[Funland] Dịch sách cổ thời Đường: Lĩnh Biểu Lục Dị

doctor76

Xe ngựa
Người OF
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
25,004
Động cơ
698,243 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Vài lời ngỏ:
Đã lâu đọc lại những bản thảo cũ, em chợt thấy bản nháp dịch cuốn: Lĩnh Biểu Lục Dị của tác giả Lưu Tuân thời nhà Đường, bản dịch nháp đã gần hoàn thành, xong lại bỏ bẵng khá lâu.
Lẽ ra em đã dịch xong cuốn: Xứ Đàng Ngoài năm 1648, cuốn này được viết bằng tiếng Latin và Pháp, sách rất hay, rất thú-vị, đã dịch được 50 trang từ bản tiếng Pháp, nhưng chợt thấy tác giả là giáo sĩ người Ý, nên đọc lại nguyên tác bằng tiếng Latin, vì thế lại đọc và so sánh với bản tiếng Pháp [do chính tác giả dịch]; thấy bản Pháp văn hay hơn, nhưng rồi em vẫn dịch từ tiếng Latin, có gì khó thì bổ xung thêm bản tiếng Pháp vậy.
Dịch sắp xong thì bỗng lũ con mượn máy chơi, chúng nó xóa mất, tìm mãi, khôi phục mãi không xong.
Em quay lại cuốn này, thấy cũng hay, bèn hoàn chỉnh nốt, phần khó nhất là hiệu-đính, do chữ Hán thời Đường có những chữ cổ, mang nghĩa khác, hoặc mang nhiều điển tích, điển cố cần phải bổ chú, nên cẩn thận đọc lại, xem lại và hoàn thành.
Nay sách đã xong, xin mời các cụ yêu thích cổ sử cùng đọc.
Cuối cùng, do trình độ Hán ngữ vô cùng ngu dốt, văn phong quê mùa, kiến thức nông cạn, đâu dám múa rìu qua mắt thợ, cũng xin mạo muộn được nhận góp ý.
 

tauchien

Xe điện
Biển số
OF-4468
Ngày cấp bằng
29/4/07
Số km
2,027
Động cơ
716,530 Mã lực
E thấy ngưỡng mộ cụ quá, e sẽ tìm đọc sách của cụ
Xin hỏi cụ xuất bản online hay là bán ở đâu nhỉ ?
 

doctor76

Xe ngựa
Người OF
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
25,004
Động cơ
698,243 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Lĩnh Biểu Lục Dị 嶺表錄異, còn gọi là Lĩnh Biểu Lục嶺表錄, Lĩnh Biểu Lục Dị Ký嶺表錄異記, Lĩnh Biểu Ký嶺表記, Lĩnh Nam Lục Dị嶺南錄異, là tác phẩm của Lưu Tuân 劉恂 thời nhà Đường. Lưu Tuân từng giữ chức Tư mã Quảng Châu廣州司馬 vào thời vua Đường Chiêu Tông唐昭宗 [888-904].
Về tác giả Lưu Tuân, người ta không rõ năm sinh, năm mất của ông, chỉ biết ông người huyện Hùng雄縣, tỉnh Hà Bắc河北 [nay vẫn là huyện Hùng thuộc địa cấp thị Bảo Định, tỉnh Hà Bắc]. Thời Đường Chiêu Tông, ông từng giữ chức Tư mã Quảng Châu. Sau khi mãn nhiệm, do kinh đô rối loạn, ông dời về sinh sống ở Nam Hải. Lĩnh Biểu Lục Dị được viết khi ông làm quan ở vùng Lĩnh Nam.
Lĩnh Biểu Lục Dị chủ yếu ghi chép về sản vật, đời sống xã hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số ở khu vực Lĩnh Nam (hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây), trong đó tập trung nhiều nhất vào Quảng Đông. Sách ghi chép đầy đủ về các loài cỏ, cây, cá, côn trùng, chim, thú, thậm chí còn có những câu chuyện kỳ văn dị sự về việc gặp gỡ quốc gia chó, quốc gia người khổng lồ, quốc gia người lùn khi đi thuyền trên biển. Chuyện "Mẹ Rồng ở Duyệt Thành " [Duyệt Thành Long Mẫu 悅城龍母] cũng xuất hiện lần đầu tiên trong sách này.
Các cuốn sách nổi tiếng như: Thái Bình Hoàn Vũ Ký, Thái Bình Quảng Ký, Thái Bình Ngự Lãm đều có trích dẫn nhiều từ sách này.
Nguyên bản sách đã bị thất lạc, nhưng các học giả đời nhà Thanh đã tập hợp lại từ Vĩnh Lạc Đại Điển永樂大典, hiện còn lưu giữ 124 mục, chia thành 3 quyển. Tứ Khố Toàn Thư四庫全書 đánh giá: "Từ xưa đến nay, những nhà khảo cứu đều lấy đây làm bằng chứng. Sách này không chỉ là sách hướng dẫn về địa lý, mà còn là nhánh nhỏ của sách Cang Nhã, giúp ích cho việc mở rộng kiến thức, không hề tầm thường". Sách này đã ảnh hưởng đến Quảng Đông Tân Ngữ của Cù Đại Quân, Việt Đông Bút Ký của Lý Điều Nguyên và nhiều tác phẩm khác.
Sách được chi thành 3 quyển là: Quyển thượng, quyển trung, quyển hạ.
 

doctor76

Xe ngựa
Người OF
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
25,004
Động cơ
698,243 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
QUYỂN THƯỢNG
Vào mùa thu và mùa hè ở Nam Hải南海, thỉnh thoảng mây đen mù mịt, có xuất hiện cầu vồng dài sáu bảy thước. Theo dấu hiệu này thì chắc chắn sẽ có gió lớn, vì vậy người ta gọi nó là Cụ Mẫu颶母 [Cơn gió mẹ]. Nếu bỗng nhiên xuất hiện sấm sét thì gió lớn sẽ không xuất hiện. Thuyền nhân thường dựa vào dấu hiệu này để chuẩn bị trước.
Gió dữ gọi là Cụ 颶 [đúng ra là cụ phong颶風 nghĩa là: cơn lốc hay gió bão]. Sức mạnh của nó có thể phá hủy nhà cửa, bẻ gãy cây cối, không thể nào diễn tả hết. Khi dữ dội nhất, nó có thể cuốn bay mái ngói như cánh bướm. Có nơi hai ba năm mới có một cơn lốc, có nơi một năm có hai ba cơn, điều này cũng liên quan đến việc chính sự của quan lại tốt hay xấu. Tuy nhiên, cơn lốc thường xuất hiện từ giờ Ngọ đến giờ Dậu, và sẽ dừng hẳn vào nửa đêm. Đây là ý nghĩa của câu "gió thổi không suốt buổi sáng" vậy.
Vùng Lĩnh Nam thỉnh thoảng có hiện tượng nhìn thấy vật thể từ trên không rơi xuống, ban đầu nhỏ như viên đạn, dần dần to như bánh xe, sau đó vỡ ra tứ phía. Người nào bị vật thể này rơi trúng sẽ bị bệnh, gọi là chướng mô瘴母 [phát sinh khí độc trong cơ thể]. Núi non ở Lĩnh Nam hiểm trở, chập chùng, không dễ thông thoáng, nên thường có sương mù tạo thành chướng lệ 瘴癘 [bệnh tật phát sinh do nhiễm phải khí độc trong rừng]. Người dân hít phải chướng khí thường bị bệnh, bụng to lên như cái trống. Tục truyền rằng có loại tiểu trùng độc làm hại người do hàng trăm con trùng tụ lại thành, để đầu độc con người. Thực ra, vùng đất ẩm ướt là nơi sinh sống của các loại côn trùng độc, chứ không phải người dân Lĩnh Nam bản tính hung ác hay hãm hại người khác.
 

