Việc điều động lực lượng vừa kể đột nhiên làm mất tầm quan trọng chiến lược của Tche-fou. Trong suốt cuộc viễn chinh TQ, Tche-fou là kho lương chính của quân đội. Nay kho lương này chỉ còn dùng để tiếp tế cho các chiến hạm trong vùng, cho toán quân phòng ngự địa phương và cho vùng sông Bạch Hà (còn gọi là sông Hải Hà, là một con sông tại Trung Quốc, chảy từ Bắc Kinh và Thiên Tân tới vịnh Bột Hải của Hoàng Hải, dài 1.329 km) khi cần tới. Tuy vậy vị trí này còn giữ một tầm quan trọng khác; trong thời gian mà vịnh Bột Hải và sông Bạch Hà bị đóng băng thì phải dùng ngõ Tche-fou để liên lạc với Thiên Tân.
Các câu hỏi chi tiết được giải quyết giữa các tổng tham mưu trưởng thuộc hải quân và quân đội. Công việc chuyển quân lên tàu để trực chỉ Nam Kỳbắt đầu, mặc dù băng dá, xa bờ và bão tố.
Gió thổi gần như liên tục từ ngoài khơi vào; sóng dựng trên đáy biển bùn, chuyển thành sóng đập, tạo ra sình lầy gây thật nhiều trở ngại cho việc chuyển quân; nếu sóng lăn và dài thì ít gây khó khăn hơn. Khí lạnh đã bắt đầu gay gắt: dây thừng trên tàu đóng băng và sàn tàu cũng đông đá trơn trợt; ban ngày cũng thường đóng băng; ban đêm hàn thử biểu tuột xuống đến mười hay mười hai độ âm. Thủy thủ đoàn của các pháo hạm lớn từ Nam Kỳ vừa đưa tới đây, vì đã quá mệt mỏi sau hai năm chiến đấu dưới khí hậu nhiệt đới, nên phải chịu gian khổ vô cùng. Vào khoảng 20 tháng 11, nước đá bắt đầu bít sông Bạch Hà. Pháo hạm Alarme bị một cơn gió mạnh làm mắc cạn trên bãi ngay phía trước Ta-kou, mất luôn bánh lái và một phần đuôi tàu. Hộ tống hạm Alom-prah gặp khó khăn vì chân vịt không sử dụng được. Pháo hạm Fusée bị kẹt băng trên sông Bạch Hà, sau đó nhờ một trận nước lũ bất ngờ mới thoát ra được, nhưng khi ấy thì việc chuyển quân đã thực hiện xong, cả đạo quân lên đường hết rồi.
Một phần quân số và quân trang được chuyển lên tàu từ một địa điểm cách bờ sáu hải lý, vào đúng lúc cái lạnh của mùa đông càng ngày càng khốc liệt. Ðây là cuộc hành quân không chiến đấu khó khăn nhất mà hải quân ta đã thực hiện. Việc chuyển quân đánh dấu cuộc viễn chinh TQ đã chấm dứt, chuyển sang chuẩn bị cho cuộc viễn chinh Nam Kỳ. Nhưng thật ra thì việc chuẩn bị viễn chinh Nam Kỳđược điều động ở Sha-lui-tien(tên 1 hòn đảo nhỏ trên vịnh Bột Hải, nơi đây hạm đội Pháp đóng quân) cách Bắc Kinh sáu mươi dặm và cách Sài Gòn đến tám trăm dặm ( 1 dặm Pháp khoảng 4,445 km), các đoàn quân tham chiến ở Nam Kỳ tiến về Sha-lui-tien, các pháo hạm bằng sắt cũng được kéo về nơi này. Pháo hạm bằng sắt loại nhỏ hết sức đắc dụng trong các trận chiến, đã góp công đáng kể vào các trận đánh buộc các đồn bốt trên sông Bạch Hà phải đầu hàng. Người ta thấy loại pháo hạm này ngược xuôi không ngừng trên sông, chuyên chở quân lính và tiếp liệu. Chúng hết sức hữu dụng ở bất cứ nhiệm vụ tác chiến nào được giao phó. Cách đóng các pháo hạm bằng sắt vừa kể đâu có dự tính để dùng vào việc chuyên chở giữa bến Sha-lui-tien và các chiến hạm ở cửa sông Bạch Hà; khoảng cách sáu hải lý, biển động, sóng lắc, tàu chòng chành một cách đáng ngại. Máy tàu không đủ mạnh để ngược sóng trong lúc gió mạnh, nhưng là một phương tiện vô cùng quí giá hỗ trợ cho lính hải quân trên đường chiến đấu: pháo hạm đủ sức dùng làm tàu kéo, đôi khi cũng dùng để chở nặng. Nhờ các tàu này mà việc chuyển quân hoàn tất trong hai mươi ngày, mặc dù biển động, gió bão và trời lạnh. Các tàu này đã giúp thật nhiều cho thủy thủ đoàn khỏi ra tay chèo chống; thật ra thì thủy thủ đoàn dù có bắt buộc họ chèo họ cũng không đủ sức. Ở Nam Kỳ, nơi sông ngòi chằng chịt, vai trò của các pháo hạm sẽ còn cần thiết hơn nữa; ta có thể đoán trước rồi đây các tàu này sẽ là những phương tiện rất tốt vừa để chiến đấu vừa để tiếp vận trong cuộc chiến ở Nam Kỳ. Nhưng phải công nhận việc kéo những chiếc tàu kéo pháo hạm chạy bằng hơi nước, chỉ dự trù hoạt động trong vùng nước êm, suốt tám trăm dặm đường biển để đến Nam Kỳ, là một kinh nghiệm mới cho binh chủng Hải quân. Súng đại bác, đạn dược, lương thực trên các pháo hạm đều chuyển sang các tàu kéo. Các khe hai bên vách tàu được bít kín, than đem dồn về phía mũi tàu để khi kéo thì đầu tàu khỏi bị ngóc cao quá độ. Các pháo hạm đã vượt qua khỏi mọi thử thách, chỉ mất có hai chiếc bị chìm trên đường đến Nam Kỳ.