Đi đâu loanh quanh...

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Cháu rất tiếc 1 điều là những năm cuối thập kỷ 80, đầu 90 đã không lưu giữ những bức ảnh về chợ nổi Long Xuyên, nằm ở chỗ chợ Long Xuyên và Bắc An Hòa ngày nay. Chợ họp 24/24, đông vui, sầm uất và quy mô lớn hơn rất nhiều chợ Cái Răng ngày nay. Không nhớ đến năm chín mấy gì đó thì dẹp để không ảnh hưởng đến hành trình của phà Bắc An Hòa.
Alice cũng nhớ hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước vẫn còn chợ nổi Long Xuyên. Tiếc là lúc đó còn nhỏ quá nên không nhớ được nhiều, chỉ biết là rất sầm uất. Cảm ơn bác đã nhắc lại một ký ức về Long Xuyên.

Chợ nổi Cái Bè ở Tiền Giang Alice cũng thấy nhộn nhịp hơn chợ nổi Cái Răng đấy ạ.
 

bau67

Xe container
Biển số
OF-50318
Ngày cấp bằng
6/11/09
Số km
6,244
Động cơ
553,317 Mã lực
Nơi ở
Bụi Duối đầu làng !
Alice cũng nhớ hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước vẫn còn chợ nổi Long Xuyên. Tiếc là lúc đó còn nhỏ quá nên không nhớ được nhiều, chỉ biết là rất sầm uất. Cảm ơn bác đã nhắc lại một ký ức về Long Xuyên.

Chợ nổi Cái Bè ở Tiền Giang Alice cũng thấy nhộn nhịp hơn chợ nổi Cái Răng đấy ạ.
Cháu xin mạn phép hỏi, hồi đó Mợ ở đâu ạ ?
 

dilac

Xe máy
Biển số
OF-14870
Ngày cấp bằng
17/4/08
Số km
65
Động cơ
513,750 Mã lực
Trong luận đề của Alice, một gã lãng du sẽ gần như không có cơ hội để trở thành một lãng tử thứ thiệt nếu thiếu vắng một điều kiện “trầm trọng” nhất, đó là bạn gái của gã. Ái chà, lãng tử, gọi cách khác theo ngôn từ dân Ta ba lô là Phượt, sẽ chả là cái đinh gỉ gì nếu không có những chữ ph… khác kèm theo trên con đường lãng du của gã. Do vậy, viết về Phượt mà không đề cập đến bạn gái của Phượt, thì là một lỗ hổng, thiếu sót không thể nào tha thứ nổi.

Vậy bạn gái Phượt là ai? Ai đã tiềm tàng trong huyết quản của mình thiên bẩm chức năng có thể trở thành bạn gái lãng tử đây? hay cuối cùng chỉ dừng lại ở biển hiệu “Xe đạp lông” là chấm hết! Tôi đã tò mò cào bới suốt trong đời không kém phần lang bạt của mình để trả lời mà chưa được. Cho đến một ngày tôi chứng kiến một cặp giò tuyệt đẹp từ từ thò ra khỏi một cái chuồng gà biết chạy trên lưng đèo Khau Phạ, rồi cũng cặp giò ấy ướt đẫm mồ hôi, đạp lên đá sỏi để đẩy nổ cho cái chuồng gà kia ngay bên cạnh những cánh ruộng bậc thang Mù Căng Chải, mồm hò hét đám xe thồ qua đường phụ giúp…thì tôi bỗng choàng tỉnh cơn mê, câu trả lời đang hiển hiện ngay ra trước mắt…


Mẫu hình Bạn gái lãng tử

Vậy, bạn gái của Phượt tử phải vượt lên trên ngay Phượt tử một bậc. Nghĩa là cái máu lang thang phải ngấm sâu vào máu, vào tim, vào não, vào chân…tới mức nếu Phượt tử có mười cái hoa chân để trọn kiếp lang thang, mười cái hoa tay để đủ kéo về những khỏang khắc để đời trên đường đi vào một cái tệp .gif hoặc .jpg. Cái xoáy hoa tròn xoe trên rốn để gã có thể bụp từ sơn hào hải vị hay nuốt vội nắm mèn mén chua nồng cho đỡ đói, cái hoa tròn xoe trên lưỡi để có thể ba hoa chích chòe đủ thứ tạp pí lù lịch sử văn hóa, khiến cho chỉ một hòn đá vất vưởng trên đỉnh núi nọ bỗng nhiên đứng lên vỗ ngực cảm thấy tự hào. Thì bạn gái của Phượt tử ngoài những phẩm chất ấy ra còn thêm một xoáy hoa tuyệt đẹp trong tai, để chỉ cần nghe lời rủ rê của gã, dù vảng vất những ngôn từ thô lỗ, đầy những phát sinh ngoài ý muốn phía trước, cũng sẵn sang bị gậy lên đường. Trong suốt chuyến đi, bị đổ đầy vào tai những lời sáo rỗng, biết thừa là đến 7 phần mắm muối của gã, nhưng vẫn vui vẻ tán thưởng. Bạn gái của Phượt tử phải có xoáy hoa trên đùi, để biết thò ra khỏi cái chuồng gà đúng tốc độ, đúng lúc, khiến cho đám bạn mới quen trên đường của gã không thể không liếc xéo một cái, giống như cách nhìn của con mèo nhìn lọ mỡ treo hớ hênh giữa bếp…làm mũi gã Phượt tử phổng to thêm một tí. Và phẩm chất “tàn bạo” nhất phải kể đến là cái xoáy hoa nóng bỏng trên mình, để cho gã Phượt tử vẫn cố làm cái chuyện phí sức nhất cùng nàng, mặc dù chỉ một vài giờ nữa là phải đối mặt với gần ngàn cây số. Níu kéo đã giỏi, bạn gái Phượt tử cũng phải có khả năng buông tha. Chuyến đi đến hồi kết, thì nàng cũng biết là cần phải thả gã về lại cái nơi của gã, không quá bịn rịn, không tiếc nuối, ghen tuông, và lại sẵn sàng cho chuyến đi mới, sẽ lại mau chóng nhảy ra từ chiếc điện thoại di động trong túi nàng dưới hình thức một giọng rủ rê ồm ồm quen thuộc.

Đấy, những phẩm chất tối thiểu cho bạn gái Lãng tử là như vậy. Liệu các bạn gái máu lãng du có vượt lên trên phẩm cấp của một “Xe đạp long” để với tới hay không?
 
Chỉnh sửa cuối:

Dims

Xe điện
Biển số
OF-2264
Ngày cấp bằng
4/11/06
Số km
2,222
Động cơ
588,320 Mã lực
Nơi ở
Lung tung linh tinh
Website
glaptop.com
Em là em ghét từ "Phượt" nó không có trong từ điển, và lão có thể giải thích cho em hiểu: Phượt là gì, từ đâu mà có từ phượt...phượt là động từ, tính từ or danh từ???? túm cái ống lại là: phượt có ý nghĩa là gì.

