TQ bắt đầu bàn nhiều về tiêm kích J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh
Thứ sáu 19/10/2012 07:00
(GDVN) - Chuyên gia quân sự TQ cho là máy bay J-15 có khả năng xuất sắc và có đầy đủ chức năng của tất cả các loại máy bay hải quân tiêu chuẩn trên thế giới.
Máy bay chiến đấu J-15 chạm tàu rồi bay lên (ảnh: news.ccvic.com) Tờ “Phương Đông” vừa dẫn các nguồn tin cho biết, gần đây tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc lại xuất hiện nhiều hình ảnh huấn luyện và thử nghiệm trên mạng.
Những hình ảnh này được cho là máy bay chiến đấu trang bị cho hải quân đầu tiên, máy bay J-15 của Trung Quốc đã nhiều lần tiến hành hạ cánh mô phỏng xuống tàu sân bay Liêu Ninh, khi chạm tàu lại bay lên.
Báo Trung Quốc dẫn tiết lộ của nhiều chuyên gia chưa xác định cho rằng, J-15 là máy bay cường kích hạng nặng, do Trung Quốc tự chế tạo, do việc tiến hành huấn luyện cất/hạ cánh cho máy bay chiến đấu phiên bản hải quân bắt đầu xuất phát từ con số không, nên việc hình thành sức chiến đấu cho tàu sân bay Liêu Ninh cần phải có thời gian.
Máy bay trang bị cho tàu chiến là máy bay hải quân lấy tàu sân bay hoặc tàu chiến khác làm nền tảng. Nó dùng để tấn công các mục tiêu trên không, trên mặt biển, dưới mặt biển và trên mặt đất, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ như cảnh báo sớm, trinh sát, tuần tra, hộ tống, rải mìn, gỡ mìn và đổ bộ thẳng đứng.
Nó là một trong những thủ đoạn tác chiến chính của lực lượng hàng không hải quân, là lực lượng quan trọng đoạt và giữ lấy quyền kiểm soát trên không, quyền kiểm soát biển trong chiến tranh trên biển.
Các loại máy bay trang bị cho tàu chiến chủ yếu hiện nay có máy bay F/A-18 của Mỹ, Rafale-M của Pháp, Harrier của Anh, Su-25 và Su-33 của Nga. Do cánh đuôi thẳng đứng sơn ký hiệu cá mập, nên máy bay J-15 của Trung Quốc cũng được gọi là “Cá mập bay” (Flying Shark).
Máy bay hải quân J-15 chạm tàu rồi bay lên (ảnh: news.ifeng.com) Trong các hình ảnh trên mạng, móc đuôi chạm tàu của J-15 không được để buông, ngoài ra theo tin tức từ truyền thông trong ngày đầu tiên tàu sân bay Liêu Ninh biên chế cho Hải quân Trung Quốc, trên đường băng của tàu sân bay còn để lại dấu vết máy bay hải quân, vì vậy có dân mạng suy đoán, khi đó đã tiến hành thử nghiệm hạ cánh mô phỏng cho máy bay hải quân.
Đến nay, máy bay chiến đấu J-15 đã hạ cánh xuống tàu sân bay thành công hay chưa vẫn là một câu đố. Ngoài ra, máy bay J-15 nhiều lần chạm tàu rồi bay lên trong nhiều ngày phải chăng có nghĩa là nó sắp được bàn giao sử dụng, cũng đã trở thành điểm nóng thu hút sự quan tâm của dư luận.
Chuyên gia quân sự Hải quân Trung Quốc Lý Kiệt phân tích, do Trung Quốc lần đầu tiên huấn luyện cất/hạ cánh cho máy bay hải quân, J-15 trang bị cho tàu sân bay cần phải có thời gian.
Lý Kiệt nói: “Cái này chưa chắc, cần phải xem trước đây có nắm chắc kinh nghiệm này hay không, phi công mới được phi công cũ dắt tay chỉ việc thì có thể nắm chắc tương đối nhanh. Nhưng, cái gì đầu tiên cũng phải tìm tòi từ đầu, cần thời gian dài hơn và thận trọng hơn để tăng cường nắm chắc và bảo đảm an toàn”.
Theo Lý Kiệt, do hệ thống tàu sân bay tương đối phức tạp, việc hình thành sức chiến đấu phải được huấn luyện và cọ xát trong thời gian dài với nhiều khâu, đồng thời cũng đã đặt ra yêu cầu cao hơn đối với tố chất phi công.
