Chương 4 (Tiếp)
Giáo chủ đạo Phật là Thích Ca vốn là một Thái tử từ chối ngôi vua để đi tìm chân lý. Hơn nữa, Nietzche chỉ nhìn thấy cái mạnh bạo ở bề nổi mà không nhìn thấy cái mạnh ở bề sau. Khi bị xúc phạm, chúng ta nổi cơn thịnh nộ, chống trả. Cái mạnh bạo bề ngoài kiểu thú vật đó thì ai làm cũng được. Còn người giữ được tâm bình thản, tha thứ khi bị xúc phạm thì ít ai làm nổi. Nietzche ca ngợi cái sức mạnh của thú vật, còn đạo đức ca ngợi cái sức mạnh của con người. Cái mạnh của thú vật là cái mạnh của bản năng. Còn cái mạnh của con người là cái mạnh của trí năng. Chỉ có trí năng mới đem đến cho con người sự bình an điềm tĩnh.
Một thân thể mạnh là một thân thể cử động được nhiều. Nhưng một bộ óc mạnh là một bộ óc ức chế được nhiều. Những người bị hội chứng suy nhược thần kinh là những người không ức chế được não bộ đi vào yên tĩnh, nó căng thẳng cử động mãi. Ngược lại, não bộ mạnh là não bộ có khả năng ức chế bất kỳ lúc nào mình muốn.
Cái hùng mạnh sôi sục để thấy bên ngoài lại chính là cái yếu đuối hư rỗng ở bên trong. Còn sự ôn hòa, thanh thản chính là cái dấu hiệu của một sức mạnh vô hạn ở bên trong.
Nietzche ca ngợi sự chiến thắng mọi người, nhưng những người khôn ngoan trầm tĩnh nhất thì ca ngợi sự chiến thắng chính mình.
Khi Nietzche ca ngợi cái hùng mạnh bên ngoài, điều đó chứng tỏ ở bên trong của ông ta đã suy sụp mục nát, và cuối cùng cơn điên loạn xuất hiện.
Chúng ta đồng ý rằng con người sinh ra vốn không bình đẳng về mọi mặt. Nhưng nếu vì thế mà chúng ta ca ngợi sự bất bình đẳng, duy trì sự bất bình đẳng thì có khác gì con thú duy trì sự hoang dã của nó cho đến ngày nay! Con người vượt hơn con vật vì biết uốn nắn những hiện tượng tự nhiên sai lầm cho nó trở thành tốt đẹp hoàn chỉnh hơn. Người ta xây cột thu lôi chống lại sét, đắp lại bờ đê chống lụt, nung đất làm gạch cất nhà, rèn luyện kim loại chế tạo dụng cụ. Cái tự nhiên cần phải được uốn nắn mãi mãi. Cũng vậy, cái bất bình đẳng tự nhiên giữa xã hội cần phải điều chỉnh mãi mãi để cuộc đời tốt đẹp hơn.
Siêu nhân không phải là người chà đạp mọi người để vươn lên mà chính là người phụng sự nhiều nhất cho mọi người.
Chính cái triết lý điên cuồng của Nietzche đã đưa đến sự tôn sùng Hitler như một siêu nhân mà mọi người (bị ảnh hưởng Nietzche) mong đợi. Hậu quả của nó là cả Âu Châu bị tàn phá tan thương! Những triết gia vô trách nhiệm không thấy được hậu quả nguy hiểm phía sau lời nói của mình. Họ nói cho thỏa thích. Họ tìm sự nổi bật bằng cách nói khác với người xưa. Họ cảm thấy nhục nhã khi phải lập lại lời của người đi trước. Họ phản ứng lại mặc cảm hậu sinh của mình bằng cách đập phá những công trình của tiên nhân, và trên đống hoang tàn đó họ nhảy múa như điên dại. Dĩ nhiên không phải mọi lời nói của cổ nhân đều đúng, nhưng cũng không phải mọi lời nói của người nay đều đúng. Điều đúng là trước hết chúng ta kiểm soát được niệm khát khao nổi bật của mình. Khi không còn khát khao nổi bật, chúng ta mới bình tĩnh phán xét sự đúng sai của người xưa và sự quá trớn của người nay- trong đó có chính mình.
Cha Độ đóng cửa giáo đường và đưa Vũ đi về gian nhà của Cha.
- Thưa Cha, lúc này con thường đi dạo quanh bờ hồ Leva mỗi đêm, đến khoảng chín giờ rưỡi con mới vào nghỉ. Con thấy vừa đi dạo vừa tĩnh tâm rất tốt, Cha ạ.
- Cha cũng vậy đó, con ạ. Bây giờ thì Cha thuần thục sự tĩnh tâm trong mọi giờ phút, kể cả trong khi làm việc, nói chuyện và làm lễ. Lúc trước Cha thường thấy dễ chịu được tĩnh tâm khi cầu nguyện, khi đi dạo, khi ngồi yên một mình.
- Thưa Cha, Chúa nói: “Kẻ nào ăn thịt ta, uống máu ta sẽ được sự sống đời đời”, là thế nào? Máu và thịt là sự sống của tất cả mọi người. Máu và thịt của Chúa tức là sự sống của Chúa. Trong Phúc Âm Giăng 6:71, Chúa nói:
“Những lời ta nói với các ngươi về máu và thịt, tức là tinh thần và sự sống”
Và Chúa nói :
“Người nào ăn thịt và uống máu ta thì ở trong ta, và ta ở trong người đó?”