Lâu lâu nay em mới được đọc lại nghe lại cụm từ: Xe đạp lông. He he...!!!Lão thành: lãng tử từ khi nào vậy???
 

dilac

Xe máy
Biển số
OF-14870
Ngày cấp bằng
17/4/08
Số km
65
Động cơ
513,750 Mã lực
Em là em ghét từ "Phượt" nó không có trong từ điển, và lão có thể giải thích cho em hiểu: Phượt là gì, từ đâu mà có từ phượt...phượt là động từ, tính từ or danh từ???? túm cái ống lại là: phượt có ý nghĩa là gì.

Lâu lâu nay em mới được đọc lại nghe lại cụm từ: Xe đạp lông. He he...!!!Lão thành: lãng tử từ khi nào vậy???
He he, Mợ Dims ơi, vì lẽ gì mợ cứ phải tra cái từ điển tiếng Việt cho khổ. Nào có thiếu giống gì những từ tồn tại trong từ điển mà hỏi thiên hạ, có mấy người đã biết. Ví dụ, những từ như "rui", mợ hỏi đám anh em vẫn quanh quẩn bên mợ biết nó hình thù thế nào không. Và với đà săn bắn như hiện nay, ngót nghét trăm năm sau cũng không ai biết từ dím là gì nữa.

Ngược lại, cũng có những từ như ô sin, hoàn toàn không có trong từ điển, nhưng nói ra ai cũng hiểu. Cách đây vài trăm năm người Việt chẳng ai hiểu Phở là gì, nhưng đến nay họ hiểu Phở với cả nghĩa đen lẫn bóng. Trường hợp từ Phượt cũng vậy thôi, nó sẽ sớm có mặt trong từ điển ngôn ngữ Việt nam, chẳng chóng thì chày.

Lão dốt, nên lão đành mang định nghĩa của Cao Sơn đem ra trưng với mợ vậy nhé.

"Đi du lịch là đi đến vùng đất khác xem có gì khác lạ nơi mình ở. Thời bao cấp, người Bắc Việt chẳng ai đủ tự tin dùng từ du lịch cho bản thân mặc dù trong từ điển tiếng Việt có hiện hữu từ này vì nó quá xa xỉ với cuộc sống của họ. Khái niệm du lịch rộng hơn khái niệm tham quan hay có thể hiểu một cách nôm na: du lịch là đi chơi xa kết hợp tham quan ở chỗ mình đến. Đi du lịch có thể theo nhóm, có thể một mình, nhưng khác cơ bản với tham quan là chủ động thời gian, không gian và chi phí, mục đích chỉ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân.

Đi nghỉ là kiếm một chỗ sang trọng và tiện nghi hơn bình thường để chơi bời đàn đúm hay nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Đi nghỉ là bậc cao nhất của du lịch và chỉ phụ thuộc vào túi tiền lẫn nhu cầu bản thân. Nếu như đi du lịch nước ngoài vẫn phải tuân theo những lịch trình nhất định của nhà tổ chức thì đi nghỉ có thể ngủ vùi 10 ngày không ra khỏi giường với một cô gái chân dài mét mốt trong một khu nghỉ biển xanh rì với bãi cát trắng phau mà không bị ai làm phiền. Vài năm trở lại đây một số tầng lớp trên của chúng ta đã rời xa khái niệm du lịch và dịch gần về khái niệm đi nghỉ. Điểm dễ nhận thấy của đi nghỉ là tự tổ chức và chi phí r ất cao so với đi du lịch đơn thuần.

Phượt không phải là từ lóng của du lịch. Phượt vượt ra khỏi tầm kiểm soát của du lịch. Khi ta đã chán mọi thứ kia, chán sự tiện nghi chăn ấm nệm êm với cô gái thơm phức bên bãi biển, chán cuộc sống buồn tẻ ra đụng vào chạm, chán cái ngột ngạt của cuộc sống đô thị thì chuyển sang Phượt. Phượt là những chuyến đi hành xác đến những nơi thâm sơn cùng cốc, không định hướng, không xác định thời gian, mục đích lớn nhất mà Phượt đem lại là giải thoát tinh thần bằng cách hành hạ thể xác trong những chuyến đi xa."
 
Chỉnh sửa cuối:

Dims

Xe điện
Biển số
OF-2264
Ngày cấp bằng
4/11/06
Số km
2,222
Động cơ
588,320 Mã lực
Nơi ở
Lung tung linh tinh
Website
glaptop.com
Phượt không phải là từ lóng của du lịch. Phượt vượt ra khỏi tầm kiểm soát của du lịch. Khi ta đã chán mọi thứ kia, chán sự tiện nghi chăn ấm nệm êm với cô gái thơm phức bên bãi biển, chán cuộc sống buồn tẻ ra đụng vào chạm, chán cái ngột ngạt của cuộc sống đô thị thì chuyển sang Phượt. Phượt là những chuyến đi hành xác đến những nơi thâm sơn cùng cốc, không định hướng, không xác định thời gian, mục đích lớn nhất mà Phượt đem lại là giải thoát tinh thần bằng cách hành hạ thể xác trong những chuyến đi xa."

Nếu dư vầy là phượt thì may quá em chưa phải là phượter...và nghe chừng phượt cực nhọc nhể! Mà lão chưa trả lời câu hỏi của em: Lão là Lãng tử từ khi nago vầy?
 

Okane

Xe container
Biển số
OF-15066
Ngày cấp bằng
24/4/08
Số km
6,377
Động cơ
572,092 Mã lực
E k thik đi phượt, dưng có cô bạn gái chân dài tít tắp như thế kia thì vợ cấm e cũng liều mình đi, hehe....
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Cháu xin mạn phép hỏi, hồi đó Mợ ở đâu ạ ?
Hồi đó Alice cũng ở Long Xuyên. Alice có 12 năm sống ở Long Xuyên và đó là những năm tháng tuổi thơ đẹp nhất. :x
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Post lại bài này vào topic. Tháng 11 rồi, chắc lúa ở Mù Cang Chải đã chín vàng chuẩn bị gặt hết rồi.

Có một ngày đi tìm lại những sắc màu Mù Cang Chải trong ký ức. Gõ vào Google dòng chữ "lang thang Mù Cang Chải".

Có lần mình đã nhủ thầm: Một lời nói không bằng một dòng chữ viết ra, một dòng chữ viết ra không bằng một bức tranh hay ảnh diễn tả.

Dòng chữ nào có thể thay bút vẽ, thay máy ảnh để miêu tả được những sắc màu? Hình như là không thể.