doctor76

Xe ngựa
Người OF
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
25,004
Động cơ
698,243 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Đạp Thiều 沓潮 là hiện tượng nước biển dâng cao bất thường xảy ra ở Quảng Châu, cách biển không xa khoảng hai trăm dặm. Hàng năm, vào tháng tám, nước triều lên cao nhất, và vào mùa thu thường có nhiều cơn bão. Khi nước triều chưa rút hết, bão lại ập đến, khiến cho nước triều dâng cao hơn nữa, tràn bờ, nhấn chìm nhà cửa, cuốn trôi lúa mạ, đánh đắm thuyền bè. Người dân miền Nam gọi đây là Đạp Thiều [hiện tượng này có thể xảy ra vài năm một lần, cũng có thể do sự sai lệch của thời tiết]. Người dân thường gọi là 海翻 [hải phiên] hoặc 漫天 (mạn thiên).
Núi lửa Tây Sơn西火山 nằm ở bờ đối diện với thành phố Ngô Châu梧州. [ sách 太平寰宇記 Thái Bình Hoàn Vũ Ký, dưới câu này có thêm tám chữ 「山形高下大如桂林: hình dạng núi cao thấp như núi Quế Lâm]. Dưới chân núi có một hồ nước trong vắt, sâu không thấy đáy. Lửa trên núi thường xuất hiện trên đỉnh núi vào ban đêm, cách ba đến năm ngày một lần. Khi đến canh một, lửa bắt đầu bùng cháy, đỉnh núi rực sáng như hoa dại 野花, một lát sau thì tắt. Có người nói rằng dưới núi có viên ngọc quý, ánh sáng chiếu lên trên như lửa. Trên núi có cây vải thiều, chín sớm vào tháng tư. Do địa nhiệt cao nên nơi đây được gọi là núi lửa.
Từ Quỳnh Châu đến khe suối trong núi Báo Khê報溪澗, trong khe núi có những tảng đá xếp chồng lên nhau như bậc thang. Nước chảy qua các khe đá, có chỗ cách nhau hai ba thước, trông như do trời tạo nên, người ta có thể bước trên đá mà qua. Có người cưỡi bò qua suối, bò đều thu gọn bốn móng, nhảy qua suối, có con trượt chân thì theo dòng nước mà trôi xuống. Người ta thấy vậy đều cười, người dân địa phương có câu tục ngữ rằng: "Nhảy qua đá bò lăn - buồn cười, buồn cười."
Phan Châu 潘州 trước đây có người phương sĩ, tên là Phan Mậu 潘茂, đi về nơi ấy, bèn bay lên trời hóa ra tiên, lên người ta lấy tên mà đặt vậy.
Tại châu Bạch白州 có một dòng suối, bắt nguồn từ núi Song Thủy雙水山, hợp lưu với sông Dung Châu容州江, được gọi là giếng Lục Châu綠珠井, nằm dưới chân núi Song Giác雙角山. Xưa kia, con gái họ Lương có nhan sắc đẹp, Thạch Quý Luân石季倫 làm quan Thái thú Giao Chỉ, dùng trân châu để mua lấy. Nơi ở cũ của họ Lương, giếng xưa vẫn còn đó. [Theo sách Thái Bình Hoàn Vũ Ký ghi chép lại, giếng xưa nay đã bị lấp].
 

doctor76

Xe ngựa
Người OF
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
25,004
Động cơ
698,243 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Tại vùng biển biên giới của châu Liêm廉州 [nay là thành phố cấp huyện cấp thị Liêm Châu, Quảng Tây, giáp với Phòng Thành cảng và Móng Cái nước ta], có một hòn đảo, trên đảo có một hồ lớn. Hàng năm, quan Thái thú thu thuế, đích thân giám sát người dân lấy ngọc trai vào hồ, hồ nằm trên biển, nghi là đáy thông với biển. Nước hồ lại vô cùng sâu thẳm, không thể đo lường được. Ngọc trai thường to bằng hạt đậu. Cũng có lúc tìm được ngọc trai to bằng viên đạn, đường kính một tấc có thể soi sáng cả căn phòng, nhưng rất hiếm gặp. Người ta còn lấy thịt con trai nhỏ, xâu bằng tre, phơi khô, gọi là Châu Mẫu 珠母 [mẹ ngọc trai]. Người dân Dung-Quế thường đốt nó để dâng trong rượu. Trong thịt có những viên ngọc trai nhỏ như hạt gạo, mới biết rằng con trai dù to hay nhỏ, trong bụng đều có ngọc trai. [Sách Chính Hòa Bản Thảo 政和本草 ghi chép chính xác hơn: Tại vùng biển biên giới của châu Liêm có một hòn đảo, trên đảo có một hồ lớn, gọi là hồ ngọc trai. Hàng năm, quan Thái thú đích thân giám sát người dân lấy ngọc trai vào hồ thu hoạch trai già cắt lấy ngọc, thu nộp để cống nạp. Hồ tuy nằm trên biển, nhưng người ta nghi là đáy hồ thông với biển, nước hồ lại ngọt, điều này không thể đo lường được. Người dân địa phương lấy thịt con trai nhỏ làm món thịt khô, ăn thường hay có được những viên ngọc trai nhỏ như hạt gạo. Mới biết rằng con trai trong hồ này dù to hay nhỏ, đều có ngọc trai].
Bên trong Ngũ Lĩnh, các vùng Phú Châu富州, Tân Châu賓州, Trừng Châu澄州, Giang Khê江溪間 đều có vàng. Người dân sống gần đó lấy nghề đãi vàng làm nghiệp. Có người từ sáng đến tối không kiếm được một hạt vàng nào.
 

