Ngày 18 tháng 11 [1788], tôi đọc một lá thư đề ngày 20 tháng 9 [1788] của đức ông La Bartette gửi cho ông Le Breton, trong đó Đức ông cho biết rằng:
1. Tiếm vương Phú Xuân hay Bắc Vương vừa mới phong cho con trai ông làm Nam Vương lúc đó mới có 7 tuổi, nhưng hoàng tử đó được coi như được 12 tuổi, vì theo như lời đồn, các quan muốn nịnh người cha nên tặng cho người con nhiều tuổi hơn (tức là Nam Vương Nguyễn Quang Toản).
2. Bắc Vương đã ấn định ngày 11 tháng 10 [Âm lịch] tức ngày mồng 8 tháng 11 [ 1788] là ngày ông tự phong mình làm Hoàng đế dưới danh hiệu Quang Trung [có nghĩa là ánh sáng trung ương, tức là theo sự giải thích có lẽ đúng nhất, mặt trời của vũ trụ] đồng thời ông đang bận tính một kế hoạch vĩ đại theo như một sắc lệnh ban bố ngày 6 tháng 10 [Âm lịch] hay ngày 3 tháng 11 [1788] gởi cho đại thần Đại Tư Mã và tất cả các quan hay võ quan Tây Sơn làm việc tại Bắc Hà ; ngày 19, một giáo đồ Bắc Hà rất thân với Đại Tư Mã có cho bản sao của sắc vị đó. Tự văn bản đó như sau:
“Bởi sắc lệnh này ta cho các tướng Đại Tư mã, Đại [đô] đốc (Đại Tư mã là Ngô Văn Sở và Đại Đô đốc là Phan Văn Lân) và các võ quan khác biết rằng từ trước tới nay các vua chúa đều lấy luật pháp để cai trị thần dân và duy trì hòa bình, nên ta cũng noi gương các vị tiền bối mà đánh dấu ngày khởi đầu triều đại ta bằng cách soạn ra một bộ Luật để dân chúng sống trên đất đai ta nghiêm ngặt tuân theo. Vì thế ta đã giao cho các quan tư pháp và tham chính viện nhiệm vụ hoàn tất tác phẩm đó trong 1, 2 tháng. Trong khi chờ đợi ta ban bố vài pháp quy yêu cầu mọi người và mỗi các ngươi đứng đắn thi hành. Nội dung điều lệ đó như sau:
1) Nếu một võ quan hay binh lính nào phạm tội gì, các quan văn võ sẽ họp lại để xử tội họ và nếu tội đáng bị chết họ sẽ bị kết án tử hình.
2) Bởi vì trong thời chiến tranh, mỗi lần một vị chỉ huy sai thuộc hạ mình đi đánh địch, thuộc hạ đó phải tuyệt-đối tuân theo lệnh, người nào tử trận một cách can đảm sẽ được ban vẻ-vang. Trái lại ai vì sợ chết mà bỏ trốn sẽ bị sỉ nhục. Bởi vậy ta cho phép xử tử tức thì những kẻ trốn bổn-phận cũng như những kẻ cho địch có thời giờ dưỡng sức lại và tấn công vì hèn-nhát hay vì chậm-chạp; sau rồi các tướng lãnh phải báo cáo hành động của họ trong trường hợp đó.
3) Khi chiến tranh chấm dứt và khi quân đội trở về kinh đô và được trả lại cho chính quyền, không một quan chỉ huy nào được tự tiện xử tử một người ngang quyền hay ngang chức và ai mà vi phạm luật này sẽ không có hi vọng được khoan hồng.
4) Một lần xảy ra chuyện gì liên quan đến quốc gia hay việc công ích, mọi người đều phải lưu ý ngay đến việc đó kẻo một sự chậm trễ nhỏ nhặt có thể gây trở ngại cho công việc.Thời bình, sự mau lẹ đó cũng cần thiết rồi, huống chi tại Bắc Hà nơi cuộc chiến càng ngày càng ác-liệt, một cuộc chiến mà các ngươi phải coi như việc trọng-yếu bởi vì mỗi giây mỗi phút có thể mang lại nhiều sự thay đổi bất ngờ liên tiếp theo nhau như gió, như chớp hay như hơi và những biến chuyển đó lúc thì thuận, lúc thì nghịch thành thử không thể căn cứ trên cái gì chắc chắn được. Bởi vậy mỗi khi nhu cầu quốc gia hay tình hình chiến tranh bắt phải họp để thảo luận về những việc phải làm và mỗi khi ngày giờ họp được ấn-định, các quan văn võ sẽ phải họp ngay lập tức vào ngày giờ đó để bàn bạc và quyết-định với nhau. Nếu bất kỳ có người vì sơ-suất mà quên tới nơi họp đúng giờ, ta cho phép Tư Mã và Đại Đô [đốc] phạt họ tùy theo lỗi nặng hay nhẹ.
5) Nếu mỗi khi thuộc hạ quan chỉ huy đội [đơn vị quân Tây Sơn, 60-100 lính] hay thuộc hạ của ông đi đuổi bắt kẻ gian, đáng lẽ bảo vệ và che chở dân vô tội và hiền lành mà họ lại cưỡng đoạt của cải dân gian, áp bức đàn bà con gái, hay cướp phá những nơi họ đi qua thì cách cư xử đó thật đáng trách và chỉ mang đến cho dân chúng đáng thương sẽ đau khổ và thất vọng, vì họ phải chịu nhiều tai vạ hơn dưới thời Nhậm hay Tiết chế. Họ cư xử như vậy thì làm sao dân chúng yên lành được? Và làm sao gọi hành động đó là giải phóng dân chúng khỏi áp bức, và làm sao phạt thủ phạm cho được? Vậy ta ra lệnh cho các võ quan phải công bố trong cơ [đơn vị quân Tây Sơn, 300-500 lính] hay binh đoàn mình điều nghiêm cấm, không được lấy bất cứ vật gì của dân dù là một ngọn cỏ, nhưng ta không ngớt tuyên cáo trước đây. Các võ quan sẽ chắc chắn làm vừa lòng ta và đúng theo tình ý ta nếu hết sức thi hành điều nghiêm cấm đó. Ai cư xử như vậy có thể tin rằng sau khi chia sẽ cùng ta những nỗi khổ nhọc và những mối hiểm nghèo của thời chiến này, họ cũng sẽ chia-sẻ thanh-danh và hưởng thú vui thời bình cùng ta. Vả lại nữa, không ai có quyền dựa vào sự vắng mặt hay sự cách xa của ta để phiền nhiễu cướp bóc dân chúng và uy hiếp đàn bà con gái. Chỉ có khi nào ngưng và dẹp được những bạo-hành đó, họ mới có thể tự phụ giữ nổi chức vụ và bảo đảm an ninh cho cá nhân và gia đình họ, bằng không, đừng mong gì ta dung thứ họ.
Đó là những điều ta muốn các ngươi phải biết
Ngày 3 tháng 10 [Âm lịch] năm Thái Đức (Tiếm vương Nhạc) thứ 11.
Lúc đó Bắc Vương chưa thực thụ tự xưng Hoàng đế dưới danh hiệu Quang Trung [Chú thích của tác giả: Có lẽ đó là văn bản cuối cùng của ông đề Niên hiệu anh cả ông vì chính mắt tôi đã thấy hai sắc lệnh đề ngày 2 và 7 tháng 2 [1788] mang Niên hiệu năm đầu triều đại hay Hoàng đế chính thức Quang Trung].