Nhưng vẫn đành mượn ngôn từ để diễn tả chút tình riêng với một nơi giờ chắc đã là mùa đông.

NẮNG VÀNG EM ĐI ĐÂU MÀ VỘI

Mượn lời bài hát của Trịnh Công Sơn để tự nhắc mình về những chuyến lên đường vội vã. Đang ở Sài Gòn những ngày nắng đẹp, ra Hà Nội mấy ngày trời mưa ảm đạm, u ám. Ngồi làm việc mà lòng bồn chồn không yên. Một vài người bạn biết mình định đi Mù Cang Chải, ai cũng khuyên: Quay về Sài Gòn đi, mưa thế này sẽ sạt đường, lở núi, rồi lũ quét, rồi sẽ kẹt lại cả tuần không về được…

Ừ, nhưng mà chuyến đi nào của mình xưa nay cũng vội vàng, cũng có chút bất trắc. Thời gian của con người thì hữu hạn. Những chuyến đi chính là sự nối dài thêm đời sống vốn hữu hạn của con người. Con người có cơ hội được sống thêm ở những khung cảnh khác, gặp những cuộc đời khác. Nên có được chút thời gian rảnh rỗi, lại ba lô khăn gói lên đường.

Nghe dọa thì sợ nhưng lòng vẫn muốn đi, vẫn nấn ná ở lại Hà Nội chờ ngày mưa tạnh. Rồi trời cũng chiều lòng mà tạnh mưa thật.

Lên đường từ lúc 5g30 ngày thứ 7 cuối tuần. Trời còn mờ tối, ánh đèn đường vẫn sáng trong đêm. Không biết bao nhiêu lần đã lên đường vào những buổi tờ mờ như thế này. Lần nào lòng cũng nao nao. Trời vẫn chưa sáng rõ mặt người, khi băng qua sông Hồng dõi mắt nhìn xuống làn nước, vẫn chưa thấy ánh sáng màu trắng bạc của bình minh. Không biết đã đi qua sông Hồng bao nhiêu lần, chỉ biết là đủ nhiều để nhận thấy sắc nước sông Hồng thay đổi không chỉ theo mùa mà còn theo từng thời khắc trong ngày. Mùa xuân nước trong nhất, mùa hè nước đục hơn. Sang thu thì nước ngả màu xám, đến mùa đông màu xám ấy pha thêm màu bạc của khói sóng. Trong ngày cũng thế. Sáng sớm nước sông Hồng như có màu trắng bạc. Dưới ánh sáng ban ngày, nước sông trở về cái màu đỏ đục trứ danh, về chiều, lại ngả sang màu xám trầm buồn. Mới chỉ gần sang thu, mà sao đã nhớ hoa cải vàng. Nhớ những chiều đông lang thang trên đê sông Hồng, cứ ngẫu hứng đi, đi mãi.

Cố đi nhanh để thoát ra khỏi thành phố trước giờ kẹt xe buổi sáng. Nhưng đường Hà Nội vẫn vắng, chợt nhớ những chiếc lô cốt đang lấn chiếm mọi con đường của Sài Gòn, làm khổ mình ngày hai buổi sáng chiều.

Bắt đầu từ Sơn Tây là đã thấy nắng vàng, trời xanh, mây trắng. Lần nào đi đến Sơn Tây, trời luôn xanh trong và có nắng vàng. Ngẫu hứng đọc mấy câu thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” của thi sĩ xứ Đoài – Quang Dũng với bạn đồng hành.

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao lần quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương

Đi ngang nơi này nhớ một chiều làng cổ Đường Lâm yên bình, một chiều Tây Phương vắng khách vãn cảnh chùa. Bao giờ mình có dịp trở lại nơi ấy? Sư cụ tuổi đã cao lắm rồi.

Chưa ăn sáng, vượt qua vô số những hàng quán bán sữa để ghé vào một quán bánh cuốn bên đường. Rất ngon. Ngồi ở bàn bên cạnh là hai chuyên gia đi phượt. Vác máy ảnh thể hình, quần áo loại nhiều túi. Thầm nghĩ vào những ngày thế này, các nhà phượt chắc đang tập trung về Mù Cang Chải. Mấy tuần nay các diễn đàn trên mạng, chỗ nào cũng bàn về Mù Cang Chải, về ruộng bậc thang, về thời tiết.

Một em bé con đi cùng cha mẹ vào quán toét miệng cười suốt với mình, như một điềm may trước lúc lên đường.

Nắng vàng ngọt như mật. Và rơm vàng trải suốt dọc đường. Chưa bao giờ thấy nhiều rơm đến thế. Đời rơm thân mỏng phận hèn. Miền Tây Nam Bộ có cảnh đốt đồng, không có cảnh phơi rơm. Miền Tây Nam Bộ còn có cảnh phơi lúa dọc đường.

Vượt qua cầu Trung Hà bắc ngang qua sông Đà để vào đất Phú Thọ. Bắt đầu thấy bóng dáng của những cây chè xanh một màu xanh đậm đà.

Qua đèo Khế, háo hức hỏi bạn đồng hành, có phải đây là con đèo Khế trứ danh trong thơ Tố Hữu

Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế
Gió qua rừng đèo Khế gió sang

Không dài lắm, đường đi khá tốt, đèo Khế xóa đi ấn tượng về một cung đường hay có núi sạt, lở đèo. Là ranh giới tự nhiên giữa đất Phú Thọ và Yên Bái, đèo Khế như vô vàn con đèo khác trên đất Việt Nam, có chăng chỉ vì một câu thơ duy nhất hay trong bài thơ “Phá đường” của Tố Hữu mà trở thành nổi tiếng. Tự nhiên lẩn thẩn nghĩ rằng: Không biết ở Việt Nam có bao nhiêu con đèo được đưa vào thơ, vào nhạc? Phì cười vì nhớ lại đèo Ngang “cỏ cây chen lá đá chen hoa” nên thơ của Bà Huyện Thanh Quan, nay biến thành chuyện hài hước, muốn được đổi tên thành đèo Nghếch để xóa đi cái số “đang nghèo”.

Chặng đường đi qua miền trung du ngược lên miền núi. Những phố thị thưa và xa dần. Bao nhiêu là phố huyện giống nhau, những gương mặt vụt qua lần cửa kính, nhòe nhoẹt, không rõ. Dừng chân ở một quán cà phê ở một địa danh mà mình hoàn toàn xa lạ: thị trấn Nông trường Trần Phú.



Quán không một bóng người. Đậm chất một quán cà phê phố huyện với mành trúc, hoa giả và mấy thứ đồ uống nghèo nàn. Yên ả, thanh bình. Chủ quán là một em trai, nhiệt tình chỉ đường, như đã quá quen với những vị khách kiểu này. Đường đến Mù Cang Chải không còn xa.

