Lễ xong ra gác Triều Thiên 朝 天 閣 [ Triều Thiên Các], rồi bước xuống điện Tập Hiền 集 賢 殿 dự yến tiệc, chủ khách ngồi theo hướng Đông Tây. Chỉ có viên tiếm Thái sư ngồi bên cạnh nhà vua; các viên Thái úy, Thái bảo đứng hầu; các quan lại khác ngồi tại điện dưới, không gọi không được tự tiện tiến lên. Đại nhạc tấu ở điện dưới, tiểu nhạc tấu ở điện trên. Yến tiệc gồm 8 bàn, rượu ngon, đủ các thứ sơn hào hải vị; thỉnh thỏang được mời ăn trầu têm vôi vỏ hàu. Các Vương chuyện trò làm thơ tặng, Lập Đạo cũng ứng-khẩu làm thơ họa lại.
Yến tiệc xong, mời Lập Đạo vào trong trướng, cả hai thân mật ngồi trên sàn nhà; nhà vua nói:
- Bản quốc quy phụ Thiên triều đã ba mươi năm nay, lòng thành thờ bề trên không bao giờ quên, hàng năm tuế cống chưa bao giờ thiếu, từ đời ông cha đến nay vẫn theo đúng một đường. Thường nhận chiếu thư bắt phải sang chầu, vì tật bệnh không thể đi được nên Thiên tử giận mang binh thảo phạt, sinh linh bị giết, khai quật lăng tẩm, thiêu hủy chùa chiền, chặt phá cây cối, đau đớn không thể kể xiết! Tiểu quốc vô tội, mắc phải đại nạn. Chiếu thư của Thiên tử kết tội bản quốc giết Quốc thúc 國叔 [ chú của vua, tức Trần Di Ái. Di Ái được vua Trần Thánh Tông cho sang chầu nhà Nguyên. Vua Nguyên phong Di Ái tước Vương, rồi cho người đưa về nước để thay vua Trần Thánh Tông], đuổi Sứ thần, chống lại Vương sư [ quân đội nhà vua, chỉ quân Nguyên] nên chưa xá tội. Quốc thúc do cha Cô sai sang chầu Thiên tử, Thiên tử phong Quốc thúc tước Vương, Quốc thúc sợ hãi không biết đi đâu, chứ không phải do nước Cô giết. Sự việc do Quốc thúc tự ý bỏ trốn xuống biển Nam, người trong họ lại cầm quân chống lại Vương sư, Quốc vương hoàn toàn không biết điều đó. Chỉ có lỗi duy nhất là không sang chầu, thực tình do tham sống sợ chết. Xa xôi vạn dặm, đường sá gian hiểm, lam sơn chướng khí, lại không quen thủy thổ; lỡ bị chết dọc đường thì có ích lợi gì cho Thiên triều? Tuy tại đây nhưng hàng năm vẫn lo việc tiến cống, cẩn thận thờ bề trên, có làm điều gì hại cho Thiên triều đâu? Nếu lòng kẻ dưới chưa bộc bạch được với bề trên, nay có Thiên sứ tới, được nói nỗi oan của mình, chẳng khác gì đến để trình bày trước cung khuyết vậy. Xưa có câu: “Ở dưới cõi trời nầy, chẳng có đất nào không phải là đất của Thiên tử; chẳng có dân nào không phải là dân của Thiên tử”; vậy dân nước An Nam là dân của Thiên tử, không có chí hướng nào khác. Bởi vậy bốn biển là nhà của Thiên tử, tuy Cô không đến chầu nhưng cũng là thần dân của Thiên tử vậy; lòng thành chỉ có trời đất biết mà thôi.
