Em là 8x đời giữa, năm nay vừa vào 40. Nhà em ở quê, đến khi em vào lớp 2 mới từ nhà đất xây lên nhà 3 gian thụt 1 gian thò. Gia đình em sống cùng với ông bà nội, bố mẹ. Vì ở quê, nhà em có vườn rộng, có ao, ông bà có 1 sào ruộng, bố mẹ em là viên chức nhà nước nên nói chung những cái Tết mà em nhớ được thì không còn quá thiếu thốn. Nhưng những kỷ niệm em nhớ và muốn giữ nhất, đều liên quan đến ông bà.
Ngày ấy em nhớ học sinh chắc phải hai sáu hai bảy mới được nghỉ Tết. Nhưng từ cúng ông Táo xong, em đã thấy bà em mua hành về muối. Loại hành ta chứ không to cộ như bây giờ, được một làng cùng xã cạnh bãi bồi ven sông trồng. Em nhớ nhất là những lúc sau bữa cơm trưa, chuẩn bị đi học chiều thì bà em ngâm hành qua nước tro cho đỡ hăng rồi cặm cụi lột từng củ. Tết, nhà em nhất định phải có dưa hành.
Trong lúc đó thì ông em lo giò xào và cá kho. Ông em khéo tay và rất quan tâm hai món này. Giò xào ông em làm bó bằng lá chuối, lạt từ cây dùng, ép bằng hai thanh tre nên miếng giò cắt ra nó thắt eo như hình số 8 chứ không tròn xoe như giò xào ta mua được ép bằng ống như bây giờ. Cá kho nhà em bao giờ cũng đậm vị riềng và chay khô. Kho kỹ bằng củi, trấu trong tiết trời lạnh, một nồi vừa vừa ăn rả rích cũng phải qua mùng bốn mùng năm mới hết.
Trong lúc đó thì bố mẹ em lo những thứ "hiện đại" hơn. Hoa Tết với em không cái gì bằng một lọ thược dược, violet, cánh bướm và lay ơn. Đấy mới là hiện thân của mùa Xuân, dù bao năm qua, em chưng đủ cả đào, cả mai, cả quất, cúc mâm xôi, mận, lê...
Cỗ Tết bây giờ em công nhận là tối giản hơn xưa nhiều. Nhưng nhà em vẫn nhất thiết phải có thịt gà, bánh chưng, giò nạc, nem rán. Em thường gói một lúc bốn năm chục cái nem, rán sơ rồi đến khi thắp hương/ăn thì bỏ nồi chiên không dầu. Canh măng cũng thế, em luộc cho đã một mớ rồi đến lúc ăn thì lấy nước dùng, nấu lại thả hành củ chẻ, cánh mùi lên trên.
Ông bà em mất đã lâu, nên em hay cùng bố em giữ một hoạt động em cho là thiêng liêng trước Tết. Ấy là tảo mộ mời các cụ về ăn Tết ngày 30. Làng em có nghĩa địa chung, người già mất đi ngày mỗi nhiều nên mỗi khi đi tảo mộ, câu chuyện về dòng họ, gia đình mình, của những dòng họ, người quen cùng làng, gương mặt và kỷ niệm về những người thân quen cũ lại hiện về. Như là họ Trần có ông cụ đến khi em học cấp một, mỗi khi ra đường vẫn nghiêm túc để râu dài, đội khăn đóng, cầm ô, mặc áo dài, đi guốc gỗ. Như dòng họ Đặng có bà cụ từ xa về làm dâu, người có Đạo nên mỗi Chủ nhật hay dịp Lễ, đều đi bộ đến Giáo xứ xa để Lễ nhà thờ. Tập tục bên đó là không bốc mộ, nên cụ mất nhiều năm rồi vẫn để mộ dài.... Khi thấy ông bà mình nằm cạnh nhau, cạnh các ông bà là anh chị của ông bà, đằng sau là thế hệ các bác, các anh mất sớm, em ngoài thương nhớ còn thấy an tâm vì sự đầm ấm cả khi sống lẫn khi khuất núi của những người thân.
Em vào SG sống cũng nhiều năm, đã làm quen với cách chơi bông kiểng, món ăn Tết của người SG. Nhưng với em, những cái Tết Bắc với đầy đủ mùi (hương trầm, nước mùi già, vỏ cam vỏ bưởi), vị (gà luộc, bánh chưng, hành muối) và thời tiết lạnh luôn là thứ em mong nhớ và lưu giữ.