doctor76

Xe ngựa
Người OF
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
25,004
Động cơ
698,243 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Vàng Trừng Châu [nay thuộc khu tự trị Choang Quảng Tây] là tốt nhất. Vài năm trước, tôi có gửi tặng cho người thân ở kinh đô hai mươi lạng vàng Trừng Châu, họ lấy làm lạ vì nó quá ít. Bạn tôi nói:
-Vàng tuy ít, nhưng quý ở chỗ nó có thể phát sáng vào ban đêm, khác với vàng thường!
Tôi ở lại để thử, quả thực là như vậy.
Huyện Hàm Khuông 浛洭縣 của Quảng Châu廣州 có nhiều vàng [vào thời nhà Đường, đổi tên từ huyện Hàm Hối thành Hàm Khuông, trị sở đặt tại Hàm Quang, tây bắc thành phố An Đức, tỉnh Quảng Đông ngày nay. Huyện Hàm Khuông từng thuộc về các đơn vị hành chính như châu Hối, Quảng Châu và phủ Hưng Vương. Năm 972 (năm Khai Bảo thứ 5) thuộc thời Bắc Tống, do tên Hàm Khuông phạm húy với tên của vua Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận nên được đổi tên thành huyện Hàm Quang]
[Tác giả có nhầm lẫn hoặc do in nhầm chữ, xét theo Đường Địa lý chí 唐。地理志, tên huyện là 治涯 Trị Nhai, ngày nay thuộc Quảng Nguyên, tỉnh Cao Bằng] Người dân địa phương bỗng dưng có người nuôi ngỗng, vịt, thường thấy trong phân có những mảnh vàng mỏng như cám, bèn nuôi nhiều, thu gom phân để đãi, mỗi ngày được một lạng hoặc nửa lạng, nhờ đó mà trở nên giàu có.
Núi Lũng Châu nhiều thạch anh tím, màu sắc phớt tím, chất liệu trong suốt, to nhỏ đều có năm cạnh, hai đầu như mũi tên, nấu nước uống thì ấm và không độc. So với thạch anh trắng ở phương Bắc thì tác dụng gấp đôi.
Cách huyện Duyệt Thành悅城縣, châu Khương康州 khoảng hơn 100 dặm về phía bắc có hang đá Cháy樵石穴 [Tiều thạch huyệt]. Mỗi năm, người dân địa phương đẽo đá thành dụng cụ nấu nướng, chỉ cần nung nóng cho thật kỹ, lót một vật gì đó dưới đáy, đặt vào đĩa, rồi cho thịt cá sống, hành lá, rau dưa muối các loại vào, chỉ một lát là chín, mà suốt bữa ăn vẫn sôi sùng sục. Người dân miền Nam thường dùng trong những dịp tụ tập bạn bè, người thân. Ăn nhiều cũng rất nóng trong người, nghi là đá có độc tố do hỏa khí.
 

doctor76

Xe ngựa
Người OF
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
25,004
Động cơ
698,243 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Hố đất sét trắng nằm ở góc phía bắc thành Phú Châu富州城 [Phú Châu thành ngày nay là Phúc Châu 福州, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến]. Đất ở đó trắng mịn, người dân trong quận lấy đó làm hàng hóa, không bao giờ cạn kiệt. Phụ nữ ở Ngũ Lĩnh ngày nay đều dùng nó làm phấn, còn gọi là phấn chì.
Vảy đồi mồi hình dạng giống con rùa, chỉ có phần mai ở bụng và lưng có đốm đỏ [Sách Thảo bản (Sách y học cổ truyền Trung Quốc, ghi chép về các loại thảo dược và động vật có tác dụng chữa bệnh) nói rằng vảy đồi mồi có tác dụng giải độc], loại lớn gọi là đá Tất Bà Sa 悉婆娑 [Một loại đá quý có màu đỏ] còn có tác dụng trừ tà. Lư Đình người Quảng Nam廣南 [nay là Quảng Tây và một phần Việt Nam] ghi chép trong sách Hải Đảo dị nhân: người dân ở đảo trên biển bắt được một con rùa vảy đồi mồi còn sống, đem dâng cho Tiết Vương [tức là Lý Khắc Dung 李克恭, Vua thứ 8 của nước Tây Bình 西平, thời gian trị vì: 879 – 886, ông cai trị khu vực Quảng Nam (nay là Quảng Tây và một phần Việt Nam)] người kế vị chức quan trấn thủ. Vua ra lệnh lấy sống hai mảnh mai nhỏ ở lưng rùa, đeo trên cánh tay trái để trừ tà. Rùa bị lột sống mai, vô cùng đau đớn. Sau đó được nuôi dưỡng ở hồ nước phía sau nhà quan, đợi chỗ bị lột dần dần mọc lại, rồi lại sai Lư Đình đưa về bờ biển. Có người nói rằng nếu vảy đồi mồi còn sống, đeo nó sẽ có hiệu nghiệm. Khi thức ăn hoặc đồ uống có độc tố, vảy đồi mồi sẽ tự rung động. Nếu vảy đồi mồi đã chết, sẽ không có hiện tượng này.
Các châu Tân Lung 新瀧等州 [nay là thành phố La Định,Quảng Đông] nơi đất hoang vu trên núi được san bằng, dùng cuốc xới thành luống, đợi đến khi mưa xuân đọng nước trong ruộng, lập tức mua con giống cá lóc, thả vào ruộng, sau một hai năm, cá lớn lên, ăn hết rễ cỏ, vừa thành ruộng tốt, vừa thu hoạch lợi ích từ cá; khi trồng lúa, lại không có cỏ bại稗 [một thứ cỏ hoang giống như lúa, hơi đắng, có thể nấu cháo ăn được; ở ta gọi là cỏ Kê], là phương pháp tốt nhất để nuôi dưỡng người dân.
 

