Vụ này cháu có theo dõi, bởi là vụ đầu tiên học trò hành xử tệ hại với giáo viên. Xem clips thấy shock quá, giáo viên cầm dép rượt học sinh chạy vòng quanh lớp, học sinh thì vừa chạy vừa hò hét cười cợt, cháu tưởng cô giáo và học sinh tập diễn … kịch, đến khi thấy học sinh có hành động phản ứng một cách bạo lực và hỗn hào về phía cô giáo thì cháu mới nhận ra đây không phải là tập kịch.
Đúng sai sẽ có điều tra. Cháu chỉ thấy ngạc nhiên khi nhiều cụ trên OF này, vào thời điểm này, vẫn còn sử dụng và ủng hộ những hành vi bạo lực đối với con trẻ. Con các cụ cũng ngoan và hiền, bị đòn roi mà vẫn không có phản ứng gì. Cha mẹ các cháu vẫn ủng hộ và hàng ngày vẫn đang dùng bạo lực như một phần của cuộc sống, thì trẻ em “tiếp bước cha anh” là điều có thể đoán trước. Nhiều cụ viện lý do ngày xưa bị đánh mà nên người nên bi giờ biện pháp bạo lực vẫn cần được áp dụng và hoan nghênh.
Ngày bé cháu cũng hay bị ăn đòn vì cái tội hay cãi (như bây giờ gọi cho nó sang là hay có feedbacks
). Những khi bị ăn đòn cháu không bao giờ khóc, không bao giờ van xin. Mà cũng chả biết sợ. Vẫn tái phạm nhiều lần. Lần cuối cùng bị cho ăn đòn cháu phản ứng. Vụt cháu cháu giữ luôn roi lại nên bị xước tay khá sâu, chảy máu. Đó là lần cuối cùng cháu bị cho ăn đòn. 9-10 tuổi gì đó. Bạo lực gia đình từ những ngày còn nhỏ dại để lại những tổn thương sâu sắc và là động lực khiến cháu thoát ly khỏi gia đình sớm bằng mọi cách. Về sau cháu không bao giờ sử dụng bạo lực đối với sắp nhỏ con mình, vì không muốn chúng bị tổn thương về cả thể xác cũng như tâm lý như mình ngày trước.
Giờ là năm 2023 rồi, thời buổi thông tin nhanh nhạy, mạng xã hội rộng khắp, dân tuý lên ngôi, quyền con người (trong đó quyền có trẻ em) được quan tâm đến nhiều hơn. Biện pháp bạo lực dù dưới bất cứ hình thức nào, ở bất cứ lứa tuổi nào, hoàn cảnh nào, cương vị nào cũng phải được coi là trái pháp luật, vi phạm quyền con người, cần phải được nhìn nhận khách quan và có biện pháp giải quyết theo pháp luật.
Quay lại top, nếu cô giáo có vấn đề về tâm thần, giả dụ vậy, thì quy trình thẩm định tình trạng bệnh lý và tâm lý của cô giáo không hề đơn giản chút nào, dù ở VN mình hay bên tây cũng vậy. Người có bệnh thường không bao giờ tự biết và tự nhận mình có bệnh. Chuyên gia tâm thần giỏi và biết bệnh rất hiếm kể cả ở nhũng thành phố lớn như HN hay TPHCM, ngay cả ở những nước có nền y tế phát triển bậc nhất thế giới cũng vậy. Cho tới thời điểm này, những vấn đề liên quan đến sức khoả tâm thần ở VN vẫn còn mới và chịu nhiều kỳ thị. Các bước để nhận biết và xác định những vấn đề về tâm thần thường rất chuyên biệt. Vì thế, để xác định một cá nhân có vấn đề về tâm thần, không thể tiếp tục công việc đang làm, có nguy cơ đối với cộng đồng hay với chính bản thân bệnh nhân, dẫn đến buộc thôi việc và/hoặc cần có những trợ giúp để điều trị và tái hoà nhập cộng đồng là cả một quá trình cực kỳ phức tạp, tốn thời gian, tiền bạc, cực kỳ ám ảnh, cực kỳ stress cho tất cả các bên liên quan, bao gồm người bệnh, bác sĩ, người nhà bệnh nhân, cơ quan chủ quản (bên thuê mướn lao động, trong trường hợp này là nhà trường và phòng giáo dục quận, huyện).
Trường hợp này nên được tìm hiểu một cách toàn diện, điều tra không chỉ bởi công an, phòng giáo dục, mà các chuyên gia về tâm thần và hành vi cũng nên được mời tham gia. Mong mọi việc sẽ sáng tỏ và những ai cần được trợ giúp sẽ có được sự trợ giúp cần thiết.