TTO - Thiên tai đã gắn kết tổ tiên chúng ta thành một dân tộc và khiến chúng ta trở nên bền bỉ. Đến lượt thế hệ chúng ta đối đầu với một thế kỷ của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao, chúng ta sẽ thực sự học bài học của quá khứ và ứng xử với thiên tai như thế nào?
tuoitre.vn
Lịch sử đê điều và chống lũ lụt của dân tộc Việt Nam là một bản thiên anh hùng ca bị lãng quên trong các bài học lịch sử trong nhà trường và trong xã hội.
Chúng ta thậm chí không thể hình dung những con đê và dòng nước lũ đã định hình tính cách và tư cách người Việt Nam sâu sắc như thế nào bên cạnh việc gọi tên mảnh đất lớn mình sinh sống là đất nước.
Một trong những sự kiện thiên tai lớn nhất trong lịch sử nhân loại thế kỷ 20 mà tôi học được từ trang web của Cơ quan Hải dương và Khí quyển học Hoa Kỳ, cũng như trang web của kênh truyền hình History (Lịch sử) vẫn nhắc đến vào ngày mồng 8 tháng 1 hằng năm
chính là trận lụt 1971 tại miền Bắc Việt Nam.
Một trăm ngàn người chết trong trận lụt thế kỷ năm ấy đến nay vẫn chưa có một đài tưởng niệm. Quan trọng hơn, bài học để lại đã bị lãng quên. Gần 40 năm sau, năm 2008, trận lụt do mưa cục bộ làm ngập một phần lớn diện tích Hà Nội và cô lập nhiều gia đình trong cảnh không điện, không nước và không thực phẩm vẫn được một số người cho rằng bởi lượng mưa chưa từng có trong lịch sử (?).
----------------
Vỡ đê trong trận lũ lịch sử 1971
Cuốn sổ tay khá dày, cũ kỹ, sờn hết gáy của kỹ sư Nguyễn Gia Quang, nguyên cục phó Cục Đê điều (Bộ Thủy lợi), ghi lại chính xác đến từng giờ, từng phút về cơn lũ kinh hoàng và thảm họa vỡ đê năm 1971.
Vừa lật giở những trang giấy cũ nát tìm số liệu, ông Quang vừa kể: năm đó, từ nửa cuối tháng 8 mưa to, đều trên diện rộng khiến lũ sông Đà, sông Thao, sông Lô (ba nhánh chính của sông Hồng) đều lên. Gần chục ngày trời ngày nào cũng mưa, mưa lúc mau lúc thưa không ngớt, mây đen phủ kín cả bầu trời.
Dòng sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội nước chảy cuồn cuộn, những xoáy nước to bằng cái nong quay tít, xoáy hun hút xuống tận đáy, không một bóng con tàu, chiếc thuyền nào dám lai vãng. Vùng ngoài đê chìm trong biển nước, nhà cửa ở chỗ cao chỉ nhú lên cái nóc, các lùm cây thoi thóp trong nước lũ…
2 giờ đêm 21-8, lưu lượng nước sông Đà tại Hòa Bình đạt 16.100m3/giây, tại sông Thao (ở Yên Bái) là 10.500m3/giây, sông Lô (tại Phù Ninh, Phú Thọ) là 13.900m3/ giây. Sau khi hợp lưu, lưu lượng sông Hồng tại Sơn Tây là 34.250m3/giây làm cho nước các triền sông lên cao.
Ông Quang kể tiếp, Hà Nội lúc đó nước lên xấp xỉ mặt cầu Long Biên và ngành giao thông đã phải điều cả một đoàn tàu chở đá lên nằm yên trấn giữ mặt cầu, với hi vọng giảm thiểu tác động của nước xiết có thể cuốn phăng cả cây cầu huyết mạch này.
Sau khi lũ làm ngập vỡ hết các đê bối (đê nằm ngoài đê), lần lượt vỡ đê Lâm Thao, đê Lai Vu (Hải Dương), đê Nhất Trai (Thái Bình), đê Khê Thượng (Ba Vì-Hà Tây cũ). Riêng đê Cống Thôn thuộc Hà Nội vỡ lúc 20g30 tối 22-8. Đê phao Tấn Tả (Thái Bình) được phá để phân lũ lúc 9 giờ sáng 23-8. 11 giờ cùng ngày thì đê Thượng Vũ sông Kim Môn vỡ, đến 27-8 vỡ cả cống Chuốc do nước Khê Thượng dồn về…
“Mặc dù dùng cả xe tăng chặn lũ ở cống Khê Thượng nhưng lũ cuốn phăng cả xe tăng xuống phía hạ lưu hàng trăm mét” – ông Quang nhớ lại.
Theo ông Quang, mực nước đo được tại Hà Nội sau khi đã vỡ đê là 14,13m – theo nhiều chuyên gia là tương đương với mặt đồng hồ ở ga Hàng Cỏ.
Việc hàn khẩu các chỗ vỡ được thực hiện ngay nhưng do mưa to tiếp tục kéo dài, lũ lớn nên công việc kéo dài, chỉ kết thúc sau khi lũ rút, mặc dù đã sử dụng đến 10.000m3 đá hộc, 1,4 triệu bao tải đay, 34.000 rọ thép và đặc biệt đã phải đánh đắm 19 sà lan (riêng cho đê Nhất Trai).