Tổng hợp lại câu chuyện cho các cụ theo dõi liền mạch:
Những năm cuối thập niên 80 90 thế kỉ trước, phong trào vượt biên ở Hải Phòng, Quảng Ninh rất rầm rộ. Nhà nhà vượt biên, người vượt biên, đi đâu cũng thấy thì thào thậm thụt, bàn tán xôn xao. Nào là nhà kia mới đi có 1 tháng mà đã viết thư về rồi đấy, nào là vợ chồng nhà nọ đi đến mấy lần cả thảy mới thoát được. Người thành công cũng nhiều mà làm mồi cho cá cũng chả kém. Nổi tiếng nhất là vụ Gió Nam ( tên một quán cà phê hiện vẫn còn trên phố Cầu Đất, có lẽ gọi là vụ Gió Nam vì do chủ quán tổ chức hay sao ý ) con tàu chở người vượt biển bị đắm chết gần hết, trong đó có vợ con cố ca sĩ Ngọc Tân.
Lúc đó em mới học xong phổ thông đang định thi Đại học thì bà già chả biết nghe ai xui quyết định cho con trai vượt biên tìm đường 'cứu nước' ( em nói cho vui chứ không có ý đồ chính chị chính em gì đâu nhé ) Nhà em ông bà già cán bộ công nhân viên quèn nên gia cảnh cũng chẳng khá giả gì. Em lớn nhất, dưới em còn 2 cậu em trai còn đang đi học.
Sau một thời gian chắp mối, em cùng ông anh họ được gửi về Đồ sơn, nhà một người bà con có quen biết và gần với 1 đường đây đưa người vượt biển.
Đêm hôm đó, hai anh em được đưa tới điểm tập kết là 1 ngôi nhà nằm sâu trong xóm chài gần đê Bàng La. Đến nơi đã có khoảng 4 chục mạng cả già trẻ gái trai đang tụ tập ở sân nhà. Mọi người ai nấy đều thì thầm to nhỏ ra chiều căng thẳng lắm. Em cũng vứt ba lô hoà vào đám người không quen biết đấy. Hành trang của em chỉ có 2 bộ quần áo, ít lương khô, 1 chỉ vàng khâu kỹ trong cạp quần phòng khi cơ nhỡ.
Đến giờ xuất phát, theo hiệu lệnh của 1 đồng chí, tất cả bà con nối đuôi nhau men theo dọc con đê, người đi sau lặng lẽ bám đuôi người đi trước. Đường đê tối đen như mực, không một ánh đèn. Đi mãi rồi cuối cùng cũng đến nơi là một ngôi nhà giữa đồng không mông quạnh. Vào trong thì trời ơi, chắc phải đến hàng trăm người chen chúc bên trong. Thây kệ, mình cứ phải theo thôi chứ biêt sao bây giờ ?
Lại chờ đợi trong bóng tối. Thỉnh thoảng lại có tiếng xì xào bàn tán rồi lại im lặng chờ đợi.Bỗng đột nhiên có nhiều tiếng chân chạy rầm rập, ánh đèn pin loang loáng ở khắp xung quanh. Tiếng hô hét, kêu khóc hỗn loạn cả. Thế rồi cửa mở tung, các đồng chí công an, biên phòng, dân quân ập vào với vũ khí trên tay. Một đồng chí hô to: Ngồi im, tất cả đã bị bắt. Thôi, thế là đứt. Em và ông anh họ cùng mọi người bị đưa về đồn công an, hồi đấy còn là công an thị trấn Đồ Sơn. Đầu tiên tất cả bị nhốt vào 1 hội trường rộng trên tầng 2 sau đó từng người một bị dẫn đi lấy cung.
Không biết người khác thế nào còn em thì bị hỏi rất đơn giản: Ai là chủ tầu, ai đứng ra tổ chức và ai dẫn mối. Em thì đâu có biết ai chủ tầu chủ thuyền gì đâu mà khai, tất cả là do người bà con nhà em dẫn dắt, chả lẽ em khai ra thì liên luỵ người ta nên em cứ giả ngây giả ngô rằng em về Đồ Sơn chơi với người nhà thấy mọi người rủ nhau đi thì em cũng a dua a tòng đi theo thôi, chả biết gì hơn. Và em cứ dứt khoát như vậy bất kể bị đe doạ hay thế nào, em vẫn thống nhất với ông anh họ bảo vệ lời khai như vậy. Qua 2 ngày, bất lực với em, họ dẫn 2 anh em xuống giam ở buồng giam thật sự.
Đến tận bây giờ em vẫn còn nhớ như in tiếng cái cửa sắt buồng giam khi đóng mở. Lần đầu tiên trong đời được biết thế nào là bị giam như một tội phạm, cảm giác khó tả lắm các cụ ợ.
Cửa phòng giam đóng sập sau lưng, chỉ còn ánh sáng le lói xuyên qua ô nhỏ trên cánh cửa sắt. Phòng giam em ngang chỉ độ 1m8 dài chừng hơn 2 m, có một cái bệ xi măng cao 10 cm chắc chỉ để nằm. Vẫn biết mình chỉ tội nhẹ nhưng nỗi lo sợ mơ hồ vẫn bao trùm trong em. Suốt mấy ngày đi cung, các chú CA vẫn chỉ xoay quanh mấy câu hỏi cũ nhưng em đã quyết nên dứt khoát không khai gì khác.
Thế là thấm thoắt đã một tuần kể từ hôm bị bắt, hôm đó em được dẫn lên phòng hỏi cung, có 1 chú đã ngồi sẵn hỏi em mấy câu vớ vẩn rồi đưa ra tờ giấy có tiêu đề: Giấy huỷ bỏ các biện pháp ngăn chặn bắt em ký vào. Em đọc sơ qua, chả hiểu gì vì từ bé đến giờ chỉ biết có đi học, đâu có va chạm pháp luật bao giờ đâu mà biết. Hoá ra đấy chính là cái giấy thả em. Chắc người nhà bên ngoài thu xếp, lúc đó em đoán vậy.
Đấy là lần vượt biên đầu tiên không thành của em. Kính các cụ em nghỉ chút rồi biên tiếp hầu các cụ.
hế rồi em trở về nhà, cũng quá vài lần trục trặc nữa rồi gần 1 năm sau, cuối tháng 5/1989 em lại làm 1 tăng nữa. Qua mối lái, em lại vác ba lô hành trang xuống 1 cái xà lan chạy sông neo ở bờ sông dưới gầm cầu Niệm Nghĩa. Dưới xà lan đã có vài cậu thanh niên trạc tuổi em nằm sẵn đấy từ mấy hôm trước. Qua 1 đêm, sáng hôm sau xà lan nhổ neo chạy ra giữa vịnh Hạ Long nằm chờ. Đến khoảng 10h tối hôm đó 1 chiếc ca nô ( chính là loại ca nô chở khách Hải Phòng - Hòn Gai mà bây giờ vẫn gọi là tàu chợ các cụ ợ ) chở đầy nhóc người áp mạn xà lan rồi ào ào đổ người sang. Tất cả mọi người xuống nằm hết dước khoang rồi phủ bạt trùm lên. Xong xuôi đâu đó xà lan bắt đầu xuất phát nhằm hướng phao số 0 thẳng tiến.
Em xin mô tả sơ qua về phương tiện bọn em dùng để vượt biển cho các cụ dễ hình dung: Xà lan chuyên vận chuyển hàng hoá trên đường sông, trọng tải 70 tấn, có một máy chính công suất 70 mã lực ( số liệu này vì đã lâu rồi em không còn nhớ chính xác 100% chỉ biết lúc cao điểm nhất quân số trên tầu là 201 người ). Xà lan chạy sông khác xà lan hoặc ca nô chạy biển ở cái đáy tàu, loại chạy sông đáy bằng, loại chạy biển đáy vát nhọn để chém sóng. Xà lan có 2 khoang để chở hàng hoá, 1 ca bin lái, 1 buồng máy và đuôi tàu có 1 nhà vệ sinh cùng 1 bếp than to để nấu nướng.
hi bắt đầu khởi hành, dưới khoang không còn 1 chỗ trống. Ngoài một số người độc thân, còn lại đa phần là cả gia đình vợ chồng chon cái, có cả những ông bà đã già cũng có cả những cháu bé chắc chưa đầy năm cũng được bố mẹ ẵm bồng đi vượt sóng đến nơi thiên đường sung sướng.
Chạy được nửa ngày, xa xa đã nhìn thấy ngọn đèn biển Long Châu, gần phao số 0, sóng gió bắt đầu nổi lên. Từng đợt sóng cuồn cuộn dọc theo 2 thân tàu. Đuôi tàu bọt biển trắng xoá quyện với màu nước biển xanh thẫm, xanh thẫm đến mức độ các bác cứ hình dung màu mực Cửu Long ngày xưa đi học như thế nào thì màu nước biển lúc đấy cũng tựa như thế. Biển động càng lúc càng dữ dội, từng sóng cao như cả toà nhà mấy tầng dựng lên trước mặt rồi lại hạ xuống rất nhanh, mưa gió tứ lung tung hoà quyện với nhau với tất cả sự khủng khiếp của nó. Đấy chính là bão biển.Trong cơn bão, thuyền trưởng chỉ đạo máy trưởng chạy hết tốc lực gối sóng thẳng tiến. Em xin giải thích thuật ngữ gối sóng nghĩa là đâm thẳng mũi tàu vào ngang con sóng ( kiểu hình chữ T vậy ) vì nếu để tàu quay ngang sẽ bị lật úp ngay lập tức. Mũi tàu hết ngóc lên rồi lại cắm đầu xuống. Mỗi lần hạ xuống, đáy tàu đập mạnh xuống nước tạo nên âm thanh giống như ta vỗ mạnh bàn tay xuống nước ( tất nhiên là to hơn nhiều ). Em tự nhủ chả biết thân tàu đến lúc nào thì gẫy gập. Ơn trời nó vẫn không sao. Mọi người dưới khoang kể cả em say sóng bét nhè, có bao nhiêu nôn thốc nôn tháo ra bằng hết. Các cụ thử tưởng tượng cả con tàu cùng hành khách phải chống chọi với sự cuồng nộ của thiên nhiên như vậy cả một ngày trời thì may quá, mây tan dần, gió bão cũng dịu đi. Em ngoi lên ca bin xem xét tình hình thế nào. Trong buồng lái thấy đặt một la bàn đi biển trên một rổ đựng gạo, em đoán chắc để lấy cân bằng cho la bàn. Sau khi kiểm tra, đo đo đạc đac, thuyền trưởng tuyên bố sau 24h, con tàu chạy hết tốc lực trong cơn bão vừa rồi vẫn nguyên ở vị trí xuất phát, nghĩa là gần phao số 0, chưa ra khỏi hải phận quốc tế. Sau này nhiều người có kinh nghiệm đi biển nói may mà máy tàu có công suất mạnh, nếu không đã dạt về tận Thanh Hoá rồi. Và con tàu lại tiếp tục cuộc hành trình lên đênh trên biển.Sau cơn bão, mọi người cũng quen dần với sóng gió và bắt đầu thấy đói. Nhà bếp mang cơm và thức ăn lên cho mọi người. Cơm có cá khô và canh bí là thực đơn của bọn em. Cơm do nấu vội nên vẫn còn sống nhưng vì cả ngày đói và mệt nên ăn vẫn ngon lành.
