- Nhiều cụ ở đây còn ít tuổi chưa va chạm việc đời nhiều nên vẫn còn suy nghĩ yêu đắm đuối và ghét chết bỏ. Giữa người với người, doanh nghiệp với doanh nghiệp, quốc gia với quốc gia luôn tồn tại mâu thuẫn và các lợi ích chung. Việc này đòi hỏi vừa phải hợp tác vừa phải đấu tranh với nhau. Như VN và TQ đấu tranh với nhau về chủ quyền nhưng lại hợp tác về đầu tư, sản xuất, chống ma túy, chống buôn người... Nên việc đặt vấn đề "bài Tàu" hay là "không bài Tàu" rõ ràng là biểu hiện của suy nghĩ chưa trưởng thành.
- Thế giới này không chỉ có 2 nước VN và TQ. Nếu 2 thằng quá tập trung chống nhau thì 2 thằng sẽ níu chân nhau lại. Cả hai đều cùng bị tụt lại so với các nước khác. Nên cho dù "ghét" nhau đến đâu thì những vấn đề liên quan lợi ích chung vẫn phải đoàn kết. Đến như TQ và Ấn Độ ghét nhau như chó với mèo (TQ đánh chiếm vùng đất rất rộng của Ấn Độ) mà vẫn hợp tác với nhau cực kỳ nhiều hạng mục. Điện thoại TQ bán cũng rất chạy ở Ấn.
- Mỹ và TQ chiến tranh thương mại ầm ĩ nhưng số hạng mục hợp tác còn nhiều hơn TQ và VN.
- Chuỗi cung ứng toàn cầu được hình thành dựa trên nhu cầu thị trường, thế mạnh từng nước và chiến lược của các cường quốc. Hiện tại chuỗi đã hoàn thiện ở mức độ cao. Chuỗi này đã sắp xếp một hoặc nhiều công đoạn hình thành sản phẩm tại TQ. Chuỗi này không phải do VN sắp xếp và quyết định. VN chưa đủ khả năng tác động tới việc này. Đây là trò chơi của các ông lớn G20.
- Do chuỗi cung ứng đã hình thành như vậy nên việc một sản phẩm ở VN, Thái Lan hay Mỹ có một hoặc một vài công đoạn, thành phần được thực hiện ở TQ là chuyện bình thường. Việc doanh nghiệp VN phụ thuộc nguyên phụ liệu TQ cũng là do quy luật của thị trường.
- Dịch bệnh xảy ra gián đoạn nguồn cung có phải cơ hội thay đổi nhà cung cấp? Trước mắt thì là không. Ví dụ doanh nghiệp dệt may muốn nhập vải từ nguồn khác ngoài TQ sẽ gặp mấy rào cản:
1. Thời gian chuyển đổi. Để chuyển đổi nhà cung cấp thì phải qua quá trình tìm hiểu, yêu cầu mẫu, sản xuất thử, trình mẫu, duyệt mẫu, đàm phán, ký kết...thường là mất 6 tháng tới 1 năm. Trong thời gian đó doanh nghiệp không hoạt động được, chịu phạt hợp đồng, mất khách hàng, mất công nhân, vỡ nợ...
2. Trong trường hợp chuyển đổi được thì cũng chỉ là kéo dài hơi tàn nếu TQ vẫn chìm trong dịch. Các doanh nghiệp sản xuất vải ở Malaysia, Ấn Độ, Braxin...cũng sử dụng hóa chất nhuộm, máy móc thiết bị...nhập từ TQ và sẽ sớm dừng sản xuất nếu đứt nguồn cung.
3. Nếu chuyển đổi được và ổn định cũng vẫn chết khi TQ phục hồi trở lại. Vì thế giới này không chỉ có mình VN làm dệt may. Sử dụng nguyên liệu từ Malaysia giá sẽ đắt hơn TQ cùng chất lượng, số lượng, độ linh hoạt, độ đa dạng... Sản phẩm của VN sẽ bị đội giá lên so với các đối thủ ở Bangladesh, Ấn Độ, Thái Lan...và sẽ mất khách.
Do vậy nếu TQ phục hồi trong thời gian ngắn sắp tới thì doanh nghiệp Vn vẫn sẽ quay lại phụ thuộc TQ y như trước dịch vì áp lực cạnh tranh. Ngoài ra, nhiều khi nguồn nhập nguyên phụ liệu là do bên khách hàng họ chỉ định luôn đó nhé chứ không phải mình được tự do chọn đâu, nhất là các hãng thời trang lớn.
Nếu TQ bị gặp sự cố rất lớn kéo dài, ví dụ dịch này kéo dài khoảng 1 năm và lây lan cho 100 triệu người, thế giới sẽ phải cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu. VN đương nhiên sẽ bị cuốn theo và không phụ thuộc TQ nữa mà phụ thuộc Ấn Độ chẳng hạn. Trong quá trình đó các doanh nghiệp toàn cầu sẽ bị thiệt hại nặng nề vì gián đoạn sản xuất kinh doanh. Nhưng các tập đoàn lớn của Âu Mỹ, Nhật Hàn vẫn sẽ vượt qua được và chuyển xưởng sang nơi khác vì chúng nó có quyền lực, công nghệ, tài chính, thương hiệu, thị trường. Còn các doanh nghiệp nhỏ yếu của VN hầu hết sẽ không trụ nổi.