XXIII
[Ngày 19 tháng 2]
Quốc vương tuy không biết đại nghĩa ( ý nói nghĩa vụ với nhà Minh, vì An Nam là phiên quốc, được nhà Minh phong tước, nên theo nghĩa phải giúp đỡ thần dân nhà Minh chống Thanh) nhưng rất háo danh ( ý nói dù là thần tử của vua Lê, nhưng chúa Nguyễn vẫn tiếm xưng danh-hiệu, dám xưng là An Nam Quốc Vương) . Nhưng vì không thể có lý do gì nên không thể giết bừa (nguyên văn:亶杀 đàn sát) Du.
Ngày 19 có thư của Quốc vương, ra lệnh Du làm quan cho nước này. Trong thư có câu:
"Thái Công [Vọng: Tức KhươngTử Nha, mưu sĩ đời nhà Chu. Tên chữ là Lã Vọng, thuở hàn vi thưởng ngồi câu ở bờ sông Vị Thủy. Đến năm 80 tuổi, được Chu Văn Vương mời làm Tướng quốc, điều binh khiển tướng diệt vua Trụ ] ngày xưa phò Chu dựng nên nghiệp vương, Trần Bình giúp nhà Hán hưng khởi".
Chu trả lời ngay hôm đó, những ý tứ khác đã có ghi trong thư đáp [Quốc vương]:
Thư trả lời An Nam Quốc vương:
“Tôi để hết tâm trí đọc một lần, rồi đọc lại hai ba bận lá thư mà nguyên thần đã chịu nhún mình trao lại cho tôi. Tuy trong thư chữ nghĩa (tự nghĩa) và câu văn (cú ngữ) có nhiều chỗ là chữ An Nam (bức thư này dùng nhiều chữ Nôm, chúa Nguyễn cũng như nhà Nguyễn sau này có lệ, khi viết thư cho kẻ dưới hoặc không tôn-trọng, thì dùng chữ Nôm, khi viết tôn-trọng hoặc cho bề trên thì dùng chữ Hán, lúc vua Hàm Nghi mới lên ngôi, Tôn Thất Thuyết viết thư chữ Nôm thông báo cho Pháp biết, Pháp bắt phải dùng chữ Hán mới nhận), so với chữ Trung Hoa không giống nhau, nhưng nội dung từ đầu chí cuối rõ ràng, và tôi hiểu rõ tất cả. Chi Du chỉ sợ mình vô đức vô tài, làm sao dám sánh với những người những anh hùng hào kiệt ngày xưa?
Về sách lược An bang Tế thế và tinh-thần trị nước của Nghiêu Thuấn thì Chi Du tuy vẫn thường đọc nhiều, nhưng chưa từng thực-hành. Còn về chuyện "tuấn kiệt phải thức thời, v.v." và so sánh với những người khác thì Chi Du tuyệt nhiên không dám nhận.
Trộm nghe Đại vương tư chất siêu phàm, hành-động hợp với đạo-nghĩa, những năm trước đây đã từng cư-xử sự việc có Đức có Lễ, ngay cả những hiền vương ngày xưa hà tất đã hơn! Gần đây, thừa mệnh đến đây [Dinh Cát] phục-dịch được 10 ngày nay, mới biết rõ Đại vương ban đêm dậy tìm áo mặc mà làm việc ( nguyên văn: 夜徵求衣dạ trưng cầu y), ngày đêm quên ăn quên ngủ, làm đơn giản và rõ ràng (nguyên văn:簡明 giản minh) những việc trọng-yếu, huấn-luyện binh lính tinh-nhuệ và cần-mẫn ( nguyên văn :精勤 tinh cần), qua đó biết rằng ngày thắng-lợi trong việc thảo trừ quân đại ác sẽ chẳng còn lâu.