Bây giờ Cha hỏi con sự sống của Chúa là gì?
- Thưa Cha, phải chăng sự sống của Chúa chính là nội tâm yên tĩnh?
- Con nói gần đúng.
- Thế nào mới là đúng hoàn toàn, thưa Cha?
- Con phải nói rằng sự sống của Chúa chính là nội tâm yên tĩnh TUYỆT ĐỐI. Chúa đã trở thành TUYỆT ĐỐI bởi vì nội tâm của người yên tĩnh TUYỆT ĐỐI. Và người nào ăn thịt uống máu Chúa tức là người sống được với sự tĩnh tâm giống như Chúa. Người đạt được sự tĩnh tâm TUYỆT ĐỐI tức là người chối bỏ mình trọn vẹn. Và lúc đó thì họ sống trong Chúa và Chúa sống trong họ.
`
– Thưa Cha, tuần rồi con ở chơi với em con nên không đến Cha.
- Các em con vẫn khỏe, hở Vũ?
- Thưa Cha, Diễm Châu hơi ốm. Có lẽ lát chiều con sẽ đến thăm Châu đã khỏe chưa.
- Diễm Châu giống chị nó như đúc, cả tính tình lẫn dung mạo. Châu cũng có chiều sâu suy nghĩ lắm đấy, con.
- Thưa Cha, tuần rồi con và Hương sang mua hoa hồng ở chùa Quan Âm gần nhà Hương, chúng con gặp vị thầy trụ trì tên là Phước Tịnh. Thấy thầy có vẻ hiền lành dễ thương, con có tò mò hỏi về vài điều giáo lý của đạo Phật. Sao con nghe thầy đó nói na ná giống Cha quá. Cũng cái gì Thiền Định, nhất tâm nghe hơi lạ lạ, nhưng ý nghĩa cũng gần với Cha lắm.
- Thì Cha có nói Cha độc quyền giữ chân lý đâu con. Và chân lý không bao giờ là độc quyền của bất cứ một số người nào. Chân lý không có nhãn hiệu, không có hình thức, không có độc tôn, không có bắt buộc. Nó hiện hữu nơi những người nào có được tình thương người mênh mông, có nội tâm yên tĩnh sâu thẳm. Chúng ta thích lập ra những nhãn hiệu để gói chân lý đem bán lấy lời và sống nhởn nhơ ttrên sự cực khổ của người khác. Những người mua vì mê nhãn hiệu nên đã mua lầm đồ giả, con ạ.
Con ng ười đã đau khổ quá nhiều vì chia rẻ, mà sự chia rẻ đó bắt nguồn từ nhãn hiệu và hình thức. Ai cũng cho chỉ có nhãn hiệu của mình mới là đồ tốt và chê bai mọi nhãn hiệu khác. Trò đó lỗi thời quá rồi!
Cha Độ bắt chước giọng Chúa Jésus:
- Này cô gái, đã đến lúc không phải tìm chân lý trong nhãn hiệu hay trong hình thức, mà phải tìm chân lý trong sự tĩnh tâm và nhân ái. Vì chân lý chính là tĩnh tâm và nhân ái.
Vũ cười:
- Cha làm giống Chúa quá!
- Cha mơ ước ngày nào thế giới này nói chung một ngôn ngữ, sống chung một tình thương, hướng chung một sự tĩnh tâm tuyệt đối.
Yên lặng một chút, Vũ hỏi:
- Thưa Cha, như Cha nói công thì thưởng, tội thì phạt, vậy ai đứng ra làm trung gian để xét đoán và thưởng phạt cho tất cả mọi người?
- Nếu con trả lời cho Cha ai làm cho nước sôi ở 1000C và đông đặc ở 00C thì Cha sẽ trả lời cho con người xét đoán thiện ác của loài người.
Vũ trầm ngâm giây lâu rồi nói:
- Như vậy có nghĩa là không có ai xét đoán mà chỉ là một định luật khách quan công bằng giống hệt như luật Nhân Quả của đạo Phật, thưa Cha?
- Con khoan kết luận như vậy. Bây giờ con thử hình dung một đấng mà có thể cùng một lúc biết rõ mọi ý nghĩ và hành vi của tất cả mọi loài trong vũ trụ. Đấng đó sẽ có hình dáng ra sao. Vũ đăm chiêu lúc lâu:
- Trừu tượng quá, Cha ạ. Nếu cho đấng đó có một hình dáng giới hạn thì không thích hợp. Mà cho đấng đó như hư vô bao phủ hết tất cả thì khó chấp nhận quá.
- Bây giờ Cha gợi ý dần dần cho con, nhé! Trước hết đấng đó phải trở thành vạn hữu, tan hòa trong vạn hữu. Con đồng ý không?
- Con đồng ý, thưa Cha.
- Nhưng đấng đó không bị chia cách như vạn hữu mà vẫn là duy nhất. Con đồng ý.
- Vâng, con đồng ý, thưa Cha.
- Vừa hòa tan trong vạn hữu, vừa giữ nguyên tính chất duy nhất của mình, con gọi đấng đó là gì?
- Thưa Cha, Chúa Jésus định nghĩa đấng đó là tinh thần, là chân lý. Hai tính chất này phải được hiểu ra sao, thưa Cha?
