Hôm nay em đã tìm lại được bài viết về chuyến đi BTT của một anh/chị nào đó. bài này em đã đọc từ lâu lắm rồi (cũng phải đến 7, 8 năm gì đó). Chỉ nhớ hồi ấy nghe nói về BTT là tò mò lắm nên đọc xong là phải save lại, giờ tìm mãi mới thấy.
Ghi chú là em không biết Copyright bài viết này là của ai, chỉ là đồ em sưu tầm khuân vác về được và giờ chia sẻ với bác nào chưa đọc nhé. Bài này có 4 phần, viết bằng bộ font ABC nên em phải mất công chuyển sang Unicode và sửa lại lỗi chính tả trong quá trình đổi font nên hơi mất thời gian tí.
TRÁI ĐẤT NÀY LÀ CỦA CHÚNG MÌNH - PHẦN 1
Tôi quyết định viết một cái gì đó tương tự như thế này sau khi từ Bình Nhưỡng trở về Bắc Kinh hồi cuối tháng tư. Có lẽ lý do chính là một tuần ở Bắc Triều Tiên để lại nhiều ấn tượng nặng nề quá làm tôi cảm thấy phải rút ra được một kết luận nào đó, phải tìm ra một lời giải thích dù chỉ đơn giản. Chuyến đi này cho tôi một cơ hội mà có ít người Việt Nam mình đã có, là được sống lại một lần nữa thời những năm đầu 1980 ở Việt Nam. Giống như là nghe lại những bài hát trẻ con tìm ra được những điều mới mẻ, ở Bình Nhưỡng một tuần làm tôi ngẫm ra được nhiều điều ở chính trong đầu mình, kết quả của việc lớn lên trong một thời kỳ gian khổ ở một đất nước khi đó mệt mỏi và nghèo đói, mà lúc trẻ con tôi không nghĩ được ra.
Từ Bắc Kinh đi lên Dandong là thành phố biên giới sát Bắc Triều Tiên thuộc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc mất khoảng 15 tiếng bằng tầu hỏa. Tầu rời ga Bắc Kinh lúc 5h10 chiều và đến nơi khoảng 7h30 sáng ngày hôm sau, giá vé khoảng 70 đô la Mỹ. Từ BK đến Dandong tôi ở một mình một toa bốn giường, các toa bên cạnh phần nhiều là cán bộ Bắc Hàn đi công tác về. Tàu liên vận nhưng chỉ có hai toa ghép liền vào tàu thường tốc hành của Trung Quốc, đến Dandong thì tách ra. Khi đến Dandong bắt đầu có thêm nhiều người lên tàu, toa của tôi chỉ một lúc đã đầy chật hàng hóa và một gia đình 4 người lớn một trẻ con, cả nhà nói với nhau bằng cả tiếng Triều và tiếng Hoa. Hàng hóa thì đủ loại, quần áo, chai lọ lỉnh kỉnh, mà không chỉ có toa tôi, các toa khác đều như thế. Cán bộ hải quan và công an cửa khẩu của Trung Quốc lên tàu làm thủ tục rất nhanh gọn và thân mật, một hai người thấy hộ chiếu Việt Nam còn bắt tay tôi rất chặt rồi hỏi chuyện vui vẻ lắm. Khoảng chín giờ, hai toa tầu đã được nối vào một đầu máy chạy điện của Trung Quốc, chúng tôi dần dần được đẩy sang phía đất Triều Tiên.
Tàu ra khỏi ga chỉ khoảng một phút là lên cầu vượt sông áp lục, con sông nổi tiếng trong chiến tranh Triều Tiên nơi diễn ra những trận đánh đẫm máu giữa quân giải phóng Triều Tiên, chí nguyện quân Trung Quốc và liên quân Mỹ-Nam Hàn. Sông không rộng, có khi còn hẹp hơn cả sông Hồng đoạn chảy qua Gia Lâm. Chỉ mấy phút tầu đã vượt qua cầu đi thẳng vào ga của Triều Tiên.