Càng gần đến Tú Lệ, càng thấy nhiều bóng dáng của người dân tộc Mông. Nhớ lại những kiến thức linh tinh đọc được ở đâu đó, 90% dân số Mù Cang Chải là người dân tộc Mông với 4 nhóm người: Mông Đơ (Mông Trắng), Mông Đu (Mông Đen), Mông Lình (Mông Hoa), Mông Si (Mông Đỏ). Phân loại này là dựa vào trang phục họ mặc trên người. Họ thường sống trên những triền núi cao nhất.



Xuống xe làm quen với vài em bé người Mông, chúng hầu như không nói được tiếng Việt. Chỉ có tiếng cười và ánh mắt nói thay nhiều điều. Lắng nghe thật kỹ những tiếng Mông để tìm xem có phảng phất âm điệu tiếng Hán hay không mà các nhà ngôn ngữ học Trung Quốc cứ khăng khăng xếp họ vào ngữ hệ Hán - Tạng, trong khi đã từ lâu, các nhà ngôn ngữ học phương Tây đã tách họ ra thành một ngữ hệ riêng: Ngữ hệ Mông – Miền hay còn gọi là ngữ hệ Miêu – Dao và được được xem là nhóm ngôn ngữ đa thanh điệu nhất.

Lần nào lên vùng núi cao phía Bắc cũng quan sát thật kỹ nét mặt người Mông. Về mặt nhân chủng học, họ không khác gì với những người Mông ở Lào, ở Thái Lan, ở Myanmar, ở Trung Quốc mà mình đã từng tiếp xúc, tập tục dù có khác nhau đôi chút nhưng về cơ bản vẫn là văn hóa của một dân tộc ít người, sống chênh vênh trên những triền núi cao.

Độ cao cứ dần thay đổi, đã thấy những thửa ruộng bậc thang hiện ra hai bên đường lúc 2 giờ chiều. Trời xanh ngắt, những thửa ruộng xanh và vàng đan xen vào nhau, như là những tấm thảm lộng lẫy được đất trời thêu hoa dệt gấm. Từ trên cao nhìn xuống khó có thể tin được đấy là kỳ công của bàn tay con người qua bao nhiêu năm tháng. Nắng vẫn vàng và trong suốt. Không khí mát lành phảng phất mùi hương lúa.



Ruộng bậc thang không chỉ riêng có ở miền núi phía Bắc và vùng đất Tây Nguyên Việt Nam. Một phương thức canh tác cổ xưa có thể thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Các nhà nghiên cứu về nông nghiệp và khảo cổ cho rằng nó đặc biệt phổ biến ở vùng Đông Nam Á. Ở Philippines, ở Thái Lan, Indonesia đều có ruộng bậc thang. Thậm chí ruộng bậc thang Banaue của người Ifugao ở Philippines đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải thì được Việt Nam được công nhận là di tích cấp quốc gia. Ở Vân Nam (Trung Quốc), một nơi rất gần với Việt Nam cũng có ruộng bậc thang. Chủ nhân của chúng chủ yếu cũng là những người Mông. Xa hơn nữa, người da đỏ Inca ở Peru cũng canh tác ruộng bậc thang.

Có vô vàn điều để nói quanh những thửa ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang là một loại hình canh tác đặc biệt của nền văn minh lúa nước Đông Nam Á. Một nền văn minh nông nghiệp, trọng lúa gạo, trọng sự ấm no và chứa đựng nhiều yếu tố tâm linh. Đồng bằng đã được mang lên miền núi có nghĩa là cơ cấu bữa ăn thay đổi, sinh hoạt thay đổi, xã hội cũng có sự thay đổi.



Lững thững đi bộ trên đường ngắm cảnh, thỉnh thoảng dừng chân chụp vài ảnh làm kỷ niệm. Muốn đi cho ánh nắng chiếu vào làn da trần. Muốn đắm mình trong bầu không khí tinh khiết của một ngày nắng đẹp. Có lần mình nhận xét: phương Nam nhiều nắng, phương Bắc nhiều gió. Vậy mà không ngờ có ngày mình gặp được nắng ở chốn phương Bắc xa xôi này. Dưới chân vẫn là những bức tranh với đủ sắc màu xanh điểm chút vàng. Màu sắc của những thửa ruộng bậc thang thay đổi theo ánh nắng. Từ trên cao, nhìn thấy rõ đường đi của những tia nắng trời. Ngẩng mặt lên, chỉ gặp một ít mây trắng lững lờ.



Lẩm nhẩm trong đầu một câu thơ của Pierre Emmanuel: “Tại sao vĩnh cửu xanh màu lá cây?” Câu thơ luôn ở trong tâm trí mình mỗi khi đối diện với thiên nhiên. Có lẽ cuộc đời trần thế của con người quá nhiều màu sắc vui buồn nên là hữu hạn, còn thiên nhiên chỉ giản dị một màu xanh lá cây nên là vô tận vô cùng.



Căng mắt nhìn để phân biệt các sắc độ màu xanh. Màu xanh lá ngả vàng là của các thửa ruộng đang chín tới. Màu xanh lá non là các ruộng lúa chưa đến thì. Xanh lá đậm đà hơn là những ruộng lúa lên đòng. Những bụi cây lô xô trên triền núi ngả màu xanh thẫm. Xanh thẫm hơn nữa là những ngọn núi ở xa mờ làm nền cho những thửa ruộng. Và bao trùm lên tất cả là một nền trời xanh thẳm lạ lùng. Màu xanh thẳm ấy, dường như vay mượn từ biển cả mang lên trời cao. Màu trời xanh ấy, chỉ mới gặp một lần ở cánh đồng Chum, nay lại được gặp.



Màu vàng của nắng cùng sắc với màu lúa chín. Nắng đi lang thang trên các đỉnh đèo, lang thang trên những thửa ruộng bậc thang. Lúc ẩn lúc hiện, nhưng lúc nào cũng như thấy nắng ở bên cạnh, không chói chang, gay gắt, mà ngọt ngào, ấm áp. Nắng vùng cao khác với nắng đồng bằng, lại càng khác xa nắng nơi đô thị. Nắng vùng cao vàng trong suốt, lấp lánh trên từng phiến đá, bụi cây, thỏa sức khuếch tán, vẫy vùng giữa không gian bao la, phóng khoáng. Nắng đồng bằng hiền lành, vàng óng ả, trải rộng yên bình. Nắng đô thị oi ả, đặc quánh giữa những mảnh khối bê tông, đường nhựa.

