Vĩ thanh
Những ghi chép về chuyến hải trình của tôi đã đi vào hồi kết. Dù còn nhiều chuyện, nhiều chi tiết, nhiều bức ảnh nhưng có lẽ không nên kéo dài hơn để câu chữ, cảm xúc trở nên sáo rỗng và nhàm chán. Điều quan trọng là tôi đã chuyển tải được phần nào – dù chỉ phần nào thôi - cái nhịp sống Trường Sa với thời gian gần như thực. Tình cảm mà diễn đàn dành cho Trường Sa – Hoàng Sa; cho biển đảo và cho những con người ngoài ấy là vô cùng đáng quý (bài viết, câu chữ, ảnh của tôi không gì hơn chỉ là một công cụ, một phép nối). Một vài thông tin cuối chia sẻ trước khi đóng lại ký sự này:
- Từ tháng 4 đến tháng 5/2010 có khoảng 10 chuyến tầu kết hợp quân, dân, chính, đảng, đoàn thể, tôn giáo ra thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với các lộ trình khác nhau. Trong đó có tới cả trăm phóng viên các báo đài (anh em nên tìm đọc thêm sản phẩm trên các báo để ghép nối toàn cảnh về Trường Sa và biển đảo cho phong phú). Phần lớn các tầu công tác này là các tầu khách chuyên dụng của Hải quân Nhân dân nên cái sự vất vả, gian lao đã giảm đi nhiều lắm cho các đoàn dân sự (nhất là lại vào mùa “biển lặng” – là “lặng” với lính Hải quân thôi). Sinh hoạt trên tầu lại được đảm bảo đến mức tối đa (ăn uống không nói làm gì nhưng tắm giặt theo nhu cầu).
Trong khi đó, với các tầu vận tải nhỏ, thường phải mất cả tuần chiến sĩ ta mới ra được điểm đảo đầu tiên trong điều kiện khắc nghiệt về sinh hoạt (đặc biệt là về nước). Cả hải trình khép kín dài đến 2 tháng lênh đênh. Vào mùa biển động, trong suốt cả hải trình, quần áo chiến sĩ hiếm khi khô. Lớp muối trước chưa kịp khô trên da thì đã chồng lớp muối mới. Hàng, vật nuôi, người nằm lẫn lộn. Sóng đánh tràn boong, từ mạn này qua mạn khác. Sau mỗi đợt sóng,lại thấy cá biển dãy đành đạch trên boong. Khi tôi hỏi một sĩ quan Hải quân rằng: “Hải quân liệu có say sóng?” thì đã nhận được câu trả lời tỉnh bơ như sau: “Hải quân cũng là người, sóng cấp 5 chưa say thì cấp 8 – cấp 9 cũng say, nôn, ói như thường. Có điều Hải quân lỳ đòn, cứ kệ cho sóng nhồi; nôn, ói xong thì cứ đúng quy trình công tác của mình mà thực hiện giờ nào việc nấy, không có chuyện nằm bệt. Khác với người thường ở chỗ ấy mà thôi”.
- Mỗi chuyến tầu ra thăm đảo như đã nói trên có chi phí cực kỳ tốn kém (nghe giật mình luôn) – nhưng theo bản thân tôi, đó là một sự tốn kém cần thiết. Cần thiết không phải vì vài trăm bọc quà, vài trăm triệu đồng mà đất liền ủng hộ cho quân, dân biển đảo mà cần thiết hơn là cho chính những người ở đất liền như chúng tôi. Nói chuyện với nhiều bạn phóng viên báo, đài, tôi hơi lăn tăn về công thức thường gặp “ ... đã đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên, tặng quà ... cho các chiến sĩ ở ...”. Theo tôi nghĩ nên dùng từ “tri ân” mới là chuẩn xác (nhưng nghe nó hơi Hán Việt và có phần “âm” quá). Quân dân ngoài ấy vẫn vui, đâu có cần “động viên”. Họ có cả biển, cả trời, có nhiều hơn tất cả những gì chúng ta đang có ... chính họ mới đang “chia sẻ” cho chúng ta những giá trị không thể đong đếm bằng vật chất. Nói cách khác, ra biển đảo để “soi mình” mà sống.
- Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã chia sẻ tại Đảo Đá Tây (đại ý): Khi còn làm việc, đã 4 lần tôi định ra Trường Sa nhưng rồi lại không đi được vào phút cuối. Tôi vẫn áy náy như còn một món nợ. Lần này, khi đã nghỉ, được ra Trường Sa là tôi đã thỏa mãn tâm nguyện bấy lâu. .... Có ra tận nơi, chứng kiến cuộc sống của quân, dân trên đảo mới thấy mình nhỏ bé.
- Chuẩn Đô đốc Nguyễn Cộng Hòa nói tại buổi tổng kết đoàn (đại ý): Ngày nay, đi Nhật, Mỹ, Úc ... đối với nhiều người là chuyện dễ dàng nhưng đi Trường Sa thì không phải lúc nào cũng đi được, ai ra được Trường Sa người ấy tích đức được nhiều hơn, công phúc dày hơn và đặc biệt là trưởng thành hơn.
- Trước khi lên đường, bản thân tôi (một kẻ vốn coi đi đây đó là một cái thú) cũng ít nhiều có ý nghĩ rằng được đi Trường Sa thật là oách. Một chuyến đi “hiếm” và ‘độc”; đến nơi không phải ai muốn cũng đi ngay được (vâng, vì thế nên nghĩ là “oách” đấy ạ). Nhưng qua từng ngày trên hải trình của mình, tôi thấy bản thân mình đã thật “tầm thường” vì lẽ đến với Trường Sa là hơn một chuyến đi (theo nghĩa “khám phá”). Đúng nghĩa, đây là “chuyến hành hương về với tình người, về với những giá trị thiêng liêng trong tâm thức”. Ngộ ra điều ấy, tôi nghĩ tôi cũng đã “trưởng thành” hơn 1 bậc. Trong vòng có nửa tháng mà một con người đã “trưởng thành” hơn như vậy, ngẫm thấy lời chuẩn Đô đốc Hòa thật sâu sắc.
- Một câu chuyện truyền miệng khác là trong một lần giao lưu với đoàn công tác ra thăm đảo, một sĩ quan cao cấp của Quân chủng Hải quân có hỏi anh em rằng hiện nay đất ở đâu đắt nhất (như một câu chuyện chơi chơi vậy thôi). Người thì nói Hàng Ngang, Hàng Đào (Hà Nội); người nói Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi (Tp. HCM) .. etc ... Thế nhưng, thật bất ngờ, người sĩ quan Hải quân đã chỉ tay ngay xuống lớp sỏi và xương san hô dưới chân mình mà nói “Tôi thì nghĩ đất ở đây mới là đắt nhất”. Cả đen và bóng. Im lặng và thấm thía.
- Ghi chép của tôi ít nhiều đã làm một số anh em xúc động (tôi nghĩ vì chính tôi cũng quá xúc động). Thế nhưng, đừng nên nghĩ quá tiêu cực về cuộc sống hiện tại của mình (kiểu như “quá nhỏ bé, chưa làm gì nhiều cho xã hội” ... etc ...). Mỗi người đã có một sự lựa chọn (hay số phận đã lựa chọn ai đó) và hạnh phúc (hoặc cố gắng tìm hạnh phúc) trong sự lựa chọn ấy. Còn xúc động là còn tín hiệu tích cực (chưa bị chai lỳ). Cái Tâm, cái Tình ấy vốn rất đáng trân trọng rồi.
Tôi xin cám ơn mọi sự quan tâm, tình cảm của anh em trên diễn đàn (mem, Min, Mod) đã cùng tôi trên “Hải trình nhật ký: Đi về phía Ban Mai” trong những ngày qua.
Chúc anh em luôn khỏe, hạnh phúc và nhiều niềm vui trong cuộc sống.