Còn về việc Đại vương nói là "cái khéo của việc dụng binh là ở quân hình (hình thế cùa binh lính)" (nguyên văn:用兵之玅dụng binh chi diệu,在乎軍形 tại hồ quân hình) thì ngày xưa không có câu này. Chắc ai đó muốn dạy đời (nguyên văn:師心 sư tâm) nên mới tự sáng-tạo ( nguyên văn:独造 độc tạo) ra, tôi ngu dốt nên không hiểu được. Nói đến quân hình tức là nói về thám thính, trù liệu, giản đơn hóa, huấn-luyện, xử-trí, rút lui ( nguyên văn:舍 xả, từ này có nhiều nghĩa, nếu đọc là xá thì có nghĩa là nhà cửa, đây hiểu theo âm xả là rút lui chăng?), và thu-tập. Vậy là nói về thực-lực quân sự (nguyên văn: 軍實quân thực, nhiều từ tác giả dùng cách viết rút gọn, đừng nhầm với軍食 quân thực có nghĩa là việc nuôi quân), chứ không phải nổi về "cái khéo dụng binh" (dụng binh chi diệu). "Cái khéo dụng binh" ở mức cao nhất là "Danh 名", thứ đến là "Thanh 聲", thứ đến là "Tình 情", và "Hình形" lại còn thấp hơn nữa! Vì "Hình" thì lộ hiện ra và "Thế 勢" thì có giới hạn nên "Hình" ở mức thấp nhất, đúng như có người nói là "có hình hiện ra tất địch sẽ theo ngay". Nguyên địch không biết tấn công ta vào chỗ nào, không biết phòng ngự chỗ nào, do đó ta có thể biến hóa [nhưng nếu ta lộ "Hình"], ta có thể gây nên nhiều lầm lỗi, vì địch sẽ tiến thoái và phòng-ngự theo ta. Hư hư thực thực, biến hóa vô lường, vờ cho địch xem "Hình ", nhưng thật sự không có hình nào thấy được.
Nay Đại vương khởi binh để rửa nhục, chính nghĩa ở về phía Đại vương. Làm rõ (Chính) điều đó tức là "Danh" đương cao, điều đó tức là "Thanh", làm điều đó trở thành ý chí của dân chúng tức là "Tình", dân chúng sống trong vùng địch ca thán, sẽ tự mình đứng lên ca múa đón quân của Đại vương. Nếu địch không tự lượng mình mà dẫn quân đến giao chiến tất sẽ bị thua đau rồi băng hoại. Hà tất phải liệu giảm quân phí, "ngũ vi bội công" [五围背攻, Binh pháp xưa cho rằng nếu quân mạnh gấp 5 lần quân địch thì nên bao vây (Ngũ vi), nếu mạnh gấp 2 lần địch thì nên tấn công (Bội công)]. Tác giả muốn nói là nếu có danh chính ngôn thuận, thì không đánh cũng thắng, bất chiến tự nhiên thành, hà tất phải đánh làm gì) để khắc phục địch làm gì. Điều tốt nhất trong muôn điều là dùng người hiền (dụng hiền), như trong dụ [Đại vương] đã có nhắc đến Thái Công và Trần Bình. Du tuy không dám đảm-đương trách-nhiệm đó, nhưng trộm mượn chuyện họ để làm sáng tỏ (nguyên văn là phát minh 發明, nghĩa cổ là làm cho sáng tỏ, hiểu được điều muốn nói) điều Du muốn nói.
