Các thập kỷ 1970-1980, trước khi chiến sự nổ ra trên biên giới Trung-Việt, là thời kỳ vô cùng khó khăn của ngành ngoại giao Việt Nam.
Vừa mới bước ra khỏi cuộc chiến chống Mỹ, Việt Nam lâm vào tình trạng ngày càng cô lập, thiếu vắng đồng minh.
Cựu thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ là người trực tiếp tham gia nỗ lực ngoại giao của Việt Nam trong suốt thời kỳ đó.
Đài BBC đã có cuộc nói chuyện với ông về bối cảnh cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung:
Ông Trần Quang Cơ: Căn nguyên (của cuộc chiến Việt - Trung) là xung quanh vấn đề quyền lợi nước lớn, liên quan tới vấn đề Đông Dương. Nói sát ra, thì nó dính tới cuộc chiến ở biên giới Tây Nam.
Tháng Giêng 1979, Việt Nam giải phóng Phnom Penh, thì sau đó xảy ra sự kiện tháng Hai 1979. Lúc đó Trung Quốc cũng tuyên bố rõ ràng là 'dạy cho Việt Nam một bài học', và cụ thể là hòng cứu nguy cho Pol Pot.
Khi Pol Pot vào các tỉnh biên giới phía Nam, giết hại nhiều người thì việc đầu tiên Việt Nam phải làm là bảo vệ biên giới, bảo vệ người dân của mình. Dân Việt Nam vừa mới hoàn hồn, vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh với Mỹ xâm lược, năm 1975 giải phóng đất nước, thì Pol Pot đã có chủ trương gây chiến và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Nhất định hành động như vậy phải có tác động của nước lớn rồi. Thí dụ, vũ khí lấy đâu ra? Bao nhiêu vũ khí ta bắt được, đều là từ Trung Quốc.
BBC: Việt Nam và Trung Quốc là đồng minh trong cuộc chiến chống Mỹ. Vậy thưa ông, bắt đầu từ bao giờ quan hệ đó bắt đầu xấu đi?
Ông Trần Quang Cơ: Nói chung quan hệ hai bên cứ xấu đi dần dần. Thực tế, từ năm 1972, khi Kissinger và Nixon sang Trung Quốc, đàm phán với Bắc Kinh, thì quan hệ Mỹ - Trung đi vào hòa hoãn.
Thời bấy giờ thế giới tuy chỉ có hai cực, nhưng với ba siêu cường: Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô, tình thế bắt đầu hòa hoãn. Liên Xô dưới quyền Gorbachev chủ trương muốn hòa hoãn với Trung Quốc vì lợi ích của Liên Xô, để cải thiện tình hình trong nước.
Các nước lớn họ có tính toán của riêng họ, nhưng tình hình quan hệ chiến lược giữa ba nước lớn bất lợi cho Việt Nam.
Liên Xô là đồng minh duy nhất còn sót lại của ta, với Trung Quốc thì quan hệ xấu đi, còn Mỹ thì chưa hết dư âm của chiến tranh, mà lần đầu Mỹ bị thua như vậy.
Đối với vấn đề Campuchia, thì các nước nhất là năm quốc gia thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thiên về lý luận là Việt Nam xâm lược Campuchia mà lờ đi cuộc diệt chủng của Pol Pot.
THÊM BẠN BỚT THÙ
BBC: Lúc đó chắc là một giai đoạn vô cùng khó khăn cho ngành ngoại giao Việt Nam, thưa ông?
Ông Trần Quang Cơ: Đúng là rất khó khăn. Bởi vì khi đó vừa xong chiến tranh chống Mỹ thì lại xảy ra cuộc chiến Campuchia, mà Việt Nam lại đang rất cần sớm khôi phục hòa bình, để phát triển kinh tế.
Tìm giải pháp rút khỏi Campuchia mà vẫn bảo vệ chính nghĩa của mình là một điều vô cùng khó.
Việt Nam chịu sức ép rất lớn từ các nước Hội đồng Bảo an, mà LHQ lúc ấy không như LHQ bây giờ, lúc ấy phụ thuộc nhiều vào các nước thường trực, nhất là Mỹ.
BBC: Bây giờ nghĩ lại, ông thấy lúc đó có những cơ hội gì bị bỏ lỡ, có những điều gì Việt Nam có thể làm khác không ạ?
