Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tin tức và phân tích tình báo chiến lược, của một điệp viên với bí danh X6, được bí mật gửi cho bộ chỉ huy quân sự ở miền Bắc thông qua Trung ương cục Miền Nam. Những thông tin này được cho là sống động và tỉ mỉ đến mức người ta kể rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thốt lên:
Chúng ta đang ở trong phòng hành quân của Hoa Kỳ
Năm 1288, quân Nguyên trở lại xâm lược Đại Việt lần thứ ba. Khi tiếp tục được phong làm Quốc công tiết chế, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã khẳng định với vua Trần Nhân Tông:
"Năm nay đánh giặc nhàn".
Đế quốc Mông Cổ, là một đất nước khởi đầu trên vùng thảo nguyên Trung Á, cuối cùng đã trải dài từ Đông Âu đến biển Nhật Bản, bao gồm nhiều phần rộng lớn của Siberi ở phía bắc và mở rộng về phía nam đến Đông Nam Á, tiểu lục địa Ấn Độ, cao nguyên Iran, và Trung Đông. Đất đai, dân số và tiềm lực kinh tế to lớn gấp hàng trăm lần so với Đại Việt khi đó.
Để nói ra được câu ”Năm nay đánh giặc nhàn” nghe tưởng như đơn giản, nhưng thực sự là Tổng chỉ huy quân đội Trần Hưng Đạo gần như đã nắm rõ mọi đường hướng, chiến lược, chiến thuật tấn công của giặc và đã có đối sách phù hợp. Và nhân vật được cho là trợ thủ đắc lực cho Hưng Đạo Vương chính là Trương Hán Siêu, người đã thiết lập một mạng lưới tình báo rất hiệu quả để thu thập tin tức bên phía giặc.
Sinh thời, Trương Hán Siêu được cho là một môn khách của Trần Hưng Đạo, do ông phát hiện và giáo dưỡng. Từ lúc chưa quá 16 tuổi đã trở nên nổi tiếng rất tài hoa; tư cách hơn người, được bổ làm Hàn lâm viện khi chưa bằng cấp và đỗ đạt. Trần Ích Tắc là con của vua Trần Thái Tông, em cùng cha khác mẹ với vua Trần Thánh Tông. Trần Ích Tắc hiếu học, thông hiểu lịch sử, các thuật, từng được giao mở học đường, tập hợp văn sĩ, nhân tài bốn phương cho học tập đào tạo, trong đó có Trương Hán Siêu do Trần Hưng Đạo tiến cử.
Là một người tham vọng, Trần Ích Tắc muốn thay thế ngôi vị của vua Thánh Tông và Nhân Tông. Khi nhà Nguyên xâm lược đến Đại Việt năm 1285, thế giặc rất mạnh, với sự khôn ngoan, thức thời của mình, và cũng đang được nắm trong tay mạng lưới tình báo của nhà Trần, Trần Ích Tắc đã lôi kéo nhiều quan tướng, gia quyến xin hàng với lời hứa hẹn sẽ được cải phong làm An Nam quốc vương.
Lại nói về Trương Hán Siêu, khi ấy đó là học trò xuất sắc nhất của Trần Ích Tắc, văn, võ vượt trội hơn tất cả. Nhiều khi Trần Ích Tắc bận, giao cho Trương Hán Siêu thay mình quản lý, điều hành học đường cũng như mạng lưới thông tình báo. Khi biết được ý định của Trần Ích Tắc, Trương Hán Siêu phản đối, vì vậy bị nhóm tạo phản bày mưu, vu oan cho Trương Hán Siêu mưu hại Trần Ích Tắc. Trương Hán Siêu cuối cùng bí mật lánh về khu vực nhiều hang động ở vùng núi Ninh Bình quê hương để ẩn náu.
Trần Hưng Đạo biết rõ con người, phẩm chất của Trương Hán Siêu nên làm một chuyến đi tuần, kinh lí ngang qua Ninh Bình, rồi âm thầm cho người thân cận dò la, móc nối lại thông tin về Trương Hán Siêu. Sau đó ông bí mật đưa Hán Siêu về lại Vạn Kiếp, nhưng hoàn toàn ẩn danh. Khi ấy Thoát Hoan sắp đem 50 vạn quân tiến đánh nước ta, Trương Hán Siêu được Trần Hưng Đạo thảo luận, tham mưu bí mật thành lập mạng lưới tình báo mới, thảo các chiến lược, kế sách đối phó giặc.
