Mọi việc chuẩn bị đến chín giờ tối thì hoàn tất. Chỉ huy phó công trường Đặng Văn Thế đứng trên bờ nam sông chỉ huy. Ông hô toàn công trường chú ý, rồi bắn một phát súng chỉ thiên. Theo quy ước, đó là tín hiệu mọi người vào vị trí sẵn sàng. Chiếc xe bắt đầu nổ máy. Ít giây sau, hai phát súng tiếp theo. Đó là tín hiệu bắt đầu kéo ống qua sông. Tiếng dô ta dô huầy của đoàn người át cả tiếng máy ô tô đang ì ạch nhích từng chút, từng chút. Đoàn người gò lưng kéo theo nhịp. Chẳng mấy chốc đoạn ống như con rắn đã bò dần ra giữa sông. Bờ nam cứ kéo, bờ bắc cứ đẩy, còn dòng nước càng ra giữa sông càng xiết nên con rắn cứ oằn mình về phía hạ lưu. Bỗng “con rắn” ấy khựng lại, lỳ ra, không chịu nhích lên nữa. Ở bờ nam tiếng động cơ xe rồ lên từng đợt, và tiếng dô ta nghe gấp gáp hơn, nhưng những chiếc ống vẫn không hề nhúc nhích. Chỉ huy trưởng Lê Trọng cho tạm dừng. Ông bắt đầu cảm thấy lo. Phía Rú Trét, máy bay địch liên tục thả pháo sáng hắt thứ ánh sáng vàng vọt yếu ớt lên công trường. Nếu đêm nay không dứt điểm được thì hậu quả khó mà lường hết. Những chiếc ống đã kéo ra giữa sông có thể bị nước cuốn. Thêm nữa, hàng trăm người làm việc ngay sát trọng điểm đánh phá của địch thế này không thể nói trước được điều gì.
Theo lệnh của chỉ huy trưởng công trường, tốp thợ lặn lặn xuống, lần theo giây cáp tìm nguyên nhân khiến cho ống không thể kéo đi được. Trên bờ, công nhân, dân công và bộ đội công trường tản ra chờ lệnh mới. Giữa lúc công trường đang căng thẳng thì một loạt bom nổ rất gần, mấy quả rốc két vạch dấu đỏ lừ vút qua đầu họ. Tiếng ai đó thảng thốt: Tổ cha, coi chừng lộ rồi bay. Thế hô mọi người bình tĩnh không được nhốn nháo. Té ra vẫn là những cuộc rượt đuổi xe trên đường 15. Đoan đường phía nam Rú Trét cách công trường chỉ dăm trăm mét nên nghe tiếng bom gần lắm. Phút căng thẳng qua đi trong giây lát, rồi công trường vui trở lại bởi tiếng cười đùa của đám thanh niên.