Ông Trần Quang Cơ: Tôi thấy điều mình có thể làm khác, là phải đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế sớm. Trước Đại hội Đổi mới (năm 1986), Việt Nam đã quá phụ thuộc vào ý thức hệ mà không đa phương hóa được quan hệ.
Lời Cụ Hồ nói là thêm bạn bớt thù, thời kỳ đó chúng ta không thực hiện được. Mà chúng ta lại bớt bạn thêm thù.
Một nước nhỏ hay trung bình như Việt Nam thì càng nhiều bạn càng tốt. Trong cái thế anh nằm ngay cạnh nước lớn, nước khổng lồ, mà không có bạn thì anh sẽ bị ép. Tôi mà là nước lớn tôi cũng ép.
Mình thì chỉ loanh quanh mấy nước xã hội chủ nghĩa, anh cả Liên Xô, anh hai Trung Quốc.
Khi đó Mỹ đã chìa tay với mình, đặt vấn đề bình thường hóa vô điều kiện thì Việt Nam lại đòi bình thường hóa có điều kiện. Sau đồng ý bình thường hóa vô điều kiện thì đã lỡ thời cơ. Họ đã bình thường hóa với Trung Quốc và quên Việt Nam rồi.
Một là không bình thường hóa với Mỹ sớm. Hai là không sớm gia nhập ASEAN. Lúc ấy ASEAN rất muốn Việt Nam vào khối vì họ nể sức mạnh mình đánh Mỹ. Nhưng mình lại không chơi...
Thành ra là chậm trễ tới cả mười năm.
Bên cạnh một nước lớn, Việt Nam phải chịu sức ép là vì ở khu vực thì anh lẻ loi, đối đầu, cứ khư khư ba nước Đông Dương bé xíu. Trên thế giới thì anh còn có mỗi Liên Xô thôi, mà Liên Xô lúc ấy cũng đã bắt đầu ngả cờ rồi.
ĐA DẠNG HÓA
BBC: Thưa ông, vào thời điểm tháng Hai 1979, ông đang ở đâu ạ?
Ông Trần Quang Cơ: Tôi vừa ở New York về, đàm phán với Mỹ hỏng và Đặng Tiểu Bình vừa sang Mỹ.
BBC: Khi nghe tin Trung Quốc tấn công Việt Nam, suy nghĩ của ông là gì ạ?
Ông Trần Quang Cơ:... (im lặng)... Bất lực. Nhưng không ngạc nhiên.
Điều đó là tất nhiên thôi, sống ở môi trường đó mình phải lường trước được. Đáng lẽ chiến lược của mình phải là thêm bạn bớt thù để mạnh lên. Mình mạnh lên thì họ mới nể mình.
Mình càng ít bạn thì họ càng bắt nạt, thế thôi. Cũng giống như trẻ con ngoài phố ấy.
BBC: Thưa bây giờ ông nghĩ Việt Nam đã theo được đường hướng đa phương hóa đó chưa ạ?
Ông Trần Quang Cơ: Tôi thấy Việt Nam đang theo đường hướng đó khá tốt, quan hệ được với nhiều nước và khá đa dạng. Ví dụ như là 'chơi' với cả Israel và cả Palestine.
BBC: Còn quan hệ với Trung Quốc thì sao ạ? Có đánh giá là quan hệ hai bên đang tốt nhất từ trước tới nay, ông có đồng ý với ý kiến đó không?
Ông Trần Quang Cơ: Cái đó thì tùy ở vị trí từng người mà đánh giá. Tôi thấy quan hệ hiện giờ... tạm được (cười).
Ông Trần Quang Cơ, sinh năm 1920, phục vụ trong ngành ngoại giao 44 năm cho tới khi ông về hưu năm 1997. Trong thời gian đó, ông từng là Ủy viên Trung ương ****, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao.
Tháng Bảy 1991, ông xin không nhận chức bộ trưởng Ngoại giao thay thế ông Nguyễn Cơ Thạch và cuối năm 1993, ông tự ý xin rút khỏi Ban chấp hành Trung ương **** Cộng sản Việt Nam.
Năm 2001, ông cho ra hồi ký 'Hồi ức và Suy nghĩ' nói về các sự kiện ngoại giao thời hậu chiến. Tác phẩm này hiện được lưu truyền trên mạng internet.