Đâu đó thớt này em có nói, định nghĩa về hay nó vô cùng lắm. Nó là cảm giác, là định tính chứ không đo đếm định lượng được. Đôi khi còn là định kiến, ám thị cái sự nghe nữa. Cùng 1 nguồn phát, cùng 1 hệ thống nhưng khi được giới thiệu đây là bộ hiend có giá 1 tỷ người nghe sẽ thấy âm thanh nó hay hơn khi nói với họ bộ này chỉ 50 triệu. Blind test
Hay nghe remix, phải là bộ dàn âm thanh xịn nó mới phê, nhưng nghe liên khúc tuấn vũ, hoặc khánh ly chẳng hạn. Thì phải casette tầu, loa nam môn nó mới "chạm vào cảm xúc". Nghe không bị mệt.đôi khi cái rè rè, xì xì đấy nó mới lại là hay với một số người. Cái âm trầm thái quá nó lại là cái chất "ấm" của âm thanh.
Vậy nên để so cái nào hay hơn thì chịu. chỉ có 1 cách là xem hệ thống nào tái hiện âm thanh gần giống thực nhất, kể từ khâu thu âm trở đi. Về điểm này thì digital với công nghệ hiện nay ăn đứt analog, dĩ nhiên là so ngang phân khúc các cụ nhé.
Có 1 bài trên tạp chí hifi em đọc thấy rất hay. Bê về hầu các cụ. Đúng sai thì còn tranh cãi vì nó chỉ là góc nhìn của tác giả. Nhưng cũng đáng để tham khảo.
Đĩa than tốt hơn vì nó là analog”, “âm thanh đĩa than hay hơn CD”, đó chỉ là một vài trong số rất nhiều ngộ nhận về chất lượng của đĩa than và CD hiện nay. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng điểm mặt vài ngộ nhận về hai loại hình này.
Ngộ nhận 1: CD là nhạc số, và tín hiệu số (digital) thường được biểu hiện dưới dạng đồ thị gồm đường thẳng lên xuống do bị ngắt quãng liên tục, bởi tín hiệu số gồm bit 0/1. Trong khi tín hiệu đĩa than, hay tín hiệu analog (tín hiệu liên tục) thường được biểu hiện dưới dạng đường cong hình sin.
Trên thực tế, tín hiệu digital vẫn được dẫn truyền dưới dạng sóng liên tục (analog). Thậm chí, tín hiệu được gọi là digital trên thực tế vẫn không khác analog là mấy.
Khi tín hiệu digital được truyền đi ở một khoảng cách ngắn (trong mạch tích hợp, trên motherboard của máy tính), tín hiệu đó được gọi là tín hiệu digital, nhưng nếu kiểm tra dạng sóng bằng máy oscilloscope có thể thấy không chỉ có hai mức điện áp khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn vẫn là digital và mạch vẫn xử lý như tín hiệu digital thông thường.
Việc truyền tải tín hiệu thuần digital là điều bất khả thi. Để làm như vậy cần một xung năng lượng vô hạn để tạo ra các hàm bậc thang. Yếu tố hạn chế ở đây chính là “tải” và kênh truyền dẫn, cả hai đều có điện trở, điện dung và điện cảm khiến cho ngay cả tín hiệu rất đột ngột cũng trở nên “mịn” hơn một chút
Khi tín hiệu số được truyền đi một khoảng tương đối dài, đôi khi chúng được “mã hóa” thành analog carrier (tức tín hiệu digital được mã hóa dưới dạng analog). Có nhiều phương pháp khác nhau để thực hiện điều này, chẳng hạn như điều tiết tần số, biên độ, pha hoặc kết hợp cả 3 với nhau. Thậm chí có thể có nhiều lớp mã hóa để triển khai các tính năng như phát hiện lỗi và sửa lỗi. Vì vậy, nếu kiểm tra tín hiệu được truyền đi, bạn sẽ thấy tín hiệu ấy là tín hiệu analog, nhưng thông tin ẩn trong đó là tín hiệu digital được mã hóa.
Ngộ nhận 2: Tất cả đĩa than đều là analog
Sự thật là một vài bản thu đúng là analog, nhưng không phải tất cả, nhất là giai đoạn mấy năm gần đây. Chắc chắn một điều, đĩa than đúng là analog, nhưng bản thu lại là chuyện khác. Trong quá trình thu âm có rất nhiều công đoạn cần xử lý digital, và không phải nghệ sĩ nào cũng có điều kiện thu âm và chỉnh sửa trên băng, đĩa analog. Vì thế, với những đĩa than ra mắt trong khoảng thời gian 20 năm trở lại đây, rất có thể chúng là sản phẩm từ một bản thu digital. Quan trọng hơn cả, không phải cơ sở làm đĩa nào cũng có đủ điều kiện để xử lý một bản thu analog.