Lê Trọng đi đi lại lại trên bờ sông lòng như lửa đốt. Mảnh trăng hạ tuần nhỏ như cái lưỡi trai đã nhô lên khỏi núi. Đã qua nửa đêm, trời chuyển dần về sáng. Liệu rồi sẽ ra sao đây. Đúng lúc đó, thuyền chở thợ lặn từ giữa sông đang ì oạp vào bờ. Lê Trọng hét vọng ra: Tình hình thế nào? Anh thợ lặn nhảy từ trên thuyền xuống, trả lời: Đầu ống bị cắm xuống bùn. Muốn kéo ống đi thì phải có cách nào nâng được đầu ống lên. Sau ít phút hội ý, tốp thợ lặn trở ra giữa sông cùng hai chiếc thuyền. Họ lặn xuống, kéo đầu ống lên khỏi bùn và buộc chúng vào một thanh tre bắc ngang giữa hai con thuyền. Ngay lúc ấy, người và xe trên bờ lại ra sức kéo. Lại những nhịp dô ta hòa cùng tiếng máy. Lần này xem ra việc kéo thuận lợi hơn. Chèo thuyền là những người lái đò đã thuộc con nước như lòng bàn tay. Bởi vậy, mặc dù rất vất vả để giữ được thăng bằng giữa sức nặng của những chiếc ống đã no nước, lực kéo từ trên bờ và dòng nước xiết, con thuyền vẫn vững vàng trườn trên mặt nước. Giữa lúc mọi người đã thấm mệt, và tiếng động cơ của chiếc xe nhỏ nhoi đang gằn lên từng tiếng như thở gấp, một giọng con gái trong vắt cất lên: Em hò làm nhip kéo nghe. Tiếng ai như tiếng o Liên hè. Phải đó, người đẹp hò đi. Thế là cái giọng trong vắt kia bắt đầu:
Em đã có chồng rồ ồ ì …Những bàn chân bấm xuống cát, nhịp kéo cùng với tiếng “này” đồng thanh của đoàn người đang ghì vào giây cáp. Theo nhịp đó, cô gái hò tiếp:
Em đã có lứa rồi (này)
Vung úp đã vừa nồi (này)
Đũa ghép đã thành đôi (này)
Bạn đừng có ỡm ờ với tôi (này)
Tôi lấy chân khoá lại (này)
Tôi lấy bàn khoá lại (này)
Theo nhịp hò ấy, con đò đã bò dần vào bờ nam. Khi sáng rõ mặt người cũng là lúc hai con thuyền cập bến và đầu ống nối từ bờ bắc đã gối lên bờ nam. Lê Trọng nghẹn ngào ôm lấy tổ trưởng thợ lặn. Thế là chúng ta thắng lợi rồi. Mọi người ôm lấy nhau reo hò sung sướng. Lúc này ông mới để ý tới cô gái trẻ có giọng hò trong vắt. Cô ấy đẹp quá, Dáng dong dỏng, chiếc áo đen bó sát người làm nổi lên thân hình trẻ trung và tôn thêm nước da trắng muốt, đôi tóc đuôi sam dài. Hồi đêm hò bạo dạn thế mà bây giờ, khi mấy cậu lính trẻ vây quanh thì đôi mắt lá răm cứ chớp chớp bẽn lẽn. Có tiếng ai đó xuýt xoa: Người đâu mà xinh thế. Lê Trọng quay sang, hóa ra là cậu Ất, kỹ sư. Một anh chàng cao to, da ngăm đen, hay cười và cởi mở. Lê Trọng cốc yêu một cái lên đầu cậu ta và nói:
- Thích thì tấn công đi, tớ yểm trợ.
- Thủ trưởng ơi, đường ống của mình nay đây mai đó, tôi đâu có cơ hội.
- Có thể có lắm chứ. Lần này công trường sẽ tuyển một số người của địa phương. O này rất nên vào đơn vị mình, ít ra thì cũng là hạt nhân văn nghệ.
- Thật không thủ trưởng?
- Cậu không tin sao. Tớ chỉ lo khi cô ấy vào đơn vị, cậu sẽ vất vả chiến đấu với các đối thủ thôi.
Lê Trọng bước nhanh về nhà chỉ huy, bỏ lại chàng kỹ sư trẻ đang ngẩn ngơ nhìn vào đám đông chỗ có tà áo đen và đôi tóc đuôi sam. Ông cần điện báo cáo ngay cho Chủ nhiệm Đinh Đức Thiện:
- Báo cáo anh, việc vượt sông đã thành công.
- Thật không? Phía đầu dây bên kia hỏi như reo lên- Có tổn thất gì không?
- Báo cáo anh, an toàn tuyệt đối. Ta làm gọn trong một đêm.
- Các cậu giỏi lắm, cố đưa xăng vào N2 càng sớm càng tốt nhé. Ông Nguyên đang khát xăng, kêu quá trời.
- Vâng, anh yên tâm, chúng tôi sẽ hết sức cố gắng.