Lập Đạo nói:
- Trong buổi lễ cáo từ Thiên tử, Thừa tướng nhắc nhở rằng ‘Các Sứ giả trước đây không tuyên dương được ý của Thiên tử, khiến cho tiểu quốc nghi ngờ; nay sai các ngươi đi, chớ noi theo sự sai lầm cũ.’ Nay chúng tôi đến đây cùng Thế tử hội diện, chỉ dùng lời nói mà thôi sợ không diễn tả được hết ý, nên soạn một văn kiện mang tên là ‘Thư giảng nghĩa’ để trình bày cho hết lý, thư như sau:
Thư giảng nghĩa của Thượng thư Trương Lập Đạo tự Hiển Khanh gửi Thế tử [ tức vua Trần]
Năm Chí Nguyên thứ 28 [1291] Thượng thư Trương Hiển Khanh gửi thư cho Thế tử như sau:
Với lòng thành khẩn, không ngại sự hiềm nghi; đây là lúc phải nói đến sự lợi hại giữa hai nước. Chúng tôi thừa mệnh Thiên tử, phụng sứ đến chốn xa xôi này. Ngày khởi hành lên xe, các quan đại thần trong triều dặn dò rằng:
“Chiếu chỉ của nhà vua bao dung như trời đất đối với vạn vật; nhưng nước nhỏ [ Đại Việt] đa nghi, các ngươi cần phải nói với Thế tử kỹ hơn.”
Vĩ đại thay triều Nguyên, từ đời Tam đại 三代 [ Hạ 夏, Thương 商, Chu 周] đến nay chưa lúc nào thịnh trị như vậy. Phía bắc vượt Âm Sơn 阴山 [ dãy núi tại phía bắc Trung Quốc thuộc các tỉnh Tuy Viễn, Sát Cáp Nhĩ, Nhiệt Hà], đó là nơi Thánh triều gây dựng cơ nghiệp; phía Nam qua vùng biển nóng nhiệt, những quốc gia xứ đó đều xưng thần. Các Tù trưởng Hồi Hột 回紇 [ các bộ tộc thuộc dòng dõi Hung Nô tại vùng Tân Cương], Tây Vực 西域 [ Trung Á, Trung Đông, Ấn Độ] lặn lội qua sa mạc đến triều cống; Quốc chúa di địch phương đông là Cao Ly 高麗 băng qua biển tới cung đình. Vua Khiết Đan 契丹, Nữ Chân 女眞 [ nước Kim, sau này chính là nhà Mãn Thanh] Tây Hạ西夏 vì chống lại nên đều bị tiêu diệt. Các Quốc trưởng Bạch Thát 白, Úy Ngô 猥吳, Thổ Phồn 吐蕃 [ Tây Tạng] tuân lệnh đưa con đến liên kết hôn nhân. Quốc vương Vân Nam, Kim Xỉ [ Mán răng vàng, nay thuộc Vân Nam], Bồ Cam 葡甘 [ tên 1 triều đại mở Miến Điện] gửi con trai tới làm con tin. Nước Đại Hạ ở Trung Nguyên [ tức Trung Hoa của người Hán bị người Mông Nguyên chiếm] và nhà Tống mới mất, thì người người trong lãnh thổ đều biến thành con dân.
Chỉ có An Nam là nước nhỏ bé, miệng thì nói phục-tùng, nhưng tâm thì chưa phục. Tuy được cai-trị một phương, hàng năm triều cống không khuyết, nhưng chưa tỏ hết lòng thành. Việc mang quân đi hỏi tội là lý đúng của đại quốc, nếu trốn tránh đi cũng là lẽ thường tình của kẻ hèn kém. Cớ sao lại tranh hoành với quân của Trấn Nam vương [Thoát Hoan], dám quên cả đạo vua tôi; há lại dùng mưu lược của bậc tướng tướng [ Lập Đạo rất kính trọng, nên gọi Trần Hưng Đạo là tướng tướng] để đánh úp, tranh thắng với bọn Ô Mã Nhi. “Năm việc không phải” nêu đầu trong kinh Xuân Thu đã thể hiện ra trong những ngày đó; “ba điều đáng sợ” [ Luận Ngữ, Khổng Tử nói người quân tử có 3 điều đáng sợ: Sợ mệnh trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời nói của thánh nhân] cũng ghi trong lời nước Lỗ, người quân tử cần biết rõ ràng. Trước kia bảo rằng “Nếu đánh đòn ít thì khứng chịu, đánh nhiều thì chạy trốn” lời nói đó đâu rồi? [ câu này ý Lập Đạo nói, tuy Đại Việt rất nhún nhường, nhưng vẫn chống cự đến cùng, nói là sợ Thiên triều, nhưng đáng nhau đến 3 lần].