Ngộ nhận 3: Cả CD và đĩa than đều có thể dùng chung một bản master
Trừ trường hợp của những CD rất cũ và một vài ấn bản đĩa than cực mới, rất hiếm có trường hợp một bản master dùng được cho cả hai. Thời đĩa CD mới ra mắt, đúng là có chuyện dùng chung nhưng thường chất âm không được như ý muốn. Ngày nay, một số ban nhạc indie cũng vì thiếu kinh phí mà làm đĩa than từ bản master của CD, tất nhiên, chất lượng cũng không cao. Nhưng nếu biết cách làm chuẩn thì bản master sẽ rất khác, có thể dùng cho cả hai sau khi cân nhắc hạn chế của CD và đĩa than. Đĩa than có hạn chế về mặt vật lý như rãnh đĩa phải thật rộng hoặc thật sâu. Do đó ngoài đời, người ta phải can thiệp rất nhiều vào quá trình xử lý tín hiệu cho đĩa than – dải trầm chuyển thành mono, dải cao bị thu hẹp theo hình elip để tránh hiện tượng sibilance, độ động (dynamic range) cũng bị thu hẹp lại môt ít. Vì thế, cùng một bản nhạc nhưng sẽ có hai bản thu khác nhau cho đĩa than và CD. Rất nhiều thứ mà mọi người cho là hiệu ứng của “thuần analog” như sự ấm áp, âm thanh có lực… thực chất là kết quả từ quá trình master.
Độ động của CD trên lý thuyết cao hơn so với độ động thực tế của đĩa than, nhưng vì cuộc chiến âm lượng (loudness war – cụm từ ám chỉ cuộc chiến suốt nhiều thập kỷ của giới nghệ sỹ và nhà sản xuất hòng phát hành được những album với âm lượng lớn nhất có thể), độ động bị cắt giảm đi rất nhiều. Trong khi đó, đối với đĩa than, người kỹ sư âm thanh với kỹ năng mastering cực tốt có thể khiến các bản thu trở nên có lực hơn rất nhiều dù rằng độ động của đĩa than không thể tăng thêm được.
Ngộ nhận 4: Đĩa than nghe hay hơn vì nó là analog
Nếu như cartridge có đầu kim nhỏ chỉ bằng cỡ một nguyên tử, không bao giờ bị mòn, không bao giờ chạm vào đĩa, nếu như rãnh đĩa chỉ có đúng một độ rộng duy nhất và nếu như tất cả các sai số vật lý khác đều biến mất, hiển nhiên điều này đúng. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa ai đủ khả năng giải quyết được các vấn đề như dải âm trầm cần rãnh đĩa quá rộng nên kim không thể di chuyển ổn định, hay như hình dạng của mâm xoay khiên âm thanh của đoạn thu ở rìa ngoài bao giờ nghe vẫn hay hơn các đoạn ở gần tâm đĩa than.
Đôi lúc đĩa than nghe sẽ hay hơn, đôi lúc CD nổi trội hơn, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào: 1. Định nghĩa thế nào là “hay hơn” và 2. Bản thu được thực hiện như thế nào.
Sở dĩ nhạc số phải chịu định kiến không hay bằng đĩa than là vì thời kỳ đầu, chất lượng của các thiết bị digital rất tệ, đồng thời nhiều hãng ghi âm lại dùng bản master của đĩa than để làm đĩa CD, khiến người nghe không thể phát huy hết các ưu thế của CD như độ động lớn hay méo tiếng thấp… Đến những năm 80 lại xuất hiện cuộc chiến âm lượng khiến người ta thi nhau cắt độ động để bản thu có âm lượng lớn hơn.
Nếu như chỉ để nghe một vài bài qua radio thì điều này không vấn đề gì, nhưng cả album đều bị ảnh hưởng khiến chất lượng CD thật sự đáng thất vọng (mà lỗi ở đây là do người làm thu âm chứ không phải do CD). Chưa kể rất nhiều đĩa than chất lượng tốt là những đĩa than cũ, từ thời chỉ những kỹ sư âm thanh thực thụ, làm việc cho những studio lớn với máy móc, công cụ hi-end mới có thể làm được đĩa than. Với nhiều yếu tố như vậy, hiển nhiên niềm tin đĩa than tốt hơn CD cứ thế kéo dài cho đến ngày nay.
Vậy, sự thật của ngộ nhận đĩa than hay hơn CD là như thế nào? Đĩa than không bao giờ nghe hay hơn CD, mà đúng hơn là âm thanh từ hai loại đĩa này nghe sẽ rất khác nhau. Khi tranh luận về analog và digital, mọi người thường đơn giản hóa vấn đề và nói rằng đĩa than nghe hay hơn vì nó là analog, analog nghe thuần chất tự nhiên và trung thực hơn. Nhưng sự thật là cho dù nó là analog và là dạng tín hiệu liên tục, quá trình cắt đĩa than lại khiến cho âm thanh của nó kém trung thực hơn ta tưởng rất nhiều