Thái Công là một ông già ở nước Ân, làm thế nào mà nước Chu có được Thái Công để làm nên nghiệp vương? Trần Bình là người nước Ngụy, đã từng làm quan cho nước Ngụy và nước Sở, tại sao Trần Bình đã bỏ Sở về Hán, để rồi cả Sở lẫn Ngụy đều bị diệt vong? Xem thế mới biết là trời sinh anh kiệt, phú cho họ thần minh hơn cả những người tài cán khác, cho họ tính khẳng-khái và chí-khí hào tráng - làm sao có thể bỏ phí họ cho thối ra như đọt măng, hay để họ tiêu tán như bèo bọt? Nếu họ không lên Bắc giúp Hồ thì cũng chạy về Nam giúp Việt ( chỉ các vùng người Việt ở TQ, Vn như Mân Việt, Âu Việt, LẠc Việt, Điền Việt, ngày nay thuộc các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Bắc VN, Hồ hay Việt theo quan điểm người Hán đều là các dân tộc hèn kém so với Trung Nguyên) May mắn là Đại vương quan tâm đến việc dùng người hiền, không để cho họ di giúp cho nước địch.
Với tài lạ (dị tài) thiên phú, Đại vương sẽ có người hiền phò tá, quy thuận dân chúng trong nước, mở-mang [bờ cõi] bên ngoài, việc trị nước chắc chắn sẽ không khó-khăn. Vì không phải là người hiền, mà lại cũng không có chí đó, Du chỉ trốn sang quý quốc để muốn toàn tính mạng từ khi nhà Minh bị họa Trời, chứ hoàn toàn không có ý-đồ nào khác. Như ai cũng biết, nay Trung Hoa đang bị loạn-lạc; Du chỉ mong dựa vào quý quốc, Hoàng thiên Hậu thổ chứng-giám cho lòng Du. Nếu Đại vương không dựa trên lý do vô lễ mà chém tôi, nhưng lại nghi tôi có ý gì khác thì đã làm tổn-thương cái chí của nghĩa sĩ, tức là cũng giống như giết tôi.
Nếu ngày nào đó, lòng Trời chán ngán rợ ngoài và giúp nước Đại Minh, con cháu và tôi tớ nhà Minh được phấn chấn, phát lòng căm thù kẻ địch mà đuổi họ ra, bình-địch giặc từ phương Bắc, Du sẽ dựa vào sự yểm hộ uy-linh của Đại vương mà về quê cũ, đứng trong hàng ngũ của những người chức tước thấp hèn ( tác giả khiêm-tốn) Du sẽ ráng hết sức bên trong thì phò-tá Đại Minh, và với sức còn lại, bên ngoài sẽ giúp đỡ quý quốc. Làm như vậy là vừa bảo tồn cả hai bên và vừa có lợi cho cả hai đàng. Du sẽ giải thích vì sao quý quốc đang bị chia hai, thuyết-phục cho triều đình [Trung Quốc] hiểu lý do vì sao [Quốc vương] cần được giáng phong, khiến Thánh chúa [Hoàng đế Trung Quốc] thấy rõ xa vạn dặm nhằm quý quốc muôn đời có thể duy trì địa vị phiên quốc, hàng năm triều-cống và giữ chức Vương. Thay vì bắt Du ra sức làm việc tại quý quốc, như vậy không phải tốt hơn hay sao? Kinh Thi có nói: "Vĩnh dĩ vi hảo" (永以為好Lâu dài là tốt nhất, trích trong Kinh Thi, tác giả muốn chúa Nguyễn giúp mình khôi-phục nhà Minh, và cũng biết chúa Nguyễn muốn lật đổ nhà Lê-Trịnh ở Đàng Ngoài để xưng hùng xưng bá, hứa là khi khôi phục được nhà Minh sẽ bảo vua Minh phong cho chúa Nguyễn là vua thay nhà Lê, nên mới nói vậy, tuy-nhiên, vận số nhà Minh đã tận, nên chúa Nguyễn mới thờ ơ, ở đời, phù Thịnh chứ ai phù Suy), há không phải là việc đó hay sao?
Du thừa mệnh Quốc vương thảo thư này để đáp lời, không chú trọng đến văn chương cho lắm, Du cũng chưa hỏi ai về quốc húy, có gì xin Ngài lượng thứ”.
Thư đề ngày hôm đó, Chu Chi Du kính cẩn cúi đầu.