CUỘC CHIẾN CHIÊM THÀNH - ĐẠI VIỆT
Đang đi trên vùng đất cũ của người Chăm, nơi đây từng xảy ra những cuộc chiến phải nói là thảm khốc nhất trên mảnh đất hình chữ S này. Em lại xin phép các cụ luyên thuyên một chút về cuộc chiến Chiêm Thành - Đại Việt chút.
Chắc chúng ta không ai không biết tới hai câu thơ:
"Từ thủa mang gươm đi mở cõi
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long"
Mỗi một dân tộc trên đà phát triển của mình đều phải mở rộng biên cương, trên đường đi sẽ gặp những nền văn minh khác, những dân tộc khác và sẽ phải chiến đấu để xâm chiếm chứ không dùng quyền lực mềm như đa số các cường quốc hiện nay.
Dân tộc Việt cũng thế, tiến lên phía bắc không được, gặp ngay một anh khổng lồ ép xuống. Sang phía tây gặp rừng núi khó đi lại, phía đông gặp biển cản trở. Duy nhất chỉ còn con đường xuống phía nam.
Nước Chiêm thành chúng ta hay gọi thực ra đã tồn tại rất lâu. Từ thế kỷ thứ 2 đã có chữ viết, trải qua hơn ngàn năm họ cũng đổi tên nước nhiều lần và xây dựng được một nền văn minh rất rực rỡ và hoàn toàn khác với nền văn minh của chúng ta ảnh hưởng từ Trung Hoa. Thế nên nói đến cuộc chiến Chiêm Thành - Đại Việt ngoài cuộc chiến để mở rộng biên cương lãnh thổ còn là cuộc chiến về Tôn giáo, về ý thức hệ.... khi Đại Việt ảnh hưởng hoàn toàn của Trung Quốc với Khổng Nho làm nền, Phật giáo đại thừa là tín ngưỡng... thì Chiêm Thành theo Hindi giáo, sau này là Phật giáo tiểu thừa, Hồi giáo... nên cuộc chiến của hai kẻ không có sự tương đồng về văn hóa, tôn giáo thì cực kỳ khốc liệt.
Xét về độ khôn ngoan, mưu mô thì các Vua Chiêm Thành thua rất xa Đại Việt. Ngay từ khi mới lập nước (938) tuy phía bắc còn phải cự quân Nam Hán rồi quân Tống chỉ muốn nhăm nhe đưa nước ta làm thuộc địa một lần nữa, nhưng Lê Đại Hành vẫn tranh thủ dẫn quân vào nam đánh Chiêm Thành (năm 982) và đó được coi là cuộc chiến đầu tiên giữa Chiêm Thành và Đại Việt. Tất hiên là Đại Việt thắng to, vua Chiêm tử trận, Lê Đại Hành cho san phẳng tông miếu, bắt sống quân sĩ cùng hàng trăm cung nữ, cướp vàng bạc châu báu đem về Hoa Lư.
62 năm sau khi vua Lý Thái Tông lên ngôi, cũng chỉ vì Chiêm Thành không nộp cống trong 16 năm vua Lý đem quân sang đánh Chiêm thành. Trận này quân Đại Việt lại thắng to, chém được đầu vua Chiêm là Sạ Đẩu, giết 3 vạn quân Chiêm (số lượng người cực lớn lúc đó), bắt hoàng hậu Chiêm Thành là Mỵ Ê về. Đi đến đoạn sông Châu giang, nhìn thấy các cung nữ người Chăm đẹp quá, vua Lý Thái Tông nổi hứng cho đòi Mỵ Ê vào ngủ cùng. Mỵ Ê không nghe quấn chăn nhẩy xuống sông Châu giang mà chết. Sau này dân gian lập đền thờ bà ở vùng Phủ lý, Hà Nam ngày nay.
Sau trận chiến này triều đình Chiêm Thành phải bỏ kinh đô Indrapura (Đồng Dương, Quảng nam ngày nay mà chạy xuống sâu nữa.
Chưa đầy 25 năm sau, lấy lý do Chiêm Thành không nộp cống 5 năm, vua Lý Thánh Tông cùng Thái úy Lý Thường Kiệt lại đem quân đi đánh Chiêm. Quốc sự ở nhà giao cho bà Nguyên phi Ỷ Lan và Tô Hiến Thành trông coi. Nước Chiêm khá rộng lớn, tuy không địch lại được quân Đại Việt nhưng cứ đánh tới họ lại chạy. Lý Thánh Tông cũng nản lắm, vua chán nản quay về. Về giữa đường nghe tin bà Ỷ Lan trị nước rất tốt và được nhân dân khắp nơi khen ngợi. Vua thốt lên: “Người đàn bà trị nước còn được như thế, mà mình đi đánh Chiêm Thành không thành công, thế ra đàn ông hèn lắm sao?” Xong rồi quay lại quyết đánh Chiêm Thành.
Lần này vua bắt được vua Chiêm là Chế Củ cho mặc áo gai, trói sau ngựa, toàn bộ gia quyến của vua Chiêm cũng bị bắt và trói. Sau khi san phẳng kinh đô, đốt sạch đền chùa miếu mạo… vua giải vua Chiêm cùng 50.000 người Chiêm bị bắt về Thăng Long.
Vua Chiêm là Chế Củ bị nhục lắm, nếu như kẻ sĩ theo Khổng giáo sẽ tự sát. Nhưng ông này sợ chết bèn cắt lấy 3 châu: Bố Chính, Ma Linh và Địa Lý dâng lên vua Lý để xin chuộc thân về nước Chiêm.