doctor76

Xe ngựa
Người OF
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
25,004
Động cơ
698,243 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Cột đồng.
Xưa kia, Vi Công Cán韋公幹 làm Thái thú Ái Châu愛州刺史 [thời nhà Đường, năm Vũ Đức thứ 5 (622) thời Đường Cao Tổ, lập Ái Châu thuộc Giao Châu tổng quản phủ, bao gồm 4 huyện: Cửu Chân, Tùng Nguyên, Dương Sơn, An Thuận.Trong vùng đất cũ của quận Cửu Chân thời Tùy còn lập ra 7 châu là Tích Châu, Thuận Châu, An Châu, Vĩnh Châu, Tư Châu, Tiền Chân Châu, Sơn Châu. Sau đó đổi tên Vĩnh Châu thành Đô Châu. Năm Vũ Đức thứ 9 (626), đổi tên Tích châu thành Nam Lăng châu. Năm Trinh Quan thứ nhất thời Đường Thái Tông, phế bỏ Đô Châu và nhập vào Tiền Chân Châu. Cùng năm, phế bỏ Tiền Chân Châu, nhập chung vào Nam Lăng Châu. Sau lại phế bỏ An Châu thành huyện Long An, phế bỏ Sơn Châu thành huyện Kiến Sơ. Sau đó bỏ 2 huyện Dương Sơn, An Thuận và nhập vào huyện Cửu Chân. Đổi tên Nam Lăng Châu thành Chân Châu. Năm Trinh Quan thứ 8 (634), bỏ huyện Kiến Sơ và nhập vào huyện Long An. Năm Trinh Quan thứ 9 (635), bỏ huyện Tùng Nguyên và nhập vào huyện Cửu Chân. Năm thứ 10 (636), bỏ Chân Châu, lấy 4 huyện Tư Phố, Quân An, Nhật Nam, Di Phong cho thuộc vào Ái Châu. Năm Thiên Bảo thứ 1 (742) thời Đường Huyền Tông, đổi lại thành quận Cửu Chân. Năm Càn Nguyên thứ 1 (758) thời Đường Túc Tông lại phục hồi tên gọi Ái Châu. Theo Cựu Đường thư, thời kỳ thuộc niên hiệu Thiên Bảo thì quận Cửu Chân có 6 huyện và 14.700 hộ dân. Như vậy, cuối thời Đường thì Ái Châu bao gồm 6 huyện: Cửu Chân, An Thuận, Sùng Bình, Quân Ninh, Nhật Nam, Vô Biên, ngày nay, Ái Châu là phần lớn tỉnh Thanh Hóa], nghe nói có cột đồng do Phục Ba tướng quân [Mã Viện] dựng để đánh dấu ranh giới lãnh thổ trong khu vực. Công Cán thấy cột đồng có giá trị nên muốn nung chảy để bán lấy tiền. Người Hồ [tức là các dân tộc không phả người Hán, ở đây chỉ người Việt] không biết cột đồng do ai dựng nên, lại cho là vật thần, bèn khóc rằng:
-Nếu mà dứt khoát phá hủy cột đồng, chúng tôi sẽ bị người ở biển giết!
Công Cán không nghe. Người dân bèn chạy đi kêu cứu với Đô đốc, Hàn Ước viết thư trách móc Công Cán, Công Cán mới thôi. [韓約 Hàn Ước là là quan nhà Đường, giữ chức Thái thú Kim Thành và Đô đốc Ung Châu]
 

doctor76

Xe ngựa
Người OF
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
25,004
Động cơ
698,243 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Nhạc của người Man Di [cách gọi khinh bỉ người Việt và các dân tộc khác ngoài Trung Hoa] có trống đồng, hình dạng như trống cơm nhưng một đầu có mặt trống. Mặt trống hình tròn, đường kính khoảng hai thước, mặt và thân liền nhau, đúc toàn bộ bằng đồng. Trên thân trống có khắc họa các hình văn về côn trùng, cá, hoa và cỏ, cả thân trống đều dày đều, dày hơn hai phân, kỹ thuật đúc thật là tinh xảo. Đánh vào thì tiếng vang to, không thua gì tiếng trống da trâu. Vào niên hiệu Trinh Nguyên貞元 [niên hiệu của Đường Đức Tông, 785-805], nước Phiếu驃國 [tên gọi chung cho các thành bang của người Phiếu từng tồn tại ở miền Trung và miền Bắc Myanmar] dâng cống nhạc, trong đó có trống đồng hình con ốc ngọc [Ốc ngọc là ốc màu trắng, không phải là đá được đẽo gọt]. Như vậy biết rằng nhà các tù trưởng ở phương Nam đều có loại trống này. Cuối niên hiệu Hàm Thông咸通 [860-874], Trương Trực Phương張直方 từ chức Thứ sử U Châu幽州, được cử làm Thứ sử Cung Châu龔州刺史 [nay thuộc khu tự trị Choang Quảng Tây]. Sau khi nhậm chức, ông tu sửa thành châu, trong lúc đào đất đã phát hiện một chiếc trống đồng, bèn mang về kinh. Khi đến Tương Hán襄漢 [tên gọi chung cho khu vực gồm 襄陽 Tương Dương và Hán Khẩu, thuộc tỉnh Hồ Bắc], ông cho rằng đây là vật vô dụng, bèn đem tặng cho Thiền viện Diên Khánh延慶禪院, dùng thay cho mõ, treo ở trai đường, hiện nay vẫn còn lưu giữ. Vào thời vua [Đường] Hy Tông [唐僖宗 (8 tháng 6 năm 862 – 20 tháng 4 năm 888), húy Lý Huyên 李儇, là Hoàng đế thứ 19 hay 21 của triều đại nhà Đường], khi Trịnh Nhân 鄭絪 trấn thủ Phiên Ngung, có người tên là Lâm Ái 林藹 làm Thái thú Cao Châu [nay là một thành phố cấp địa khu thuộc tỉnh Quảng Đông, nằm ở phía tây nam của tỉnh Quảng Đông, giáp với các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam. Cao Châu có lịch sử lâu đời, có thể từ thời nhà Tần, từng là kinh đô của nước Nam Việt trong thời kỳ Chiến Quốc]. Có một cậu bé nhà quê, khi chăn bò nghe thấy tiếng ễnh ương kêu trong ruộng. Cậu bé chăn bò bèn bắt nó. Con ễnh ương nhảy vào một cái hang, đào sâu và rộng ra, thì đó là mộ của tù trưởng người Man. Con ễnh ương không thấy đâu nữa, trong hang phát hiện ra một chiếc trống đồng, màu xanh lục, bị đất mòn nhiều chỗ, trên mặt trống có hình ếch và nhái được đúc nổi. Nghi tiếng kêu kia là tiếng trống thần bí vậy. [Bèn] Viết thành văn bản tấu trình sự việc, nộp lên quan cừ súy Quảng Đông, treo ở kho vũ khí, nay vẫn còn lưu giữ.
 

