Đi hay ở - Ở hay về - 2 cái câu hỏi này chắc là đã được hỏi và trả lời nát ở các diễn đàn VN trong vòng 10 năm nay.
Em năm nay ở Mỹ là năm thứ 20 - đi từ năm 17 tuổi. Em đi học trao đổi văn hóa sau đó thì đại học và học tiếp tiến sĩ. Em đi làm được gần 10 năm rồi nên có thể nói là cuộc sống ở Mỹ em có thể hiểu vừa qua trải nghiệm của bản thân mình và của con cái của mình (3 đứa - con gái lớn em 10 tuổi).
Văn hóa của Mỹ thì thấm qua phim ảnh và thể thao. Nếu các cụ có thể biết tối hôm trước đội nào thi đấu và tỉ sô bao nhiêu thì hôm sau các cụ có thể nói chuyện với khoảng 60% người ở chỗ làm. Em học đại học ở miền Nam nước Mỹ nơi bóng đá Mỹ (American football) là số 1 nên em nghiền và thông thuộc về bóng đá Mỹ từ giải đại học cho đến giải chuyên nghiệp. Cái này giúp em hòa nhập với dân Mỹ khá là thuận lợi. Trong khoảng 6 năm đầu ở Mỹ thì em ko có ở gần cộng đồng người Việt nên có thể nói là trải nghiệm và cuộc sống của em hoàn toàn giống như 1 sinh viên hay thanh niên người Mỹ - cả từ ăn, chơi cho đến học.
Thời điểm này là thời điểm giấc mơ Mỹ nếu các cụ hỏi em
Học hết đại học thì em chuyển qua bờ Tây của nước Mỹ để đi học lên tiến sĩ. Văn hóa và thời tiết giữa miền Nam và bờ Tây khá là khác nhau. Có lẽ lúc này em mới thấy sốc về văn hóa
đi học sau đại học cũng ko được vui bằng học đại học vì mọi người ai cũng đều tập trung cho chuyện học hơn (rất nhiều). Sau 1 năm đầu khá buồn thì em gặp và chơi với rất nhiều học sinh du học của VN sang. Có cả nhóm đi như kiểu của em (trao đổi cấp 3, đại học, cao học và bắt đầu đi làm) và nhóm bắt đầu sang học Sau đại học VEF hay 322.
Nhóm đầu tiên thì phần lớn là con nhà khá giả hoặc con em quan chức ở VN.
Nhóm thứ 2 thì phần lớn là lớn là trí thức trọn lọc của VN gửi sang học ở Mỹ - cũng rất nhiều là con em quan chức ở VN.
Em chơi với cả 2 nhóm đều rất thân và bắt đầu lại thói quen tụ tập kiểu VN cho khoảng 4-5 năm tiếp theo.
Sau đấy thì phần lớn cả 2 nhóm này đều quay trở về VN và đến thời điểm này đều khá thành công vì trở về trước thời điểm bão hòa của du học sinh.
Một số ở lại thì chia thành 2 trường hợp: công việc ổn định + cty làm giấy tờ thẻ xanh cho và công việc ổn định + lấy vợ/chồng Mỹ để làm thẻ xanh.
Trường hợp 1 thì lúc này thực sự cuốn vào vòng xoay của cuộc sống Mỹ - phụ thuộc.
Phụ thuộc vào công việc để có giấy tờ ở lại hợp pháp. Phụ thuộc vào công việc để trả tiền hàng tháng: tiền vay mua nhà, mua xe, bảo hiểm xe, bảo hiểm nhà, bảo hiểm sức khỏe, thuế thu nhập, thuế nhà đất, thuế trường học, điện nước, internet, truyền hình, di động, tiền học cho con, tiền hưu trí, tiền tiết kiệm cho con đi học đại học - trước khi nghĩ đến chuyện ăn và tiêu.
Ở trường hợp này nếu nhà bên VN có điều kiện thì sẽ dễ thở hơn 1 chút: các cụ cho tiền mua nhà mua xe trả 1 cục. Thế là đỡ được 2 khoản to - nhưng vẫn còn khoảng 3 khoản to phải trả hàng tháng: tiền thuế đất, thuế trường học và tiền học cho con (đến 5 tuổi mới đi học miễn phí).
Còn nều mà phải tự trả tiền nhà tiền xe thì lúc này là lao vào vòng xoáy áp lực của cuộc sống Mỹ. Tiền đi vào và đi ra cùng 1 ngày.
Bọn em ở bên bờ tây của nước Mỹ và ko ở thành phố lớn như NYC, Boston, hay DC nên nhà cửa không lên đến tiền triệu nhưng cũng khoảng $400-500K.
Mọi thứ chi tiêu cộng lại hàng tháng cũng khoảng tầm $7K.
2 vợ chồng em ăn học đàng hoàng ra đi làm bây giờ khoảng tầm gần $200K năm trước thuế nhưng cũng chỉ vừa đủ ăn đủ tiêu. Năm cả nhà về VN 1 lần hoặc đi du lịch đâu đó 1 lần - thêm ra thì chẳng có - tiết kiệm thì gần như chỉ là vào quĩ lương hưu và tiền học đại học cho con.
Chốt lại là: nếu các cụ trên 35 - tiếng Anh bập bẹ và không có khoảng tầm 10 triệu đô thì ở VN cho nó thoải mái. Sang thì chắc chắn là sẽ hy sinh đời bố mà chưa biết đã củng cố đời con. 99% các cụ sang thì sẽ chỉ đi làm việc chân tay trong cộng đồng Việt hoặc Tàu khi ko có bằng cấp, tiếng Anh, và sẽ khó hòa nhập được với bọn Mỹ trắng.
Các cụ ở VN có điều kiện thì cho con theo học trường quốc tế từ nhỏ rồi cho đi du học đại học sau này.