Các cụ có câu: "chín người mười ý", nhưng ở đây chắc phải nói "chín người mười chín ý". Thông thường, khi các quy định cùng cấp mà khác nhau thì người ta hay đi ngược trở lại mục đích, ý nghĩa của quy định để xác định đúng sai, thứ tự ưu tiên, áp dụng. Đối với luật pháp, người ta thường dùng thuật ngữ "tinh thần của Luật" để giải quyết.
Trở lại trường hợp trên, em thấy trong bản thân Luật GTĐB có 2 quy định khác nhau:
- Quy định 1: Điểm a Khoản 4 Điều 14:
"4. Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải:
a) Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái;".
- Quy định 2: Điểm d Khoản 5 Điều 14:
5. Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây:
d) Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;
Hai quy định trích trên quy định mâu thuẫn nhau ở trường hợp: tại nơi giao nhau, một xe đang rẽ trái - hoặc có tín hiệu rẽ trái thì xe khác vượt bên phải là đúng luật hay sai luật?
Như đã nói về "tinh thần của luật" ở trên, em quay lại phân tích về tinh thần của: Luật GTĐB, các điều của luật GTĐB, Điều 14 - Vượt xe (cũng nói luôn: đây là phân tích và quan điểm của cá nhân em, cách tiếp cận của riêng cá nhân em, em không phải người làm luật, nên không giải thích luật...gì hết nhé. Cụ nào thấy hợp thì ủng hộ, cụ nào thấy không hợp thì góp ý ạ) như sau:
1. Về ý nghĩa Luật GTĐB: trừ các nội dung về phí và lệ phí thì em thấy nổi lên ý nghĩa xuyên suốt của Luật GTĐB là AN TOÀN. Hầu hết các quy định đều hướng tới sự an toàn. Vậy nên em lấy (nhấn mạnh lại là EM lấy) AN TOÀN làm ý nghĩa của các quy định trong Luật.
2. Về ý nghĩa của Điều 14 - Vượt xe:
Em xin trích toàn bộ Điều 14 về vượt xe:
Điều 14. Vượt xe
1. Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
2. Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
3. Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.
4. Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải:
a) Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái;
b) Khi xe điện đang chạy giữa đường;
c) Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.
5. Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây:
a) Không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Trên cầu hẹp có một làn xe;
c) Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế;
d) Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;
đ) Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;
e) Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.
Đầu tiên, em lấy mục đích của Điều 14 là quy định để an toàn khi vượt xe: Toàn bộ các điểm, khoản quy định đều nhằm mục đích là sự an toàn khi vượt xe.
3. Về Khoản Khoản 4, đặc biệt là Điểm a Khoản 4: quy định xe vượt phải vượt về bên trái, trừ một số trường hợp được vượt về bên phải. Khoản 4 "link" với một ý của Khoản 2 (điều kiện an toàn để vượt xe) phần "xe chạy trước không có tin hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải". Nghĩa là trừ các trường hợp cho phép vượt bên phải, còn lại thì xe chạy sau phải chờ xe chạy trước "đã tránh về bên phải" thì mới được vượt.
- Điểm a Khoản 4 cho phép xe vượt bên phải trong trường hợp: "Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái"; Về ý nghĩa an toàn của việc "Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái" chỉ là đảm bảo việc: xe phía trước không đánh lái sang bên phải khi xe sau đang vượt phải:
+ Về viêc đang rẽ trái thì đơn giản rồi: cái xe đang rẽ trái thì ở đó là nơi giao nhau, và đầu cái xe đó đã ngoạt về bên trái, không có lý do gì để lại ngoặt sang phải, gây mất an toàn cho xe sau đang vượt bên phải cả. Ngoài ra, còn những trường hợp xe đang rẽ trái mà không phải là nơi giao nhau: quay đầu, rẽ vào nhà, rẽ vào ngõ, vào trạm xăng, điểm dừng đỗ...
+ Về "xe phía trước có tín hiệu rẽ trái" thì rộng hơn: chỉ là đèn xi nhan bên trái nhấp nháy (hoặc giơ tay trái sang vẫy vẫy - nếu xe không có xinhan). Có thể là xe đó sắp rẽ trái, sắp quay đầu, hoặc có thể là chả có lối rẽ trái nào, đường thẳng tắp, nhưng ông không muốn đánh lái sang phải nên ông báo cho thằng đằng sau biết là ông biết mày xin vượt rồi, xin mời mày vượt bên phải (xe ông chở 40 tấn thép cuộn, đánh qua đánh lại tốn dầu, lắc lư rơi mất 1 - 2 cuộn thì đền ốm... mất thời gian - trong khi mày cả xe mới có 1 tấn, mời mày nhấn ga một cái mà vọt qua).
Em cho là chỉ đơn giản thế thôi, không có gì thần thánh cả, chỉ là: xe phía trước đảm bảo không đánh lái sang phải khi xe sau đang vượt bên phải.
4. Về Khoản 5 - Các trường hợp cấm vượt, và Điểm d Khoản 5 - cấm vượt tại nơi giao nhau:
Nơi giao nhau là nơi tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn, trong khi việc vượt xe lại có nhiều nguy cơ mất an toàn nên luật quy định: không được vượt tại nơi giao nhau. Điều này phù hợp với quy định: đến nơi giao nhau, các phương tiện đều phải giảm tốc độ, quan sát, nhương đường... trong khi việc vượt xe lại dẫn đến tăng tốc. Do vậy, cấm vượt tại nơi giao nhau trong mọi trường hợp là để đảm bảo an toàn và phù hợp với các quy định khác của Luật.
Như vậy, tại câu 399 của Bộ đề, nếu vẽ ô tô tải đã hoàn thành việc rẽ trái hoặc đầu xe (bánh lái) đã quay hẳn sang bên trái thì đáp án vượt mới là đúng luật (như ý của cụ bảo rằng đây không phải là vượt). Vượt chỉ áp dụng khi cùng đường, cùng hướng. Trường hợp đó, xe đã đi hướng khác nên không gọi là vượt.
Nhưng tại Câu 399, hình vẽ xe tải vẫn chạy thẳng (chỉ có mũi tên là rẽ > chỉ có tín hiệu rẽ trái), trong khi đề bài hỏi rõ "xe con vượt xe tải" nên sẽ thành vượt tại nơi giao nhau (2 xe vẫn đang cùng đường, cùng hướng). Đáp án vượt đúng luật là không chính xác.
Vài lời dài dòng, xin các cụ cho ý kiến ???