- Con có đọc Spinoza chưa?
- Thưa, có.
- Con nói về Thượng Đế của Spinoza cho Cha nghe xem.
- Thưa Cha, Spinoza phủ nhận thượng đế như là một nhân vật có hình dáng, mà thượng đế phải là bản thể của vạn hữu, là thế giới của định luật. Các định luật của vật lý như luật hấp dẫn Newton, luật sức đẩy của Archimède, luật bảo toàn động lượng, luật tương đối Einstein... đều ở trong bản thể đó. Ở đây Cha nghĩ thế nào, thưa Cha?
- Spinoza lệch qua một cực đoan rồi, con ạ. Chúa Jésus định nghĩa Thiên Chúa trên hai khía cạnh: Tinh thần và chân lý. Còn Spinoza chỉ giữ lấy khía cạnh chân lý mà quên đi khía cạnh tinh thần. Cái bản thể thượng đế của Spinoza là một bản thể khô khan vô tri vô giác. Còn Thiên Chúa của Chúa Jésus, ngoài tính chân lý của Spinoza, còn có thêm tinh thần- hiểu biết, yêu thương, linh hoạt. Đấng xét xử đó, vừa hòa tan trong vạn hữu, vừa giữ nguyên tính duy nhất của mình, vừa là những định luật khách quan, cũng vừa là hiểu biết, thương yêu linh hoạt.
Con đường đi đến đấng đó chính là phép tĩnh tâm.
- Hồi con mới đến, con nghe Cha giảng, con thấy Cha chấp nhận Chúa Jésus mà có vẻ bỏ qua Đức Chúa Trời. Con nghĩ Cha muốn lập một Thiên Chúa giáo không có Thượng Đế, một Thiên Chúa giáo vô thần. Bây giờ con mới hiểu thêm, Thương Đế của Cha không ngây thơ như mọi người vẫn hiểu, và dường như những tinh yếu của Đấng Kitô Jésus đều trút cả vào tâm Cha.
Thưa Cha, luật Nhân Quả và tính chất thưởng thiện phạt ác có khác nhau không, thưa Cha?
- Con nói thêm về luật Nhân Quả cho Cha nghe.
- Thưa Cha, con không có tài liệu để nghiên cứu kỹ về luật Nhân Quả, chỉ nghe bà Trường nói sơ qua một lần là luật đó như một tấm gương trong, ai rọi ánh sáng màu gì nó sẽ hắt trả lại ánh sáng màu đó. Ai đem đến cho mọi người niềm vui, đời họ cũng sẽ được niềm vui. Ai đem đến cho mọi người đau khổ, đời họ sẽ chịu đau khổ.
- Như vậy nó tương tự con ạ. Như Chúa nói:
“Nếu các ngươi biết tha thứ cho người thì
Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi”
Hoặc:
“Các ngươi muốn được đối xử thế nào hãy đối
xử với mọi người như vậy”
Hoặc:
“Các ngươi đừng phê phán ai để mình khỏi bị phê phán... Các ngươi cân lường cho người thế nào, họ sẽ cân lường trở lại cho ngươi như vậy” “Hãy thương yêu để được yêu thương
Hãy ban cho để được nhận lãnh”
T ấm gương phản chiếu thiện ác đó và Đấng xét xử chỉ là một.
Khi dùng ví dụ tấm gương, chúng ta hãy hiểu ở khía cạnh chân lý, khi dùng chữ Đấng xét xử, ta hãy hiểu ở khía cạnh tinh thần.
Cả hai khía cạnh đó, chân lý và tinh thần, hợp lại mới được gọi là tuyệt đối.
Chính vì khía cạnh chân lý khách quan mà Chúa nói:
“Chẳng phải những kẻ nói cùng ta rằng lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước Thiên đàng. Nhưng chỉ những kẻ nào làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi”. Tức là những người nào gieo nhân mới được gặt quả chứ không phải bởi sự cầu xin.
Con còn nhớ bài thơ của Nhất Tuấn được phổ nhạc không?
- Thưa Cha, con còn nhớ.
- Hãy hát lại cho Cha nghe.
- Vâng, thưa Cha.
“Con quỳ lạy Chúa trên trời
Sao cho con lấy được người con yêu
Đời con đau khổ đã nhiều
Từ khi thơ dại đủ điều đắng cay
Số nghèo hai chục năm nay
Xây bao nhiêu mộng trắng tay vẫn nghèo
Chúa ơi ! Chúa ơi !
Con quỳ lạy Chúa trên trời
Sao cho con lấy được người con thương
Bây giờ con đã gặp nàng
Không giàu, không đẹp, không màng lợi danh
Chúng con hai mái đầu xanh
Chấp tay khấn nguyện trung thành với nhau
Thề rằng sóng gió biển dâu
Đã yêu trước cũng như sau giữ lời
Người ta lại bỏ con rồi, Chúa ơi !..”.
- Con cảm thấy gì trong bài thơ đó ?
- Thưa Cha, con cảm thấy không có sự can thiệp của Chúa trước những lời cầu xin bi thiết đó.