Đích tiếp theo của tàu em là cảng Phòng Thành, Trung Quốc. Tàu chạy chừng 1 ngày sau thì tới nơi. Cập bến, mọi người tản mát lên bờ còn tàu thì được kiểm tra máy móc dầu mỡ để chuẩn bị tiếp tục cuộc hành trình. Lên trên bờ, em theo nhóm bạn mới quen trên tàu đi vào phố. trong nhóm có 1 cậu có tài móc túi tuyệt giỏi. Hôm đấy gặp đúng dịp Trung Quốc bán lương thực thực phẩm kiểu như mình hồi bao cấp ý, người dân chen nhau xếp hàng mua bán. Cậu kia sau một hồi chen vào đám đông quay ra đã có ngay 1 sấp tiền, thế là cả hội đi đập phá, ăn uống bễ nhễ. Em lần đầu tiên được biết thế nào là mùi vị nước ngọt và đồ ăn chính hiệu Trung quốc. buổi tối quay về tầu thấy có cống ngốn ( công an Trung Quốc ) đến hỏi han, sau khi biết là thuyền Việt Nam vượt biên họ cũng chẳng gây khó dễ gì. Sáng hôm sau tàu nhổ neo nhằm hướng Bắc Hải tiếp tục hành trình. Đến Bắc Hải mọi việc cũng xuôn sẻ, không gặp trở ngại gì lớn.
Ai nhìn trên bản đồ cũng hiểu từ miền bắc VN muốn đến HK kiểu gì cũng phải qua eo biển Lôi Châu nằm giữa đảo Hải Nam và đất liền Trung Quốc. Đây là eo biển rất nguy hiểm vì là nơi giao nhau của mấy dòng hải lưu tạo nên những vùng xoáy chết người. Nơi đây chôn dấu không biết bao xác người tỵ nạn Việt Nam qua các thời kỳ suốt từ năm 1979 tới giờ, là địa danh nguy hiểm nhất trong cả quãng đường tới HongKong. Thông thường, người ta muốn qua đây phải thuê tài cống ( lái tàu ) người bản địa lái tàu vượt qua eo Lôi Châu thì mới mong sống sót. Tàu em cũng không phải ngoại lệ, sau khi bàn bạc, mọi người quyết đinh góp nhau 5 chỉ vàng thuê 1 tài cống đưa tàu qua eo rồi sau đó cập bờ, tài cống đó nhảy xe quay lại.
Sau khi mọi việc được sắp đặt đâu vào đấy, tài cống Trung Quốc cầm vô lăng và chúng em lại xuất phát từ cảng Bắc Hải nhằm hướng eo Lôi Châu lên đường. Sóng yên biển lặng trong suốt hơn một ngày đêm thì cũng thấy xa xa thấp thoáng là đất liền ( trong cả hành trình, sang HK, trừ những lúc cặp bờ còn hầu như xung quanh chỉ có biển, chẳng nhìn thấy đất liền đâu ).Mọi người bảo đấy là đảo Hải Nam đấy. Đuôi tàu thỉnh thoảng thấy nổi lên lưng của những con cá to đen sẫm bơi theo tàu. Người thì cam đoan đấy là cá mập, người bảo không phải, chỉ là một loại cá to nào đấy mà thôi. Đôi lúc cũng nhìn thấy hình như là tầu ngầm Trung Quốc thì phải, em cũng không chắc lắm nhưng rõ không phải là những tàu dân sự bình thường. Đi một đoạn nữa, đột nhiên nhìn rõ những cột buồm nhô lên lập lờ dưới mặt nước biển xanh thẫm, mọi người chợt lặng im vì hiểu rằng đấy chính là những tàu vượt biên Việt nam xấu số bị chìm mang theo biết bao sinh mạng của đồng bào bỏ xác nơi đất khách quê người. Cầu mong cho linh hồn của họ được siêu thoát.
Tàu chạy tiếp tục trong sóng yên biển lặng, em và mấy người nữa leo lên nóc ca bin tàu nằm hóng mát. Em tự nhủ hoá ra tàu mình cũng may mắn, tưởng nguy hiểm thế nào chứ thế này thì cũng chẳng có gì ghê ghớm. Trời vẫn quang, mây vẫn tạnh, sóng biển nhè nhẹ, bọn em ngêu ngao mấy bài nhạc vàng ra chiều yêu đời lắm. Trời tối dần, bóng đêm bắt đầu phủ xuống thì đột nhiên có tiếng ông thuyền trưởng Việt nam quát to bắt mọi người xuống hết hầm boong. Em cùng mọi người nháo nhào lao xuống theo hiệu lệnh thuyền trưởng. Nằm dưới hầm boong chỉ thấy mưa, gió quay cuồng một chập chừng 1 tiếng rồi đột nhiên im phăng phắc. Một lát sau, ông thuyền trưởng vén bạt gọi mọi người lên nói mình vừa thoát chết. Chẳng ai hiểu mô tê gì cho đến khi ông thuyền trưởng kể lại rõ ngọn nghành.
Theo lời ông ấy kể: tàu đang đi trong điều kiện thời tiết hết sức lý tưởng, tài cống TQ đang cầm vô lăng,không biết nhìn mây trời có dấu hiệu gì bất thường đột nhiên la hét ầm ĩ một hồi rồi buông tay ngồi thụp xuống ôm đầu. Ông thuyền trưởng Việt Nam biết là có vấn đề nghiêm trọng nên ra lệnh mọi người xuống hầm boong. Ngay lập tức sau đó mưa gió nổi lên rất đột ngột. Ông thuyền trưởng Việt Nam đạp tài cống TQ sang một bên và cầm vô lăng chèo lái con tàu trong tuyệt vọng với ý thức: còn nước còn tát. Ông hiểu rằng người tài cống TQ thổ công thổ địa còn buông tay chịu chết có nghĩa là tình thế vô cùng nghiêm trọng. Chỉ 1 tích tắc, theo lời ông thuyền trưởng, ông ấy không tin vào mắt mình: con tàu quay ngoắt 180 độ lúc nào không hay. Rồi sau đó chẳng hiểu có phép màu nào mà tàu em lại thoát được, chắc do tàu mình được Trời Phật phù hộ độ trì, chưa phải đến ngày tận số. Sau này nghĩ lại mới biết chắc tàu đi vào đúng đường đi của 1 cơn lốc biển.
Cuối cùng cũng vượt qua được eo biển tử thần, tàu cập vào một cảng nhỏ em không nhớ tên để ông Tài Cống TQ lên bờ đồng thời tàu cũng bổ xung dầu mỡ, xem lại máy móc. Mọi người tản mát lên đất liền đi kiếm lương thực thực phẩm. Em cùng mấy người bạn đi xin ăn, học được mấy câu tiếng Tàu: pỉ ngổ tí xỉn ( cho tao ít tiền ), pỉ ngổ tí mẩy ( cho tao ít gạo ) thế mà cũng được một ít. Hôm đấy thằng bạn ra chợ mắt trước mắt sau thó nhể ( ăn cắp ) được mấy quả tim lợn, vặt trộm được mấy quả bầu mang về nhà dân gần đấy nấu nhờ. Cả bọn được bữa no không đi nổi. Các cụ có tưởng tượng được 5 thằng mà ăn hết 6 bát gạo đầy không, chắc đời em chưa bao giờ ăn khoẻ như vậy.
Lại nói về ăn xin, nói thật, em vẫn ấn tượng về lòng tốt của người dân TQ. Hồi đấy thấy nông thôn TQ cũng chẳng khá hơn mình bao nhiêu nhưng họ sẵn sàng giúp đỡ dân tị nạn VN, có điều dân mình qua đất nước họ ăn cắp ăn trộm đủ cả, về sau họ cũng ghét. Có lần, em với thằng bạn đói quá, 2 thằng bàn nhau vào ăn chạc. Thế là 2 thằng đánh liều vào 1 quán vỉa hè như của mình vậy, ăn xong 2 thằng nháy nhau chạy thật nhanh về 2 phía khác nhau, ông chủ quán tức quá dẫm chân bành bạch, kêu ầm ĩ nhưng cứ loay hoay chẳng biết đuổi thằng nào. Có lần khác, cũng lại đói quá em đánh liều đi ăn cắp cái gì đó để ăn. Vòng quanh chợ mấy lần chỉ thấy có sạp bán dưa hấu là dễ lấy, dưa hấu chất cao như núi mà chả thấy chủ quán đâu. Dằn dứ mãi vì em chưa đi ăn cắp bao giờ, nhưng đói quá nên xông vào bê 1 quả chạy ra chỗ kín dùng đá đạp vỡ ra ăn.Thế mà cũng ăn hết, ăn xong thì mẹ ơi, cái bụng căng lên như 1 cái trống, óc a óc ách lạ lắm các cụ ợ.
Thế rồi con tầu lại tiếp tục lên đường. Vậy là chỉ còn 1 nửa chặng đường phía trước. Chả biết còn gian truân thử thách gì đang chờ đợi phía trước đây.
Đi được mấy hôm lại có dấu hiệu có bão, tàu đành quay đầu vào bờ tránh bão. Đến gần bờ, thấy dân thuyền chài địa phương cứ chỉ chỉ cái gì trước mặt, thuyền trưởng bảo 1 bà trước đây nhà ở phố Kỳ Đồng ( trước kia có nhiều Hoa Kiều sinh sống ) biết 1 ít tiếng Hoa ra xem họ nói gì. Sau khi nói chuyện với họ 1 hồi, bà ấy bảo họ nói đi vào luồng vừa chỉ ý. Thế là yên tâm rồi. Đi một đoạn thì bỗng nhiên : kịch kịch, két két, tàu đứng khựng lại. Mọi người nhao nhao lên: va phải đá ngầm rồi. Ai đó lấy cây sào ra chống thử thì đúng là đá ngầm thật. Hoá ra ngư dân họ biết tàu Vn nên cảnh báo chỗ đấy có đá ngầm không nên đi vào đấy thì phiên dịch lởm của mình lại phán ngược lại. Thế là lại phải chờ nước lên rồi nhờ tàu TQ kéo vào xưởng sủa chữa. Về đến xưởng thì mới biết tàu gãy hết cả chăn vịt, bay mất tiêu cả bánh lái. May mà lúc đó nước lên chứ nước xuống thì lại lật tàu, chắc chết đuối cũng tương đối.