Trước cuộc chiến này, tuy có mấy lần vào đánh Chiêm nhưng quân Đại Việt ta chỉ vào đánh, cướp phá, đốt sạch, giết sạch xong rút về. Nên biên giới nước ta chỉ đến dãy núi Hồng Lĩnh (hà Tĩnh ngày nay) mà thôi. Sau khi Chế Củ dâng 3 châu, biên giới nước ta đã được mở rộng cho đến tận đất Thừa Thiên Huế ngày nay. Đây có lẽ là trận chiến mở rộng biên cương nhiều nhất thời Lý.
Nhưng khi vua Chiêm mới lên thì không phục, năm 1104 vua Chiêm Thành là Chế Ma Na đem quân vào cướp, lấy lại châu Địa Lý... mà Chế Củ đã dâng. Mùa xuân, tháng 2, triều đình sai Lý Thường Kiệt đi đánh, phá được, Chế Ma Na lại dâng nộp đất ấy.
Sang thời nhà Trần thời kỳ đầu quan hệ giữa Chiêm Thành và Đại Việt rất tốt, còn bắt tay chống Nguyên. Liên minh này còn kết thông gia với nhau, khi nhà Trần gả Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm là Chế Mân, nhưng nhà Trần cũng khéo léo gài vào đòi hồi môn là hai châu Ô và châu Lý. Qua đây mới thấy mặc dù kết đồng minh, nhưng các vua nhà Trần vẫn khéo léo chiếm đất như thế nào
Nhưng 50 năm sau khi Chiêm Thành mạnh lên với vị vua anh dũng có tài chiến lược là Chế Bồng Nga, trong khi nhà Trần suy yếu đi thì Chế Bồng Nga không những cướp lại vùng đất đã mất còn 4 lần ra Thăng Long như chỗ không người. Lúc này ngược lại, Đại Việt lại bị cướp phá, vua tôi nhà Trần nghe thấy quân Chiêm là kinh hồn bạt vía.Và trong một nỗ lực phản công vua Trần là Trần Duệ Tông đã bị giết ở ngoài thành Đồ bàn. Mãi cho tới năm 1390 Chế Bồng Nga bị giết trong lần cuối ra Thăng Long thì chiến tranh giữa nhà Trần và Chiêm mới kết thúc
Nhà Hồ thay nhà Trần, việc đầu tiên cũng là đánh Chiêm thành và đã bắt vua Chiêm phải cắt vùng đất phía bắc Quảng Ngãi ngày nay để xin hòa. Nhưng khi nhà Hồ bị nhà Minh chiếm, quân Chiêm thành đánh ra và chiếm lại được tới tận Hóa châu (Huế ngày nay)
Thời hậu Lê có 2 cuộc chiến lớn với Chiêm Thành, đầu tiên là năm 1444, thái hậu nhiếp chính là Nguyễn Thị Anh điều quân đi đánh Chiêm Thành, chiếm được thành Đồ bàn và bắt được vua Chiêm Thành là Bí Cai dẫn giải về Thăng Long.
Nhưng đến cuộc chiến 1471 là cuộc chiến được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử hai nước Đại Việt và Chiêm Thành, sau cuộc chiến này đất nước Chiêm Thành gần như bị xóa sổ, mãi mãi không bao giờ gượng dậy được nữa.
Khi Trà Toàn (vua Chiêm Thành) lên ngôi, ông ta sai sứ sang triều cống nhà Minh và cướp phá đến tận Hóa châu (Huế). Vua Lê Thánh Tông đích thân dẫn 26 vạn quân (số lượng cực lớn) vào đánh Chiêm Thành.
Tất nhiên nước Chiêm ít quân, vũ khí lạc hậu hơn không thể chống được Đại Việt, liên tiếp các lần Trà Toàn dâng thư xin hàng nhưng vua Lê Thánh Tông không nghe. Riêng trận Đồ Bàn này quân Việt chém 4 vạn thủ cấp, bắt sống 3 vạn quân. Còn trong cả chiến dịch quân Chiêm bị giết cỡ 6 vạn (đây là con số cực lớn, so với châu Âu khi vua Richard – Trái tim sư tử cho chém 30.000 thủ cấp trước cổng thành Jerusalem đã chấn động châu Âu hồi đó) còn dân thường bị chết trong cuộc chiến này không biết bao nhiêu mà kể.
Người Chăm hoảng loạn, chạy tứ tung. Một nhóm chạy sang Nam Đảo (Indonesia), nhóm chạy sang Malaysia, nhóm chạy sang Khmer, nhóm nhỏ còn lại vượt đèo Cù mông chạy vào vùng Phú Yên – Nha Trang ngày nay tạo thành các cộng đồng nhỏ.
Về phía Đại Việt, vua Lê Thánh Tông san phẳng kinh đô, đốt hết đền chùa, sát nhập toàn bộ đất của Chiêm Thành từ đèo Cù Mông ra bắc vào Đại Việt, cắt cử các chức quan cai trị, người Chăm làm nô lệ và bắt buộc đồng hóa vào cộng đồng người Việt.
Trận Đồ Bàn này nó cũng chấm dứt 500 năm cuộc chiến giữa Đại Việt và Chiêm Thành, từ nay trở đi Chiêm Thành chỉ còn là nhóm dân nhỏ, luôn phụ thuộc vào Đại Việt, và đoạn sử sau này đến tận thế kỷ 19 mới là chương bi thương nhất của người Chiêm Thành.