- Đúng vậy, con ạ. Người cầu xin là người không hiểu Chúa. Họ thấy được khía cạnh tinh thần của Chúa mà không thấy được khía cạnh chân lý của Chúa. Nơi khía cạnh tinh thần Chúa có nghe, có thấy, có thương yêu. Nhưng nơi khía cạnh chân lý, Chúa phải giữ sự công bằng bởi vì chỉ những người đã ban phát hạnh phúc mới có thể được nhận lãnh hạnh phúc. Hạnh phúc không bao giờ đến với người vị kỷ mà chỉ đến với những người hết lòng mang niềm vui đến cho mọi người.
- Con gần lãnh lương chưa?
- Thưa Cha, ngày mai con lãnh lương.
- Lần sau con mua ít vải đem đến. Cha thấy mấy đứa bé nhà ông bà Trung mặc quần áo chấp vá, Cha xót xa quá.
- Vâng, thưa Cha.
Di ễm Hương hỏi các em:
- Tụi cưng chia bớt mấy bộ đồ để chị đem đến Cha Độ để Cha cho người nghèo, chịu hôn? Ba đứa bé mừng reo:
- Chịu liền!
Rồi chúng chạy vào tủ soạn mỗi đứa vài bộ đồ đem ra. Diễm Hương gói lại cẩn thận. Nàng cũng đã mua một số vải mới.
Thái Vũ bước vào hỏi:
- Ba, mẹ đâu rồi, Hương?
- Khánh mời ba mẹ và tụi em đến nhà ăn tiệc, nhưng em nói em có hẹn đến Cha nên ba mẹ đi một mình. Mấy đứa nhỏ cũng không chịu đi.
Ba đứa nhỏ reo lên:
- A! anh Vũ.
Rồi chạy tới kéo tay Vũ vào. Vũ đưa hai tay cho Duy và Dương đeo tòng teng hai bên và đi vào. Duy Dương lại đấm đá cho Vũ xem để nhờ Vũ chỉ tiếp. Vũ hỏi Diễm Châu:
- Em khỏe hẳn chưa?
- Em khỏe hẳn rồi, anh ạ! Mỗi lần luyện khí công xong em thấy bệnh giảm rất nhiều.
- Nghỉ được ngày Sabbath chưa?
- Dạ, hơi hơi. Cũng còn suy nghĩ ít ít anh ạ.
- Diễm Hương đi chợ mua giùm anh ít vải, anh có mang tiền ra nè.
- Khỏi, anh- Diễm Hương đáp- Em có mua rồi. Tiền của anh để họ trả tiền công thợ may. Quay sang các em Diễm Hương hỏi:
- Tụi cưng vòi vĩnh anh Vũ xong đi, để anh với chị đi.
Duy nói:
- Anh Vũ bay đá song phi cho em xem đi.
Vũ cười, chìu Duy. Chàng tung người lên quét một đá thành một vòng tròn trên cao rồi rơi xuống thụp người sát đất đánh thốc lên. Chàng lại tung người lên đá bật hai chân dang hai phía khác nhau. Chàng lại tung người lên lộn một vòng trên cao.
- Chịu chưa? Vũ hỏi.
Dương thích quá:
- Anh chỉ em bay với.
Vũ bồng Dương lên rồi nhảy lên gần đụng trần nhà và rơi xuống.
Dương vừa sợ vừa thích kêu vang ầm ĩ.
- Tụi cưng trông nhà, anh với chị đi nhé!
- Dạ!
k
Cha Độ đưa Thái Vũ và Diễm Hương đi vào làng. Họ cầm theo vải và quần áo. Đến một căn nhà, Cha gọi:
- Có ông bà Trung ở nhà không?
Nghe tiếng Cha, cả nhà chạy ra:
- Cha! Cha! Mời Cha vào nhà ạ. Mời hai anh chị vào nhà ạ.
Rõ ràng là một căn nhà nghèo vì đồ đạc sơ sài, bàn ghế đơn giản. Họ rót nước mời khách. Dường như họ không phải là tín đồ Thiên Chúa vì không có tượng ảnh.
Hai ông bà Trung đứng gần Cha có vẻ kính cẩn. Cha hỏi:
- Việc rẫy nương các con thế nào rồi?
- Thưa Cha, cũng vẫn bình thường ạ.
- Các con có phát triển thêm được điều gì không?
- Thưa cha, chưa ạ.
- Cha có mang đến cho các con ít quần áo cũ và vải. Con may cho các cháu mặc nhé! Cha bảo Diễm Hương bày ra, và nói với chủ nhà:
- Còn tiền này con trả tiền công cho thợ may. Bánh kẹo cho mấy đứa nhỏ đây.
Ông bà Trung ứa nước mắt không nói được lời nào. Bà Trung bước tới soạn các thứ ra xem rồi nói:
- Xin Cha cho phép con chia bớt với ông bà Đằng bên cạnh, vì họ cũng thiếu thốn, Cha ạ!
- Thế hở, con. Tốt lắm, trong cái ít ỏi mà các con vẫn nghĩ đến việc san sẻ cho người khác thì Cha rất vui.
Ông Trung nói:
- Từ lâu con muốn theo đạo, hôm nào Cha cho các con làm lễ rửa tội. Cả gia đình con. Cha Độ cười xòa:
- Khi con san sẻ được cho người bên cạnh thì các con đã rửa tội và trở thành con chiên của Chúa rồi. Đừng bày vẻ rườm rà, con ạ. Điều quan trọng là con ráng dạy cho mấy đứa nhỏ hiền lành, thương người, biết nhường nhịn, biết san sẻ từng chút. Cuộc đời chúng sẽ được sung sướng nếu từ bây giờ chúng thấm nhuần đạo đức. Mấy đứa đâu, lại Cha xem.