Lê Trọng đặt máy xuống, hít một hơi thật sâu, khoan khoái nhìn những tia nắng đầu tiên đang hoe vàng trên ngọn cây. Thế là việc khó nhất trên đoạn tuyến này đã qua.
Sáng kiến của Ngọc, của Thục và các sáng kiến khác được triển khai thực hiện và rất có hiệu quả. Thêm ba tuần thi công , tuyến ống đã lắp thông. Theo quy trình của quân đội Liên Xô thì trước khi bơm xăng, người ta sẽ đưa vào đường ống một con thoi bằng cao su, trên đầu có gắn chất phóng xạ, dùng khí nén đẩy con thoi đi. Chỗ nào ống tắc, con thoi sẽ mắc lại. Một thiết bị đo phóng xạ sẽ phát hiện vị trí con thoi. Theo đó, ống sẽ được tháo ra xử lý. Quy trình đó rất hiện đại và nó không cho phép dị vật nào trong ống. Tuy nhiên, ngay từ khi nghiên cứu ở Hà Nội, các kỹ sư đều thấy nó không khả thi trong điều kiện Việt Nam vì việc quản lý chất phóng xạ rất phức tạp. Thêm nữa, bom có thể đánh đứt tuyến ở bất kỳ chỗ nào, và việc đất cát vào ống là không thể tránh khỏi. Bởi vậy, phương án đưa ra là dùng nước để rửa ống và thử độ thông suốt của tuyến ống trước khi bơm xăng. Trong quy trình vận hành, bước này gọi là thử rửa. Vì phải thử rửa nên bao giờ ở trạm bơm đầu tiên cũng phải tìm được nguồn nước. Trên tuyến ống, các trạm bơm đẩy được lắp nối tiếp với nhau. Khoảng cách giữa các trạm bơm tùy thuộc vào địa hình. Trên địa hình bằng phẳng thì khoảng mười đến mười hai cây số sẽ có một trạm bơm, nhưng để vượt dốc, các trạm bơm có khi cách nhau chỉ vài trăm mét. Thông tin trên tuyến đường ống cũng là vấn đề rất hệ trọng. Nếu đường ống là mạch máu thì thông tin được ví như hệ thần kinh. Phải có thông tin thì khi phát hiện sự cố mới có thể báo về cho Sở chỉ huy xử lý. Nếu đứt ống mà cứ bơm thì không chỉ là mất xăng, mà xăng có thể tràn ra suối, tràn vào khu dân cư, hậu quả khó lường hết được. Để hạn chế hậu quả khi có sự cố, trên tuyến ống, tùy theo địa hình, từ vài ba cây số đến dăm cây số, sẽ có một van chặn. Đa số nơi có van chặn đều lắp đồng hồ đo áp suất. Khi vận hành, ở vị trí van đó có người trực, sẵn sàng theo lệnh, đóng van chặn dòng chảy, không cho xăng đến nơi xẩy ra sự cố. Những điểm lắp van ấy gọi là “cửa van” hoặc gọi tắt là “cửa”. Tại mỗi trạm bơm hoặc cửa van đều phải có máy điện thoai. Các máy điện thoại trên toàn tuyến được đấu chữ đinh (T) vào đường dây thông tin chạy dọc theo tuyến ống. Với cách đấu như vậy, một người nói là toàn tuyến nghe được. Khi vận hành, các máy điện thoại đều có người áp tai nghe. Chỉ có ba trường hợp được nói vào máy điện thoại: Một là các mệnh lệnh phát ra từ sở chỉ huy vận hành và báo cáo về việc thực hiện sự chỉ đạo đó. Hai là báo cáo khẩn cấp của những nơi xẩy ra sự cố. Ba là báo cáo định kỳ của các trạm bơm, cửa van về các chỉ số đo trên đồng hồ áp suất và các thông số cần thiết khác theo yêu cầu của chỉ huy sở.