doctor76

Xe ngựa
Người OF
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
25,004
Động cơ
698,243 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Những ngày lễ quan trọng ở Lĩnh Biểu là:
臘一: Lạp Nhất [Tế chạp. Lễ nhà Chu, cứ cuối năm tế tất niên gọi là đại lạp 大臘, tháng mười hai gọi là lạp nguyệt 臘月 tháng chạp, đây là ngày đầu năm]
伏二: Phục Nhị [Lễ Hạ Nguyên (ngày 15 tháng 7 Âm Lịch)]
冬三: Đông Tam [Lễ Đông Chí]
年四: Niên Tứ [Tết Đoan Ngọ]
Người dân tộc thiểu số buôn bán ở cửa sông Thạch Khê石溪口 [Nằm ở phía tây nam thành phố Nam Ninh, thuộc khu vực Giang Nam. Tọa lạc tại ngã ba sông Thạch Khê và sông Liễu Giang. Cách trung tâm thành phố Nam Ninh khoảng 20 km], châu Ung, cho đến nay vẫn gọi là chợ người Liêu.
Tại Quảng Nam廣南 có nhà dùng để giã gạo [nguyên văn: thung đường舂堂], dùng gỗ nguyên khối khoét thành máng. Một máng có khoảng mười cối, nam nữ đứng đối diện nhau, dùng cối để giã lúa gạo. Khi giã, cối va vào máng, tiếng vang khắp nơi; tiếng máng như tiếng trống, nghe xa đến vài dặm. Cho dù người phụ nữ nhớ chồng dùng chày đập quần áo vào mùa Thu cũng không thể sánh được với tiếng giã lúa vang lừng ấy. [雖思婦之巧弄秋砧,不能比其劉亮也: tuy tư phụ chi xảo lộng Thu châm, bất năng bỉ kì lưu lượng dã; câu này rất khó dịch, vì nó chứa nhiều nét văn hóa đặc trưng của Trung Quốc, những cụm từ như Tư Phụ思婦, Thu Châm秋砧 khá xa lạ với bạn đọc hiện đại]
Thuyền của người buôn không dùng đinh sắt, chỉ dùng râu cây dừa núi [cây quang lang 桄榔 còn gọi là cây báng (các tên gọi khác: đác, co pảng, quang lang, bụng báng, búng báng, báng búng, Cây Tà vạt, Cây rượu trời, Cây dừa núi), danh pháp khoa học Arenga pinnata, là giống cây lâu năm thuộc họ Cau, có nguồn gốc khu vực nhiệt đới châu Á, từ đông Ấn Độ về phía đông tới Malaysia, Indonesia, và Philippines. Ở Việt Nam, cây báng mọc nhiều ở chân núi ẩm (Cao Bằng, Lạng Sơn), chân núi đá vôi, trong rừng thứ sinh. Bột trong lõi cây có thể dùng làm lương thực. Cho đến giữa thế kỉ 20, người Rục ở miền tây Quảng Bình còn lấy bột báng làm lương thực chính. Hiện nay ở Trung Quốc họ sử dụng bột báng rất nhiều để làm đồ uống mát bổ có lợi cho sức khỏe, bột báng còn là chất phụ gia không thể thiếu trong ẩm thực và làm bánh kẹo. Lõi của trái trên cây là hạt đác, rất được ưa chuộng ở Indonesia (được gọi là kolang-kaling or buah tap) hay Philippines (được gọi là kaong). Ở Việt Nam, loại hạt này là đặc sản của vùng Nam Trung Bộ như những tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Dân miền núi thường lấy ruột cây để ủ men nấu rượu. Được nấu từ ruột cây báng sau khi đã ủ men rượu. Rượu báng là đặc sản của dân miền núi đá cao. Hiện nay ở một số xã của tỉnh Cao Bằng người dân vẫn làm rượu từ cây báng, nhưng phải mất khá nhiều thời gian để ủ và lên men (4 tháng) mới có thể cất rượu được] để buộc lại, rồi trét bằng keo nhựa trám [橄欖 cây trám, cây cà na (tiếng Pháp: olivier), còn gọi là: nam uy 南威, gián quả 諫果, thanh quả 青果, trung quả 忠果] keo nhựa khô rất cứng, khi vào nước như sơn vậy.
 

doctor76

Xe ngựa
Người OF
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
25,004
Động cơ
698,243 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Đất Phiên Ngung không có cáo thỏ, người ta dùng lông hươu, lông chồn để làm bút. Còn ở các châu Chiêu Phú, Xuân Cần, thì dùng lông gà để làm bút. Công dụng cũng giống như bút lông thỏ, chỉ tiếc chưa thấy có tên gọi là " bút lông chuột".
Hộ gia đình họ Đào ở Quảng Châu đều làm nồi niêu đất, nung nóng, tráng bằng dầu đất: dầu và men thông nhau. Về độ sạch sẽ thì tốt hơn đồ sắt. Đặc biệt thích hợp để nấu thuốc. Một đấu [斗 đơn vị đo lường thể tích thời cổ, tương đương với 10 lít, ở đây chỉ cái nồi đất to cỡ ấy] chỉ có giá mười đồng tiền, người ta cẩn thận dùng có thể được vài ngày, nếu nung bằng lửa lớn cho khô thì lập tức nứt vỡ. Đây cũng là vật dụng giúp ích cho người nghèo.
Sáo bầu. Người Giao Chỉ交趾人 thường lấy quả bầu già không có cuống cắt ra làm sáo. Trên lắp mười ba lưỡi gà, thổi lên âm thanh thanh tao, nhịp nhàng, hợp với luật âm nhạc.
[Sáo bầu: 葫蘆笙 Hồ Lô sênh, làm bằng quả bầu, khoét 13 lỗ, trong có máng đồng thổi ra tiếng. Trần Nhân Tông 陳仁宗: Bách bộ sanh ca cầm bách thiệt 百部笙歌禽百舌 (Hạnh Thiên Trường phủ 幸天長府) Trăm bộ sênh ca là trăm tiếng chim. Luật âm nhạc: dịch từ 2 chữ 律呂 Luật lữ; xuất phát từ cụm từ Luật Dương 律陽, một trong mười hai luật của âm nhạc cổ Trung Quốc. Cao Bá Quát 高伯适: Luật xuy Thử Cốc hàn ưng chuyển 律吹黍谷寒應轉 (Cấm sở cảm sự 禁所感事) Thổi điệu nhạc luật, cái lạnh ở Thử Cốc cũng phải chuyển (thành ấm áp)]