Ông bà Trung gọi các con mình đang đứng lấp ló sau cánh cửa ra. Khoảng ba đứa trạc tuổi của Diễm Châu và Duy. Quần áo chúng có nhiều mảnh vá. Chúng đến chào Cha, chào Hương và Vũ rồi khoanh tay đứng yên. Cha vuốt tóc chúng và hỏi han từng đứa về việc học hành, bạn bè, trò chơi, làm lụng.
Vũ vẫn phục Cha những khi thấy Cha sống với trẻ thơ. Cha quên mất mình, hoàn toàn hòa tan hẳn vào thế giới của trẻ thơ với bao nhiêu chuyện vặt vãnh nhỏ nhặt. Những đứa bé cũng quên Cha là ông già có râu bạc, cảm thấy Cha gần gũi thân mật không một chút gì ngăn cách. Cha hôn lên trán chúng rồi từ giả ra về. Ông bà Trung ứa nước mắt nhìn theo. Ba đứa nhỏ nói:
- Chủ nhật Cha cho con đi lễ với.
Cha cười:
- Ừ, Cha cho.
Ông bà Trung chào Vũ và Diễm Hương rồi hỏi:
- Anh chị được mấy cháu rồi, ạ?
Diễm Hương mắc cở đỏ mặt. Vũ đáp:
- Tụi em chưa có con, anh chị ạ.
Ông Trung góp ý:
- Anh chị nên kế hoạch, đừng đông con, cực lắm.
- Vâng, cám ơn anh.
Về đến nhà, Diễm Hương soạn bánh mời Cha, và soạn các thức ăn đem vào trong. Vũ ngồi xuống bên chân Cha. Diễm Hương nói ra:
- Anh muốn hỏi Cha điều gì phải chờ em, hổng được ăn gian nghe một mình, à!
Vũ ngồi yên lặng bên chân Cha, tay chàng mân mê gấu quần của Cha. Diễm Hương sắp xếp mọi thứ xong trở ra ngồi xuống một bên chân Cha, nhìn Vũ:
- Anh hỏi gì thì hỏi, em nghe với.
Vũ nói:
- Con thấy Cha như là một mạch nước minh triết không bao giờ vơi cạn.
Cha Độ bảo:
- Bởi vì Cha không giữ một hạt bụi nào trong tâm của mình, con ạ. Người nào chất chứa nhiều trong tâm, mạch nước minh triết sẽ tắt mất.
- Thưa Cha, với nguồn minh triết sáng láng như vậy, tại sao Cha không rao giảng rộng rãi cho mọi người mà chỉ giam mình nơi xóm làng hiu quạnh nhỏ bé này?
- Thì sau này ai được lợi ích từ nơi con cũng tức là được lợi ích từ nơi Cha. Đâu có mất mát gì con. Vũ chợt nhớ tới lời Chúa:
“Ai tin ta là tin Cha, ai tin Cha là tin ta, vì ta và Cha là một”
- Thưa Cha, Chúa Jésus có nói “Ta và Cha là một” phải hiểu ý này như thế nào ạ?
- Thì Cha vừa nói với con đấy. Sau này ai được lợi ích bởi con cũng chính là được lợi ích bởi Cha. Vì sự sống của con giống hệt sự sống của Cha. Có nhiều người bên phái Thiên Chúa Nhất tính, nghe câu “Ta và Cha là một” rồi kết luận Chúa Jésus cũng là Đức Chúa trời.
Một học giả Hồi giáo phê bình :
“Nếu bảo Chúa Kitô cũng là Đức Chúa Trời thì không lẽ Đức Chúa Trời đã bị bạt tai, nhổ nước bọt, chửi mắng, đóng đinh và chết trong ba ngày, để cho ba ngày ấy vũ trụ không có ai làm chủ sao?” Chữ Một ở đây phải hiểu rằng Một trong nội tâm yên tĩnh tuyệt đối, Một trong sự chối bỏ chính mình, Một trong sự hòa tan với vạn hữu, Một trong sự giữ nguyên cái duy nhất, Một trong các định luật, và Một trong hiểu biết thương yêu. Chứ không phải Một là một nhân vật.
- Thưa Cha, nghĩa là Chúa Kitô đạt được mọi tính chất của Thượng Đế?
- Chẳng riêng vì Chúa Kitô mà bất cứ ai giữ được nội tâm yên tĩnh tuyệt đối cũng đều đạt được. Diễm Hương hỏi:
- Nhiều người đạt được rồi ngai ở đâu đủ cho mọi người ngồi, Cha?
Cha Độ cười, cốc nhẹ trên đầu Diễm Hương:
- Thượng Đế thì không có ngai. Có ngai thì không phải Thượng Đế.
Vũ hỏi:
- Thưa Cha, câu nói Thiên Chúa tạo ra tất cả, phải hiểu như thế nào?