Sau khi Trần Ích Tắc chính thức phản bội trốn theo giặc, Trương Hán Siêu mới xuất hiện công khai, đóng góp công lao với Trần Hưng Đạo trong cả hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần hai và lần ba. Kế hoạch lấy không đánh có, lấy nhu thắng cương, vườn không nhà trống, lấy ít đánh nhiều được Trương Hán Siêu phát triển thành đỉnh cao hoàn hảo, phổ biến đến tận làng xã, tập cho dân làng biết làm theo hiệu lệnh từ trung ương một cách nhanh chóng.
Sau trận Bạch Đằng lịch sử năm 1288, chiến thắng bẻ gãy âm mưu xâm lược Đại Việt của nhà Nguyên, Trương Hán Siêu sáng tác bài phú Bạch Đằng giang, bản anh hùng ca được lưu truyền mãi mãi với đoạn thơ nổi tiếng ngợi ca cốt cách của các vị minh quân trong các cuộc chiến mà quy tụ được tướng tài, lòng dân giúp để bảo vệ đất nước trước đế quốc lớn với đội quân hùng mạnh, lấn lướt.
Anh minh hai vị thánh quân
Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh
Giặc tan muôn thuở thái bình
Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao
Trương Hán Siêu làm quan trải qua bốn triều vua, nổi tiếng bởi học vấn uyên bác, tính cương trực, trung kiên, mươu lược, được các vua trang trọng gọi là ”Thầy”, từng giữ các chức Hàn lâm học sĩ (
Học sĩ uyên thâm Nho học, văn hay chữ tốt, chuyên trách việc soạn thảo văn kiện triều đình như chiếu, chỉ, sắc, dụ), chức Hành khiển(
là một chức vụ cực kỳ quan trọng, chỉ sau chức tể tướng), chức Tả gián nghị đại phu (
Can gián, giám sát những quyết sách, bổ nhiệm của vua), chức Tham tri chính sự (
Phó tể tướng). Dưới triều vua Trần Dụ Tông, vào năm 1341, ông cùng Nguyễn Trung Ngạn soạn hai bộ sách lớn là Hình luật thư (pháp luật) và Hoàng triều đại điển (điển lễ). Hai bộ sách này là cơ sở pháp chế và lý luận cho công việc trị nước thời bấy giờ.
Trương Hán Siêu còn gả con cho các tù trưởng ở biên giới là vì muốn liên kết với bộ tộc giữ gìn biên cương. Cuối đời, tuổi cao, ông vẫn cầm quân đi đánh giặc Chiêm Thành năm 1354 tại châu Hóa, trên đường thắng trận về Kinh Thành thì mất. Khi Trương Hán Siêu còn sống thì bọn gian thần không dám lộng hành. Sau Đến khi ông mất, Phạm Ngũ Lão cũng mất thì một mình Chu Văn An không đủ sức đối phó với bọn gian thần mà phải cáo quan về dạy học.
Trương Hán Siêu bị vu oan, dèm pha cho tới sau khi chết vẫn chưa yên. Về sau Trương Hán Siêu được truy tặng chức Thái phó. Sau khi mất chừng 18 năm, ông được đưa vào thờ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, như Chu Văn An. Đến khoảng thế kỷ 18 thì không còn được thờ trong Văn Miếu mà không rõ lý do.
Trương Hán Siêu được lập đền thờ tại chân núi Non Nước thuộc công viên Dục Thúy Sơn nằm bên sông Đáy ở thành phố Ninh Bình.
Cũng như các nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo v.v. thời cận đại, rất nhiều những nhân cách trong hàng nghìn năm đấu tranh chống xâm lược đã chịu đựng nhiều điều tiếng, hàm oan, nghi kỵ, có lúc từ chính người thân, đồng chí của mình, nhưng đã âm thầm hi sinh, thầm lặng lập những chiến công trong ngành để góp phần giữ lại một nước Việt cho tới ngày nay.