Máy bay chiến đấu J-15 chạm tàu rồi bay lên (ảnh: news.ccvic.com) Ông nói: “Việc cất cánh kiểu nhảy cầu có 2 sự khác biệt lớn nhất, bởi vì nó là đường băng có độ dốc và góc độ nhất định, trong quá trình tăng tốc trượt dốc của máy bay, một khi rời khỏi đường băng thì sẽ lập tức mất đi lực chống đỡ của đường băng, lực nâng sẽ giảm mạnh, độ cao sau khi rời đường băng sẽ bất ngờ giảm mạnh, cần phải duy trì sự cảnh giác về độ cao và kỹ thuật điều khiển tốt, do độ cao giảm đột ngột, nếu thao tác không kịp sẽ có thể rơi xuống biển, trước đây các nước khác cũng đã xảy ra tình hình này.
Hơn nữa, trong quá trình chạy trượt, không giống với chạy trượt trên mặt phẳng, cả máy bay và người có cảm giác dán lên tường, cần khắc phục vấn đề huấn luyện riêng có và vấn đề trở ngại tâm lý trong quá trình huấn luyện bay”.
Ngoài ra, tính năng của máy bay J-15 cũng được dư luận đặc biệt quan tâm. Báo Trung Quốc cho rằng, máy bay hải quân xuất sắc cần có một số đặc điểm gồm: tính năng cơ động tốt, bánh đáp chắc chắn, tầm nhìn buồng lái tốt, cơ cấu thân máy bay có thể chịu được sự va chạm với đường băng khi hạ cánh, tính chịu mòn tốt, thích hợp với nhu cầu tác chiến trên biển.
Có chuyên gia tiết lộ, J-15 là một loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba hoặc 3+, tính năng tác chiến xuất sắc, có đặc điểm của máy bay hải quân xuất sắc, nó hoạt động có hiệu quả và chính xác trên tàu sân bay, đánh dấu Hải quân Trung Quốc đã trở thành lực lượng tác chiến hợp nhất trên biển-trên không.
Máy bay chiến đấu J-15 chạm tàu rồi bay lên (ảnh: news.ccvic.com) Đại tá Đỗ Văn Long, nhà nghiên cứu Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc cho rằng: “Trước hết nó là máy bay hải quân hạng nặng, điều này có nghĩa là nó có hành trình lớn hơn, lượng tải đạn nhiều hơn, lượng nhiên liệu mang theo nhiều hơn, phạm vi kiểm soát và khả năng tiêu diệt lớn.
Ngoài ra, theo ông này, về thiết bị cơ bản của máy bay hải quân hạng nặng, các loại đạn dược rất đầy đủ, chẳng hạn không đối không, không đối hải, gây nhiễu điện tử, chức năng của bất cứ máy bay hải quân tiêu chuẩn nào của nước ngoài đều được phản ánh ở J-15.
Máy bay hải quân do Trung Quốc chế tạo này có thể hoạt động chính xác, hiệu quả trên tàu sân bay hay không cũng là một tiêu chí quan trọng của lực lượng tác chiến hợp nhất trên biển-trên không của Hải quân Trung Quốc đến nay”.
Về ý nghĩa của loại máy bay này đối với việc hình thành sức chiến đấu cho tàu sân bay Liêu Ninh, Lý Kiệt cho rằng:
“Đối với tàu sân bay, sức chiến đấu chủ yếu nhất thể hiện ở máy bay, tàu sân bay chủ yếu là thân tàu và đường băng tạo ra chỗ dựa lớn, chạy tới vùng biển có khoảng cách vừa và xa, sử dụng máy bay hải quân tiến hành tác chiến trên không và tấn công các mục tiêu trên mặt biển hoặc đất liền, thực hiện các loại nhiệm vụ. Nếu không có máy bay hải quân, tàu sân bay của anh sẽ không có ý nghĩa gì, cho nên đại đa số các nước đều coi huấn luyện máy bay hải quân là quan trọng nhất”.
Máy bay chiến đấu J-15 do Trung Quốc tự chế tạo
Máy bay hải quân F/A-18 của Mỹ.
Máy bay hải quân Rafale-M 1 chỗ ngồi do Pháp sản xuất
Máy bay hải quân Su-33 của Nga
Máy bay chiến đấu Su-25KM Nga
Máy bay chiến đấu Su-33 và Su-25 trên đường băng tàu sân bay Kuznetsov của Hải quân Nga