Tháng 12, ngày 12, Ngột Lương Hợp Thai đem quân đến Bình Lệ Nguyên [ nay có thể là sông Cà Lồ, vùng gần Hương Canh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc]
[Vua Trần] thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn. Quan quân đã sắp tan, [vua] ngoảnh trông tả hữu, chỉ có Lê Phụ Trần 黎輔陳 một mình một ngựa, sắc mặt bình-thản như không.
Bấy giờ, Trần Cảnh mới lui quân đóng ở sông Lô [sông Hồng phần phía bắc Thăng Long, Thời Trần, gọi đoạn sông Hồng từ Bạch Hạc trở xuống là sông Lô]. Phụ Trần giữ phía sau. Quân [ Nguyên] bắn tên như mưa, Phụ Trần lấy ván thuyền che cho [vua Trần] khỏi trúng tên. Thế [quân Nguyên] rất mạnh, An Nam phải lui giữ sông Thiên Mạc [sông Hồng nam Thăng Long, là khúc sông Hồng chảy qua vùng bãi Mạn Trù, nay thuộc xã Tân Châu, huyện Khoái Châu].
Phụ Trần [ và vua] bàn những việc cơ mật, rất ít người biết được đều đó.
Trần Nhật Cảnh ngự thuyền nhỏ đến thuyền [ Trần] Nhật Hiệu 陳日皎 hỏi kế sách. Nhật Hiệu đương dựa mạn thuyền, sợ hãi quá cứ ngồi chứ không đứng dậy nổi, chỉ lấy ngón tay chấm nước viết hai chỉ “nhập Tống” lên mạn thuyền.
Ngày 24, [ Trần Cảnh] và Quang Bính 光昺 [Trần Thánh Tông] lên lâu thuyền, tiến quân đến Đông Bộ Đầu [phía bắc cầu Long Biên, bến sông Hồng phía trên cầu cầu Long Biên gần dốc Hàng Than ngày nay], phục đánh, quân Nguyên phải rút, đến trại Quy Hóa, chủ trại là Hà Bổng lại chiêu tập người Man ra tập kích.
Khi ấy, [nhà Nguyên] mới lấy được Vân Nam, bọn du binh đến, không có ý đánh chiếm.
Tháng 2 ngày Mậu Ngọ năm thứ 8 [ 3-4/1258], Trần Nhật Cảnh truyền nước cho con trưởng là Trần Quang Bính 陳光昺 [tức vua Trần Thánh Tông], đổi niên hiệu là Thiệu Long 紹隆.
Mùa hạ, Quang Bính sai con rể cùng người nước này đem phương vật đến, Ngột Lương Hợp Thai hộ tống đến hành tại sở, sai riêng Nột Lạt Đinh 訥剌丁đến dụ chúng nói:
- Trước ta sai sứ giả đến giao hảo, lũ các ngươi bắt giữ mà không cho quay về, ta do đó phát binh từ năm trước. Vì vua của nước ngươi đứng trốn ở nơi hoang dã, lại lệnh cho hai sứ giả đến gọi về nước, ngươi lại ép sứ giả ta trở về. Nay sai riêng sứ giả đến dụ, nếu các ngươi thực lòng nội thuộc, thì vua nước ngươi phải tự mình đến, nếu vẫn không chừa, sớm đến báo cho ta.
Quang Bính nói:
- Nước nhỏ thật lòng thờ Nhà vua, thì nước lớn lấy gì đối đãi nước nhỏ?
Nột Lạt Đinh về báo. Bấy giờ có Vương chư hầu là Bất Hoa 不花 giữ Vân Nam, Ngột Lương Hợp Thai nói với Vương, lại sai Nột Lạt Đinh đến dụ, sai sứ giả cùng đến. Trần Quang Bính bèn thực lòng nội thuộc, lại nói:
- Đợi ban ân đức, rồi sau sai con em làm con tin.
Vương lệnh cho Nột Lạt Đinh lên ngựa đưa tin vào tấu lên [ vua Nguyên].
Tháng 12 năm Trung Thống 中統 nguyên niên thời [ Nguyên] Thế Tổ 世祖 [tức là Hốt Tất Liệt], lấy Mạnh Giáp 孟甲 Lễ bộ Lang trung làm Chánh sứ, xuống phương Nam làm sứ giả chiêu dụ, Lí Văn Tuấn 李文俊 Lễ bộ Thị lang, làm Phó sứ, cầm chiếu thư đến dụ nước này. Đại khái nói:
Ngày mồng 3 tháng 12 năm Trung Thống thứ nhất [1260] Thế Tổ Thánh Đức Thần Công Văn Vũ Hoàng 世祖圣德神功文武皇帝 đế chiếu dụ Vương An Nam họ Trần: Tổ tông ta lấy vũ công sáng nghiệp, về đường văn đức chưa kịp tu chỉnh, ta từ khi kế thừa ngôi báu, sửa cũ đổi mới, vỗ về vạn bang, vào năm Canh Thân đặt niên hiệu Trung Thống thứ nhất ban chiếu chỉ xá miễn lần lượt thi hành. Không để lỡ người gần, không quên kẻ xa; với tấm lòng thành chấp nhận. Nhân lúc đó có quan Đại Lý tự An phủ Nhiếp Mạch Đình 聂陌丁 dùng ngựa trạm dịch dâng biểu tâu rằng nước ngươi có lòng thành hướng theo phong hóa, mộ điều nghĩa; lại nghĩ ngươi tại triều trước đã qui phụ, từ xa đến cống phương vật; nên ban chiếu chỉ sai Lang trung bộ Lễ Mạnh Giáp làm An Nam tuyên phủ sứ 安南宣谕使, Viên ngoại lang bộ Lễ Lý Văn Tuấn làm Phó sứ; dụ quan liêu sĩ thứ nước ngươi rằng:
Phàm y phục, khăn đội đầu, điển lễ phong tục trăm sự, đều y theo lệ cũ của nước ngươi, không cần phải sửa đổi; huống hồ nước Cao Ly 高麗 mới đây sai Sứ đến xin, đã y theo lệ như vậy. Ra lệnh cho các tướng biên giới Vân Nam không được mang binh mã xâm lược biên cương, nhiễu loạn nhân dân. Quan liêu sĩ thứ nước ngươi sống yên ổn như cũ. Nay ban chiếu để hiểu rõ.
Lại bảo cho bọn Giáp, nếu Giao Chỉ sai con em vào gặp, phải có thành ý tốt với họ, chớ được nóng lạnh làm trái tiết lễ, làm chúng khổ sở vậy.
(lời chú thích của người dịch: Bấy giờ quân Nguyên Mông chưa đánh diệt hẳn được nhà Tống.Đại hãn nối dõi Mông Kha tấn công thành Điếu Ngư tại tỉnh Tứ Xuyên, bị thương rồi chết vào năm 1259. [Hốt Tất Liệt] phải tạm hòa với nhà Tống, trở về phương Bắc tranh quyền lãnh đạo đế quốc Mông Cổ. Cùng lúc, Hốt Tất Liệt với danh nghĩa Thế Tổ, sai Sứ giả đến bày tỏ thiện chí hòa hoãn với Đại Việt, tôn trọng phong tục tập quán, hứa không xâm lược quấy nhiễu; qua chiếu thư trên)