- Con đã biết Thiên Chúa có hai tính chất, tinh thần (hiểu biết, thương yêu) và chân lý (những định luật khách quan). Chính những định luật khách quan làm cho vũ trụ sinh hóa, vận chuyển thay đổi, hoại diệt, tái lập, phát triển mãi mãi. Nhưng sự sinh hóa của vũ trụ còn bị chi phối bởi hành vi thiện ác của mọi loài. Đâu phải vô cớ mà động đất, ngập lụt, sóng thần, bão tố thổi bất ngờ đâu con. Khoa học đi tìm nguyên nhân ban đầu của các hiện tượng thiên nhiên không bao giờ cùng tận. Mỗi một nguyên nhân đều có nguyên nhân phía trước. Không hề có cái nguyên nhân đầu tiên. Cái nguyên nhân đầu tiên nằm trong lòng mọi người. Các thiên tai sẽ chấm dứt khi mọi người trở nên thánh thiện.
Diễm Hương nói:
- Thưa Cha, như vậy Cha quy trách nhiệm cho con người chứ không đổ thừa cho Thượng Đế về các vấn đề thiên tai, đau khổ.
- Đúng vậy.
- Cha làm luật sư bênh vực cho Thượng Đế hay quá.
- Nhưng Cha là một luật sư công bình chính trực, con ạ, sự thực thế nào, Cha nói thế ấy chứ không thêm bớt.
Vũ hỏi:
- Thưa Cha, sau khi chữa lành bệnh cho người, Chúa thường nói:
“Chính đức tin ngươi đã cứu ngươi”
Ở đây, Cha giải thích thế nào?
Cha Độ đáp:
- Con hiểu thế nào về năng lực của tinh thần?
- Thưa Cha, trong Trường sinh học, vấn đề năng lực tinh thần đang được nghiên cứu nghiêm túc. Chính bản thân con phát huy sức mạnh của nội công trong võ thuật cũng là một dạng của năng lực tinh thần.
- Khi nào thì một người có được năng lực tinh thần?
- Thưa Cha, khi nào họ nhiếp tâm yên tĩnh cực độ.
- Năng lực tinh thần có hai cách để xuất hiện. Một, do tĩnh tâm. Hai, do niềm tin. Đối với người không có khả năng tĩnh tâm, nếu họ có một tinh thần mãnh liệt thì năng lực tinh thần sẽ trổi dậy. Thế nên chính niềm tin mãnh liệt của họ đối với Chúa, tin không nghi ngờ rằng Chúa sẽ chữa lành bệnh, lập tức họ hết bệnh. Chính năng lực tinh thần của họ đã bộc phát để chữa cho họ. Thêm một ý nghĩa nữa là lòng kính trọng với Chúa cũng tạo thành một kết quả tốt cho họ.
Nhưng gây cho họ một niềm tin thì dễ đi dần vào mê tín. Làm sao gây cho họ được khả năng tĩnh tâm thì họ trở nên tự chủ ít ỷ lại hơn. Riêng vấn đề kính trọng Chúa thì Cha còn nói như sau. Trong cuộc sống này, nếu chúng ta có thể kính trọng một người nào có nhân cách cao cả, tự nhiên nơi chính chúng ta cũng xuất hiện một nhân cách tốt hơn lúc trước. Đây là một điều rất có ý nghĩa. Sở dĩ giới trẻ ngày nay dễ sa ngã bởi vì họ không có ai để đặt niềm tôn kính. Cần phải cho trẻ những vị thánh nào đó để làm chỗ tựa cho tinh thần của họ.
Vũ hỏi:
- Thưa Cha, biết ai thật sự là thánh để mình tôn thờ. Không khéo lại bị rơi vào mê tín!
- Đây là điểm tế nhị. Vì sợ rơi vào mê tín nên người ta đã gạt luôn những vị thánh thật sự ra khỏi trần gian. Nhưng không có những vị thánh thì tâm hồn con người sẽ đổ vỡ. Con hãy tìm hiểu những người trẻ tuổi bị vướng vào ma túy sẽ thấy, họ không hề có một ai để tôn trọng ngưỡng mộ cả! Vũ trầm ngâm nhớ lại những người công nhân của công ty. Hầu hết những người nhân cách kém đều không có niềm tin với ai cả, không có lý tưởng, không có tôn giáo nào cả.
Diễm Hương chợt lên tiếng hỏi:
- Còn như Phúc âm nói Chúa đuổi quỷ ra khỏi người bệnh, là ý nghĩa gì Cha?
- Tại mọi người đều tin như vậy nên Chúa cũng thuận theo họ mà giải thích như vậy. Khi thấy một người mất bình tĩnh, mất nhân cách, người xưa đều cho là quỷ nhập. Bây giờ thì y khoa xem đó là một loại bệnh tâm thần và soi sáng dưới cái nhìn khoa học. Chúa đã dùng năng lực tinh thần để chữa bệnh tâm thần cho ho. Còn hiện tượng ma quỷ nhập thì nên xem xét một cách dè dặt. Các con có nghe hiện tượng bà Dzuna bên Liên Xô có đôi tay chữa được bệnh hay không?
- Tụi con có nghe báo chí đăng tải về việc đó.
- Chúa cũng vậy.
- Như vậy có ma không, Cha?
- Cả đời Cha có thấy con ma ra sao đâu, con.
- Sao ai cũng nói có ma mà chính mắt họ thấy.
