Giả thuyết của cụ Trâu Xanh rất hay và thú vị, nghi vấn ở đây là chữ "đồng trụ" mà xưa nay vẫn dịch là cái trụ bằng đồng thực ra là một cái xe chứ không phải cái trụ, đấy là do vấn đề đồng âm khác nghĩa của Hán - Việt làm người ta hiểu sai.
Tôi không cho là như vậy.
Theo quyển Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, quyển thứ 2, mà tôi đang cầm trong tay đây, thì chép thế này:
"Năm Quý Mão (Hán, năm Kiến Vũ thứ 19). Tháng Giêng, mùa xuân. Trưng Trắc cùng em gái là Nhị cự chiến với quân án. Hai bà bị thua và mất. Trưng vương cùng em gái là Nhị cự chiến với quân Hán, quân vỡ, thế cô, đều bị thất trận chết. Mã Viện đuổi đánh tàn quân của hai bà là bọn Đô Dương, đến huyện Cư Phong thì hàng phục được họ. Mã Viện lập cột đồng để ghi địa giới tận cùng của nhà Hán. Khi Mã Viện về rồi, người trong nước thương nhớ Trưng vương, lập đền thờ bà."
Ở bên dưới, sách lại tiếp tục chú giải rất cẩn thận:
"Cột đồng: Sách Thủy Kinh chú của Lịch Đạo Nguyên chép rằng: Mã Văn Uyên (Mã Viện, tên tự là Văn Uyên), dựng cái mốc đồng để làm giới hạn cuối cùng của đất phía nam Trung Quốc. Mốc đồng ấy tức là cột đồng. Theo Tùy sử, Lưu Phương khi đi đánh Lâm Ấp, qua cột đồng của Mã Viện, đi về phía naam tám ngày thì đến quốc đô Lâm Ấp. Trong khoảng niên hiệu Nguyên Hòa (806-820) đời Đường, An Nam đô hộ là Mã Tổng lại lập hai cột đồng ở chỗ Mã Viện dựng cột đồng trước, để tỏ ra mình là dòng dõi con cháu Phục Ba"
Sau đó khoảng vài trăm trang, đến phần nhà Tống, sách lại chép tiếp thế này:
"Nhà Nguyên sai Ngột Lương sang hỏi giới mốc đồng trụ ngày trước, nhà vua phái Lê Kính Phu đi hội đồng khám xét. Kính Phu nói với người nhà Nguyên rằng: "Chỗ cột đồng do Mã Viện dựng lên lâu ngày bị chìm lấp, nay không thể biết ở chỗ nào được"
Như vậy, có thể thấy là theo các sử gia triều Nguyễn thì họ tin là có một cái cột đồng đó thực, và ngay cả vua quan Trung Quốc cũng cho rằng cái cột đồng đó là thật, chứ không phải cái xe gì ở đây cả.
Nhưng biết đâu, các sử gia hoặc người dịch của chúng ta hiểu nhầm thì sao?
Bài Vịnh hoài Nhị thủ (
詠懷其二) của Đỗ Phủ có câu này:
Chuyết kế nê đồng trụ
Tôi tra theo Toàn Đường Thi, thì nguyên bản chữ Hán như sau:
拙計泥銅柱
Lại nữa, trong bài "Giang các đối vũ hữu hoài hành cung Bùi Nhị Đoan công", Đỗ Phủ có câu này:
Vũ lai đồng trụ bắc
Nguyên bản chữ Hán như sau:
雨來銅柱北
Như vậy, trong cả hai câu, chữ đồng
銅 có bộ kim hiển nhiên là đồng (Cu), còn chữ trụ
柱 thì nghĩa là cái cột.
Về nghĩa, câu thứ hai nghĩa là "mưa bay qua trụ đồng ở phía Bắc", rất hợp tình hợp cảnh. Ở đây mà chữ "trụ đồng" là cái xe thì hơi khiên cưỡng.
Như vậy, ngay cả thi thánh Đỗ Phủ cũng dùng chữ theo nghĩa là cái trụ đồng, vậy tôi cho rằng nhiều khả năng không có xe pháo gì ở đây cả.
Cụ Trâu Xanh có thể cho biết từ đâu mà cụ lại cho rằng đồng trụ là cái xe không?