Đêm hôm đó bão về, tất cả mọi người lên 1 đảo cát có rất nhiều cây phi lao gần đấy tránh bão. Hoá ra đấy là 1 bãi tha ma các cụ ợ, nhưng cũng chẳng có chỗ nào khác, đành chịu vậy. Mọi người dùng tất cả những gì kiếm được để che mưa che gió nhưng vẫn không ăn thua. Cả đêm chịu gió, rét, ướt như chuột lột. Một thanh niên không biết bơi ra bơi vào thế nào bị nước cuốn trôi, thế là 1 nhân mạng đã ra đi.
Bão tan, tàu chuẩn bị khởi hành thì có một nhóm người ở một tàu khác xin đi nhờ vì thuyền vỡ. Kiểm tra tổng quân số cho chặng cuối cùng là 201 người. Tàu lại ra khơi, tiếp tục cuộc hành trình. Một hôm, em đang ngủ, người bạn lay dậy bảo: sắp đến HongKong rồi. Em sướng quá leo ngay lên mũi tàu để xem. Đúng thật, xa xa là đất liền kia rồi, thiên đường là đây chứ ở đâu? Cuối cùng sau bao gian truân, nguy hiểm, mình cũng đã thành công. Mặt biển xanh lăn tăn vài con sóng nhẹ, thời tiết tuyệt đẹp như đón chào con tầu đến với chân trời mơ ước. Cha mẹ ơi, cái gì thế kia??? Có cái gì lao như bay trên biển, càng đến gần nhìn càng giống 1 chiếc thuỷ phi cơ, có cảm giác nó nhấc hẳn thân trên mặt nước. Về sau mới biết đấy chính là tàu cao tốc chạy tuyến HongKong - Macao các cụ ạ. Mọi người phấn khích hẳn lên, bàn tán xôn xao. Em cũng thế, hình như bao mệt nhọc bay biến tù lúc nào. Một chú lớn tuổi có vẻ hiểu biết cam đoan rằng bên này bà con sang đâu được ăn uống sướng lắm, toàn đò tây không à, ăn xong toàn lát xê quả lê quả táo chứ không tráng miệng vớ vẩn như ở Vn. Ừ thì cũng phải thế chứ, bõ công đánh đổi mạng sống của mình chả lẽ lại vẫn cơm mì cơm độn hay sao. Thế là sau 21 ngày đêm, em cũng đến được HongKong, hôm đấy là ngày 19 - 6 - 1989, một ngày không bao giờ quên trong đời em.
Phần 2: Hongkong, những ngày đầu.
Được một lúc, có 3 cái tàu màu xám, bên sườn sơn chữ HONGKONG ROYAL POLICE lao ra vây quanh tàu em. Đứng trên mạn thuyền là bọn cảnh sát, thằng nào cũng phải cao cỡ 1m8, quân phục cực kỳ đẹp, trắng trẻo, đẹp trai với kính Rayband, mũ be rê gài trên cầu vai, phải nói là vô cùng ấn tượng. Tàu em được kéo đất liền. Càng vào gần, em nhận ra hình như đây là 1 cái đảo lớn có đồi núi, cây cối, lán lều với nhiều người đi lại. Phải có đến mấy trăm thuyền bè đậu đầy mép nước. Có nhầm không nhỉ? Chả lẽ đây là HongKong đây sao? Không ai bảo ai, mọi người trầm hẳn xuống, im lặng chờ đợi. Lên cầu cảng, họ cho lần lượt từng người lên rồi khai sơ bộ tên tuổi, địa chỉ ở Vn, đi với ai .v.v. rồi tập trung ở 1 chỗ. Sau đó họ phát cho một số nhu yếu phẩm cần thiết như khăn mặt, xà phòng, bàn chải đánh răng .v.v. với 1 cái phiếu để hàng ngày lên lĩnh đồ ăn sau đó mọi người tuỳ nghi di tản, tự tìm chỗ tá túc trên đảo. Chỉ có thuyền trưởng ở lại họp vói họ rồi quay về cho bọn em biết số tàu của mình là 432, mọi người tự lo cho đến khi có thông báo mới, ai có nhu cầu viết thư thì có thể nhờ cha đạo ra ngoài HK gửi hộ. Chỗ sinh hoạt của bọn em là tự tìm những cái lán mà ở, có lẽ trước đây những cái lán này dùng để nhốt bò. Tiêu chuẩn mỗi người mỗi ngày 1 hộp sữa đặc, 1 hộp cá, 1 hộp đậu Hà lan, 1 gói bánh quy. Lúc đầu ok nhưng chỉ sang đến ngày thứ 3 là ngấy lên đến tận cổ. Nhiều người bắt đầu có dấu hiệu rối loạn tiêu hoá do không quen thức ăn. lại nói về sinh hoạt trên đảo, ngủ và sinh hoạt thì như vậy, tắm thì xuống biển, vệ sinh leo lên đồi cao. Nắng thì còn đỡ chứ nếu mưa, chất thải chảy xuống xú uế vô cùng. Có những người đến nơi chỉ còn 1 quần đùi, 1 áo khi tắm xong mặc nguyên quần áo ướt chờ khô. Thuốc lá thuốc lào cạn dần, bắt đầu là của hiếm. Các anh chị đầu gấu bắt đầu ra tay cướp bóc của những ai có của nả mang từ VN sang. Nói chung an ninh rất hỗn loạn. Em thì không được tận mắt nhìn thấy nhưng có nghe nói về nạn hiếp dâm, đâm chém giết chóc trên đảo. Bọn em mấy anh em độc thân sống quây quần bên nhau, ngoài lúc ăn ngủ thì đi lang thang chơi, bắt tóp thuốc lá thuốc lào sống qua ngày.
hế rồi hơn 20 ngày cũng trôi qua, một sáng thuyền trưởng đi khua hết các lều có người của thuyền 432 bọn em ra tập trung để chờ chuyển trại mới. Lần này là 1 trại nằm trên 1 hòn đảo nhỏ có tên là đảo Thanh Châu. Vào đây, bọn em từng người một được phun từ đầu đến chân một loại dung dịch màu trắng, có lễ là để tẩy uế, khử trùng. Đến bữa trưa và bữa tối được phát cơm hộp với đồ tráng miệng là cam Califolia hẳn hoi, buổi sáng có bánh mỳ lát và sữa tươi. Ai trên 21 tuổi còn được mỗi ngày 3 điếu thuốc lá về sau bọn em đặt tên là thuốc trại. Sau bao nhiêu ngày không được ăn cơm, từ xa đã ngửi thấy mùi thơm phức các cụ ạ.
Ở Thanh Châu được 3 ngày họ lại chuyển bọn em ra phao nổi. Gọi là phao nổi nhưng thực chất là cái phà biển 2 tầng trứ danh của HongKong nhưng chắc là quá date neo ở 1 hòn đảo nhìn thẳng ra vịnh Victorya tráng lệ. Bọn em được xếp ở tầng 1 của cái phà đấy. Buổi tối nhìn sang Hongkong đèn đuốc lung linh. Hongkong hình như không ngủ, đèn sáng cả đêm. Cũng có người ôm can liều mình bơi sang bờ bên kia chơi rồi quay lại. Bọn em ở đấy còn được chiêm ngưỡng rất nhiều những con tầu du lịch trắng tinh đi dọc ngang trong vịnh, lại có cả những con tàu 2 thân, lần đầu tiên trong đời được thấy tận mắt. Rồi biết bao những con tàu container vĩ đại chắc phải đến hàng trăm ngàn tấn ra vào như mắc cửi. HongKong có cách giải phóng hàng không giống mình, khi có tàu hàng vào, neo luôn ở giữa biển, sau đó có hàng chục cái bông tông nổi có sẵn cần cẩu ra áp sát vào tàu to rồi bốc hàng xuống chở đi rất nhanh, không cần chờ cập cầu tàu như mình. Phải nói dân tị nạn mình bẩn thật, ăn xong vất luôn vỏ hộp cơm hộp bằng xốp xuống trắng xoá cả mặt biển.
Phao nổi em có 2 kỉ niệm nhớ đồi, một lần, buổi chiều thấy bọn cảnh sát bê vào phòng rất nhiều hộp to hộp nhỏ, tưởng đò ăn, tối đến em đánh liều lẻn vào ăn trôm, về đến nơi hí hửng mở ra, hoá ra là nguyên một hộp thìa nhựa.
Kỷ niệm thứ hai là em có bọc thuốc lào, bộn đầu gấu xin đểu, em nhất định không cho. Thế là bị 1 trận lên bờ xuống ruộng, uất ức nhưng chẳng làm gì được, thân cô thế cô mình cũng phải chịu nhịn.
Ở được gần chục hôm thì được đi tránh bão ngay dưới tòa nhà Ngân hàng HSBC nổi tiếng, ngay bên cạnh bến phà cao tốc Hongkong-Macao.
Ở phao nổi được gần một tháng thì tàu em chuyển vào trại có tên là Argyle Street tiếng Tàu gọi là Akai Lẩu Cái với số thẻ cá nhân là 654.
Để em nói rõ về vấn đề người tị nạn ở Hongkong cho các cụ hiểu rõ chút.
Sau sự kiện người Hoa năm 1979, làn sóng vượt biên nổi lên những năm sau đó. Miền Nam thì chủ yếu chạy sang Thái Lan, Indo, Malay, Sing...miền Bắc thì sang Hongkong. Trước lượng người vượt biên sang HK ngày càng tăng, Cao ủy tị nạn LHQ viết tắt là UNHCR đề ra 1 cái mốc là 16/6/1988 ai đến trước ngày này sẽ được nghiễm nhiên chờ ngày được các phái đoàn của các nước ( gọi là nước thứ 3 ) phỏng vấn, nếu được ok sẽ được sang định cư ở nước đó. Ai đến sau 12h đêm ngày đó sẽ bị mặc nhiên coi là tị nạn kinh tế, sẽ bị giam giữ trong trại cấm, có nghĩa là trại đóng cửa, không được ra bên ngoài. Tuy nhiên sau đó tất cả sẽ được tiếp kiến phái đoàn Cao ủy tị nạn LHQ thanh lọc, nếu chứng minh được mình là tị nạn chính trị sẽ được sắp xếp ra ngoài trại mở ( bọn em gọi là trại tự do ) như những người đi trước mốc để chờ đi nước thứ 3. Nếu khô g chứng minh được lần đầu, bạn có quyền kháng án 2 lần nữa mà vẫn không được công nhận là tị nạn chính trị ( bọn em gọi là ăn một hoặc 2 cánh gà ) thì bạn sẽ bị giam giữ tiếp tục và chờ ngày bị cưỡng bức trở về VN. Bạn cũng có thể lựa chọn phương án tự nguyện hồi hương để được tham gia các chương trình tái hòa nhập cộng đồng của LHQ dành cho thuyền nhân Vn hồi hương tự nguyện. Em cũng không nhớ chính xác lắm vì lâu quá rồi, hình như mỗi người được 350 USD ( hay 700 ) ngoài ra còn được vay tiền ưu đãi do EC tài trợ.