1711423713157.png
 

doctor76

Xe ngựa
Người OF
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
25,004
Động cơ
698,243 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Thủ lĩnh ở phương Nam [tức miền Bắc Việt Nam bây giờ], nhiều người chọn lông vũ mịn của ngỗng, kẹp với vải vóc, chần thành chăn, lại đan xen chắp vá, độ ấm áp không thua kém chăn bông. Tục ngữ nói rằng: Lông ngỗng mềm mại ấm áp mà tính lạnh khắp, thích hợp đắp cho trẻ sơ sinh, trừ chứng kinh phong.
Lư Đình hoặc Lư Tuần, trước đây chiếm giữ Quảng Châu, sau khi thất bại, tàn quân chạy vào đảo, sống hoang dã, chỉ ăn hàu, sò, chất vỏ làm tường.
[Lư Tuần (卢循, ? – 411), tên tự là Vu Tiên, tên lúc nhỏ là Nguyên Long, người huyện Trác, Phạm Dương. Ông đã kế tục anh vợ Tôn Ân lãnh đạo nhân dân Chiết Đông chống lại chính quyền Đông Tấn. Lư Tuần xuất thân từ đại tộc Phạm Dương Lư thị. Ông cố là Tư không Tùng sự Trung lang Lư Trạm nhà Tây Tấn. Sau loạn Vĩnh Gia, Trạm chấp nhận làm quan nhà Hậu Triệu, làm đến Thị trung, Trung thư giám. Khi Thạch Hổ nắm quyền, Trạm dời nhà từ Phạm Dương đến Nghiệp. Cuối thời Hậu Triệu, Trạm bị Nhiễm Mẫn giết, ông nội của Tuần là Lư Tài đưa cả nhà chạy xuống miền nam vào khoảng năm 350. Vì có người từng làm quan của các chính quyền Hồ tộc, họ Lư ở Phạm Dương không được chính quyền Đông Tấn chấp nhận, đến Lư Tuần là đời thứ 3 không được làm quan. Ông đành lấy em gái Tôn Ân, trong khi họ Tôn ở Lang Tà là sĩ tộc bậc thấp, mà nhà Đông Tấn có quy định rất nghiêm ngặt về đẳng cấp trong hôn nhân, cho thấy tình cảnh của Lư Tuần lúc bấy giờ. Lư Tuần mắt sáng, ánh nhìn linh lợi, giỏi thư pháp và cờ vây. Sa môn Tuệ Viễn có tài nhìn người, sau khi gặp ông thì nói:
- Anh tuy ra vẻ hiền lành, nhưng trong lòng lại muốn làm việc bất quỹ.
Tôn Ân khởi binh, Tuần cũng tham gia bày mưu. Ân tính tàn nhẫn nghiêm khắc, Tuần nhiều lần căn ngăn, bộ hạ phần lớn được nhờ. Ân chết rồi, tàn dư nghĩa quân đề cử Tuần làm chủ.
Sau khi chấp chính, Hoàn Huyền tạm lấy Lư Tuần làm Thái thú Vĩnh Gia, đồng thời vào tháng 5 năm 402 lại lấy Kiến Vũ tướng quân, Thái thú Hạ Bi Lưu Dụ đến đóng quân ở Chiết Đông, khống chế Tuần. Tháng giêng năm sau (402), Tuần khởi binh đánh chiếm Đông Dương, bị Lưu Dụ nhanh chóng đánh bại. Bị quan quân truy kích dữ dội, Lư Tuần quẫn quá, ra Nam Hải đi Quảng Châu. Tháng 7 năm 404, nghĩa quân lên bờ đánh châu trị Phiên Ngung, vây thành hơn trăm ngày thì hạ được thành, giết hơn 3 vạn quân dân, bắt sống thứ sử Ngô Ẩn Chi. Tháng 10, Tuần sai anh rể là Từ Đạo Phúc đánh chiếm quận Thủy Hưng. Lư Tuần tự xưng Bình Nam tướng quân, coi việc Quảng Châu. Khi ấy Lưu Dụ mới bình định Hoàn Huyền, đang cần củng cố quyền lực, chưa thể tiến hành chinh thảo, vào tháng 4 năm 405, phong cho Lư Tuần làm Chinh Lỗ tướng quân, Thứ sử Quảng Châu, Bình Việt trung lang tướng. Sau khi nhận chức, Tuần sai sứ hiến cống cho Lưu Dụ Ích trí tống (tạm dịch: bánh nếp thêm khôn), Dụ cũng tặng lại cho Tuần Tục mệnh thang (tạm dịch: canh giữ mạng). Năm 409, Lưu Dụ bắc phạt Nam Yên, Từ Đạo Phúc viết thư khuyên Tuần khởi binh. Nhưng Lư Tuần đã quen an nhàn, cho rằng mình có thể chiếm cứ một góc Lĩnh Nam mà quan sát nội loạn của nhà Đông Tấn. Từ Đạo Phúc tự mình đến Phiên Ngu, nói rõ lợi hại. Lư Tuần tuy không muốn, nhưng chẳng còn cách nào, đành nhận lời. Vì Lư Tuần do dự mãi, đến tháng 2 năm sau mới hành động, nghĩa quân liên tiếp giành thắng lợi, tiến đến vây bức kinh đô Kiến Khang. Biết tin Lưu Dụ đã trở về, Tuần đâm ra úy kỵ, muốn quay về Tầm Dương, không theo kế hoạch lên bờ quyết một trận tử chiến của Từ Đạo Phúc. Chẳng bao lâu sau, Lưu Dụ hoàn tất hệ thống phòng ngự của Kiến Khang, nghĩa quân không sao công phá nổi, sức mỏi lương hết, bắt buộc phải lui chạy. Nghĩa quân bị quan quân truy kích, liên tiếp thất bại. Tuần chạy về Phiên Ngung, thì thành đã bị quan quân theo đường biển chiếm mất. Lư Tuần đưa tàn quân chạy xuống Giao Châu, lại bị thứ sử Đỗ Huệ Độ đánh bại. Lư Tuần biết không thoát được, dùng rượu độc giết hết vợ con, lại giết cả những kỹ thiếp từ chối chết theo, tự đâm đầu xuống nước mà chết. Đỗ Huệ Độ chém đầu Lư Tuần và đồng đảng, truyền về kinh thành Kiến Khang].
 

doctor76

Xe ngựa
Người OF
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
25,004
Động cơ
698,243 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Phong tục người đất Dung Nam容南土風 [Dung Châu và phương Nam]: Thích ăn thịt trâu. Nói rằng nó giòn ngon. Hoặc nướng hoặc thui, ăn hết cả con trâu. Ăn no, lấy muối, sữa nấu đông, gừng, quế trộn với thức ăn thừa mà uống. Thức ăn thừa là cỏ đã được tiêu hóa trong ruột dạ dày bò, gọi là "thánh tê"聖齏. [Ăn vào] bụng sau đó không bị đầy [ sách Thái Bình Ngự Lãm viết rõ hơn: Phong tục người đất Dung Nam: thích ăn thịt bò nước. Nói rằng nó ngon tuyệt, mềm mại béo ngậy, không gì sánh bằng. Mỗi khi quân lính bày tiệc, món này nhất định phải có đầu tiên. Hoặc thui cả con bò, ăn no, lấy "thánh tê" để tiêu hóa. Khi thức ăn đã ăn hết, lấy muối, sữa đông, gừng, quế trộn vào mà uống. Bụng sau đó không bị đầy. Khách phương Bắc đến đây, nhiều người đến dự tiệc này. Chỉ cần có thể ăn thịt, đều cùng nhau uống "sái"]. [聖齏 Thánh tê: giống như món Nậm Pịa của người Thái và một số dân tộc khác ở nước ta].
 

