Vâng cụ ạ, chúng ta sẽ phải xác định chiến lược là đây là tình huống ngắn hạn tạm thời hay mang tính lâu dài.
Nếu xác định xu hướng toàn cầu hóa vẫn là chủ đạo thì lâu dài vẫn cần thúc đẩy thu hút FDI, nó giải quyết rất nhiều vấn đề ngoài phát triển GDP: giải quyết vấn đề việc làm, chuyển giao công nghệ (cực kì quan trọng), và nâng cao tay nghề lực lượng lao động (cũng cực kì quan trọng). Không có 2 yếu tố sau thì việc nâng cao năng lực sản xuất trong nước và gia tăng giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu sẽ rất mất thời gian.
Nếu xác định xu hướng đảo ngược toàn cầu hóa, bảo hộ lên ngôi, thì sẽ là một khó khăn lớn với VN. Nền kinh tế mở, dựa nhiều vào xuất khẩu như mình thì sẽ cực kì nhiều thách thức phải giải quyết.
Nhưng điểm chung trong cả hai kịch bản, đó là nền tảng sản xuất trong nước phải được nâng cao hơn nữa. Cái này chúng ta đã xác định từ lâu, nhưng thật sự vẫn còn khoảng cách khá lớn với các nước công nghiệp phát triển. Trung Quốc họ cũng mất bao nhiêu năm làm công xưởng của thế giới, kết hợp với đủ mọi chính sách hỗ trợ mới phát triển được nền sản xuất công nghiệp.
Các doanh nghiệp đã chủ động đa dạng thị trường bán hàng rồi đấy cụ, nhưng đợt rồi TQ cũng đẩy qua không ít hàng hóa sang VN để né tránh thuế của Mỹ, khiến cho xuất siêu vào Mỹ của VN tăng quá nhanh không xử lý được. Mỹ vẫn là siêu cường, vẫn là đại thị trường tiêu thụ, mình khó có thể bỏ được. Giải pháp ngắn hạn theo em vẫn là phải dùng kênh ngoại giao thương thuyết với Mỹ, cố gắng mua thêm ít hàng Mỹ (hàng quốc phòng chẳng hạn) để giảm thâm hụt cho Mỹ. Ngoài ra FDI theo em vẫn cứ là con đường tắt để phát triển sản xuất công nghiệp nội địa, mình vẫn phải cày thêm vài năm cho doanh nghiệp trong nước cứng cáp rồi mới đổi chính sách được.