Rất khó kể lại được ấn tượng đầu tiên của tôi khi bắt đầu sang đến đất Triều Tiên như thế nào. Trước chuyến đi này, do nhiều lý do khác nhau tôi đã tìm đọc, nghe kể, và cả viết về Bắc Triều Tiên nên hiểu biết chung về đất nước này là có mặc dù chỉ trên sách vở và kinh nghiệm của những người khác. Thực ra mà nói, chuyến đi Triều Tiên là kết quả của một dự định, có thể là một mơ ước nữa, dù có lúc không nghiêm túc lắm, của tôi nhen nhóm trong khoảng thời gian gần 12 năm. Đặc biệt vài năm lại đây, kể từ khi Triều Tiên trải qua nạn đói khốc liệt hổi 1995-1997, khi mà có cả tin đồn về việc trẻ em bị bắt trộm để làm thịt, rồi đến những thỏa thuận về chương trình đổi dầu và năng lượng lấy việc ngừng sản xuất vũ khí nguyên tử giữa Triều Tiên và liên minh Hàn-Nhật-Mỹ-châu âu và gần đây nhất là những tin tức lạc quan về khả năng hai miền bán đảo này thống nhất, tôi lại càng mong muốn được đến thăm trước khi Triều Tiên thay đổi. Sự trông đợi của tôi là sẽ thấy một đất nước khổ sở và kém phát triển, nơi người dân đói ăn và nói chung là bị động trong mọi quyết định của riêng hay của chung.
Thế nên tôi hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy những hình ảnh đầu tiên của Triều Tiên. Trong ga mặc dù chỉ là ga biên giới mọi thứ đều có vẻ đàng hoàng, đẹp đẽ và sạch sẽ. Những người Triều Tiên đầu tiên tôi nhìn thấy, những cán bộ nhà ga và biên phòng, không có vẻ gì đói ăn hay mệt mỏi, ngược lại, ở họ có cả những dấu hiệu của sự đầy đủ nếu không nói là dư thừa. Công nhận là đến 90% mọi người ở đó đều mặc một loại đồng phục nào đó, màu sắc khác nhau và cái khác nữa so với bên kia biên giới là sự xuất hiện bất ngờ của nhiều loại vũ khí sát thương nặng nhẹ khác nhau do nhiều người mang vác. Một vài người Triều Tiên đầu tiên lên tàu, nếu chỉ xét từ cách ăn mặc, chải đầu, đeo kính thì có thể nhầm là diễn viên từ một bộ phim truyền hình Hàn Quốc nào đó. Nhiều người trong số họ nói tiếng Anh, mặc dù cách phát âm còn lẫn nhiều giọng Hàn, nhưng sự nhạy cảm trong cách dùng từ, tốc độ phản ứng đều chỉ ra là kết quả của một quá trình học hỏi nghiêm túc va có kết quả tốt.
Đầu tiên là biên phòng lên tầu, sau đó là các cán bộ hải quan. Trên tàu bắt đầu nhộn nhịp, mọi người lấy giấy tờ ra khai nhập cảnh, mang hàng hóa ra để chờ kiểm tra, lúc đấy mới thấy hàng hóa nhiều và đa dạng như thế nào và lúc đấy mới bắt đầu hiểu tại sao lại có sự sung túc đầy đủ thế. Cứ mỗi toa được kiểm tra xong lại có một lượng hàng hóa xuống tầu, lúc két bia, khi một mớ quần áo, tất cả đều được chát gọn thành một đống dưới sân ga đằng sau dẫy các chú lính đang cầm súng đứng gác. Thỉnh thoàng lại có cây thuốc Marlboro hay thùng táo được đặt thêm lên trên. Trong toa của tôi, khi hải quan khám gần xong hàng của gia đình nhà kia thì tự nhiên có tiếng như chuột kêu ở dưới gầm giường, hải quan lập tức lôi ra được một thùng 5 con chó nhật bé. Chủ hàng, hai vợ chồng nhà nọ, nhớn nhác nhìn nhau rồi một lúc sau khi anh hải quan đã xuống ga hút thuốc, anh chồng lôi một mớ đến 12 cái vày áo phụ nữ, bánh kẹo thuốc lá một túi lùng tùng kèm theo một con chó con giấu trong túi áo vét xuống theo, lúc sau trở lên mặt mày vui vẻ. Khi khám đền đồ của tôi, chỉ có quần áo nhưng một bác hải quan lại hỏi là tôi có mang táo theo không. Một lúc tôi mới hiểu ra và phì cười vì nghĩ là hỏi gì hỏi quái lạ, ai mang theo táo đi cho nặng người. Lý do vì sao mọi người đọc thêm về sau sẽ biết. Khi đứng ở hành lang toa tầu, tôi thoáng nhìn vào toa bên cạnh của các cán bộ Triều Tiên thấy có một bác mặc quần áo dạ cổ Mao đang ngồi khám túi và đã lục ra một số các giấy tờ, kiểu tờ rơi quảng cáo nhà cửa, căn hộ nhiều ảnh màu sắc bên Trung Quốc không chỗ nào không có. Lục xong rôi, bác áo dạ đứng dậy cầm cả mớ giấy xé đôi, đút vào túi rồi cắp *** đi luôn. Ngay lập tức một đồng chí cán bộ lục đồ ra lấy mấy bao thuốc hai quả táo, cho vào một túi nylon rồi chạy ngay theo.