doctor76

Xe ngựa
Người OF
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
25,004
Động cơ
698,243 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Người Giao Chỉ coi trọng món canh chua [不乃 bất nãi: là tên một loại canh chua được nấu từ quả me và các loại rau củ khác], [sách Khảo Khê Man tùng tiếu viết rõ hơn: Người Giao Chỉ coi trọng món canh chua, trước tiên nếm thử hương vị của nó]. Cách nấu canh chua: Cho thịt dê, nai, gà, lợn cùng xương vào nồi nấu chung, hầm cho đến khi béo ngậy và sánh lại. Vớt bỏ thịt, cho hành, gừng vào, nêm nếm gia vị, cho vào tô, đặt vào mâm. Trong canh có muôi bạc hình dáng giống như mỏ con chim, có thể chứa một thăng [升 thăng: đơn vị đo lường thể tích cổ đại, tương đương khoảng 200 ml]. Mọi người cùng nhau nhường nhịn, thường chủ nhà cầm muôi trước, múc đầy một muôi, đưa mỏ muôi vào mũi, ngửa đầu từ từ rót canh vào miệng. Uống hết, chuyền muôi theo vòng như khi uống rượu. Ăn canh xong, sau đó mới tiếp tục các món ăn khác. Gọi là "bất nãi hội"不乃會 [có thể hiểu là "tiệc canh chua" hoặc "bữa ăn có món canh chua"]. Cũng có nơi gọi [món canh này] là Tiên não 先腦vậy. Người Giao Chỉ khi giao dịch việc làm ăn, vun đắp mối quan hệ, chỉ cần có "bất nãi hội" thì mọi việc đều suôn sẻ.
Cách nấu rượu ở phương Nam: đầu tiên, dùng các loại thảo dược. Vo gạo nếp riêng, phơi khô, sau đó cho vào thuốc. Trộn gạo và thuốc, giã nhuyễn, thành bột xanh. Dùng nước nóng nhào bột thành từng viên, hình như bánh giầy, dùng ngón tay ấn vào giữa, tạo một lỗ nhỏ. Đặt bánh lên mành tre, dùng lá cây kỷ tử ủ kín. Theo dõi tình trạng bánh, khi thấy mềm yếu (câu này nghi ngờ có sai sót), thì làm theo cách tạo men. Sau đó, dùng dây mây xâu qua bánh, treo trên bếp lửa. Mỗi lần nấu rượu dùng một vài bánh, số lượng cố định. Phương Nam khí hậu ấm áp, mùa Xuân và mùa đông ủ 7 ngày chín, mùa Thu và mùa Hạ ủ 5 ngày chín. Khi chín, cho vào chum sành, dùng phân rơm đốt.
Thịt voi có mười hai loại, tương ứng với mười hai con Giáp. Gan không gắn liền với mật, mà di chuyển theo tháng trong các loại thịt. Ví dụ, tháng Giêng là tháng Dần, mật nằm ở thịt Hổ, các tháng còn lại cũng tương tự như vậy. [Theo sách "Thuyết Phu說郛", tháng Giêng mật nằm ở thịt mông, tuy nhiên trong mười hai con giáp, con hổ tương ứng với tháng Dần. Do đó, tháng Giêng mật nên nằm ở thịt Hổ. Ghi chép trong sách "Thuyết Phu" là sai. Sách "Vật loại tương cảm chí物類相感志" cũng ghi rằng tháng Giêng mật nằm ở thịt Hổ].
 

doctor76

Xe ngựa
Người OF
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
25,004
Động cơ
698,243 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Tại các quận thuộc Quảng Châu như Triều Châu潮 và Tuần Châu循州 [nay là thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông] có nhiều voi hoang dã. Người dân Triều Châu và Tuần Châu thỉnh thoảng bắt được voi, họ thường tranh nhau ăn vòi voi vì cho rằng vòi voi béo ngậy và giòn sần sật, rất thích hợp để nướng.
Vua Man? 蠻王 bày tiệc cho sứ giả nhà Hán ở trước lầu Bách Hoa百花樓, bày trò múa voi, nhạc vang lên, bọn倡優xướng ưu [người hát xướng, diễn viên] dắt vào một con voi, dùng dây cương bằng vàng xỏ qua mũi nó, [voi trùm] áo bào gấm rủ xuống thân, theo đầu gối nhún nhảy, đầu lắc đuôi vẫy, tất cả đều hợp nhịp, giống như múa ngựa.
Con voi mà [Đường] Minh Hoàng huấn luyện, khi loạn Thiên Bảo天寶 xảy ra, An Lộc Sơn安祿山 mở tiệc lớn thết đãi các thủ lĩnh, bèn dắt voi ra khoe và nói rằng:
- Con voi này tự phương Nam chạy đến, nó biết ta có mệnh trời, dù là loài khác, khi thấy ta cũng phải cúi đầu lạy chào.
Bọn tả hữu ra sức huấn luyện voi, nhưng voi vẫn trợn mắt không chịu cúi đầu, nhất quyết không chịu lạy. An Lộc Sơn tức giận, bèn giết hết tất cả.
[Đường Huyền Tông 唐玄宗, (8 tháng 9, 685 - 3 tháng 5, 762), hay Đường Minh Hoàng 唐明皇, tên thật là Lý Long Cơ, có thời điểm gọi là Võ Long Cơ 武隆基 trong giai đoạn 690 - 705, là vị Hoàng đế thứ 7 hoặc thứ 9 của triều đại nhà Đường]
[Loạn An Sử 安史之亂: An Sử chi loạn, là cuộc biến loạn xảy ra giữa thời nhà Đường vào thời Đường Huyền Tông Lý Long Cơ kéo dài từ năm 755 đến năm 763, do An Lộc Sơn và Sử Tư Minh cầm đầu. Cả họ An và họ Sử đều xưng là Yên đế trong thời gian nổi dậy. Do xảy ra vào niên hiệu Thiên Bảo của Đường Huyền Tông, cuộc phản loạn này còn được gọi là Thiên Bảo chi loạn 天寶之乱. Cuộc nổi dậy kéo dài qua ba đời hoàng đế nhà Đường trước khi bị dập tắt, và có sự tham gia của nhiều thế lực địa phương. Bên cạnh phe trung thành với triều Đường, còn có các thế lực chống Đường, đặc biệt là ở khu vực Hà Bắc và vùng ảnh hưởng Sogdiana (Ba Tư). Cuộc nổi loạn đem đến sự tàn phá trên quy mô rất lớn, làm suy yếu đáng kể nhà Đường và khiến triều Đường mất đi tầm ảnh hưởng tại Tây Vực. Nhà Đường thuê 3.000 lính đánh thuê từ Abbasid, và Hãn quốc Ngô Duy Nhĩ cũng giúp sức chống lại An Lộc Sơn. Đây được xem là một trong những binh loạn lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc và đã làm suy yếu gần như hoàn toàn triều đại nhà Đường hơn 100 năm phồn thịnh].
[An Lộc Sơn安祿山; (19 tháng 2, 703 - 30 tháng 1, 757) là một viên tướng của nhà Đường. Biết 9 thứ tiếng của các dân tộc ít người ở các vùng ngoại vực Trung Quốc, lại thiện chiến và lắm mưu kế, An Lộc Sơn từng là con nuôi của Tiết độ sứ Trương Thủ Khuê, sau đó trở thành "dưỡng tử" của Dương Quý phi. Là Tiết độ sứ của 3 trấn, nắm giữ hơn 15 vạn binh mã, An Lộc Sơn nuôi giấc mộng thành hoàng đế, ông đã khởi đầu loạn An Sử nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc giữa thế kỉ 8, khiến Đường Huyền Tông phải bỏ chạy khỏi Trường An. Sau đó, An Lộc Sơn xưng làm Hoàng đế Đại Yên, nhưng không được bao lâu thì bị con trai là An Khánh Tự sát hại. Loạn An Sử kéo dài 7 năm đã tàn phá ghê gớm Trung Quốc, kết thúc thời kỳ thịnh trị của nhà Đường].
Năm thứ tư niên hiệu Càn Phù 乾符 [niên hiệu của vua Đường Hy Tông 877], nước Chiêm Thành占城國 dâng ba con voi đã được thuần hóa. Khi dắt voi vào triều đình để vua xem, voi cũng biết cúi đầu lạy chào. Sau đó, voi được thả về nước.
Tuân 恂 [tức là tác giả] có người thân thích từng được cử đi sứ ở Vân Nam雲南. Ở nơi đó, các gia đình giàu có đều nuôi voi để chở hàng đi xa, giống như người ở Trung Nguyên nuôi bò ngựa vậy.
 

