Cụ tiếp theo dòng chảy đi cụ ơi!!!??
(Tiếp tục) Trung quốc. Với Trung quốc thì phải chia ra 3 giai đoạn: trước 1945, từ 1950 đến 1980 (cải cách mở cửa) và từ 1980 đến nay.
1. Trước 1945. Từ đời Đường đến tận giữa TK 19, Trung quốc luôn là nền kinh tế sản xuất thứ 1-2 thế giới. Năng khiếu và thiên hướng sản xuất của người TQ là không phải bàn. Chỉ từ nửa cuối TK 19 kinh tế Trung quốc mới tụt dần vì không kịp chuyển đổi theo hướng công nghiệp hóa.
Sau khi nhà Thanh sụp đổ (thời Dân quốc từ 1911 đến trước WW2) người TQ bắt đầu thức tỉnh và bắt đầu theo hướng Tây hóa. Nhược điểm của TQ thời gian này là quá cát cứ, quân phiệt và bị Ph Tây chèn ép. Tuy nhiên với năng lực của mình, người TQ đã bắt đầu học được các công nghệ cơ bản tối thiểu như luyện thép xây dựng, dệt, 1 số công nghiệp nhẹ vv
Sự xâm chiếm của các nước đế quốc hóa ra lại là nguồn công nghệ đáng kể cho Trung quốc, trong đó quan trọng nhất là Nhật. Nhật chiếm Mãn châu (Hắc Long Giang) và trong mấy chục năm, đã tạo ra ở đó 1 nền công nghiệp nặng rất mạnh. Sau WW2, TQ thừa hưởng toàn bộ cơ sở công nghiệp do Nhật xây dựng. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với các tô giới khác như Anh - Pháp ở Thượng Hải và Đức ở Thanh Đảo.
2. Từ 1950: Tuy nhiên, yếu tố thật sự để Trung quốc tiếp thu sâu rộng các công nghiệp hiện đại chính là Liên xô. Năm 1950 TQ - LX ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện. Theo đó trong vòng khoảng 10 năm, L xô đã giúp đỡ TQ hết mình: gửi hàng chục ngàn chuyên gia, chuyển giao cho TQ hàng trăm hệ thống công nghệ/bí quyết, từ luyện kim, hóa chất, công nghiệp quân sự, chế tạo máy, thậm chí cả công nghệ bom nguyên tử.
Có thể nói, trong vòng 10 năm (1950-1960) Liên xô đã xây dựng cho Trung quốc 1 nền công nghiệp mà nếu tự chủ phát triển, cả trăm năm chưa chắc đã tạo ra được. Sau đó, cuộc Đại nhảy vọt và Cách mạng văn hóa tuy có làm cơ sở vật chất công nghiệp bị ảnh hưởng khá nhiều nhưng nền tảng căn bản vẫn còn, và là cơ sở cho sự bắt nhịp rất nhanh của Trung quốc khi cải cách mở cửa sau này.
3. Từ 1980 đến nay: Đặng Tiểu Bình thực hiện cải cách mở cửa. Ngay từ đầu TQ đã hết sức coi trọng công nghệ mới, và đặt thành một yêu cầu cốt lõi trong tất cả các đầu tư nước ngoài. Có thể nói, Trung quốc đã "không từ một thủ đọan nào" để có công nghệ từ các nước tư bản.
- Tất cả các đầu tư nước ngoài, nếu áp dụng công nghệ tiên tiến thì đều bị bắt buộc phải chuyển giao công nghệ sau 1 thời gian nào đó, thông thường từ 5-10 năm.
- Nhiều quy trình kỹ thuật của các FDI bị chính quyền Trung quốc bắt đăng ký với các lý do khác nhau (an toàn lao động, bảo bệ môi trường, vệ sinh, phòng cháy vv) và trong việc này, TQ bắt các nhà đầu tư phải mô tả chính xác quy trình làm việc. (Các nước tư bản đôi khi cũng yêu cầu nhà đầu tư đăng ký quy trình kỹ thuật nhưng cho phép các khoảng mở, chẳng hạn "thiết bị hoạt động ở khoảng từ 250-300 độ C, nhưng TQ lại bắt nhà đầu tư báo cáo chính xác như "thiết bị hoạt động ở 280-285 độ"). Với quy định ngặt nghèo như vậy, khá nhiều quy trình kỹ thuật đã bị mô phỏng và nhà đầu tư không biết kêu ai.
- Nhiều ngành nghề bị chính phủ Trung quốc bắt liên doanh (ví dụ chế tạo ô-tô) và trong liên doanh, các đối tác và nhân viêc Trung quốc rất chủ động học và học lỏm bí quyết kỹ thuật của nước ngoài.