Có một người bạn họa sĩ của mình năm nào cũng đến chốn này và vẽ. Vẽ như bị ám ảnh. Vẽ trong mê mải. Sau nhiều năm, đầy nhà là những bức tranh. Không tặng, không bán. Chỉ bán những bức tranh khác. Có lẽ một ngày nào đó, bạn sẽ mở một triển lãm dành riêng cho chốn này.

Màu xanh chỉ đơn thuần là sự sống. Nhưng cột điện và những mái nhà nhỏ xa xa tạo cảm tưởng rằng sự sống đang tiếp diễn trôi chảy. Những khung cảnh quen thuộc: những dáng người lom khom trên ruộng lúa. Những chiếc khăn đội đầu đủ màu sắc. Những ánh mắt đau đáu lạ kỳ của các em nhỏ. Những chú heo mọi thả rông… Năm này qua năm khác, có bao giờ sẽ thay đổi không? Có bao giờ sẽ hết đói nghèo không?



Một chiều nắng vàng lang thang ngắm nhìn. Một chiều nắng vàng chưa đủ để thấy hết khung cảnh nơi này. Nhưng đã đủ để thấy gắn bó, thấy yêu. Trên đường đi gặp đủ mọi dân phượt. Xe máy, ô tô lũ lượt đi và dừng. Nhìn đâu cũng thấy máy ảnh. Nét mặt ai cũng rạng rỡ. Mình cũng chụp ảnh như bao nhiêu người đã chụp. Mệt mỏi dừng chân, chợt hứng chí chụp xuống đôi giày. Hai năm, đôi giày đã cùng mình lang thang nhiều ngàn km đường bộ.

Hoàng hôn ở đây về chậm. Những thửa ruộng bậc thang trong cảnh chiều tà cứ sẫm màu dần. Chỉ còn lại vài tia nắng rớt rồi tắt dần.

Thị trấn Mù Cang Chải trong đêm nghèo nàn, bé nhỏ. Không biết có quá ích kỷ không nhưng chỉ mong nó mãi như thế này. Không đông vui thêm, không nhộn nhịp thêm, không sầm uất thêm.

Sáng chủ nhật lên đường quay về. Bằng một đường khác, qua Lai Châu, Lào Cai, đi con đường mà mọi người lũ lượt ngược lên Sa Pa. Có lúc nhìn cột mốc bên đường, thấy Sa Pa ở thật gần, cách vài chục cây số. Không thích Sa Pa lắm vì đã khác xưa rồi. Chỉ thích Fansipan. Mấy tháng trước mình đã lặn lội 3 ngày ở ngọn núi này.



Con đường mình chưa đi bao giờ. Không rõ là sẽ đi qua những chốn nào. Chỉ thấy vui, thấy háo hức vì những cung đường lạ, những đèo dốc lạ. Buổi sáng có lúc trời mù mây, gió lạnh, có lúc lại nắng vàng rực rỡ, giống tính khí thất thường của vô vàn phụ nữ. Nhớ Đèo Khau Phạ mù trắng xóa. Trong tiếng Thái Đen thì Khau Phạ có nghĩa có Sừng Trời, nôm na có thể gọi là đèo Cổng Trời. Có quá nhiều Cổng Trời ở vùng núi phía Bắc này.



Dừng chân ở Bảo Hà vào đền ông Hoàng Bảy. Ngôi đền nằm kề bên sông Hồng. Sông Hồng ở đoạn này không lớn, nước trôi bình lặng, êm đềm. Hai bên đền vô số những chú ngựa giấy đủ sắc màu. Ông Hoàng Bảy là một vị được đạo Mẫu tôn sùng, có công đánh giặc, bảo vệ dân. Ngôi đền tương truyền có từ thế kỷ XVII nay đã hóa… tân thời. Đạo Mẫu linh thiêng cũng đã nhuốm mùi trần tục ở chốn này. Tiếc cho một truyền thuyết đẹp về một vị anh hùng. Bực mình đôi chút vì bị bảo vệ giữ lại ở cổng đền, với lý do nực cười là trang phục không phù hợp. Nhưng cũng kịp quan sát cảnh hương khói nghi ngút, lễ bái tấp nập, làm gợi nhớ không khí ở Phủ Giày.



Xuôi thêm chút nữa đến Phố Ràng. 60 năm đã qua rồi kể từ trận Phố Ràng được nhà văn Trần Đăng viết thành trang ký. Không còn dấu vết chiến tranh trên ngọn đồi xanh, chỉ có những con phố hiền hòa, những nụ cười hiền hòa.

Lang thang, la cà, nghỉ chân, và chỉ kịp đến bờ sông Thao vào buổi chiều muộn. Được ngắm cảnh sông lúc hoàng hôn, khi mặt trời dần lặn. Nhiều lần nghe bài hát “Du kích sông Thao” của Đỗ Nhuận, nhưng bây giờ mới thấy cảnh “cuối sông nhiều bến”.

Hng Hà mênh mông trôi cát ti chân làng quê
Cui sông nhiu bến ai v có thy
Làn gió xanh rì bát ngát đng lúa… ven b đê
Hng Hà trôi xuôi đưa nước trên ngàn v khơi
Sông Thao ngoài bến Vit Trì
Có nhng chàng áo nâu v say mê dòng nước
… vui tràn tr.



Lại tiếp tục băng qua những vùng đất cổ từ trung du xuống đồng bằng. Càng ngày càng đến gần những phố thị sáng đèn rực rỡ. Đã thấy quầng sáng của Hà Nội hắt bóng phía xa xa. 10 giờ đêm về đến Hà Nội. Mệt mỏi, lơ mơ buông mình vào một quán cà phê ngoài trời. Ngẩng lên ngắm màn đêm và nhớ ánh nắng vàng. Mới gần mà đã xa rồi.

Buổi sáng thứ hai, về lại Sài Gòn. Trời mưa như trút nước trên đường ra Nội Bài. Trời quả là chiều lòng mình khi cho mình vừa đủ hai ngày nắng đẹp. Lại đi ngang qua sông Hồng lần nữa. Hà Nội đôi khi làm mình rối tinh lên vì những lần xuôi ngược băng qua sông Hồng.

“Nắng vàng em đi đâu mà vội”. Nhưng lần nào cũng vội và lần này cũng vội. Thôi thì hẹn một năm sau nữa. Một mùa lúa nữa. Một chuyến đi nữa. Vì đã thấy gắn bó, đã thấy lưu luyến, đã thấy nhớ chốn này.

Về với nắng Sài Gòn rồi mà nhớ mãi nắng ở xa.