Lại nói về mốc 16/6 đau nhất là nghe nói có thuyền chỉ đến sau mốc có mấy tiếng mà phải ngậm ngùi vào trại cấm. Em thì đến chậm so với mốc đúng 1 năm 3 ngày nên chẳng ân hạn gì.
Trại Argyle Street trước kia là 1 trại lính, được chia làm 5 buồng, mỗi buồng chứa được khoảng 500 người. Để các cụ dễ tưởng tượng, hình dáng của các buồng đó hình vòm giống như cái nhà hangar của sân bay, bên trong kê các tấm gỗ ván để sát nền nhà. Bên trong mỗi buồng có 1 tivi, 2 buồng tắm công cộng cho nam và nữ. Giữa 2 buồng là dãy nhà toilet, sân phơi quần áo, trước buồng là một khoảng sân. Cả trại có trường học, nhà y tế, văn phòng.... Xung quanh trại được ngăn cách với bên ngoài bằng hàng rào sắt với dây kẽm gai cùng các bốt gác của cảnh sát.
Ngày nhập trại, mỗi người được phát các vật dụng cần thiết như: quần áo ( giống như quần áo hàng đống ở nhà ), chậu nhựa, ca nhựa, bát, thìa, chăn, dép, khăn mặt, bàn chải đánh răng, thậm chí mỗi người còn được 1 bộ bài tây để giải trí...
Em được phân về buồng 3, số thuyền 432, số thẻ 654 ( giống như số tù vậy ).
Hàng ngày, mỗi người mang thẻ ra xếp hàng lĩnh 3 bữa ăn, sáng có bánh mỳ và sữa tươi, trưa và chiều thì có cơm và thức ăn thay đổi theo ngày. Một tuần được lĩnh 3 quả cam, giấy vệ sinh, xà phòng, khăn mặt, thuốc lá ( chỉ phát thuốc lá cho những người trên 21 tuổi không phân biệt nam, nữ). Trẻ em được đi học, ai có nhu cầu khám bệnh được đáp ứng đầy đủ, nói chung cuộc sống tạm ổn.
Tivi thì có 2 kênh tiếng tàu và 2 kênh tiếng Anh, trong đó có 1 kênh ATV và 1 kênh TVB mà các cụ ở nhà mình hay xem phim bộ đấy ạ, phát 24/24 luôn.
Thực lòng mà nói, cuộc sống ở trại cấm HK em đánh giá còn phức tạp hơn cuộc sống trong tù ở VN mình bởi lẽ môi trường tù chỉ có dân anh chị với nhau, còn ở đây thì đủ hết: trí thức có, lưu manh, đầu trộm đuôi cướp có, dở dở ương ương cũng có, nói chung là đủ hết.
Vào trại một thời gian ngắn đã bắt đầu xảy ra vài vụ đánh nhau, đâm chém, tranh giành số má. Các cụ nghĩ mà xem, con người ta trong hoàn cảnh bị giam hãm, tù túng nên tâm tính có lẽ cũng cục cằn hơn bình thường. Bản thân em có lần vì va chạm trong lúc lấy cơm cũng nổi điên đánh nhau, bị cảnh sát ( bên này gọi là a Sề vì có lẽ xuất phát từ chữ sir trong tiếng Anh )
Ở đây, có lẽ quý nhất là chè tầu, thuốc lá và đặc biệt là thuốc lào. Các cụ có thể tưởng tượng được không, một mồi thuốc lào có khi chia 5 xẻ 5 đúng nghĩa đen của nó. Điếu cày được các nghệ nhân chế tác từ các loại vật liệu có thể tạo nên được, đun nước bằng lon sữa, củi thì người ta xé sợi chăn ra rồi đốt cháy ca nhựa, chậu nhựa nhỏ lên. Thậm chí bí quá, có người còn biểu diễn đun nước sôi nước đựng trong túi nilon ( cái này nghe rất khó tin nhưng có thực ).
Chủ nhật, trại cho những người ngoài tự do ( thường là những người đi trước mốc 16/6/1988 ) được phép vào thăm thân nhân rồi gửi quà.
Bắt đầu hình thành các băng nhóm bắt đầu đánh nhau để lấy số má, từ đó xin đểu, trấn cướp đồ dùng, quà cáp và những tài sản quý của những người có thân nhân ngoài tự do. Ai muốn yên thân thì ngoan ngoãn cống nạp, nhưng cũng có những người không chịu chấp nhận, thế là những trận chiến đấu xuất hiện. Vũ khí được tạo bởi tất cả những gì có thể: dùi sắt, lập là, bàn chải đánh răng mài nhọn.... Ở trại em ở như thế vẫn chỉ là đánh nhau nhỏ lẻ, thấy nói ở các trại khác, mức độ tàn khốc còn cao hơn nhiều, có thể so sánh như trong truyện Tam Quốc vậy. Lúc khác em sẽ kể chi tiết về chủ đề này cho các cụ nghe.
Em thì chả có thân thích gì ngoài tự do nên tài sản chẳng có gì ngoài những đồ trại phát. Thuốc lá thì hút ké của mấy anh ở cùng vì hôif đó em chưa đủ 21 tuổi nên không có tiêu chuẩn. Cảnh đi xin xỏ thì luôn tủi nhục, nhưng biết sao bây giờ? Một thân một mình nơi đất khách quê người giữa chốn ba quân thì phải chấp nhận mà tồn tại.
Ai ở trại Akai hồi đó đều biết chị thư ký văn phòng trại tên a Quay ( tên Việt nam là Quý ) . Đến tận bây giờ em vẫn còn nhớ như in giọng nói và ngoại hình của a Quay. A Quay là một người Việt gốc Hoa, vượt biên xuất phát từ Sài Gòn, dáng người nhỏ bé, 2 mắt kính cạn choán hết cả khuôn mặt. Do khả năng đọc thông viết thạo cả 2 ngôn ngữ nên được cất nhắc là thư ký văn phòng. Một hôm, thấy trên loa giọng a Quay thông báo trại trưởng mời những ai biết điêu khắc lên gặp. Nhờ hồi đi học cũng có tý hoa tay vẽ vời hoa lá cành nên đánh liều cùng anh bạn thân tên Bảo lên phỏng vấn. Không ngờ qua kiểm tra, cả 2 thằng cùng được nhận đi làm mà làm sao cả trại chỉ 2 thằng được nhận, sướng thế. Thế là được chụp ảnh, làm thẻ và đi làm, hàng tuần lĩnh lương. Hóa ra đồng lương đầu tiên trong đời lại được lĩnh ngoại tệ. Công việc cũng chẳng có gì ghê ghớm, đấy là khắc tượng nổi trên những cái cốc đặc bằng thạch cao. Thế mà bọn em được trọng vọng ra phết. Cuộc sống được cải thiện, có tiền mua thuốc lá, chè tàu, hạnh phúc giản dị mà sung sướng vô cùng các cụ ạ.
Vào trại được mấy hôm thì bắt đầu có những cuộc trốn trại ra bên ngoài tự do. Lúc đầu còn lác đác, sau thì ngày càng nhiều người trốn. Ra ngoài kia nếu có người nhà ở trại tự do thì có thể ở nhờ rồi kiếm chứng minh thư giả để xin việc hoặc đi ăn cắp, cướp dây chuyền vàng, móc túi...nếu bị cảnh sát bắt vì tội ăn cắp hoặc cướp thì tất nhiên bị ra tòa xử tù, còn nếu bị bắt vì tội trốn trại không thì chỉ bị bắt đưa về trại, ở sổ ky ( giống như đi kỉ luật ở nhà tù Việt nam ) mấy hôm rồi về buồng. Hồi đấy mấy người trốn trại bị bắt về, con người như lột xác: đầu uốn xoăn ( hồi đấy chưa có phong trào nhuộm tóc như bây giờ ) đi giầy thể thao cao cổ - mốt lúc bấy giờ bên Hongkong, cổ và tay lủng lẳng dây chuyền, lắc vàng.v.v. được bà con ngưỡng mộ lắm. Ban đầu em cũng không có ý định trốn vì nghĩ mãi chả ra ai thân thích ngoài kia mà hi vọng nhờ vả, sau phần vì bạn bè rủ rê, phần vì khao khát tự do, khao khát được hòa mình với cuộc sống thiên đường chỉ cách mình hàng rào sắt nên em quyết định trốn trại.
Thời gian em quyết định trốn là lúc có nhiều người trốn nên bọn cảnh sát gia cố hàng rào kinh lắm, trốn thoát được vô cùng khó chứ không dễ như thời gian đầu. Để em tả qua về cái hàng rào em phải vượt qua để các cụ dễ tưởng tượng: Hành rào lưới sắt cao khoảng 8 , 9 mét, chân hàng rào được hàn kín bằng tôn để không có kẽ hở bám vào để trèo. Từ trên đỉnh hàng rào xuống có khoảng 6 vòng dây thép gai, chưa kể chòi canh của cảnh sát cách 1 đoạn lại có 1 cái. Ngoài hàng rào là bãi tập kết vật liệu của 1 công trường xây dựng. Hôm đó vào tầm 3h chiều, nhóm trốn của bọn em có 3 người cả thảy. Chờ cho thằng cảnh sát ở chòi gác đi tuần ra hướng khác, những người bạn ở nhà công kênh bọn em lên rồi bằng mọi cách chui luồn thật nhanh qua mấy tầng dây thép gai nhẩy ra bên ngoài trước lúc thằng cảnh sát kia quay lại. Đến giờ 2 bên cánh tay em vẫn còn mấy vết sẹo, dư âm của cuộc đào thoát ngày đấy. Còn một chi tiết đáng nhớ nữa là để gọn nhẹ và đỡ vướng vào dây thép gai, bọn em khi trèo thì đi chân đất và mặc quần đùi, khi ra đến ngoài thì anh em bên trong sẽ lựa lúc thuận lợi ném giầy, quần áo qua hàng rào cho bọn em. Lúc ném xong, quần áo thì ok, còn giầy thì chẳng biết văng đi đâu, em chỉ thấy 1 chiếc. Đang loay hoay thì may quá vớ được một đôi giầy kiểu như bảo hộ lao động, có lẽ là của 1 ông công nhân nào vứt lại, em đi vào và thế là lại tiếp tục 1 cuộc phiêu lưu mới.
