Hơi lạc đề tí, các cụ đọc bài về STEM, có tí liên quan đến toán ạ, bài của GS Aiviet Nguyen.
Năng lực STEM và phẩm hạnh sáng tạo
1. Chúng ta đang ở trong một mâu thuẫn nhận thức về giáo dục Việt Nam. Một mặt chúng ta có nhiều vấn đề với nó, rõ ràng là yếu kém. Mặt khác chúng ta có xu hướng tin rằng giáo dục VN mạnh ở STEM. Chúng ta bám vào những đánh giá dễ dãi đâu đó và những chuyện trẻ em Việt du học đạt điểm cao ở các môn STEM để cố bám lấy hy vọng người Việt có lợi thế trong công nghiệp bán dẫn.
2. Tôi nhận thức sâu sắc được rằng dạy STEM ở Việt Nam chưa tốt so với mặt bằng chung của thế giới, nếu không muốn nói là kém. Tôi không có ý muốn nói các đánh giá hoặc các câu chuyện trẻ em du học là ngụy tạo. Tuy vậy, đánh giá của tôi theo một tiêu chí khác. Trẻ em du học là tinh hoa, so sánh với các bạn đồng học bình thường đương nhiên có ưu thế, nhưng chỉ trong STEM mới là có vấn đề. Hơn nữa điểm số chỉ là một chỉ số không quan trọng.
3. Với tư cách là người đã sống nhiều năm ở nước ngoài và có thực tiễn dạy trẻ trong nước, tôi có thể nói rằng giáo dục Việt Nam có nhiều điểm yếu cần nhận diện một cách thành thực để sửa chữa chứ không phải nói đổng cho vui để yên tâm là mình đã có lòng. Chúng ta dễ dãi cho rằng lỗi tại SGK, lỗi tại Bộ GD, lỗi tại thiếu tiền, đãi ngộ kém, tệ nạn xã hội và từ đó lười biếng cho rằng chỉ cần quay lại giáo dục ngày xưa của VNDCCH hay VNCH với ông Bộ trưởng ngồi trên ghế 20-30 năm là giải quyết hết vấn đề.
4. Tôi cũng tin rằng giỏi Toán đã ngấm vào gene của người Việt nên rất ngạc nhiên khi thấy cô giáo Mầm Non, một vị Tiến sĩ nói rằng cậu con trai chưa biết Toán. Tôi nói rằng tôi không đặt nặng năng lực Toán, nhưng con trai tôi cộng trừ được thì ở mức Mầm Non là quá đủ. Cô giáo Tiến sĩ nói rằng, điều quan trọng ở Mầm Non không phải là cộng trừ thành thạo mà phải hiểu ý nghĩa của con số và phép tính để thấy được ý nghĩa của Toán trong cuộc sống và trong phát triển tư duy. Tôi phải biết ơn cô giáo Mầm Non vì bài học này và mới hiểu vì sao một vị Tiến sĩ lại đi dạy Mầm Non ở Mỹ như vậy. Đó là bài học đầu tiên của tôi về phẩm hạnh trong giáo dục.
5. Rõ ràng chúng tôi sử dụng hai tiêu chí khác nhau để đánh giá về việc học. Sau này, nhiều năm tôi băn khoăn với việc tại sao học sinh chúng ta giỏi thế mà chất lượng nhân lực vẫn thấp, trình độ chung của thầy và trò đều kém và nhất là tư duy STEM không giúp chúng ta có sản phẩm và phát triển KTXH. Nhất là khi trực tiếp giảng dạy tôi mới thấm thía được việc cần nhìn nhận các giá trị theo cách khác. Đã đành ở đâu cũng có người giỏi người dốt, nhưng cuối cùng xã hội không tôn vinh được người giỏi, tức là giáo dục đang đi theo hệ thống giá trị nào đó không đúng.
6. Nếu chúng ta quay lại thời xa xưa, chúng ta sẽ thấy biết đọc chữ, biết cộng trừ, biết suy luận một chút đều là một năng lực xuất chúng. Chúng ta cũng đang tôn vinh các năng lực nhớ nhiều, phản xạ nhanh, biết nhiều mẫu toán, tính nhẩm phức tạp và các phiên bản nâng cao của chúng trong giới các thầy. Với sự ra đời của AI chúng ta bắt buộc phải xem xét lại giá trị của các năng lực này trong giáo dục, trong khi trên thế giới người ta đã thay đổi cách đánh giá từ hàng chục năm nay. Điểm số, bằng cấp, giải thưởng chỉ là công cụ để giúp cho việc đánh giá dễ dàng, và đánh giá để giúp người học lập kế hoạch tốt hơn, không phải là mục tiêu của giáo dục.
7. Chúng ta học STEM để có thể sáng tạo, chứ không phải làm việc sáng tạo để có danh STEM. Khoa học xã hội không phải là để dạy trẻ làm người theo những chuẩn mực cố định. Khoa học xã hội là để trẻ biết phân biệt các giá trị, biết xây dựng hệ thống giá trị cho mình và biết tôn trọng các hệ giá trị khác.
8. Điều cốt lõi là coi sáng tạo và giá trị là phẩm hạnh chứ không phải là năng lực. Một thời chúng ta hiểu phẩm hạnh là đạo đức, nên ngày nay chúng ta lại đề cao năng lực để bù lại. Phẩm hạnh không đối lập với năng lực, mà nâng cao năng lực thêm một bước. Nếu như năng lực là việc "tôi có thể làm được, nhưng có thể không làm, vì không thèm làm hoặc không có đủ điều kiện để làm", phẩm hạnh là việc "tôi có thể và phải làm cho bằng được, bởi vì đó là sự tồn tại của tôi". Nếu chiếu theo nguyên lý đó thì các vị giáo sư luôn lẩn tránh bàn luận và thực thi sáng tạo không thể nói là có phẩm hạnh sáng tạo, mặc dù năng lực đã được Hội đồng chức danh công nhận thì hiển nhiên không thể phủ định.
9. Một vị Tổng thống Mỹ cùng các dân biểu Mỹ tìm ra cách chứng minh mới cho một định lý Toán học trong giờ giải lao, đó chính là phẩm hạnh, dĩ nhiên phải có năng lực tối thiểu. Điểm sai lầm của chúng ta không ở chỗ chúng ta dạy cái này hay không dạy cái kia mà chúng ta cần dạy sáng tạo và
giá trị trở thành phẩm hạnh, chứ không chỉ ở năng lực như những con vẹt biết nói. Một đứa trẻ có động lực sáng tạo và giá trị sớm muộn cũng sẽ tìm được cách có những năng lực cần thiết. Nhưng điều ngược lại không đúng, năng lực tính toán hay nhớ các tín điều không thể đẻ ra sáng tạo và các giá trị cho
một xã hội văn minh và phát triển.