 
Chỉnh sửa cuối:

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Đi về miền Tam giác vàng (Golden Triangle)

Tam giác vàng, một cái tên nhuốm màu huyền thoại, nay đã không còn là vùng đất cấm đối với du khách thập phương. Nhưng cách đây mấy chục năm, nói đến tên Tam giác vàng là nói đến một đế chế thuốc phiện đã từng có một thời kiểm soát 70% lượng heroin trên toàn thế giới. Nhưng ở thời điểm hiện tại, theo báo cáo của Cơ quan phòng chống ma túy của Liên hiệp quốc (ONUDC), thì vùng đất này chỉ còn chiếm khoảng 5% tổng sản lượng ma túy của thế giới.

Với diện tích khoảng 195.000km2 (có tài liệu cho rằng khoảng 350.000km2 – chênh lệnh quá, chả biết ai đúng?) nằm giữa vùng biên giới ba nước Lào – Thái Lan –Myanmar, Tam giác vàng được biết đến như những sườn đồi ở độ cao 1000 – 1700m, với những lớp đất bạc màu, có độ kiềm cao, đặc biệt thích hợp để trồng cây thuốc phiện. Tên gọi Tam giác vàng ra đời vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ XX, gắn liền với tên của một con người, nay đã qua đời bình yên trong tuổi già vào cuối năm 2007 tại Rangoon, cựu thủ đô của Mynamar: Trùm thuốc phiện Khun Sa.

Khun Sa vốn gốc là người Hán, sinh ngày 17/2/1934 (có tài liệu cho rằng sinh năm 1933) tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, có bố là người Trung Quốc, mẹ là người Shan (một tộc người thiểu số chiếm khoảng 10% dân số Myanmar). Chính hoàn cảnh lịch sử khá đặc biệt của Myanmar đã tạo điều kiện cho Khun Sa trở thành một ông trùm được cả thế giới biết đến dưới biệt danh: “Hoàng tử chết”.

Giành được độc lập từ tay người Anh vào năm 1948, Myanmar đã trải qua nhiều cuộc đảo chính và xung đột giữa các bộ tộc. Chính phủ Myanmar xác nhận đất nước họ có 135 dân tộc, nhưng các học giả phương Tây cho rằng con số thật thấp hơn nhiều. Ngay khi Myanmar vừa giành được độc lập, hàng chục bộ tộc đã lên tiếng đòi ly khai, chưa kể đến hàng loạt tướng lĩnh Quốc dân đảng Trung Quốc sau khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời (1949) đã dẫn tàn quân chạy xuống vùng Tam giác vàng cát cứ. Những đội quân này lúc liên kết, lúc xâu xé nhau xung quanh chuyện tranh giành mối lợi buôn bán thuốc phiện. Cuối cùng, Khun Sa từ một kẻ liều mạng tay trắng đã vượt lên trở thành ông trùm của vùng đất này.

Khun Sa luôn lên tiếng trước thế giới rằng mình là người đấu tranh cho quyền tự trị của dân tộc Shan, và tự xưng mình là Chỉ huy trưởng của Quân đội thống nhất dân tộc Shan, sau đổi tên thành quân đội Mong Tai. Có những lúc đội quân này lên đến 20.000 tay súng, nhưng thường duy trì ở mức trung bình 5.000 – 10.000 người, được trang bị hiện đại (đại bác, tên lửa vác vai, súng chống tăng…) nhờ tiền buôn bán ma túy.

Đế chế Khun Sa dần suy yếu do việc chính quyền Myanmar mạnh tay trong việc truy quét khu vực Tam giác vàng vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90. Khun Sa chấp nhận việc giải giới quân đội, ra hàng chính phủ Mynamar để đổi lấy việc được ân xá.

Ngày nay Tam giác vàng là một địa điểm du lịch thu hút nhiều khách nước ngoài. Không hẳn chỉ vì huyền thoại về một vùng đất bí ẩn, mà còn vì những phong cảnh đẹp, sức hấp dẫn từ những nền văn hóa độc đáo, riêng biệt của những sắc dân thiểu số của Myanmar, Lào và Thái Lan.

Và thế là lại lên đường đến miền đất ấy.
 

dilac

Xe máy
Biển số
OF-14870
Ngày cấp bằng
17/4/08
Số km
65
Động cơ
513,750 Mã lực
Nếu dư vầy là phượt thì may quá em chưa phải là phượter...và nghe chừng phượt cực nhọc nhể! Mà lão chưa trả lời câu hỏi của em: Lão là Lãng tử từ khi nago vầy?
Thế theo mợ Dims thì thế này đã được coi là Lãng tử không nhỉ?


 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Tại có dính đến chút đi loanh quanh nên post ở đây:

“Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người?” hay “Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ”

Hồi nhỏ tôi sống ở dưới Long Xuyên (đến bây giờ vẫn tự nghĩ mình là người Long Xuyên, dù rằng không phải là nơi sinh ra, chỉ là nơi lớn lên, dù không phải là nơi có bà con ruột thịt, chỉ là nơi có kỷ niệm) và cũng hay đi lang bang khắp miền Tây (theo Papa đi công tác). Cho nên sau này có ai hỏi vì sao hay ngâm nga mấy câu nhạc vàng hay nhạc sến, tôi hay bảo: tại Long Xuyên và tại miền Tây đó.
Nhạc vàng, hay nhạc sến được hiểu nôm na là những bài hát một thời rất thịnh hành ở miền Nam trước năm 1975. Có lẽ nó ra đời bắt đầu từ thập niên 60 của thế kỷ trước với những bài hát có lời lẽ dung dị, thậm chí bình dân, nhưng mặt khác lại đậm đà chất thơ và gây một hiệu ứng đặc biệt khiến cho khán giả nhớ rất lâu. Phổ biến có lẽ là những bài hát theo giai điệu boléro hay rumba… Có thứ sến nhiều, kiểu như nhạc của Vinh Sử:

Bước lang thang qua từng vỉa hè
Biết đêm nay đi về nơi đâu
Người yêu ơi! Em đã sang ngang
Tình yêu ơi! Xin vấn khăn tang.

Em ơi! Em ơi!
Thà rằng ngày xưa em đừng thề
Trong cuộc đời yêu chỉ anh thôi
Thì ngày nay anh đâu tuyệt vọng
Phong ba ngập lòng trông theo bụi hồng em bước vu quy.
Có thứ sến vừa vừa, kiểu như “Mười năm tình cũ” của Trần Quảng Nam viết mãi về sau này. Không hiểu sao tôi thấy một phần dòng nhạc hải ngoại phổ biến ở những nơi có nhiều người Việt sinh sống tại nước ngoài, cũng chỉ là sự nối dài của dòng nhạc Việt ở miền Nam trước năm 1975. Cũng sến và ướt, kiểu như thế này:

Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ

Đành nhủ lòng thôi giã từ kỷ niệm
Cho qua bao năm mộng buồn quên dấu
Nhưng sao bao năm ngày dài qua mãi
Trong anh hôm nay thấy tình còn đây

Mười năm cách biệt tình đành quên lãng
Như mây như mưa bay đi muôn phương
Nhưng em yêu ơi! Một dòng thư cũ
Vẫn còn trong ta - một đời cuồng điên…

Lại có thứ sến du dương cao cấp, như “Hoài cảm” của Cung Tiến, dù bài này được ông sáng tác năm 14 tuổi. Sến thì đâu cần đợi tuổi. Lòng cuồng điên vì nhớ

Ôi đâu người, đâu ân tình cũ?
Chờ hoài nhau trong mơ
Nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa

Một mùa thu xa vắng
Như mơ hồ về trong đêm tối
Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa?

