Cụ Cuteo03 nhắc tên làm em hắt hơi suốt
Được đào tạo chính quy về Mỹ thuật ứng dụng, trong đó có môn bắt buộc phải học là Mỹ học, nhưng càng lăn lộn nhiều em càng thấy cái khái niệm vẻ đẹp giữa lý thuyết và thực tế nó xa vời vợi. Chuẩn mực mỗi thời mỗi khác, mỗi giới, lứa tuổi, trình độ lại thẩm cái đẹp theo 1 mức độ khác nhau. Cứ nói Chân, Thiện, Mỹ là cái gốc, là nguyên sơ, là mục đích cuối cùng lọ chai nhưng tiếp xúc nhiều trong giới Mỹ thuật em thấy nó mông lung lắm. Ngắn gọn thì phải cùng xuất phát điểm, cùng style thì may ra có cái nhìn gần nhau hơn.
Cái đẹp đôi khi hiện diện rất giản dị xung quanh ta, dụng công 1 tý, quan sát 1 tý là thấy. Một sáng ngủ dậy, trời xanh không 1 gợn mây, mấy ngày trước oi bức như cực hình hôm nay mát mẻ thấy đời thật đẹp. Ruồi muỗi mọi hôm quấy rầy nay trốn biệt thấy đời đẹp, món nợ lâu ngày không đòi được nay thấy họ đến trả thấy đời đẹp, vợ con hàng ngày mè nheo nay tươi tỉnh ngoan ngoãn thấy đời đẹp, dạo chơi quanh vườn thấy 1 chồi non mọc chân tường mà mọi ngày mải việc không chú ý thấy đời đẹp. Lên OF chém gió thấy mấy cụ chúc rượu mà thấy đời càng đẹp, thấy có người cùng chung quan điểm sống thấy càng thú vị. Ngẫm ra thấy đẹp cả
Ngược lại những cái trên thì ngay lập tức thấy khổ sở, cái gì cũng xấu, cũng chán, chịu đựng như cực hình. Ngày xưa thì có câu thơ của Nguyễn Du: "Người buồn trời lại gieo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Ngay nay thì có câu: "Vẻ đẹp không nằm trên đôi má hồng người thiếu nữ, mà nằm trong đôi mắt của thi sỹ đa tình" là vì thế...
Tượng của cụ chủ thớt do người TQ thiết kế và thi công nên ngôn ngữ tạo hình nó cũng có điểm khác biệt. Xuất đi Nhật thì lại có vài nét dị biệt nữa. Không nói đến độ quý hiếm, hàng sâu tuổi hay mới, cổ hay giả cổ. Nếu bàn về thuần túy cái đẹp trong tạo hình thì cũng rất khiên cưỡng vì trong chủ đề tâm linh, mọi yếu tố tạo hình phục vụ cho mục đích tâm linh, người không am hiểu vấn đề tôn giáo hoặc tâm linh khó mà có sự đồng cảm được
Ông Di Lặc Phật có nhiều dị bản, cầm Kim Nguyên Bảo(thỏi vàng) thì chủ về tiền tài, cầm cành Như ý thì là chúc mọi việc hanh thông, bế đứa trẻ con thì chúc con đàn cháu đống. Cụ thể trong bức có con dơi thì là chúc Phúc, vì con dơi trong tiếng Hán đồng âm với chữ Phúc. Lúc này nghệ nhân tập trung vào diễn tả khuôn mặt hoan hỉ tươi vui là đặc trưng của ông Di lặc, 2 tay chắp vào nâng con dơi để nhấn mạnh vấn đề chính. Con dơi trong thực tế cực xấu, khi cách điệu dù lược bỏ mọi cái rườm rà không bắt mắt khác thì nó vốn dĩ cũng không đẹp về mặt tạo hình. Lúc này mục đích của nghệ nhân chỉ làm sao giúp người ngắm hình dung ra đúng con dơi chứ không phải là con vật khác.
Người Á và Âu có quan điểm tạo hình và cái đẹp khác nhau. Về vẻ đẹp phụ nữ thì người Á thích khuôn mặt đẹp, người Âu thích cơ thể đẹp(Nhân tiện nhắc các cụ Đẹp và Xinh là 2 khái niệm khác nhau đấy nhé). Người Âu thiết kế tổng thể đơn giản, chi tiết cầu kỳ. Người Á tổng thể rắc rối, chi tiết càng tủn mủn nhưng nhiều khi lại phù hợp với ngoại cảnh và quan trọng là nhìn quen mắt, dễ được chấp nhận lại thấy vẫn đẹp. Tranh luận vấn đề này có mà hết cả đời, em thì thấy không hề có chuẩn mực cái đẹp cố định bất biến, nó duy ý chí và không thực tế. Có 1 điểm em thấy chuẩn đó là Đẹp chưa chắc đúng, nhưng Đúng thì nhất định sẽ Đẹp.
Hàng nhà em bán thỉnh thoảng cũng có món làm hàng loạt phục vụ cho những khách hàng cần về ý nghĩa phong thủy, còn lại đa phần là lũa nên có thể coi là hàng độc, vì ngay 1 gốc cây xẻ ngang thân thớt trên và thớt dưới đã không giống nhau vì khác đường kính, thêm bàn tay con người tạo tác theo hình dáng tự nhiên nữa thì đó là hàng độc rồi còn gì. Đẹp thì còn tùy con mắt người chơi, nhưng hiếm thì sẽ có nhiều người khoái vì bản tính con người chỉ muốn sở hữu cái mà người khác không thể có, nó thuộc về thú chơi, sưu tầm mà lúc đó cái đẹp tạo hình chỉ đứng hàng thứ 2. Dân buôn đồ cổ nếu mua được 2 chiếc bình giống nhau cuối cùng giá 1 triệu sẽ sẵn sàng đập đi 1 chiếc để bán chiếc còn lại duy nhất với giá tỷ đồng. Dù cái bị đập có đẹp như tiên, tuổi đời có ngàn năm tuổi cũng thành đống mảnh vụn để phục vụ cho mục đích quý hiếm, duy nhất của chiếc còn lại.
Nhìn và quan sát là khác nhau, nhìn chỉ thuộc về cơ học của đôi mắt, quan sát là kết hợp giữa nhìn và nhận định của bộ óc. Rất nhiều người hàng chục năm trời đi lên bậc thang nhà mình mà không hề biết nó có bao nhiêu bậc, thậm chí màu gì vì họ không hề quan sát.
Cá nhân thì em thấy thiên nhiên là bậc thầy về tạo hình, con người luôn có tham vọng học đòi thiên nhiên nhưng có lẽ không bao giờ con người có thể thay thế được tự nhiên, chỉ cố gắng học hỏi và hiểu về nó để cân bằng lại chính mình, cái đẹp của thiên nhiên mới trường tồn các cụ nhá
Trong nghệ thuật điêu khắc, chỉ cần đẽo đi những phần thừa là sẽ tạo ra được kiệt tác, nhưng biết cái gì thừa để đẽo đi thì lại chỉ có thiên tài mới biết cách làm thôi ạ. Ae mình còn chưa đến mức là nhân tài nên cứ cãi nhau vặt suốt, khổ thế đấy he he...