Em nghĩ cái nhà vệ sinh công cộng hay đúng từ ngày xưa phải là "chuồng xí tập thể" - là nỗi ám ảnh với rất rất nhiều cụ mợ lớn lên ở Hà Nội này.
Nhà em ở khu tập thể trong ngõ Thổ Quan, ngay cửa đình Thổ Quan ấy. Trước Đình ngày xưa có cái hồ/ao rộng, đúng chuẩn "cửa đình hồ bán nguyệt" của làng Việt truyền thống.
Khu tập thể có khoảng gần 50 hộ chia làm 2 khu nhưng chỉ có một dãy nhà vệ sinh nằm ngoài khu, sát bờ mương, vị trí ở đúng giữa đường của cái ngõ 360 Xã Đàn bây giờ. Không chỉ người trong khu tt mà cả dân sống quanh đấy dùng chung nhau.
Lúc đầu mười mấy căn hố xí đều có cửa bằng sắt to đàng hoàng nhưng về sau dân họ lấy hết. Có một bức tường như bình phong che phía trước cho cả dãy, nhưng đang ngồi mà có người cũng đi vào thì họ nhìn thấy hết còn người ngồi thấy rất thốn. Đi vệ sinh nhẹ nặng đều rình trời tối mới ra. Còn ban ngày nếu có nhu cầu thì già trẻ gái trai phải đem theo cái nón, ngồi xong e lệ để cái nón che phía trước. Hồi đó có thuê người quét dọn nhưng mà cũng bẩn kinh khi nhiều ông thiếu ý thức xả hàng bừa bãi lắm. Vệ sinh công cộng thì không có nước nên cứ phải xé vở cũ vò nát mang theo chứ báo chí cũng hiếm, không dùng lãng phí thế được.
Mà so với chuồng xí khu em thì nhà vệ sinh ở trường học còn bẩn thỉu hơn rất nhiều nên toàn phải nhịn để về nhà.
Hồi ấy có đội xe thồ dân làng Cổ Nhuế hay vào lấy sản phẩm, họ có cái sào gắn cái gầu hình nón chóp nhọn, ngồi trên mà thấy ở dưới có cái gầu khua khoắng lạo xạo ở dưới, vãi! Đội này hay đi sớm nên cũng hay bị chửi vì nhà người ta đang ăn sáng thì xe thồ đi qua. Bọn trẻ con vì thế cũng nhiều đứa bị đặt thêm hỗn danh có chữ "thồ" như Cường thồ, Hằng thồ,...
Giờ thì tụi trẻ không hiểu chứ đám 7x hầu như ai cũng thuộc và hiểu gốc tích câu:
"Thanh niên Cổ Nhuế xin thề
Chưa đầy hai sọt, chưa về quê hương!"