Chờ nhau hoài cố nhân ơi!
Sương buồn che kín nguồn đời
Hẹn nhau một kiếp xa xôi
Nhớ nhau muôn đời mà thôi!

Thậm chí nhiều khi thấy Trịnh Công Sơn cũng triết lý theo một kiểu rất sến!

Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhớ mãi trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau
Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau
Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động
Làm sao em nhớ những vết chim di
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du.

Trở lại câu chuyện vì sao tôi bị nhạc sến ám, dù hồi nhỏ được (hay là bị) Papa bắt phải nghe Beethoven. Từ nhẹ nhàng, dễ nghe như Moonlight Sonata cho đến bản giao hưởng số 5 “Định mệnh”. Sau này thấy Beethoven bỗng hơi tẻ nhạt, bèn chuyển sang mê Bach vì ông siêu hình, có tính chất tôn giáo. Nhưng mà thôi, chuyện hàn lâm kinh viện như vậy để nói vào trong dịp khác.

Ở Long Xuyên thời bấy giờ, những quán cà phê nho nhỏ tôi hay ngồi cùng bạn bè, rất hay mở nhạc sến. Tuổi mới lớn, nghe cứ buồn buồn, thảm thảm, lại dễ nhập tâm, thành ra những lời bài hát ấy đi vào đầu mình lúc nào không hay. Lúc ấy bộ nhớ trong đầu chắc còn trống chỗ nhiều, nên nghe riết thành thuộc lòng. Nhưng bài hát nhạc sến đầu tiên mà tôi nghe được là bài “Ngọn trúc đào”. Bài hát đầu tiên trong một cuốn băng cassette do anh trai mang về nhà. Lúc ấy chẳng nhớ là bao nhiêu tuổi, chắc chừng 10 tuổi. Nghe lời bài hát thấy rất hay, rất tâm trạng, lại não nuột, mà vẫn có gì đó trong trẻo, nhẹ nhàng lạ lùng.

Tại vì hai đứa ngây thơ
Tình tôi dạo ấy là ngơ ngẩn nhìn
Nhìn vầng trăng sáng lung linh
Nhìn em mười sáu như cành hoa lê


Chiều nay nhớ ngọn trúc đào
Mùa thu lá rụng bay vào sân em
Người đi biết về phương nào
Bỏ ta với ngọn trúc đào bơ vơ.

Rồi những lần theo Papa đi công tác. Chú lái xe rất hay mở nhạc sến. Rất hiểu tính người miền Nam, lại cũng dễ dãi, xuề xòa, nên lần nào Papa cũng để mặc kệ, chú muốn mở gì thì mở. Chú lái xe cho Papa trong suốt 20 năm. Tôi được đi ké xe bao nhiêu chuyến với chú, thế là lại có thêm một mớ kiến thức kha khá về nhạc sến. Những lúc chờ phà Mỹ Thuận, Cần Thơ, thỉnh thoảng lại nghe một giọng ca buồn nẫu ruột từ người bán vé số, người ăn xin. Nhiều đêm khuya, phà vắng, hiu hắt, tiếng ca buồn tiều tụy thành một ấn tượng không phai.

Anh nghèo nên chẳng nhẫn kim cương
Tặng em theo sính lễ tơ hồng
Thì đây anh đan nhẫn cỏ
Tặng em coi như bỏ ngõ
Lòng anh chắc em đã biết
.

Sau này học đại học, rồi thành người lớn như bây giờ, nhiều khi trên những chuyến công tác đường xa về miền Tây, lại được nghe những bài hát quen thuộc. Bây giờ thì nhạc sến lên ngôi. Ca sĩ đua nhau hát nhạc sến, ra đĩa. Nhiều phòng trà cũng chuyên trị nhạc sến. Nhưng vẫn nhớ những chuyến xe đêm, gà gật, nghe văng vẳng tiếng nhạc buồn.

Thế rồi nhạc sến đi theo tôi suốt. Khi buồn cũng như khi vui. Khi chia tay người yêu cũng như khi lang thang trên đường phố. Chiều nào lang thang, tự nhiên miệng lẩm nhẩm:

Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Gió ơi gió ơi bay lên để bụi đường cay lòng mắt
Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Áo xưa chưa quen phong trần đợi mùa thu vàng áo thêm.

Và đôi khi tình cờ gặp lại người yêu năm xưa, chẳng cần quan tâm người ta có nhớ mình hay không, nhưng tự nhiên trong đầu lại bật ra bài hát:

Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người,
mưa nào lên mấy vai, gió nào lên mấy trời.
Người đi qua đời tôi,
Đường xưa đầy lá úa,
Vàng xưa đầy dấu chân,
Đen tối vùng lãng quên.

Nghĩ lại đời mình, đúng là nhiều khi sến vãi linh hồn!;;) May quá, những lúc đó có nhạc sến làm vị cứu tinh. Để tự an ủi rằng, đâu phải chỉ có một mình mình sến!;;)
 
Chỉnh sửa cuối:

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Hành trình ngày đầu tiên của chuyến đi đến Tam giác vàng, chuyến đi caravan một nửa:Quốc lộ 13 qua Bình Dương – Sở Sao – Đồng Xoài (QL 14) – Gia Nghĩa – Ban Mê Thuột – Tối ngủ Ban Mê Thuột.

Xuất phát từ Sài Gòn vào buổi chiều, đi để giảm tải cho ngày hôm sau. 3 chiếc xe và 9 người. Tôi được ưu tiên ngồi xe số 1.

Từ điểm hẹn là công viên Văn Thánh, rời Sài Gòn vào một chiều nắng đẹp, trước mặt là cuộc hành trình dài, trông mọi thành viên trong đoàn đều tràn đầy khí thế, cứ như những anh bộ đội cụ Hồ trước giờ ra trận.

Ban đêm dường như chặng đường dài hơn, thời gian trôi chậm hơn. Đi mãi mà chưa thấy đến Ban Mê Thuột.