Cái tội của ngươi có thể thấy được hai, ba; nếu không, thì có cách nào để biết được đây?
Nếu quân của nước lớn đến, nước nhỏ cố giữ bờ cõi, thua nhưng không chịu theo hàng; thì dân chúng phải chạy tản cư đến vùng góc biển; sống khổ sở lầm than, tuy sống cũng như đã chết, tuy còn cũng chẳng khác gì mất. Vậy góc biển tuy hiểm, nhưng không nương dựa được, đó là lý thứ nhất.
Giang Nam của nhà Tống có 400 châu, nhưng không đương nổi mũi nhọn Trung Nguyên [ nhà Nguyên]. An Nam so với Giang Nam dân đông ít bao nhiêu đã biết rõ, vậy làm sao có thể chống cự được với thượng quốc? Rồi năm nay đánh nhau, năm sau đánh nhau; ngày nay chết trận, ngày mai chết trận. Dân nước nhỏ còn được bao nhiêu; vấn đề nhân lực không đủ để nương tựa, đó là lý thứ hai.
Nhà Tống có nước đến 300 năm, bị quét sạch trong một sớm. Nước này đối với An Nam là nước cha con, như môi với răng. Nay môi mất, răng lạnh, cha chết con cô đơn, đó là lý đương nhiên. Để không đến nỗi cô đơn lạnh lẽo, hãy qui phụ triều Nguyên, đạo trời tương ứng, khí vận lưu thông. Nay bỏ đạo trời, chỉ chuộng vào sức người; như vậy không đi ngược lại ý trời ư! Vậy là xa với lịch số, không thể nương dựa được, đó là lý thứ ba.
Ngu này [ tức Lập Đạo] nghe rằng thuận với trời thì thịnh-vượng, nghịch với trời thì tiêu-vong. Xưa các nước chư hầu, hoặc triều cận chốn kinh sư, hoặc họp hội đồng nơi núi lớn, nhân việc quân lữ thường vượt biên cảnh không cho là khó khăn. Cớ sao ngươi cứ sợ cái khó-nhọc hành trình qua núi cao sông rộng? Chính là chỗ sai trong hào Ly 離 [ một quẻ trong Kinh Dịch, ý nói sai rất ít], mất cả ngàn dặm. Việc phải làm ngay là phải hối chuyện cũ, tự đổi mới, đến chầu tạ tội. Thiên tử là vua của vạn nước, đức như Nghiêu, Thuấn; làm sao có thể nuốt lời. Tất xá tội nhỏ, lại ban thêm ân; An Nam vĩnh viễn hưởng hạnh phúc ngàn năm, như cha mẹ với con cái cùng sung sướng, không có kế nào hay hơn như vậy!
Nước ngươi nhỏ, không kể cái lợi ngày hôm nay; nếu sau này nơi bờ biển xa có địch đến xâm phạm, biết được nhà Nguyên che chở, họ cũng không dám gây hấn với nước An Nam. Có thể nhờ, có thể dựa; đó là uy đức lớn của triều Nguyên; như bộ phận hô hấp, không thể ngưng trong giây phút.
Kẻ ngu này không phải là thuyết khách, ngươi chớ nghi ngờ. Nói đến vậy mà chưa có thể tin được, thì cứ tự ý mà làm; nhưng cái hậu họa thì ta không lường được!