Có 1 bác cựu lính hải quân , nick là Mr Fil đã trả lời về chuyện độ bền máy phát điện, pin năng lượng mặt trời... ở otosaigon
https://www.otosaigon.com/threads/den-voi-truong-sa-sau-27-nam.8665410/page-106#post-10420026
Giải lao chờ úp hình các đảo khác, xin trả lời vắn tắt một vài câu hỏi/thắc mắc cũng như các ý kiến xoay quanh cuộc sống, cơ sở vật chất của các CBCS đảo như sau
Câu hỏi 1 :
Tôi thấy Bác up loạt bài này, nói khá nhiều về việc thiếu thốn điện, nước, rau xanh trong khi chúng ta đã có nhiều phương pháp ứng dụng tại thực tế ( theo báo chí và một số kênh thông tin tuyên truyền về biển đảo, các báo cáo khoa học của các Tiến sỹ, các trường ĐH...) cũng như các nước đã khá thành công khi sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cuộc sống?
Trả lời :
1.1 - Về điện :
Hiện nay, trên đảo chúng ta sử dụng khá nhiều nguồn điện làm ra từ các loại máy như Điện mặt trời, phong điện, máy phát điện. Tuy nhiên, sự bền bỉ của các thiết bị này chưa thể như mong đợi của các đảo cũng như của các nhà chế tạo (kể cả một số trường chuyên ngành danh tiếng về chế tạo thiết bị điều khiển tự động)
Có thể kể ra những hỏng hóc sau
Đối với phong điện. Nó thường bị đứng cánh quạt nếu không có gió (do nước biển xâm nhập làm sét gỉ bạc) và con người luôn phải quay mồi mới chạy được. Mà quay mồi thì đâu phải lúc nào cũng đủ điều kiện để làm việc ấy vì biết thằng nào đứng do kỹ thuật thằng nào đứng do tốc độ gió...
Đồng thời, hệ thống pin là một vấn đề rất nghiêm trọng bởi chi phí cao do nạp/xả liên tục. Muối biển ăn mòn các cực và đầu dây tiếp xúc
Đối với năng lượng mặt trời
Các panel mới chỉ sản xuất dùng cho gia dụng, nó chưa được chế tạo đặc biệt cho các vùng khí hậu khắc nghiệt với các điều kiện ngặt nghèo như ở Trường Sa.
Với các đảo nổi, nó tạm ổn nhưng với các đảo chìm. Sóng đáng phủ đảo thì không panel nào chịu nổi. Quá trình bảo dưỡng cũng rất khó khăn mặc dù nhiệm vụ này bên Vietel đảm trách nhưng cũng chưa thực sự cải thiện - do chất lượng chế tạo làm căn bản
Về máy phát điện dự phòng
Về cơ bản, các đảo đều có từ 2 máy phát điện chạy dầu trở lên để làm nhiệm vụ phát dẫn cho hệ thống thông tin liên lạc, vũ khí...Nhưng các máy phát này nó cũng chỉ là dạng dân dụng (khác với máy chế tạo cho tàu biển, công nghiệp hoặc các địa hình phức tạp, điều kiện khí hậu...)
Về nguyên lý, khi hoạt động thì nó phải có không khí. Nếu với pô air thông thường, nó chỉ khoảng 3 tháng là mục giấy lọc gió, không khí đi thẳng vào buồng đốt và phá hủy xilanh cũng như các linh kiện khác.
Khi máy ngưng chạy, chỉ ngày hôm sau là toàn bộ pô thoát khói phủ 1 lớp muối chảy thành dòng xuống sàn nhà
Tôi đã thấy nó mục cả thùng chứa dầu thì thấy mức độ kinh khủng như thế nào.
Lượng dầu nhiên liệu chứa trong các đảo nổi là 1 vấn đề cần cân nhắc thận trọng bởi nhiều nguyên nhân
1, An toàn PCCC
2, Chống tập kích, pháo kích...
