em nghĩ rằng mình sẽ được "nhìn" những mảnh Ký ức gần như lúc vùi mình trong những câu chữ đến vậy. Không muốn tô vẽ để được nhớ đến là một độc giả "yêu nước, yêu cả từ những lời kể của các Cựu Chiến binh", mà bởi vì, sự chân thực, tự trong cuốn sách này đã biết nói.
Chiến tranh, chưa khi nào là một cuộc chơi! Ở đó, còn là máu thịt, là những đau đớn kéo dài hàng chục, hàng trăm năm sau chưa dứt. Lành lặn trở về đâu có chỉ là may mắn, còn là khắc khoải đeo đuổi những giấc mơ được nhìn thấy, gặp gỡ những người đã kề vai sát cánh cùng mình chiến đấu. Mà giờ, họ đã trở về với thiên thu...!
|30.11.2022|