Mấy anh em lếch thếch đi xuyên qua công trường xây dựng để ra đường bắt xe bus về trại tự do. Lần đầu đặt chân trên phố của Hongkong, chao ôi là choáng ngợp, hai bên đường toàn nhà cao tầng. Kể thế bây giờ có khi có cụ phì cười nhưng quả thật thời đó đất nước ta còn nghèo nàn lạc hậu lắm, em cứ cảm giác mình như người rừng lên phố vậy. Nghe theo kinh nghiệm của những người trốn trước truyền lại, bọn em cứ cắm đầu đi thẳng, có gắng không nhìn ngang nhìn dọc để tránh bị phát hiện là mấy thằng trốn trại. Theo đúng lịch trình là ra ngoài đường tìm đến bến trạm xe bus gần đấy bắt xe 2a đi đến Shamsuipo rồi đi sang đường bắt tiếp xe bus số 59a để về trại 46 ( tên một trại tự do ). Chặng đầu suôn sẻ, đến Shamsuipo bọn em đang loay hoay tìm đường sang bên kia thì đột nhiên một nhóm người mặc thường phục vỗ vai bọn em rồi rút thẻ nói xì xà xì xồ một tràng em chẳng hiểu cái gì. Em giật mình, thôi bỏ mẹ, gặp bọn súy rồi ( CID - cảnh sát mật HK ), đen thế, vừa lóp nghóp trốn ra được mấy tiếng đã bị bắt. Đúng thật cảnh sát mật các cụ ạ, chúng nó thấy bọn em lớ nga lớ ngớ nên kiểm tra chứng minh thư, mà chứng minh thư thì bọn em làm gì có. May sao sau một hồi khám người bọn em thấy không có gì, bọn nó vẫy tay cho đi. Sau này những người có kinh nghiệm nói bọn kia chắc tháng đấy đủ kế hoạch nên chúng nó không thèm bắt mấy thằng trốn trại, hóa ra bọn tư bản cũng được giao kế hoạch giống ta nhỉ. Bọn em như chết đuối vớ được cọc tiếp tục hành trình lên xe 59a thẳng tiến trại 46.
Trên con đường bôn ba của cuộc đời, đôi khi vô tình ta gặp những người tốt với ta trong những lúc khốn khó mà chả biết bao giờ gặp lại để mà trả ơn hoặc chí ít cũng để nói lời tri ân. Em may mắn sao gặp được nhiều người như vậy các cụ ạ. Trên chuyến xe bus số 59a về trại 46, em nghĩ ra một cách để ngụy trang mình như là người bản xứ bằng cách cầm tờ báo tiếng tàu ai đó vứt lại trên xe giả vờ đọc chăm chú. Bỗng nhiên em thấy thằng cha bên cạnh cứ nhìn mình chằm chằm, em chột dạ, hay là lại gặp cảnh sát chìm? Mặc kệ, em cứ làm như không biết, vẫn mải miết đọc. Được một chốc, bỗng người đàn ông ấy ghé vào tai em nói nhỏ:
- thôi thôi, ông vứt mẹ nó tờ báo đi, nhìn qua ông tôi biết ngay mới trốn trại ra đúng không?
Hú hồn, hóa ra người Việt, em vội trả lời:
/ vâng, mấy anh em em mới trốn ra đang tìm đường về trại 46 tìm người nhà anh ạ.
Anh ấy bảo:
- anh bảo này, lúc nãy anh đi qua đây nên biết phía trước bon cảnh sát đang dừng xe kiểm tra chứng minh, lát xuống bến gần đây mấy thằng theo anh dẫn qua chỗ đấy.
Em trả lời:
- vâng, có gì anh giúp bọn em nhé
- cứ yên tâm, để anh giúp.
Thế rồi xuống trạm tiếp theo, xuống xe, anh ấy gọi taxi rồi kêu cả bọn lên cùng.
Đúng thật, đi một đoạn thì có đèn xe cảnh sát nhấp nháy xanh đỏ trước mặt. Cảnh sát dừng tất cả các xe lại kiểm tra chứng minh, kể cả xe bọn em. Ngồi trên xe, bọn em thằng nào thằng đấy mặt xanh như *** nhái, có lẽ lúc bấy giờ trời nhập nhoạng tối nên không bị phát hiện. Anh kia bình tĩnh đưa chứng minh rồi nói gì đó bằng tiếng tàu với cảnh sát một hồi. Hồi đó em chưa biết tiếng nên chẳng hiểu 2 người nói gì. Một lúc cảnh sát xua tay cho xe đi, cả bọn thở phào nhẹ nhõm. Lâu quá chẳng nhớ về sau anh ấy nói lý do gì mà bọn cảnh sát cho qua không kiểm tra chưng minh bọn em. Xe đi gần đến trại thì anh ấy kêu tài xế dừng xe rồi anh ấy còn xuống tận tình chỉ:
- mấy đứa băng qua đường rồi trèo qua cái hàng rào thấp chỗ kia mà vào trại, đừng vào cổng chính, sợ cảnh sát nó bắt đấy. Thôi anh đi nhé.
Bọn em líu ríu cám ơn, xe đi một hồi mới nhớ ra quên bẵng mất chẳng hỏi tên ân nhân của mình.
Chui vào trại, em tìm đến mấy căn phòng bỏ hoang không ai ở. Mấy ngày lang thang trong trại hi vọng kiếm người quen mà không thấy ai, mấy đồng tiền ít ỏi lận lưng cũng cạn dần. Được mấy hôm, hết hi vọng, em đi nhờ taxi một người quen cũng là dân trốn trại về Tuen Mun ( tên một trại tự do khác của người Việt tị nạn ). Vào trại này khó hơn vào trại 46, để tránh bị cảnh sát gác cổng ( trại 46 không có cảnh sát gác cổng ) em phải đi vòng ra sau trại rồi trèo rào để vào. Lại đi các buồng tìm người quen và kết quả cũng vẫn thế, chả có ai quen. Đơn độc, hết tiền, không nơi nương tựa...may vớ được mấy cậu em đồng cảnh ngộ nên cũng cảm thấy đỡ cô đơn. Đúng như các cụ nói, đói ăn vụng, túng làm liều, ban ngày cả bọn lang thang ra chợ ăn cắp đồ ăn sống qua ngày, đêm về ngủ vạ vật trên nóc nhà trong trại. Dân tị nạn Việt nam mình bên đấy ngoài những người tử tế đàng hoàng xin việc đi làm thì phần còn lại nhất là những thành phần nghiện ngập thì kiếm sống chủ yếu là móc túi, cướp dây chuyền... Một lần, túng quá, mấy cậu em kia bàn đi cướp dây chuyền. Hôm đấy, trên một con đường vắng, phát hiện một phụ nữ địu con nhỏ trước ngực đeo một cái dây chuyền vàng khá to, một cậu lao vào giật. Người phụ nữ nọ sợ quá kêu không ra tiếng, cứ ú ớ trong cổ họng. Dây chuyền đứt rồi nhưng cái khóa dây lại giắt vào cổ áo, cậu kia giật mấy phát vẫn chưa tuột ra, cậu ta bèn đạp cho người phụ nữ cùng đứa nhỏ địu trên người ngã giúi dụi vào bụi cây. Cướp được cái dây chuyền mang về trại bán được ít tiền, cả bọn sống no đủ mấy hôm. Cảnh tượng người phụ nữ cùng đứa con nhỏ bị bọn em cướp vẫn ám ảnh em đến tận bây giờ các cụ ạ. Ở Hongkong vàng hoặc kim cương .v.v. không có giấy mang ra hiệu kim hoàn bán họ không mua các cụ nhé nên phải bán qua đầu nậu, giá có lẽ chỉ bằng phân nửa giá vàng có giấy.
Sống vậy được ít hôm, em chán quá nên tìm đường mò về trại Kai Tak. Trại Kai Tak là trại tự do, nằm ngay gần sân bay cũ của Hongkong. ở đây đa phần là dân vượt biên từ những năm 1979, do nhiều lý do khác nhau mà họ chưa được định cư ở nước thứ 3 mà hầu hết là do bị dính án ( ăn cắp, cướp...). Vì ở lâu nên họ nói tiếng tàu rất giỏi, thậm chí giao tiếp hàng ngày với nhau cũng dùng tiếng Hoa.
May quá, về đây em gặp được mấy người bạn cùng thuyền, cùng trại cấm trốn ra ở đây cho em ở nhờ. Vậy là đỡ cái cảnh ngủ bờ ngủ bụi, cơm đường cháo chợ. Bạn em ra lâu rồi nên thửa được chứng minh giả và kiếm được việc làm. Chứng minh này là một loại chứng chỉ mà chính quyền Hongkong cấp cho những người tỵ nạn đã được tự do. Dân trốn trại thường xoay được chứng minh này rồi bóc ra, dán ảnh của mình vào rồi tìm cách kiếm việc làm. Đi làm vớ vẩn cũng được 300, 400 đô Hk/ ngày ( tỷ giá lúc bấy giờ em nhớ là 780 đô HK đổi được 100 đô Mỹ ), cả một gia tài đối với Việt Nam thời đó. Em chưa kiếm được chứng minh nên đành ở nhà cơm nước phụ giúp anh em đi làm chờ cơ hội.
Ở đây, em mới biết thế nào là heroin, biết phần nào về cuộc sống của những người nghiện hút.
Theo em được biết, thời đó Vn mình chưa có heroin, nghiện hút ở Vn mình chủ yếu là thuốc phiện đen, hút bằng bàn đèn. Nạn heroin có lẽ chính là tràn từ Hk về. Căn nhà mấy anh em ở lại đôi khi trở thành nơi tụ tập của mấy ông nghiện. Em bé nhất, lại là người mới nên trở thành người đi mua thuốc cho các anh nghiện. Nghe chỉ dẫn, em cầm tiền đến điểm bán, gõ cộc cộc vào cửa, cửa mở hé, em đưa 50 đô hk và nhận một tép mang về cho các anh. 1 tép heroin được chứa trong một đoạn ống hút nhựa dài khoảng đoạn đầu lọc thuốc lá được hàn kín 2 đầu. Dân nghiện về bóc một đầu rồi nhồi vào giữa điếu Marlboro đỏ, vấn chặt lại rồi hút, rồi phê.
Cuối cùng, vận may cũng đến với em. Một hôm người bạn về nói là mấy hôm nữa có việc làm ở ngoài đảo, mày có đi thì mấy anh em đi cùng? Em mừng quá, gật đầu lia lịa. Được cái là đi làm chui, không cần giấy tờ vì chủ thầu là người Việt.
Thế là mấy hôm sau anh em khăn gói quả mướp ra bến tàu ở Victorya Harbour bắt tàu ra đảo. Mà thật trùng lặp, cái đảo bọn em ra làm là do chính phủ HK quyết định xây 1 trại cấm mới cho dân tị nạn tại Tài A Chấu, chính là cái đảo bò mà bọn em cập bến HK lúc đầu tiên.
Hóa ra ngoài đảo rất nhiều người Việt tham gia xây dựng trại, cả người tự do cũng có, người trại cấm trốn ra như bọn em cũng có. Trại này được dựng với thiết kế là khung thép, vách được những tấm ghép vỏ tôn giữa là bông thủy tinh cách nhiệt. Công việc của bọn em là cưa cắt những tấm ghép đó và ráp vào với nhau.
Cuộc đời đôi khi gặp được những người tốt đến không ngờ. Em vẫn nhớ mãi anh Thanh Hồng, người Hòn Gai đã cưu mang giúp đỡ em trong những ngày ở đảo. Anh ấy người tự do, giờ chả biết đang định cư ở nước nào.