Nếu chứa lượng dầu quá lớn, nó thành mồi lửa tự giết tất cả chỉ sau 1 loạt pháo của kẻ thù
Do đó, dầu chỉ cung cấp vừa đủ cho nhu cầu dùng cho phát dẫn máy móc, chiếu sáng ban đêm, các việc thiết yếu khác
1.2 - Về nước
Chiến sỹ của chúng ta được trang bị các bể chứa bê tông vĩnh cửu, bể inox được cấp từ tàu vận tải, hứng nước mưa tự nhiên, chưng cất nước biển bằng ánh nắng mặt trời thông qua các panel và kính hội tụ
Về cơ bản, chúng ta không thiếu nước ngọt dùng cho sinh hoạt nhưng phải tiết kiệm
Với bể chứa, dung tích có thể sử dụng cả năm cho biên chế nhưng nó phụ thuộc vào khí hậu (mưa nhiều/ít), khả năng cung ứng của đất liền, các dự phòng rủi ro
Mùa mưa, các chiến sỹ dùng thoải mái nhưng mùa nắng phải cấp phát theo định mức. Thấp nhất 5 lít/ngày, trung bình 7 lít ngày ( đối với đảo chìm) - ăn uống tự do, cấp phát dùng cho đánh răng, rửa mặt, tắm (với lượng nước này, việc tắm phải dùng phương pháp tắm biển rồi thấm nước ngọt vào khăn lau người, nước vắt bỏ tận dụng đổ vào xô lọc lại để tưới cây, tắm cho chó, heo, gà)
Cũng như làm điện. Việc chưng cất nước từ các máy như bằng điện, bằng panel, bằng gương cầu hoàn toàn hỏng sau 1 thời gian.
Các ứng dụng của các nhà khoa học đất liền là rất quý giá. Nhưng chúng ta chưa thật sự có các vật liệu để chế tạo phục vụ cho các chiến sỹ một cách bền vững.
Các vật liệu nhanh gỉ sét, xuống màu, hỏng linh phụ kiện khác. Và như thế, chi phí sửa chữa lớn nên nó nằm rất trân trọng trong kho nhưng không thể sử dụng được.
Họ bảo quản các món quà của đất liền như báu vật nhưng không thể khai thác, sử dụng như mong muốn của 2 bên ( với những máy phục vụ giàn khoan, nó gần như sử dụng vĩnh cửu nhưng chi phí thì ....dầu khí mới đủ tiền để mua)
Hy vọng, họ sẽ đến lần thứ 2 để nhìn thấy những đứa con của mình giờ hoạt động ra sao. Lắng nghe CBCS nói hết về những gian nan mà họ đang gặp phải. Để có những đứa con tốt hơn nữa trong sự nghiệp khoa học kỹ thuật của mình giúp cho đảo, trước khi bán ra thị trường và phát biểu trên báo chí về các thành công sáng chế, các đóng góp cho đảo xa.
1.3 - Về rau xanh
Chúng ta cần phân biệt 2 dạng đảo. Đảo chìm và đảo nổi
Đảo nổi : Chất đất toàn san hô, đá các loại múc lên từ biển nên bản chất nó là mặn và nhiều năm sau vẫn mặn. Nếu tôi nếm thử được thì đảm bảo đất này cũng mặn như ...miếng thịt kho
Muốn trồng được cây, họ phải đào lỗ, khoanh vùng lót bạt rồi đổ đất. Một thời gian sau cây mới hòa nhập nổi với thổ nhưỡng ngặt nghèo này
Những cây mà chúng ta thấy trồng nhiều ở các vùng ven biển đất liền như Thông(phi lao), dừa... ra đây còn ngủm lên ngủm xuống thì chả cây nào sống nổi.
Nó không chỉ là đất cho bộ rễ mà nó phải chống chọi với gió táp vào mùa mưa và khô rát vào mùa hè.
Nếu bạn thấy sau 1 đêm, muối bám trắng và ươn ướt các bậc thềm thì các bạn sẽ hiểu nó sống như thế nào
Do đó, với đảo nổi. Duy nhất tồn tại bền vững chỉ có vài loài cây như Phong ba, bàng vuông, tra và một số cây đất liền gửi ra nhưng cũng cằn cỗi khó sinh trưởng.