- Cha cũng cho rằng chết không phải là sự chấm dứt mọi sự. Sau cái chết sẽ còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu. Các tôn giáo đều có các lý giải về thế giới siêu hình theo quan điểm của mình. Tuy nhiên theo Cha, có hai điều chúng ta cần xác định về điều này. Một là chúng ta nên bận tâm nhiều hơn với thế giới người sống ở chung quanh mình. Hai là nếu tồn tại những sinh vật trong thế giới siêu hình thì họ cũng là “con của Chúa”, cũng cần có tình thương yêu như chúng ta vậy. Đừng nên xem họ là những loài đáng ghê sợ mà xa lánh.
- Thưa Cha, trường hợp có những người nói là họ được Thần thánh nhập đồng là sao?
- Cha nghĩ có hai trường hợp. Một là ảo giác mà họ hiểu lầm. Hai là cũng có thể có tồn tại sự xâm nhập một tác dụng tinh thần từ bên ngoài vào tâm của người khác. Trường hợp này cũng giống như các nhà thôi miên tác động vào tâm của đối tượng vậy.
- Nhiều người tự cho có khả năng tiên tri, chữa bệnh khi được nhập đồng như vậy, thưa Cha.
- Năng lực tinh thần rất lớn, có thể làm nên nhiều việc rất bất ngờ. Tuy nhiên điều đó dễ đưa đến mê tín. Hơn nữa người nào có ý tự hào khoe khoang về năng lực đó thì nó sẽ không tồn tại lâu.
- Cha có thể chữa bệnh không, thưa Cha?
- Cha không có học y khoa, con ạ.
- Không, con nói về năng lực tinh thần đấy.
- Chữa bệnh là chức năng củabác sĩ. Còn năng lực tinh thần của Cha là khả năng tĩnh tâm không giận hờn buồn khổ, rồi đem nó dạy cho mọi người.
–Thiên đường ở đâu, Cha?
- Con tả Thiên đường cha nghe với!
- Thưa Cha, Thiên đường đẹp lắm, có vườn cây quanh năm trĩu trái. Có thú vật đùa giởn với người. Có mây nhiều màu, có ánh sáng cả ngày đêm, có hồ nước trong, có hương thơm phảng phất, vân vân, cáigì cũng thích lắm.
- Sao Cha nghe nó giống Địa Cầu nầy quá. Chỉ pha thêm ít màu nước, xịt thêm ít nước hoa là thành thiên đường rồi.
Vũ và Diễm Hương phì cười.
- Vậy, Thiên đường ở đâu Cha?
- Thì như con diễn tả đấy. Ở nhà con có hồ Xuân Hương, có sương vây phủ, ban ngày có mặt trời, ban đêm có đèn điện, nếu có nuôi chó thì đùa với chó, rồi mỗi ngày xịt nước hoa lên tóc cho mùi thơm phảng phất. Nghĩa là Thiên Đường con diễn tả không khác gì trần gian nầy, chỉ khác là tâm con khổ thì nó là trần gian, tâm con an vui thì nó là thiên đường. Con có nhớ Chúa Jésus định nghĩa nước trời ra sao không?
- Chúa định nghĩa sao, Cha?
- Mấy người Pharisi nghe Chúa nói:
“ Nước trời rất gần
Nước trời rất gần”
Họ hỏi Chúa:
“ Ngài nói nước trời rất gần là chừng nào mới đến?”
Chúa bảo :
“Ta nói nước trời rất gần nghĩa là không phải bên nầy, không phải bên kia, mà ở trong chính ngươi!”. (Luca 17:9)
Chúa cũng ví dụ:
“Nước Thiên đường giống như một người lái buôn kiếm được ngọc châu tốt. Khi đã tìm kiếm được một hạt châu quý giá rồi thì bán hết gia tài mình mà mua hạt châu đó”.
Hạt châu đó chính là phép tĩnh tâm. Bán hết gia tài tức là bỏ hết những suy nghĩ tạp nhạp, tham lam, thù hận từ trước để dồn nỗ lực thực hiện phép tĩnh tâm đó. Nhưng ngoài ý nghĩa nội tại như Cha vừa nói thì Cha nghĩ thế giới vật chất này không phải là thế giới duy nhất tồn tại trong vũ trụ.
- Nghĩa là thật sự có Thiên Đường?
Cha Độ cười:
- Chắc phải đợi Cha chết rồi mới biết được.
- Anh Vũ chắc vào nước Trời trước con, vì anh tập khí công từ nhỏ, còn con mới bắt đầu. Nếu Cha cầm chìa khoá cửa Thiên Đường, Cha đừng cho anh vào, bắt anh đợi con, Cha nhé!
- Vũ sẽ đợi con!
`
Ông Tr ường cằn nhằn:
- Hải lúc này sinh tật uống rượu, tay run run. Hôm nào nó làm vỡ cái máy siêu âm thì đổ nợ. Vũ hỏi:
- Hải uống rượu với ai vậy, Bác?
- Không biết với mấy người bạn nào ở địa phương. Hình như mấy người này là dân có tiền nên đãi Hải chớ Hải không phải đãi lại.
Vũ quay sang hỏi cô kế toán:
- Cô tổng kết lương công nhân tháng rồi chưa?
Cô kế toán đáp:
- Gần xong rồi, anh Vũ ạ!
Vũ hỏi ông Trường:
- Mình còn nhận tiền hai đợt nữa phải không, Bác?
- Ừ, sắp tới mình lãnh khoảng năm trăm triệu để chi phí lương công nhân và vật liệu. Xong công trình này mình lãnh đợt chót một tỷ rưỡi. Cuối công trình này mình thưởng anh em công nhân thêm một tháng lương.
