Việc thứ ba Quách Xung nói rằng: Lượng đóng ở Dương Bình, sai Ngụy Diên dẫn binh Đông hạ, Lượng chỉ lưu một vạn quân giữ thành. Tấn Tuyên Đế(30) thống xuất hai mươi vạn binh chống Lượng, mà quân Diên bị lạc đường, Tuyên Đế theo lối tắt mà đến, còn cách Lượng chừng sáu mươi dặm, quân do thám báo với Tuyên Đế rằng Lượng ở trong thành binh đơn lực bạc. Lượng cũng biết Tuyên Đế sắp đến, tình thế bức bách, muốn chạy tới chỗ quân của Diên, nhưng khoảng cách quá xa, địch theo vết mà truy đuổi, tất không chạy kịp, tướng sỹ đều thất sắc, chẳng biết làm sao. Lượng tỏ ý thản nhiên, lệnh cho trong quân đều ngả cờ im trống, không được ra khỏi lều trại, lại sai mở toang bốn cửa thành, quét đất dọn rửa. Tuyên Đế thường nói Lượng là người cẩn trọng, mà giờ thấy thế bên kia yếu nhược, nghi có phục binh, bèn dẫn quân về phía bắc Thú Sơn. Hôm sau vào giờ ăn cơm, Lượng cười lớn bảo với các vị Tham tá thủ hạ rằng: "Tư Mã Ý tất bảo là ta khiếp nhược, chắc rằng có phục binh, ắt men theo núi mà chạy". Quân do thám về báo lại, quả như lời Lượng nói. Tuyên Đế sau biết việc đó, rất lấy làm tiếc hận. Luận rằng: Xét thấy Dương Bình ở Hán Trung. Khi Lượng mới đóng quân ở Dương Bình, Tuyên Đế còn làm đô đốc ở Kinh Châu, trấn giữ Uyển Thành, đến khi Tào Chân chết đi mới nắm quyền ở Quan Trung chống giữ với Lượng. Nguỵ từng sai Tuyên Đế từ Uyển Thành đến Tây Thành phạt Thục, gặp mưa dầm, chẳng nên công. Trước sau là thế, chẳng thể nào đến Dương Bình giao chiến được. Nếu quả như lời Xung nói, Tuyên Đế có hai vạn quân, lại biết Lượng binh ít lực yếu, dẫu nghi có quân mai phục, đúng ra phải bày đặt bố phòng cẩn trọng, sao lại bỏ chạy ngay? Lại xét Nguỵ Diên truyện rằng: "Diên thường theo Lượng ra quân, muốn xin riêng một vạn tinh binh, cùng với Lượng theo đường khác hội quân ở Đồng Quan, Lượng kiềm chế không cho; Diên vẫn thường nói Lượng nhút nhát, than thở rằng tài của mình chẳng được dùng hết". Lượng còn chẳng cho Diên riêng một vạn quân, sao được như lời Xung nói, là đang nắm giữ trọng binh ở phía trước, mà tự thủ lại khinh xuất vậy? Vả lại Xung nói với Phù Phong vương như thế, rõ ràng Tuyên Đế quá kém cỏi, nói chuyện với con lại chê bai cha, lý chẳng thể dung, bảo rằng: "Phù Phong vương cho rằng lời của Xung là đúng", thế nên biết sách ấy dẫn toàn chuyện hão vậy.