cập nhật!
em vừa đi khám viện nhi chiều nay về ( kết luận trầm cảm, có kê đơn thuốc + hẹn buổi tư vấn tâm lý ), chiều nay 2 bố con vừa chơi cầu lông ngoài công viên ( tí lại chơi tiếp ), giờ thích gì là chiều cháu đã... Rất cám ơn các thông tin về bác sĩ cũng như nơi thăm khám của các cụ ( em sẽ cần khi chữa trị ở nhi Tw ko hiệu quả ) hiện tại thì cho cháu tạm thời điều trị ở đây và xem kết quả đã! Cám ơn các cụ nhiều !
Chúc con cụ sớm khỏi nhé, con nhà em cũng bị trầm cảm và em cũng đang đồng hành đây, cách đây 2 năm em đã đưa cháu khám chữa ở bệnh viện Nhi TW, sau khi đi gặp bs điều trị cháu tỏ vẻ là đã đỡ nhưng gần đây cháu lại bị nặng lên... vợ em đưa đến bs khác thì cháu thú nhận là dạo đó ở viện Nhi bị bs điều trị hỏi han gây khó chịu nên cháu giả vờ khỏi bệnh để bố mẹ không đưa đến đó chữa nữa.
Nhà em bố mẹ cũng tích cực tìm hiểu kiến thức để đồng hành cùng con. Em vừa đọc 1 số lời khuyên của bs Tâm và thấy khá đúng, xin phép copy lên đây để cụ tham khảo nhé:
BẠN NÊN LÀM GÌ ĐỂ GIÚP ĐỠ NGƯỜI THÂN CỦA MÌNH ĐANG MẮC BỆNH TRẦM CẢM?
Phòng khám Minh Tâm xin giới thiệu tới các bạn các biện pháp giúp đỡ người thân hay bạn bè đang mắc bệnh trầm cảm, hy vọng sẽ hữu ích tới mọi người ạ.
Trò chuyện và thể hiện sự quan tâm
Hãy cho người thân hay bạn bè của bạn biết bạn luôn ở đó, sẵn lòng giúp đỡ họ.
Cố gắng trò chuyện trực tiếp bất cứ khi nào có thể. Nếu các bạn sống ở các khu vực khác nhau, có thể thử trò chuyện video.
Bạn hãy sử dụng các kỹ thuật lắng nghe tích cực, thể hiện sự đồng cảm. Đặt những câu hỏi mở (không thúc ép) và bày tỏ mối quan tâm của bạn với người đó.
Giúp người thân/bạn bè tìm kiếm các nguồn hỗ trợ từ bác sĩ chuyên khoa để xác định tình hình sức khỏe tâm thần của họ
Nếu bệnh nhân đang lưỡng lự về cuộc hẹn với bác sĩ, bạn hãy khuyến khích họ hành động và chốt lịch hẹn để cải thiện tình hình.
Giúp người bị trầm cảm bằng cách khuyến khích bệnh nhân theo đuổi phác đồ điều trị
Vào một ngày tồi tệ, có thể người bệnh cảm thấy không muốn rời khỏi nhà trong khi đã tới hẹn tái khám. Hãy nhớ rằng việc ngừng dùng thuốc chống trầm cảm một cách đột ngột mà không có sự giám sát hoặc chỉ định của bác sĩ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và kéo dài thời gian điều trị, giảm hiệu quả điều trị. Vì vậy việc bạn hỗ trợ khuyến khích người bị trầm cảm tới hẹn với bác sĩ là một điều nên làm và hết sức cần thiết.
Bạn nên tìm hiểu về bệnh trầm cảm mà người thân/bạn bè của bạn đang mắc phải để giúp người bị trầm cảm được một cách tốt nhất
Cách tốt nhất để giúp đỡ người trầm cảm là chính bạn cũng có những kiến thức nhất định về tình trạng này.
Mặc dù mỗi người sẽ trải qua trầm cảm theo các cách khác nhau, nhưng việc quen thuộc với các triệu chứng và thuật ngữ chung có thể giúp bạn trò chuyện sâu sắc hơn với người thân/bạn bè của mình.
Đề nghị giúp đỡ người bệnh các công việc hàng ngày
Với những bất ổn về cảm xúc và tâm lý, việc duy trì các công việc hàng ngày có thể gây quá tải với người trầm cảm. Do vậy bạn có thể nêu ra một lời đề nghị giúp đỡ họ bằng cách hỏi: “Hôm nay bạn cần giúp điều gì không?”
Đưa ra những lời đề nghị “mở” hay khuyến khích người bệnh hãy thoải mái với các cuộc hẹn với bạn bè
Những người mắc bệnh trầm cảm có thể gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận bạn bè và giữ lời hứa cho một cuộc hẹn. Bạn hãy tiếp tục đưa ra lời mời cho các hoạt động tiếp theo, ngay cả khi bạn biết họ không thể chấp nhận. Việc người bệnh biết họ luôn được chào đón trong các cuộc hẹn tiếp theo sẽ giúp họ tự tin và không tự cô lập mình.
Hãy kiên nhẫn, không nên điều chỉnh người bệnh hay đưa ra quá nhiều lời khuyên cho họ
Trầm cảm là bệnh có thể điều trị. Tuy nhiên, đó có thể là một chặng đường dài. Bệnh có thể cải thiện được theo thời gian nếu được áp dụng đúng phương pháp.
Khi giúp người bị trầm cảm, bạn có thể muốn đưa ra những lời khuyên tốt cho người bệnh nhưng có nhiều khả năng, người bệnh không muốn nhận những lời khuyên ấy trong lúc này. Hãy kiên nhẫn và chấp nhận tình trạng của họ ở thời điểm đó. Đừng so sánh bệnh nhân với bất kỳ ai.
Giữ liên lạc với người bệnh
Hãy để người thân/bạn bè mắc bệnh biết bạn vẫn đang quan tâm đến họ, kể cả khi họ gặp vấn đề gì trong cuộc sống.
Khi muốn giúp người bị trầm cảm, ngay cả khi bạn đã dành nhiều thời gian cho họ, hãy thường xuyên liên lạc bằng tin nhắn, cuộc gọi hoặc những lần thăm hỏi nhanh chóng. Hãy làm những việc tích cực để họ biết rằng họ không hề cô đơn với bệnh trầm cảm.
Việc chia sẻ và hỗ trợ người mắc bệnh trầm cảm là vô cùng quan trọng, nếu bạn thấy bài viết hữu ích hãy chia sẻ để nhiều người cùng biết nhé.