- Hoan hô, bác! bác cho cháu mượn xe.
- Vũ đi đâu vậy?
- Dạ, con đi lại thăm Cha Độ.
- Lấy vợ Công giáo thì khổ cái nước phải theo đạo như thế đấy!
Vũ tủm tỉm cười ra đi. Ông Trường gọi giật lại:
- Này Vũ, có hai hợp đồng gọi mình, một ở Bảo Lộc, một ở Hóc Môn. Cháu nghiên cứu xem.
- Thưa bác, cháu quên nói với bác, xong công trình này cháu phải về thăm nhà ở Vĩnh Long một thời gian dài. Bảy năm rồi cháu chưa từng về thăm nhà kể từ cái ngày đặt chân đến nhà bác. Bác nên chọn công trình ở Hóc Môn để dễ kiểm soát.
- Khổ tôi chưa, Vũ đi rồi bác vất vả lắm. Hải không giỏi như Vũ đâu!
a
- Cha vừa đi đâu về vậy, thưa Cha?
- Cha đi thăm thằng bé bị ốm con ạ!
- Nặng không, Cha?
- Không đến nỗi, con.
Cha Độ mở cửa cho Vũ đẩy xe vào trong, rồi Cha mới vào cởi áo manteau ra treo lên vách. Hai người lại ngồi bên nhau.
- Thưa Cha, Chúa Kitô có tiết lộ rằng:
“ Trước khi có Abraham đã có ta”
Điều này phải hiểu như thế nào?
- Thì có nghĩa là Chúa đã có mặt từ rất xưa.
- Lúc đó Chúa đã đạt đến tuyệt đối như Thượng Đế chưa, thưa Cha?
- Thánh kinh có nói đâu mà Cha biết.
- Thưa Cha, có phải sự sống con người bắt đầu từ lúc ở trong thai mẹ cho đến lúc chết là hết.
- Con mắt ai cũng thấy như vậy, con ạ! Cũng như con mắt ai cũng thấy mặt trời xung quanh trái đất. Phải đợi đến thiên tài Copernic mới lật ngược lại trái đất xoay quanh mặt trời.
Hiện tượng đời sống cũng vậy, phải đợi một Copernic để soi thủng sự hạn hữu của nó.
- Theo Cha thì phải như thế nào ạ!
- Theo Cha thì sự sống của con người là vô tận, còn sinh ra và chết đi chỉ là một giai đoạn nhỏ bé mà thôi. Con có nhớ đoạn Nicodemm hỏi Chúa:
“Làm sao người già lại vào bụng mẹ để sanh trở lại được?”
Chúa bảo:
“ Chớ lấy làm lạ về điều ta nói. Các ngươi phải sanh trở lại, gió muốn thổi đi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng gió động nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Còn ta nói điều mình biết và những điều mình thấy. Còn các ngươi chẳng hề nhận lấy lời chứng của ta. Ví bằng ta nói các việc thuộc về đất (cụ thể) các ngươi còn chẳng tin thay, huống chi ta nói các việc thuộc về trời (trừu tượng), thì các ngươi tin sao được” (Jean 3:4)
Chúa bảo chúng ta chỉ nghe gió thổi mà chẳng biết gió từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Nghĩa là chúng ta chỉ thấy sự sống ngắn ngủi hiện tại mà không biết sự sống ấy từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Những bí mật của sự sống VÔ TẬN này quá trừu tượng nên Chúa than khó có người tin nỗi. Chúa cũng muốn làm một Copernic để soi thủng cái đời sống hữu hạn của con người vạch ra cho mọi người thấy nó như thế nào, nhưng Ngài cũng biết nó quá trừu tượng ngoài khả năng tư duy của con người Do Thái thời đó.
Con có học về lý thuyết siêu cầu, siêu phẳng trong toán học chưa?
- Thưa Cha, chưa, vì chương trình đó thuộc đại học. Con nghỉ học từ lớp 12.
- Lý thuyết về siêu cầu, siêu phẳng không còn nằm trong phạm vi các giác quan nữa, ngay cả trí tưởng tượng phong phú nhất cũng không hình dung được. Dòng sống của con người cũng vậy. Người nào vội vàng kết luận dòng sống bắt đầu từ thai mẹ, chấm dứt vào lúc chết, e vấp phải cái lỗi quá vội vàng.
- Thưa Cha, như Thánh kinh nói, sau khi chết, hoặc họ được lên thiên đường, hoặc họ bị xuống hỏa ngục, là thế nào?
- Nếu chấp nhận sự sống còn tiếp tục sau khi chết thì bắt buộc phải chấp nhận sự sống đã có mặt trước khi có ở thai mẹ!
Còn Thiên đường tượng trưng cho một cuộc sống vui và hỏa ngục tượng trưng cho một cuộc sống khổ.
Con cũng thấy nhiều người có mặt trên cuộc đời này khổ sở vất vả như trâu như ngựa. Đó là địa ngục, còn nhiều người đã sung sướng giàu có thỏa mãn từ khi mới sinh ra. Đó là Thiên Đường. Tuy nhiên Cha cũng tin rằng thế giới vật lý không phải là thuộc tính duy nhất của vũ trụ. Còn nhiều điều mà khoa học chưa biết hết.