- Khi đã làm ra nhiều tiền thì Trung quốc thực thi phương thức "thực dân công nghệ", tức là mua đứt các công ty sản xuất Ph Tây khó khăn và qua đó, sở hữu toàn bộ công nghệ và bí quyết của các công ty này. Trung quốc thậm chí đã dùng chiến lược này với cả 1 quốc gia là Ukraina, khi bỏ tiền mua và thuê hàng loạt chuyên gia Ukraina sang làm việc.
Một câu hỏi tất yếu sẽ đặt ra ở đây: Chẳng nhẽ Ph Tây lại dại dột thế, để Trung quốc ép, học lỏm, copy mà cứ chấp nhận bao nhiêu năm? Câu chuyện này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
- Nhiều nước Phương Tây quá thèm muốn thị trường và sức lao động của Trung quốc. Họ chấp nhận mạo hiểm công nghệ ở mức độ nhất định để có thị trường và sức lao động chất lượng tốt và giá rẻ ở đây.
- Cũng như Sharp với Samsung (ở mục Hàn quốc post trước), nhiều người da trắng có tâm lý coi thường người Trung quốc, không tin rằng TQ có thể mô phỏng, copy công nghệ của họ. Tâm lý này được củng cố khá nhiều trong khoảng hơn 20 năm đầu, khi các sản phẩm bắt chước Ph Tây của Trung quốc đa số khá thô vụng, chất lượng kém. Phương Tây không ngờ người Trung quốc đã không ngừng cải tiến, hoàn thiện các sản phẩm của mình và đến một lúc hàng copy của Trung quốc bắt đầu đủ tốt để có chỗ đứng trên thị trường, không ít sản phẩm cạnh tranh ngang hàng, thậm chí - với giá rẻ hơn nhiều - còn "giết chết" nguyên mẫu của chúng.
- Không ít công ty Ph Tây cam kết chuyển giao công nghệ lúc đầu với ý đồ "cứ có sản phẩm trước, còn 10 năm sau ai biết được", không ngờ 10 năm trôi qua rất nhanh, lúc đó đã đầu tư quá nhiều và lợi ích cũng lớn đến mức không thể nuốt lời. Chính phủ Trung quốc rất nghiêm khắc với các cam kết, không chuyển giao công nghệ không được. Với năng lực và tay nghề của phía Trung quốc, thậm chí khi các hãng chỉ chuyển giao 1 phần hoặc qua loa, người Trung quốc cũng mô phỏng lại và áp dụng thành công.
Trong vấn đề công nghệ của Trung quốc với Phương Tây, không thể không kể đến Mỹ với vai trò của cả "thủ phạm" và nạn nhân.
Nhiều cụ ở OF chắc đã biết rằng, chính Mỹ chứ không phải ai khác là tác nhân lớn nhất tạo ra Trung quốc như ngày nay. Mỹ nâng đỡ Trung quốc, đầu tiên là để làm suy yếu phe XNCH chủ yếu là Liên xô, sau đó từ năm 1990, Mỹ định dùng con bài Toàn cầu hóa để Trung quốc "lún dần" vào con đường tư bản hóa, và từ từ thay đổi chế độ.
Chính vì muốn Trung quốc tiếp nhận các yếu tố tư bản chủ nghĩa nhiều và sâu mà Mỹ đã mở cửa cả thị trường tiêu dùng và công nghệ cho Trung quốc. Mỹ nhận rất nhiều sinh viên và các kỹ sư/nhà nghiên cứu Trung quốc, các công ty Mỹ cũng không ngần ngại trong chuyển giao công nghệ.
Sự nâng đỡ và nhượng bộ Trung quốc của Mỹ đạt đỉnh cao vào thời TT Obama. Vào thời gian này đã diễn ra những cuộc chuyển giao công nghệ cực kỳ khó hiểu, tiêu biểu là việc liên tiếp các năm 2010 và 2012, IBM đã chuyển giao công nghệ chip 45 và 32nm cho SMIC Thượng hải, mặc dù ngay tại Mỹ các công nghệ này mới chỉ hoàn thiện chưa đầy 1 năm.
Khi đã gom góp nhiều tiền và một cơ sở tri thức đủ sâu, người Trung quốc bắt đầu có năng lực tự hoàn thiện và phát triển công nghệ. Trong khoảng 7 năm gần đây, khá nhiều sản phẩm Trung quốc đã không hề thua kém về công nghệ, hình thức và độ hoàn thiện so với các sản phẩm tương tự của Âu Nhật Hàn. Trung quốc hiện chỉ còn thua kém Ph Tây ở các công nghệ và sản phẩm tột đỉnh, ví dụ chip dưới 10nm, siêu xe hoặc động cơ máy bay.