Và đây là chứng tích chính 'Hòn đá chém"
Ngày xưa khi quân chúa Nguyễn Phúc Ánh đại phá Tây Sơn, khi chiếm được thành Hoàng đế chúa cho đặt hòn đá này trước cổng thành để chém đầu lính Tây Sơn, kỳ lạ là càng chém, phiến đá này càng bóng loáng, không hề có sứt mẻ mà chỉ có mẻ đao, mẻ kiếm chém lên nó mà thôi.
Cũng không biết hòn đá này đã chém bao nhiêu người, nhưng oan khuất rất nhiều, hằng đêm trong tảng đá vẳng ra tiếng than khóc ai oán, đòi mạng một cách thống thiết, khiến không ai dám đi ngang qua cổng thành ban đêm. Cuộc sống của nhân dân cả vùng bất ổn. Không chỉ những quan lại trong vương triều nhà Nguyễn mà cả người dân sống trong thành Hoàng Đế cũng không yên. Người dân cho rằng, nỗi oan khuất, đau đớn và linh hồn của hàng trăm người chết đã lặn vào tảng đá chém. Khi quan quân triều đình nhà Nguyễn đến di dời tảng đá chém ấy đi khỏi cổng thành thì không tài nào nhấc nổi dù có cả trăm người. Quan lại triều Nguyễn sợ hãi, lập đàn cầu siêu, nhưng không cải thiện được tình hình. Thời gian trôi qua, cùng với sự biến thiên của lịch sử, hòn đá chém vẫn yên vị trước cổng thành làm chứng tích cho một thời loạn lạc.
Vào năm 1928, Tri phủ An Nhơn là Võ Khắc Triển khi viết về chùa, bên cạnh việc miêu tả vẻ đẹp của chùa cũng đã nhắc đến hòn đá chém. Ông viết: “Tương truyền, hòn đá chém do nhà Nguyễn kê đầu chém giết nghĩa quân Tây Sơn, xưa kia nằm trong khu vực thành Hoàng Đế, gần lăng Võ Tánh và tháp Cánh Tiên... Hòn đá chém rất thiêng...”.
Tương truyền, một ngày nọ, vị quốc sư Phước Huệ, trụ trì chùa Thập Tháp đến xin lập đàn cầu siêu để hóa giải nỗi oan, lấy lại sự yên bình cho người dân trong vùng. Đàn tràng được lập lên cúng liên tục trong 3 ngày đêm. Sau đó, sư Phước Huệ xin được mang hòn đá chém về chùa Thập Tháp. Kì lạ thay, lúc này chỉ cần 4 người đã khiêng được tảng đá dời khỏi cổng thành về chùa.
Từ đó, nỗi oan khuất được hóa giải, những linh hồn tội nghiệp đã được siêu thoát. Người dân xung quanh thành không còn bị đánh thức bởi những tiếng khóc não lòng giữa đêm khuya.
Tại chùa Thập Tháp, ban đầu hòn đá được mang về đặt cạnh cây thị cổ thụ 300 năm tuổi ở phía Nam của chùa. Thế nhưng, đã về đến cửa Phật mà nỗi oan khiên trong hòn đá chém vẫn còn vất vưởng, ám ảnh cả vào trong tâm thức người ta. Có những câu chuyện tưởng chừng như hoang đường nhưng vẫn ám ảnh các sư đến tận bây giờ. Một trong số đó là câu chuyện rằng, thuở nhà sư Mật Hạnh 20 tuổi, vào những đêm mùa Đông, trong tiết trời âm u, nhà sư thấy một phụ nữ mặc áo cụt trắng, quần đen thường xuyên bước ra từ hòn đá rồi đi đến chỗ đặt tấm bia di tích của nhà chùa. Khi chó trong chùa sủa ran thì bóng người phụ nữ mới biến mất.
Thời gian sau, sư Phước Huệ chuyển hòn đá chém vào đặt làm bậc tam cấp bước vào khu Phương Trượng của chùa. Đêm đầu tiên di chuyển hòn đá, nhà sư Phước Huệ đang ngon giấc thì thấy có một vị mặc trang phục võ tướng hiện hình nói rằng: “Ông ỷ là đệ tử nhà Phật nên phá nhà tôi hả?”. Nhà sư Phước Huệ hét to một tiếng, tất cả sư đệ trong chùa đều nghe thấy, lao đến, mới biết sư phụ mình nằm mơ. Nhà sư cho rằng, cũng có thể giấc mơ đó là do ông nghe nhiều truyền thuyết về hòn đá nên đêm đến ám ảnh mà mơ.
Hơn 200 năm đã trôi qua, hòn đá chém vẫn yên vị ngay cửa làm một bậc tam cấp để phật tử bước lên khu Phương Trượng. Trải qua bao thời gian, hòn đá vẫn giữ được màu trắng sáng tuyệt đẹp. Nếu không được nghe chuyện về nó, không ai có thể ngờ hòn đá kia đã chứa biết bao nỗi oan khuất của hàng trăm mạng người xưa...