Và nó sống được là nhờ chiến sỹ tằn tiện nước. Dùng xong lọc lại và tưới cây
Rau xanh :
Đặc thù của biển là gió thổi các mùa khác nhau, hướng khác nhau
Một số nhà khoa học, các mạnh thường quân từng mang ra đảo nhiều công nghệ, tiền bạc để tạo ra các vườn rau phục vụ CBCS.
Nhưng, nó không thể tồn tại - bởi nó có sống hay không thì chỉ chiến sỹ mới biết
Họ phải trồng trong các thùng xốp, các thùng nhựa tận dụng và bưng đi chỗ khác khi gió chuyển mùa.
Họ phải nâng niu như con mình và đôi lúc phải đánh kẻng báo động để cứu rau do gió nghịch bất ngờ
Tại sao Nhật, Israel người ta phát triển công nghệ tạo rêu, nước tưới cây nhỏ giọt mà chúng ta không có
Rêu, rong, tảo... Các sản vật biển chúng ta vẫn sử dụng nhưng số lượng rất ít do đặc thù Trường Sa là bãi cạn toàn san hô sắc lẹm. Nó hoàn toàn khác với các vùng biển của Nhật Bản
Với công nghệ của Israel trong việc tưới cây nhỏ giọt. Chi phí thật là bài toán nan giải và hiện nay chưa thể thực hiện được - vì chúng ta đang trong quá trình xây dựng, tôn tạo, phòng thủ. Việc phát triển mảng xanh và cải tạo đất thì phải nhiều năm nữa mới thực hiện được. Và đương nhiên mấu chốt vẫn là trồng cây trên loại đất gì, với đất là san hô thì chắc chỉ con người mới sống nổi
Ở gần, nó có hay xâm nhập hay không?
Điều này là thường xuyên và bình thường như cân đường hộp sữa (các chiến sỹ bảo vậy)
Chỉ cách tầm nhìn 1 ống nhòm, 2 bên nhìn thấy nhau ( ở 1 số đảo) và gần nhất là gạc Ma.
Nó thì quá mưu mô nên CBCS khá cảnh giác với nhiều thủ đoạn khi nó ngụy trang là ngư dân, tàu vận tải quốc tế xin trợ giúp..
Bất kể ngày hay đêm, chúng ta đều phải có người gác cẩn mật để tránh các cuộc đột nhập hoặc tập kết tàu bè xung quanh để làm gì?
Vì vậy, các xuồng CQ là một món quà rất quý báu của các tổ chức, cá nhân từ đất liền gửi tặng. Giúp họ tiếp cận nhanh các mục tiêu khả nghi trong các điều kiện thời tiết xấu.
Và nó là một phương tiện giúp chúng ta xua đuổi từ rất xa tránh nó áp sát đảo từ nhiều hải lý
Câu hỏi 4 - Ở đảo thiếu thốn thứ gì nhiều nhất
Tất cả đều thiếu. Trừ tinh thần đồng đội và bản lĩnh của CBCS
Những thứ họ cần từ đơn giản đến đắt đỏ, phức tạp như đã nói 1 phần ở trên (làm ra điện, làm ra nước, rau xanh).
Mặc dù quân đội đã trang bị cho CBCS khá đầy đủ, nhưng biết bao nhiêu thì đủ vì ngân sách có hạn, thời gian sử dụng của thiết bị ngắn, vận chuyển khó khăn
Đến với đảo, nếu có thể các bạn hãy giúp họ những món quà thiết thực trong khả năng của mình như : Card điện thoại (viettel), hạt giống các loại cây như rau muống, rau cải, rau diếp, rau dền..., tem thư, xà bông/dầu gội đầu, thuốc lá, sách/tạp chí các loại
Nếu bạn có kinh tế khá giả. Bạn tặng họ các bộ máy tập thể dục (không dùng điện), cầu lông, bóng chuyền/bóng đá (cho đảo nổi), võng, các thiết bị lọc nước, làm điện...
Các thứ cấm tuyệt đối là Rượu, văn hóa phẩm tươi mát.
Các thứ hạn chế : TV, đầu DVD, karaoke, quạt điện vì đảo nào cũng được trang bị và...không cho dùng - trừ khi vào các ngày trọng đại