doctor76

Xe ngựa
Người OF
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
25,004
Động cơ
698,243 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Tại các quận nhỏ ở phương Nam, phần lớn không có tu sĩ [nguyên văn là Tri lưu 緇流]. Mỗi khi ban hành chiếu chỉ, thường phải giả mạo tăng ni để làm bồi vị 陪位 [như kiểu người phụ tá, đại diện cho giới Tăng ni]. Sau khi vua [Đường] Chiêu Tông 昭宗 lên ngôi, Liễu Thao 柳韜được cử làm sứ giả tuyên cáo ở Dung-Quảng. Khi chiếu thư đến các châu thuộc, châu Nhai 崖 vốn không có nhà chùa, nên khi cần đến phải tạm thời sửa sang tạm [một chỗ nào đó cho giống chùa; nguyên văn là sai nhiếp差攝]. Lúc tuyên cáo, có một vị giả sư không chịu xếp hàng theo vị trí. Thái thú Vương Hoành Phu 王宏夫thấy lạ nên hỏi, vị sư nói:
-Lần lượt chưa đến lượt tôi được cử đi làm nhiệm vụ theo lượt 差遣編. Năm ngoái tôi đã từng giả mạo Tuyên Vương 宣王, năm nay lại bắt tôi làm hòa thượng和尚.
Những người chứng kiến đều không nhịn được cười.
[Đường Chiêu Tông 唐昭宗, (31 tháng 3 năm 867 – 22 tháng 9 năm 904), nguyên danh Lý Kiệt 李傑, sau cải thành Lý Mẫn 李敏, rồi Lý Diệp 李曄, là hoàng đế áp chót của nhà Đường. Ông trị vì từ năm 888 đến 904, bị gián đoạn khi hoạn quan Lưu Quý Thuật buộc ông thoái vị trong vài tháng vào năm 900-901. Đường Chiêu Tông là hoàng tử thứ 7 của Đường Ý Tông và là em của Đường Hy Tông].
[柳韜 Liễu Đào hoặc Liễu Thao là một vị quan nhà Đường, sống vào thế kỷ thứ 9. Ông sinh năm 837, mất năm 898. Thời niên thiếu Liễu Thao nổi tiếng thông minh, học rộng. Ông đỗ Tiến sĩ năm 863. Liễu Đào từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Đường, như:
Hàn lâm học sĩ
Trung thư thị lang
Binh bộ thượng thư
Tể tướng
Liễu Thao là một vị quan tài ba, có nhiều đóng góp cho nhà Đường. Ông được đánh giá cao về khả năng trị nước, ngoại giao và văn chương].
[差遣編併 được cử đi làm nhiệm vụ theo lượt” 差遣 sai phái: được cử đi, 編併 biên tịnh: sắp xếp, phân công. Câu này ý nói rằng việc giả mạo tăng ni để làm bồi vị là một nhiệm vụ, và được sắp xếp theo lượt. Vị giả sư trong câu này cho rằng đến lượt của người khác chứ không phải đến lượt mình].
[宣王 Tuyên Vương trong câu "去歲已曾攝文宣王" có thể hiểu là "chức quan Tuyên Vương, là một chức quan trong triều đình nhà Đường, có trách nhiệm tuyên cáo chiếu chỉ].
 

doctor76

Xe ngựa
Người OF
Biển số
OF-81790
Ngày cấp bằng
3/1/11
Số km
25,004
Động cơ
698,243 Mã lực
Nơi ở
Sơn La
Ôn nương 溫媼 [cách gọi phụ nữ lớn tuổi một cách kính trọng, "Ôn" là họ, "nương" là cách gọi phụ nữ] là người phụ nữ góa ở huyện Duyệt Thành悅城縣, châu Khang康州 [nay là huyện Đức Khánh, thành phố Duyệt Thành, Quảng Đông]. Bà làm nghề dệt vải. Một lần, bà ra bờ sông nhặt rau, thấy trong đám cỏ cát có năm quả trứng, bèn nhặt về bỏ vào giỏ đựng vải. Chưa đầy vài ngày, bà bỗng thấy năm vỏ rắn nhỏ, một con có đốm, bốn con màu xanh, bà liền đem thả xuống sông, vốn không mong đợi được báo đáp. Bà thường giặt giũ ở bờ sông, bỗng một ngày, có con cá từ dưới nước nhảy lên, đùa giỡn trước mặt bà, từ đó trở thành chuyện thường xuyên. Dần dần mọi người biết chuyện, người trong làng đều gọi bà là Long Mẫu [Mẹ Rồng], kính trọng và phụng dưỡng bà. Có người hỏi bà về việc họa phúc, bà nói cũng thường ứng nghiệm. Từ đó, bà cũng dần trở nên sung túc. Triều đình biết chuyện, sai sứ giả triệu bà vào kinh. Khi đến đèo núi Toàn Nghĩa全義嶺, bà bị bệnh, quay trở về Duyệt Thành rồi qua đời. Người trong làng cùng nhau chôn cất bà. Bỗng một đêm, bờ đông sông sương mù mịt mù, gió mưa nổi lên, đến sáng sương tan, thấy ngôi mộ của bà cùng với cây cối xung quanh đều đã di chuyển sang bờ tây.
 

Quanbea

Xe tải
Biển số
OF-482072
Ngày cấp bằng
4/1/17
Số km
228
Động cơ
148,791 Mã lực
Tuổi
34
E hóng file pdf để cho vào máy đọc sách cho tiện. Cụ chủ siêu thật.
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top