Nhật, Hàn, Trung có 3 hoàn cảnh và con đường phát triển công nghệ khác nhau. Tôi điểm từng nước một và tham chiếu vào Việt nam, các cụ sẽ thấy sự khác biệt.
Đầu tiên phải nói thẳng thắn là cả 3 dân tộc đó đều tự thân có ý thức và năng khiếu về sản xuất/ công nghệ hơn người Việt. Trung quốc là cường quốc kinh tế suốt lịch sử, Nhật muộn hơn nhưng cũng đã phát triển buôn bán sản xuất từ vài trăm năm trước (công ty Mitsui thành lập năm 1673). Có Hàn là phát triển chậm gần giống Việt nam.
Nhật là dân tộc thức tỉnh và Tây hóa đầu tiên, vào thời Minh trị cuối TK 19. Tuy nhiên Nhật không thức tỉnh từ con số 0 mà lúc đó họ đã có nền sản xuất hàng hóa và thương mại khá phát triển. Các cụ nhớ lại rằng thương cảng Hội an chính là người Nhật vượt biển sang Việt nam lập ra.
Khi Minh Trị phát động duy tân, người Nhật hưởng ứng và ào ạt tìm cách học từ Ph Tây. Cái lợi cho người Nhật là vào cuối TK 19, Ph Tây chưa có ý thức bảo vệ công nghệ/ bí quyết sản xuất như bây giờ, và họ sẵn sàng dạy cho người Nhật đến cùng. Ví dụ như người Anh, sau đó là Đức, đã hết sức tận tâm truyền nghề luyện kim cho NSC (Nippon Steel Co.) những năm 1890, hay ông Yamaha từ 1900 đến 1904 đã học được hoàn toàn nghề làm đàn Piano ở Mỹ.
Trong khoảng 30 năm, từ cuối TK 19 đến đầu TK 20, người Nhật đã tận dụng sự hào phóng của Ph Tây để tập hợp bộ công nghệ cơ bản, đủ để xây dựng nền kinh tế hiện đại cho riêng mình. Tố chất của người Nhật thể hiện ở chỗ, trên nền công nghệ ban đầu đó họ đã tự mình phát triển liên tục cho đến tận bây giờ. Có nghĩa là từ đầu TK20 cho đến nay, người Nhật gần như hoàn toàn tự chủ về công nghệ, không cần học/copy từ Ph Tây nữa. Đó là kỳ tích độc nhất vô nhị mà 1 dân tộc Châu Á tạo được.
Con đường của Hàn quốc lại khác. Triều tiên từng là thuộc địa của Nhật từ 1910 đến 1946. Trong thời gian đó Nhật đã khai thác tài nguyên và sử dụng người Hàn khá nhiều. Sau 1945 thì lãnh thổ Nam Triều tiên (Hàn quốc ngày nay) là vùng Mỹ quản lý. Và sau Chiến tranh Triều tiên thì Hàn quốc chính thức thành đệ tử ruột của Mỹ.
Nền công nghệ Hàn quốc hiện tại hoàn toàn dựa vào sự hào phóng của Nhật và Mỹ. Nhật, mang tâm lý đền bù thời thuộc địa, và Mỹ, với ý đồ buff cho Hàn để đối trọng với Triều tiên, đã chuyển giao cho Hàn những công nghệ then chốt mà bình thường không ai để lọt ra nước ngoài.
Ví dụ 1: POSCO - Công nghệ luyện kim. Do sự quyết liệt của Park Chung Hee mà Nhật đã đồng ý một thỏa thuận đền bù chiến tranh/thuộc địa rất lớn, trong đó có mục Nhật xây cho Hàn 1 tổ hợp luyện kim (Posco). Chính phủ Nhật muốn chơi 1 cú đẹp, đã ủy nhiệm cho Nippon Steel và Mitsubishi Steel (Nippon đứng cái) thực hiện. Việc xây dựng Posco tiền hành trong 5 năm (1968-1973) hết 280 triệu USD (khoảng 2,5 tỉ đô năm 2020), nhưng cái chính là người Nhật đã tự tay vận hành và dạy nghề cho người Hàn suốt 10 năm (1973 - 1983), đến khi người Hàn hoàn toàn làm chủ công nghệ, người Nhật mới rút về.
Hãy xem người Nhật đã chuyển giao cho Hàn ở Posco những công nghệ gì: Ngay trong 5 năm đầu, Nhật đã dạy cho người Hàn: Luyện thép vỏ tàu thủy, thép inox, thép điện từ. Đặc biệt, năm 1975/1976 khi Huyndai khởi đầu làm xe hơi thì người Nhật ở Posco cũng luyện luôn tôn vỏ xe và thép khung gầm cho Huyndai, giúp cho ngay từ những ngày đầu tiên tỉ lệ nội địa hóa của Huyndai đã là gần 80%. Và sau đó người Nhật đã chuyển giao tất cả các công nghệ này cho người Hàn, để đến hiện tại Posco là nhà sản xuất tôn vỏ xe lớn thứ 2 thế giới.
Ví dụ 2: Công nghệ bán dẫn. Năm 1985 Samsung quyết định đầu tư sản xuất chip bán dẫn. Lúc đó Samsung đang gia công lắp ráp đài bán dẫn cho Texas Instrument (TI). Chủ tịch Samsung có nhời nhờ TI và TI, với tính cách hào phóng của người Mỹ, đã thuyết phục Micron Technology chuyển giao hoàn toàn công nghệ DRAM cho Samsung. Nhưng đó mới là phần mềm, còn phần cứng (máy móc và bí quyết sản xuất) thì Samsung nhận được từ Sharp và Fujitsu của Nhật.
Không bao lâu sau người Nhật đã hối hận về quyết định này của mình. Một lãnh đạo của Sharp đã nói "Lúc đó chúng tôi đồng ý chuyển giao các bí quyết sản xuất cho người Hàn là vì quan hệ ngoại giao, và cũng bởi nghĩ rằng người Hàn sẽ không thể cạnh tranh với chúng tôi."
Như vậy, Hàn quốc đã rất may mắn có được một kẻ chiếm đóng thành tâm muốn đền bù (Nhật) và một ông anh cả giàu có và hào phóng (Mỹ). Người Hàn đã tận dụng triệt để hoàn cảnh của mình để xây dựng bộ công nghệ cơ bản và dần phát triển lên.
Sau khi nhận quả đắng từ người Hàn thì Nhật đã quay xe, nhất định không chuyển giao công nghệ then chốt cho bên nào nữa. Nhật đầu tư sản xuất ra nước ngoài rất nhiều nhưng tất cả đều là các công đoạn đơn giản hoặc công nghệ rất cũ, còn những khâu then chốt vẫn ở lại Nhật.
Chú ý rằng, việc một nhà sản xuất Nhật hoặc Hàn đi đâu cũng kéo cả bộ vendor trong nước đi cùng, ngoài các lý do khác thì còn 1 ý đồ rất quan trọng là bảo vệ các bí quyết sản xuất. Vì thế, rất không dễ để xen vào chuỗi cung ứng của các công ty 2 nước này.