Làm được gần một tháng, bỗng một hôm có người hớt hải chạy vào hô có cảnh sát quây kín bên ngoài, tất cả người trại cấm tìm chỗ trốn đi.
Cuống cuồng, bọn em lật tấm tôn sàn trong góc nhà chui vào nấp giữa khoảng không gian giữa sàn và trần tầng dưới. Người đậy tấm tôn chính là anh Thanh Hồng. Ba bốn anh em nằm im thin thít. Bên ngoài tiếng giầy đinh cảnh sát chạy rầm rập, tiếng đuổi bắt huyên náo. Em thì tim đập thình thịch, chỉ lo cảnh sát nó lật tấm tôn lên là xong. Bẵng đi một hồi lâu, bỗng nhiên mọi tiếng ầm ĩ nhỏ dần rồi im bặt. Bọn em sau khi thì thào bàn bạc quyết định cử một người bật nắp tôn ra thám thính. Các cụ tưởng tượng, khoảng cách từ trần tầng dưới đến mặt tôn bọn em trốn chỉ khoảng 50cm, có nghĩa là vô cùng chật chội, lách người ra hết sức khó khăn. Vừa ra được một lát đã thấy thằng kia hốt hoảng nhấc tấm tôn lên chui vào nói lắp bắp: đkm, bọn cảnh sát nó vẫn đứng đấy ngoài cửa... Em lách người cho nó chui vào thì: rầm một cái, cả tấm trần em đang nằm tuột ra rơi thẳng xuống sàn tầng dưới các cụ ạ. Phải đến 15 phút em tức thở không nói được. Cũng may em nằm trên tấm lắp ghép nên cũng giảm chấn, nếu không chả biết thế nào. Nằm dưới đất, mặc dù đau và tức ngực, không cựa quậy được, không nói được nhưng vẫn nhận biết được bóng cảnh sát ngoài cửa. Em chắc mẩm 100% là bị bắt, nhưng đến giờ vãn không hiểu vì sao mặc dù em rơi cái rầm một cái to như thế mà bọn nó không phát hiện ra. Một lúc lâu sau thì cảnh sát rút, em cũng cựa quậy được và bạn em nó cũng nhảy xuống đỡ em dậy. Hoá ra trong lúc rơi, cánh tay em quoạc vào mảnh tôn nào đó làm rách chảy áu rất nhiều, nhìn thấy cả xương. Mọi người lấy bông băng sơ cứu tạm cho em cầm máu và sát trùng. Đáng lý ra vết thương như vậy thông thường phải khâu nhưng vì hoàn cảnh nên em mặc kệ, cuối cùng vết thương cũng tự lành.
Một thời gian sau, hết việc, mấy anh em lại quay trở lại trại Kai Tak.
Về trại, có được ít tiền lương, việc đầu tiên là sắm một cái quần bò, áo phông và một đôi giầy thể thao Bossini cao cổ cho đúng mốt lúc bấy giờ, phòng đi đâu đỡ lộ là dân trốn trại. Nhưng đáng buồn là lại thất nghiệp vì em vẫn chưa kiếm được giấy chứng minh. Hàng ngày bọn bạn đi làm, em chỉ dám quanh quẩn trong trại không dám thò đầu ra ngoài sợ bị bắt. Đúng hôm rằm tháng bảy, nhìn các gia đình người ta quây quần cúng bái, ăn uống sum vầy, tự dưng thấy nhớ nhà da diết. Nhớ bố mẹ, anh em, bạn bè, nhớ từng mảng vỡ của bức tường đầu ngõ...
Một tối, mấy đứa bạn rủ em bắt taxi quay về trại Tuen Mun chơi. Đang đi lang thang ở sân trại, tự dưng em nhìn thấy bà cô họ gần đang rửa bát. Mừng quá em chạy vội lại hỏi xem có đúng không cho chắc ăn. Hoá ra đúng thật, bà ấy sang từ năm 88 và là người tự do. Chào tạm biệt bạn bè, em về ở cùng với gia đình bà cô gồm có ông bà bố mẹ chồng, chồng và đứa con gái cô em mới được hơn 1 tuổi. Hôm sau, em được ông chú dẫn đi ra phố kiếm việc làm. Ông chú sang lâu rồi nên cũng biết ít tiếng, vừa dẫn em đi vừa dạy vài câu đơn giản. 2 chú cháu cứ xông bừa vào các xưởng sản xuất, công trường xin việc. Nói chung là thỉnh thoảng cũng được nhận nhưng chỉ được vài hôm là hết việc. Có lần, xin được vào làm ở nhà máy nhiệt điện Tsing Yi. Công việc là cắt những mảnh bông thuỷ tinh rồi dùng dây théo bọc các ống dẫn nhiệt, những cái dăm thuỷ tinh dính vào người ngứa kinh khủng. Một trưa, sau khi ăn cơm xong, em chỉ nằm ngả lưng xuống sàn nhà máy ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Tỉnh dậy chỉ quá giờ quy định có 15 phút mà chiều thằng chủ nó đuổi luôn. Một bài học đầu tiên về kỷ luật lao động.
Lại nói về cái trại Tuen Mun, đó là một trại mở, nhưng lại không mở hoàn toàn. Ở tring trại đi ra ngoài thì thoải mái, nhưng đi vào trại phải qua cổng có cảnh sát đứng canh. Mọi lần đi về, 2 chú cháu thườngvđi vòng ra sau trại rồi trèo rào vào. Hôm đấy tự dưng lười, ông chú bảo thôi mày cứ cầm chứng minh thư của tao vào rồi vứt qua hàng rào, xong tao chạy ra lấy, chả mấy khi chúng nó hỏi giấy đâu mà sợ ( ông chú nhưng lại chỉ hơn em có 1 tuổi, mặt lại hao hao giống nhau). Xong chú em còn dạy mấy câu đại loại là nếu nó hỏi số chứng minh bao nhiêu, em học thuộc lòng số thẻ bằng tiếng tàu rồi trả lời nó. Học xong xuôi đâu đấy, em đi vào cổng, trong lòng vẫn lo lắng, sợ sệt. Cúi đầu rảo bước theo dòng người đi qua cổng vào trại, bỗng nhiên có thằng cảnh sát chặn lại hỏi chứng minh, thôi bỏ mẹ, xong rồi. Em cố làm ra vẻ bình thản rút ví đưa chứng minh ra, sau đó nó hỏi đúng câu đã được học, em cũng trả lời như sách. Thằng cảnh sát xì xồ một tràng tiếng tàu khác, đến đây thì em bó tay thật sự. Thế là nó biết tỏng em là người rơm, nó cùng với mấy thằng nữa túm ngay em lại lôi vào đồn.
Em bị đưa lên xe cảnh sát dẫn giải về đồn Yen Long cách đấy mấy trạm tàu điện. Hàng ngày bị đưa đi lấy cung ( có phiên dịch ) rồi lại quay về buồng giam. Được mấy hôm thì bị ra toà xử. Ra toà, nó hỏi em có nhận tội ăn cắp chứng minh không, em nói em chỉ nhặt được chứ không ăn cắp. Toà nó cũng chả kết luận gì chỉ bảo: thôi, toà cho về trại hẹn 2 tuần sau xử lại và cho làm thủ tục bảo lãnh rồi về trại. Nói xong cảnh sát dẫn em đi làm thủ tục. Thật ngạc nhiên, chỉ những công dân HongKong hoặc những người Việt Nam đi trước mốc được cấp chứng minh mới được làm thủ tục này, đây đúng là một sự nhầm lẫn nghiêm trọng ( nó nhầm em là người của trại tự do ). Về sau nó phát hiện ra sai sót, tý nữa thì nó thả em. Thế là em lại bị nhét lên xe thùng chở thẳng về trại cấm Argyle Street chờ 2 tuần sau xử án.
Về trại cấm, em nhớ cuộc sống ngoài tự do, và thèm nhất cô ca các cụ ạ. Chả hiểu sao lại thèm cái nước giải khát quái quỷ ấy. Đungs là cái bọn tư bản này nó chỉ làm hư người ta các cụ nhỉ? Thế rồi, về được mấy hôm, em lại theo một nhóm bạn khác xé rào trốn trại. Mặc dù biết mình đang chờ xử, trốn thế này nó xử nặng lắm đây. Mà thôi kệ, đời thằng trại cấm thì có gì mà mất? Lần này trốn có kinh nghiệm rồi nên không bị bỡ ngỡ như lần đầu, bọn em về luôn một cái nhà mà một nhóm ra trước đã thuê sẵn. Căn nhà này thực ra cũng gần cái trại Tuen Mun kia, nó nằm ở trong một ngôi làng như làng quê Việt Nam vậy. Nhưngx người bạn ở đây lại xin cho em vào làm ở một công xưởng gần đấy. Hàng ngày sáng dậy em đi bộ qua một bến tàu điện là đến chỗ làm. Xưởng này sản xuất hộp xốp cơm hộp, cốc giấy.v.v. Lương em được 300 đô HK/ ngày. Việc cũng nhẹ nhưng không ngơi tay được lúc nào. Em ngồi đóng gói ở cái dây chuyền dập cái nắp hộp giấy, máy nó cứ chạy ra, mình đếm đủ số lượng rồi cho vào túi nylon rồi đóng vào hộp carton. Nói chung là ngồi từ đầu giờ cho đến lúc về. Nói chung là không trốn đi đâu được, chưa kể hàng ngày phải dập thẻ chấm công.
Buổi tối về nhà có người đi chợ nấu nướng, mấy anh chị em đóng góp tiền nhà, thức ăn.v.v. Cuộc sống tạm ổn và nó cứ thế êm đềm trôi nếu. Nhưng quả thật số em cũng nhọ các cụ ạ, một biến cố lại xảy ra với em....Lại bị bắt.
Khoảng 10 h tối hôm đấy, mọi người đang xem ti vi, đột nhiên tiếng chó sủa râm ran ở ở đầu làng. Linh cảm thấy chuyện chẳng lành, mọi người leo lên tầng 2 nhìn ra ngoài của sổ xem chuyện gì xảy ra. Bốn bề là đèn pin loang loáng, phải đến hàng trăm cảnh sát vũ trang đên tận răng bao vây xung quanh, có cả chó nghiệp vụ đi theo. Quái lạ, để bắt mấy thằng trại cấm làm sao phải nghiêm trọng thế nhỉ? Bọn em bảo nhau nằm rạp xuống nền nhà, ép sát vào dưới cửa sổ để bọn chúng không nhìn thấy. Nhưng không được, có mấy thằng cảnh sát leo cả lên cây nhòm vào và phát hiện ra trong nhà có người. Lập tức chúng dùng những cây thuổng, xà beng chuyên dụng phá tung cửa và tràn vào nhà, tay thằng nào cũng lăm lăm súng trên tay. Bọn chúng hét to: mau tay sai, xẩu bải cô thầu ( cúi hết người xuống, tay để lên đầu ), đồng thời chĩa súng vào thái dương từng người một. Sau một hồi khám xét, không phát hiện điều gì bất thường ngoài mấy thứ quần áo, đồ dùng và giấy tờ ( giả ), chúng đưa tất cả lên xe về đồn Yen long, vẫn là cái đồn em bị giam lần trước. Về đồn, lần lượt tất cả bị tách rời, giam ở các ôhngf giam khác nhau và bị đi lấy cung ngay. Thông qua phiên dịch, cảnh sát hỏi đi hỏi lại là có biết ai là người tên X ( lâu ngày em ko nhớ tên chính xác ) cụt tay phải không? Tất nhiên bọn em chả ai biết người đấy. Về sau bọn em mới biết có vụ bọn xã hội đen HongKong làm luật một cây xăng gần đấy không được, nó thuê người Việt Nam đốt cháy cây xăng đấy. Bọn em thuê nhà ở khu vực đấy bị oan gia. Đúng là số nhọ.