Đến tận 12 h trưa các thủ tục mới xong, tôi đi xuống sân ga tìm nhà vệ sinh. Một chú lính trơn trông mặt khoảng 20 tuổi những người chắc chỉ khoảng 15 vui vẻ chỉ cho tôi vào của một dẫy nhà 3 tầng kiểu Pháp, rất rộng rãi trần cao, kiểu nhà ga thành phố lớn. Đi lên gác hai có một phòng rộng cả 100m2 không một bóng người, toilet nằm ở góc cùng phía Tây trông ra quảng trường trước cửa nhà ga. Đưa mọi người vào toilet cùng tôi là để kể tôi đã nhìn thấy gì phía ngoài sân ga. Lúc nhìn qua cửa sổ trông thẳng ra một quảng trường nhỏ kiểu của các thành phố châu âu là một khoảng sân rộng có nhà cửa bao quanh và có hai đường vào từ hai phía đối diên tôi mới thấy được những hình ảnh thật của một nước Triều Tiên lam lũ. Trên quảng trường có một đam đông dân chúng đang đứng chờ nhà ga mở cửa để vào lên tầu, quần áo của họ chỉ độc vài mâu nâu và xám tối, phần lớn mọi người đều đi bộ, chỉ có lèo tèo vài chiếc xe đạp đựng xung quanh con xe máy và ô tô thì không thấy. Trên sân quảng trường đổ bê tông là những hình tròn kẻ bằng vôi rất lớn trong có đánh số, không có vẻ gì là mọi người phải chờ trong những lằn vôi đấy. Phụ nữ và trẻ em nhiều nhưng nhiều nhất là những người mặc quân phục, từng người một vẻ lam lũ vất vả đều hiện rõ trên mặt.
Khoảng 12h40 cổng ga mở cho dân vào, theo sau là một vài chiếc ô tô 12 chỗ của Nhật, vẫn còn nguyên tay lái nghịch đi vào chở theo một số người ăn mặc giản dị nhưng chỉnh tể; các xe đều chở theo hàng hóa. Hàng hóa và người đều nhanh gọn được đưa lên tầu. Dân chúng thì vẫn ùa vào rất đông, rất vội vàng, nhưng không ai được đi vào gần hai toa tàu quốc tế cả, hàng lính đững cách tàu khoảng 1.5 m làm nhiệm vụ nhắc nhở. Tôi ngạc nhiên khi thấy mọi người Triều Tiên bình thường đều rất thấp, phụ nữ đặc biệt thấp kể cả những người trưởng thành. Đến khoảng 1h chiều tầu bắt đầu đi Bình Nhưỡng.
Tự nhiên trong đầu tôi nảy ra so sánh là nhà ga Triều Tiên, dù là ga nhỏ biên giới cũng đàng hoàng và khang trang hơn ga ở Hà Nội, tầu Triều Tiên, mặc dù chạy chậm hơn tầu trung quốc, nhưng vẫn nhanh và sạch sẽ hơn tầu Việt Nam. Đồng ý là hải quan và biên phòng Triều Tiên cũng tay trong tay ngoài nhưng người dân nói chung có vẻ kỷ cương và tôn trọng luật lệ, cũng dễ hiểu vì luật lệ ở đây được đảm bảo bằng súng đạn.