Sau khi xác định bọn em không phải nhóm người Việt Nam cần tìm kia, cảnh sát quay ra tố bọn em tội trốn trại. Còn trường hợp em, sau khi xem hồ sơ phát hiện ra em còn đang trong thời gian chờ xử, 5 ngày sau em tiếp tục bị đưa ra toà. Lên toà, nó cũng lại chỉ hỏi em một câu: mày bị cảnh sát câu mày vào tội ăn cắp chứng minh, mày có nhận tội không? Em trả lời em không nhận tội. Toà nó lại tiếp tục kết luận: trường hợp của mày cần chờ thêm báo cáo của cảnh sát, bây giờ cho về, 28 ngày sau lên xử tiếp. Và em lại bị đưa về chờ xử. Nhưng lần này em không được đưa về trại mà bị đưa thẳng về nhà tù, lần này là nhà tù Pik Uk, một nhà tù thật sự.
Từ toà, em bị tống lên xe thùng cùng với một loạt phạm nhân khác về Pik uk. Xe đi lâu lắm mới tới, em đoán nhà tù hẳn nằm ở một nơi rất xa. Cuối cùng thì cũng đến nơi, cả lũ bị đưa vào làm thủ tục nhập trại. Đầu tiên là cai tù bắt thay quần áo tù, đồ đạc thì đóng gói niêm phong vào một cái phong bì to. Trước lúc mặc quần áo tù là màn khám xét rất kỹ lưỡng, lật tóc, há mồm...và khâu kinh hoàng nhất là chọc hậu môn xem có giấu gì vào trại không. Xin lỗi các cụ để em tả kỹ cái khâu này: thằng mặc bộ đồ y tế nó bắt chống tay xuống bàn, chổng mông ra rồi nó dùng bàn tay có găng ny lon có dầu bôi trơn ngón tay trỏ nó ngoáy một phát. Cha mẹ ơi, cảm giác thật khó tả, nói chung là kinh hoàng. Về sau nghe anh em đi trại nhiều lần kể, bọn nó nhìn thằng nào mông nhiều sẹo ghẻ hoặc mông xấu xí ( cái này thì đa phần là Việt Nam, bọn Hongkong toàn thằng trắng trẻo ) nó thọc ngón tay vào rồi mới hỏi số thẻ, trả lời xong xuôi nó mới rút tay ra. Tiếp đến là lăn tay và các thủ tục khác. Xong xuôi thì xếp hàng theo a sề ( sir - tất cả theo nguyên tắc phải gọi bọn cai tù là a sir ) đi lĩnh mỗi người một đĩa cơm tù kèm một quả cam rồi về buồng. Về đến buồng thì trời đã tối mịt, nhai trệu trạo miếng cơm, bỗng đâu có tiếng người tù Việt Nam nào đó nghêu ngao hát bài: Đôi mắt người xưa của Tuấn Vũ, buồn thê lương.
Đến 10h, loa truyền thanh phát radio HongKong với mấy bài nhạc tàu khoảng 15 phút thì tắt, nhà tù đồng loạt tắt đèn, chỉ để đèn hành lang cho a sề đi tuần. Buổi sáng 6h có chuông báo thức, mọi người trước lúc ra khỏi buồng phải gấp gọn chăn gối và quần áo lót để ở đầu giường. Tất cả xết hàng ra nhà ăn ăn sáng rồi tập left, right ( quay trái quay phải theo hiệu lệnh giống quân đội ), tiếp đó được cho vào một cái sân có hàng rào xung quanh để dạo chơi, đến giờ lại lên nhà ăn, rồi lại tập, lại chơi, lại ăn rồi về buồng. Cứ thế, cứ thế cho đến ngày thứ 28 lên toà xử lại.
Lên toà xử lại, quan toà lại hỏi mày có nhận tội ăn cắp chứng minh không? Em lại bảo em không nhận. Thông qua phiên dịch, toà nó bảo mày nhận đi vì ở Hong Kong mày cầm và sử dụng chứng minh của người khác là phạm pháp, mày nhận tao sẽ xử mày mức án nhẹ nhất có thể, ngoài ra toà cũng không xử mày tội trốn trại nữa. Nghe bùi tai, em gật đầu nhận tội. Thế là toà nó xử em 6 tháng tù. Theo pháp luật Hong Kong, em chỉ ở 2/3 số thời gian bị xử nếu không vi phạm kỷ luật ở nhà tù.tính cả 28 ngày chờ xử lại, em chỉ phải ở tù hơn 3 tháng là về.
Chính thức là tù có án, em phải mặc bộ quần áo nâu với số tù 90397 gắn trên ngực thay cho tên bố mẹ đặt. Em được phân về ban của người Hong Kong, hàng ngày sinh hoạt cùng với những tù nhân người Hong Kong. Những người tù đã có án ở đây các buổi sáng đều được đến một công xưởng làm việc. Ở đây có xưởng giặt là, đóng sách, làm vệ sinh, nhổ cỏ trồng cây.v.v. Buổi chiều thì được đi học, chơi bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá xen kẽ nhau. Sân bóng chuyền thì chơi trong nhà có sàn gỗ, sân bóng đá thì mặt sân có khi còn đẹp hơn các sân tập của các đội hạng A ở Việt Nam. Buổi tối về buồng, rảnh rỗi chả biết làm gì bọn em thằng thì viết sổ lưu niệm, thằng thì đánh thật bóng đôi giày mình đi.
Em may mắn được phân về xưởng đóng sách, có vị sư phụ già vô cùng tốt và hiền hậu. Sư phụ ngày nào cũng thủ ít kẹo vào phát cho mấy thằng tù. Đến giờ em vẫn nhớ nụ cười hiền từ của sư phụ. Bọn tù ai cũng quý mến ông. Hồi đấy sư phụ đã già lắm rồi, chả biết bây giờ ông như thế nào. Khẩu phần ăn uống thì cũng ổn, ngày ăn 3 bữa, buổi tối lại còn được 1 cốc sữa tươi và 2 lát bánh mỳ mỏng.Trại Pik Uk là trại dành cho các tù nhân dưới 21 tuổi, vì vậy theo quy định bọn em không được phát thuốc lá. Do đó nếu ai bị bắt gặp hút thuốc coi như vi phạm kỷ luật. Thèm thuốc, bọn em phải lén nhặt những đầu mẩu thuốc lá thừa bọn cai tù nó vứt đi rồi mang về buồng phơi khô cuộn lại rồi mang vào góc nhà vệ sinh hút trộm. Để lấy được lửa thì kỳ công lắm, đầu tiên phải bóc đôi những mảnh giấy cho thật mỏng rồi vo tròn áp chặt vào cái bóng đèn trên trần, khi đủ nóng lấy xuống ra sức thổi cho bén lửa rồi châm thuốc.
Ở tù mới thấy dân Hong Kong nó ghét và khinh miệt dân đại lục như thế nào. Nó toàn gọi là bọn chó đại lục. Còn về dân Việt Nam thì chúng nó vừa nể vừa sợ. Nể sợ vì nếu đánh nhau thì Việt Nam là vô đối và sẵn sàng bênh nhau mặc dù không quen biết. Có lần bọn em đang sinh hoạt ở buồng giải trí, đột nhiên chuông báo động kêu ầm ĩ, bọn cai tù chạy rầm rập. Hoá ra chả biết xích mích gì, bên khu án giết người, mấy thằng Việt Nam mài nhọn bàn chải đánh răng đâm mấy thằng cũng án giết người Hong Kong thủng lỗ chỗ. Còn một giai thoại nữa, bọn Hong Kong bảo với em, công nhận bọn Việt Nam mày ăn cắp giỏi, dân HK nó đồn đại là chỉ cần một thằng Việt Nam nó đi ngang qua mày thôi thì mày đã bị nó lấy mất cái áo lót từ lúc nào rồi.
Ở đây, tuy là tù nhưng đi làm cũng có lương. Lương thì không cao và không được nhận tiền mặt mà nó phát cho một cái bảng lương tương đương với một số tiền nhất định, ra căng tin mua đồ thì mua hết bao nhiêu sẽ trừ tiền tương ứng. Tiêu không hết thì lúc ra tù được quy ra tiền mặt. Được cái em ở cùng với dân Hong Kong, được sinh hoạt ăn ở với chúng nó, hơn nữa em lại chịu khó học nên trình tiếng tàu của em chỉ sau một thời gian lên rất nhanh. Em có thể trao đổi nói chuyện với người HK về mọi mặt trong cuộc sống, thậm chí xem tivi, xem phim em cũng hiểu được rất nhiều. Chẳng biết các cụ có tin không, chứ kể cả bây giờ sau 23 năm, nếu các cụ thấy em nói tiếng Quảng Đông sẽ không nghĩ em là người Việt.
Ở đủ 4 tháng, em được ra tù và lại lên xe thùng trở về trại Argyle, về đến trại cấm thì cũng chỉ còn mấy ngày nữa là tết âm lịch.
Về trại Argyle được vài tháng thì bọn em phải chuyển vào trại Shatin. Trại Shatin có lẽ là trại tị nạn lớn nhất Hongkong, tên chính xác của nó là White Head Detention Centre. nó được chia làm 10 trại nhỏ, mỗi trại nhỏ này chứa khoảng 3000 người. Trong trại có nhiều buồng, trong buồng có các giường tầng cho các hộ gia đình sinh hoạt, trú ngụ. Mỗi trại đều có nhà tivi công cộng, khu vệ sinh công cộng, sân bóng chuyền, bóng đá mini. Mỗi buồng có buồng trưởng, cả trại có đội trật tự ( thành viên toàn đầu gấu ). Không may cho em lại phải vào trại 9 Shatin là trại có trật tự trưởng khét tiếng tàn ác: Xìn Cơm. Trại 9 này đa phần là các thuyền nhân từ trại Shek Kong chuyển vào, mà trại Shek Kong nổi tiếng với trận đánh nhau đẫm máu và khốc liệt nhất trong lịch sử tị nạn Việt Nam tại HK giữa dân Hải Phòng và Quảng Ninh. Em nghe kể lại thì đánh nhau thế này: đàn ông 2 bên dùng nắp thùng rác làm lá chắn, dùng đoạn tuýp ống nước cắt vát nhọn làm giáo xông lên đánh giáp lá cà. Đàn bà con gái tuyến sau đập nhỏ những miếng gang đậy nắp cống làm lựu đạn cho đàn ông ném về phía đối phương. Đánh nhau ở trại cấm HK thì khủng khiếp lắm các cụ ạ. Người Việt mình là vậy đó, lúc đầu tất cả sống cùng nhau, được một thời gian xẩy ra chiến tranh giữa miền Nam - miền Bắc. Phân chia bắc nam xong thì lại Hải Phòng xung đột với Quảng Ninh. Chia Hải Phòng, Quảng Ninh ra thì phía Hải Phòng lại nội thành đánh nhau với Thuỷ Nguyên, Đồ Sơn, Quảng Ninh thì miền đông chiến với miền tây, cứ thế chiến tranh triền miên. Chính vì vậy nên bọn Hong Kong nó dùng chính người Việt trị người Việt. Nó cho phép thành lập đội trật tự giữ gìn an ninh chung của trại với nhiều bổng lộc được hưởng, tất nhiên là bọn đầu gấu chúng nó nắm lấy chức vụ này ngay. Bọn chúng lợi dụng quyền hành áp đặt những luật lệ có lợi cho chúng. Ví dụ chỉ có chúng nó mới được quyền nấu rượu bán, những ai làm trái hoặc chống đối sẽ bị chúng nó đánh đập rất dã man. Có những trường hợp bị tra tấn bằng cách bị bắt nằm sấp xuống, chúng nó kê mấy cuốn sách lên lưng rồi dùng búa đinh giã.
Vác ba lô túi xách vào nhập trại, em may mắn được ở cùng một gia đình anh chị lớn tuổi người Quảng Ninh. Ngoài ra còn mấy anh em độc thân khác cũng sinh hoạt cùng. Số thẻ mới của em là 77654, số buồng 4A.
Dần dần rồi cũng quen với cuộc sống mới trong trại 9 nổi tiếng hà khắc này. Mấy ông độc thân thì thức muộn, có hôm 2, 3 h đêm mới ngủ, hôm sau gần trưa mới bình minh. Tối thì tụ tập chè cháo, chém gió chán rồi ra nhà ăn xem ti vi. Cơm nước thức ăn thì cơ bản cũng giống các trại khác, đồ trại phát về cũng phải chế biến nấu nướng cho khác vị để cải thiện. Đồ tươi ở đây là xa xỉ, rất hiếm, chỉ có đầu gấu hoặc những người có điều kiện liên hệ với ngoài tự do gửi vào mới có. Ai có tiền thỉnh thoảng mua ca rượu về nhậu. Kể ra người Việt mình cũng tài, trong hoàn cảnh tù túng thiếu thốn đủ mọi mặt thế mà cũng nấu được rượu mới giỏi. Nghe đâu họ nhờ mua được men rồi ủ rượu bằng cơm tẻ. Nấu rượu là độc quyền của đầu gấu, dân thường đừng hòng có cơ hội. Buồng em ở là buồng 4a, được gọi là buồng Macao vì mọi người hay tụ tập cờ bạc ở đây. Dưới sàn là sòng sóc đĩa, các phản khác, chỗ thì đánh tiến lên, chỗ thì đánh chắn ăn tiền, ăn thuốc lá... Cũng vui phết.
Buổi tối thường là mọi người hay bàn tán về chuyện thanh lọc. Như em đã nói từ đầu, kể từ sau mốc 16-6-1988, ai đến HK sau thời điểm này đều bị gọi là thuyền nhân nhập cảnh trái phép và đều bị giam giữ trong các trại cấm. Mọi người sẽ trải qua kỳ phỏng vấn thanh lọc, ai chứng minh được là tỵ nạn chính trị sẽ được đi nước thứ 3. Nếu qua 3 vòng phỏng vấn và 1 vòng cuối cùng gọi là tái cứu xét mà thất bại ( bọn em gọi là ăn cánh gà ) thì sẽ bị tiếp tục giam giữ chờ ngày trả về VN. Sau khi ăn cánh gà, Cao uỷ tị nạn Liên hiệp quốc khuyến cáo nên tự nguyện hồi hương, nếu không thì sẽ bị cưỡng ép trở về. Cũng có nhiều cuộc biểu tình, tuyệt thực phản đối chính sách này nhưng cũng chẳng thay đổi được gì. Những thành phần như bọn em thì chẳng hi vọng gì, thôi kệ mọi sự, muốn đến đâu thì đến. Có một số người thì hi vọng đến năm 1997 HK trả về với TQ, kiên trì bám trụ sẽ được đi nước thứ 3.
Vào trại này khác hẳn các trại kia, quy mô hơn hẳn. Có trạm xá y tế, có thư viện, nhà bếp, xưởng may, văn phòng trại, khu sổ ky ( khu nhà giam kỷ luật cách ly khỏi khuôn viên trại )... Và cơ hội trốn trại gần như bằng 0 vì hệ thống hàng rào, canh giữ vô cùng cẩn mật, kiên cố. Chỉ có vài trường hợp cố tình tự tạo cho mình bị thương đến nhiễm trùng, trạm xá không chữa được phải cho xe chở ra bệnh viện ngoài Hong Kong rồi từ đó lợi dụng sơ hở trốn thoát.
Một biến cố xảy ra với em: chả là một người bạn từ hồi ở trại cũ có ông anh trai đang định cư bên Nhật gửi về cho nó 1 cái head phone Panasonic. Có lẽ hồi đấy là một trong những cái phone hiện đại nhất lúc bấy giờ ( năm 1992 ). Nó chỉ to hơn cái băng cát xét một chút, có điều kiển trên dây tai nghe, dùng 1 cục pin tiểu hoặc 1 viên pin xạc dẹp mỏng như thanh kẹo cao su. Cắm tai nghe vào, giọng hát của Tuấn Vũ cất lên thì cứ gọi là chết lịm các cụ ạ. Bạn em nó đưa cho em mượn mang về giường nằm nghe, chả hiểu sao có ai mách đến tai thằng trật tự trưởng. Nó cho đàn em đến nói ý là em phải mang cống nạp cho nó. Tiếc của, em với thằng bạn chạy lên văn phòng trại nói với cảnh sát là bọn đầu gấu định cướp của bọn tao, đe doạ tính mạng nên bọn tao xin vào sổ ky lánh nạn chờ xin chuyển trại khác. Thế là bọn em bị đưa vào sổ ky an dưỡng. Sổ ky chả khác gì biệt giam, hàng ngày cơm đưa đến tận phòng, vệ sinh tắm rửa trong phòng. Mỗi ngày 2 thằng được ra ngoài đi dạo phơi nắng nửa tiếng rồi lại về phòng, buồn nẫu ruột.
Cái sổ ky nó nằm gần nhà tivi, chỉ cách một bức tường rào và lối đi. Một hom có tiếng thằng bình luận viên nó gào lên cùng những tiếng ồ của khán giả làm em tỉnh giấc, hoá ra là trận chung kết cúp C1 giữa Barca và Sampdoria, trận R. Koeman ghi bàn thắng duy nhất bằng quả sút trực tiếp. Em thì dân nghiền bóng đá nặng mà vài hôm nữa thì có vòng chung kết Euro 92 ( năm mà Đan Mạch vô địch ). Mãi chả thấy nó cho em chuyển trại, Đắn đo suy nghĩ chán chê, em quyết định xin về buồng để xem bóng đá. Xác định rõ khả năng bị ăn đòn búa đinh rất cao, nhưng vì tình yêu bóng đá, em chấp nhận. Về buồng, em cũng quái, mò ngay sang buồng gặp Xìn Cơm trật tự trưởng để xin lỗi, hi vọng nó bỏ qua. May mắn làm sao, gặp phải hôm nó dễ tính, chỉ nhắc nhở qua loa. Em lí nhí vài câu cám ơn rồi tếch thẳng. Thế là thoát, và tận hưởng hương vị của một Euro đầy kịch tính. Về sau, Xìn cơm cũng hồi hương và bị đâm chết trong ngõ nhà em. Nghe đồn là kẻ thù cũ trong trại cấm về đâm chết.
Đến cuối năm đấy thấy tương lai mờ mịt, cộng với nỗi nhớ nhà, em quyết định hồi hương. Làm đơn gửi trại, sau mấy tuần thì em ra trại Lowu ( trại chờ bay ). Trại này nằm ngay sát Thâm Quyến Trung Quốc. Ở đây mấy hôm thì xe đưa ra sân bay Kai Tak, lên Boeing 767 bay thẳng về quê hương. Lúc lên cầu thang chuẩn bị chui vào máy bay, em quay người nhìn lại tự nhủ, thế nào mình cũng quay lại nơi này, miền đất hứa với bao kỷ niệm không bao giờ phai mờ với một vị thế khác.
Xuống Nội Bài, nhìn ra đường băng thấy cỏ mọc um tùm, trâu bò đi lại tự nhiên thấy lòng nặng trĩu, tự hỏi hay mình đã quyết định sai? Mà cũng đã muộn, sai đúng giờ cũng chẳng sửa chữa được, phải chấp nhận thôi. Hít một hơi thở sâu, khoác ba lô đứng dậy khỏi ghế, em theo dòng người bước xuống máy bay.
Vẫn chưa được về ngay, em còn phải ở lại trại tiếp nhận của công an ở Cổ Nhuế mấy hôm mới được đưa về sở Lao Động thành phố. Bước ra cửa thấy bố mẹ và đứa em ra đón, nước mắt chợt trào ra. Thế là đã về nhà, kết thúc 3 năm rưỡi trời tha phương cầu thực nơi đất khách quê người. Còn 2 tuần nữa là Noen 1992, năm đấy em tròn 21 tuổi.
Vậy đấy, em đã kể câu chuyện nhạt của em, nhưng là câu chuyện của đời em.
Ps:
Năm 2010, em có quay lại Hong Kong trong một chuyến du lịch với gia đình. Em cũng đi tìm lại những nơi chốn cũ, nhưng chính phủ Hong Kong đã phá hết những trại tị nạn xưa để xây lên những công trình to lớn và tráng lệ.
Đã 23 năm trôi qua, giờ đây em đã hơn tứ tuần. Cũng tạm gọi là thành đạt với một gia đình hạnh phúc, một cháu gái và một cháu trai. Nhưng mãi mãi không bao giờ quên quãng đời mà em đã để lại một phần tuổi thanh xuân ở mảnh đất Hong Kong đấy.
Một lần nữa em xin cám ơn các cụ đã quan tâm và cổ vũ em viết lại những hồi ức của em. Trân trọng!