Dự định sẽ đến Ban Mê Thuột sớm hơn, nhưng cuối cùng lại đến gần 12g30 đêm mới đến được. Thành phố đã ngủ say, đường phố đã vắng lặng, chỉ còn vài quán ăn đêm và những khách sạn phục vụ khách du lịch còn sáng ánh đèn. Dừng chân ở khách sạn Đam San.

Từ trên cửa sổ khách sạn ngó xuống.





Bữa sáng thịnh soạn để chuẩn bị cho một ngày dài.



“Còn thương nhau thì về Ban Mê Thuột”, cứ đến Ban Mê lập tức nhớ đến ngay câu hát cháy lòng của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Đất Tây Nguyên nồng nàn, người Tây Nguyên phóng khoáng. Có thương ai thì cũng nói rất thật tình.

Ban Mê Thuột trong nỗi nhớ của tôi là ký ức của những ngày học lớp tìm hiểu về sử thi dân gian, được chứng kiến tận mắt những nghệ nhân hát cồng chiêng, kể sử thi. Rượu cần thì bây giờ có thể tìm thấy khá dễ dàng ở khắp Việt Nam, nhưng vị rượu cần của những đêm Tây Nguyên ấm áp, ban ngày học, tối lang thang dạo khắp Ban Mê Thuột, thì cho đến bây giờ vẫn không tìm lại được ở bất cứ nơi nào. Cũng không còn tìm thấy bóng dáng của những nghệ nhân già nua chân chất, kể sử thi bằng giọng kể mộc mạc mà trầm bổng, mê hoặc lòng người, chơi cồng chiêng như để diễn tả lại những âm thanh kỳ lạ của núi rừng đại ngàn, mà chỉ chứng kiến nhiều đoàn mang danh là “ca múa nhạc dân tộc” chơi cồng chiêng như chơi một nhạc cụ điện tử thông thường.
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
HOA CẢI VÀNG MÙA ĐÔNG - MẤY DÒNG VIẾT VỘI Ở SÂN BAY



Hà Nội sáng nay có một chút mưa phùn. Mong mưa phùn sẽ kéo dài suốt ngày nhưng mưa lại vội tạnh ngay. Hà Nội sáng nay trời không lạnh lắm, nhưng cũng đủ làm se sắt lòng người.

Buổi trưa ngồi ở vỉa hè đường Lý Thường Kiệt với một người bạn, một bữa cơm bụi vỉa hè ngon ngon, một chén trà nóng bỏng tay. Tự hỏi trong lòng rồi tự trả lời vỉa hè Hà Nội có gì khác vỉa hè Sài Gòn. Hình như rất khác, dù cùng là chốn mưu sinh, nhưng vỉa hè Hà Nội thì bình yên, Sài Gòn thì náo nhiệt. Vỉa hè Hà Nội thì xưa cũ thâm trầm, Sài Gòn thì trẻ trung rực rỡ. Vỉa hè Hà Nội mùa này đầy trà nóng, còn Sài Gòn thì ngập cà phê.

Ngắm những tán cây bên đường, vấn vương màu khói bạc. Chỉ là sương mù mà sao óng ánh sắc trắng. Chỉ là hơi thở của mùa đông mà sao mãi không tan. Ngắm dòng người xuôi ngược từ một góc vỉa hè, chợt thấy mình may mắn khi còn có một chút thời gian thư thái để lên đường đi tìm hoa cải vàng mùa đông.

Chúng tôi đi qua những nẻo đê sông Hồng rồi sông Đuống. Đi loanh quanh tìm mãi mà chưa thấy hoa cải vàng. Chỉ thấy dọc bờ đê cỏ may mọc đầy. Màu hoa cỏ may cũng óng ánh sắc bạc. Chợt nhớ câu thơ Xuân Quỳnh:

Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
Áo em sơ ý cỏ găm đầy

Bờ đê cỏ may ấy, có bao đôi lứa đã ngồi bên nhau, và hẳn họ cũng đã nhận ra cái màn sương màu khói bàng bạc lan tỏa khắp không gian mùa thu rồi mùa đông, để ví von rằng "lời yêu mỏng mảnh như màu khói". Con đường đê dài tít tắp, như chạy mãi, chạy mãi đến tận chân trời.

Bài hát vang lên trong xe, "O Sole Mio" (Mặt trời của tôi). Dù chỉ là một bài tình ca nước Ý nồng nàn, nhưng lại làm tôi nhớ đến mặt trời. Mùa đông Hà Nội thì không có mặt trời. Có lẽ ánh nắng mặt trời đã đậu hết vào những bông hoa rồi. Có lẽ vậy nên vào mùa đông, màu hoa nào cũng đậm đà, tươi thắm hơn trong sắc lạnh.

Rồi cũng tìm thấy hoa cải vàng khi lang thang đến một nẻo đê sông Đuống. Mở cánh cửa xe, một làn gió táp vào mặt, lành lạnh với một chút ẩm ướt, bước xuống chân đê, đi bộ qua mấy nẻo đường, là đã thấy hoa cải vàng. Không chỉ có hoa cải vàng mà còn có những luống mùi già xanh thẫm trổ hoa trắng li ti, như muốn nhắc rằng Tết sắp đến rồi. Còn có những cây bắp trổ bông và ở nhiều luống đã ra trái. Mùi bắp thơm thơm, mường tượng như mùi cơm nếp.

Chẳng thể có từ nào diễn tả được màu vàng mê đắm của hoa cải. Đơn sơ mà lộng lẫy, chân quê mà kiêu sa, mộc mạc mà tinh tế. Chưa có một loài hoa nào gợi lên nhiều ấn tượng, cảm xúc trái ngược nhau như vậy. Và có rất nhiều bướm trắng.

Những con bướm trắng như bay ra từ thơ Nguyễn Bính:

Mắt nàng đăm đắm trông lên
Có con bướm trắng về bên ấy rồi.

Nhìn xa xa, làn sương mù trắng bạc vẫn lan tỏa. Đoạn đường đê vẫn vắng lặng bóng người. Ai đứng trên bờ đê lúc này, nhìn tôi, có lẽ cũng chỉ thấy một dáng hình nhỏ xíu giữa một không gian mênh mông, quạnh quẽ.

Tôi ngồi xuống bên luống cải, bỗng thấy nghẹn thắt trong lòng. Có lẽ nào chỉ một lát nữa thôi, thế giới quanh tôi sẽ lùi xa, xa mãi. Sẽ không còn hoa cải vàng, không còn bướm trắng, không còn hoa cỏ may, không còn làn sương mù trắng bạc bảng lảng khắp nơi. Chỉ mấy tiếng đồng hồ nữa thôi, tôi sẽ quay về với một thế giới khác, ồn ào và náo nhiệt. Thế giới đó không có chỗ cho hoa cải vàng, cũng không có chỗ cho một chút hơi lạnh mùa đông.

Rời khỏi những bông hoa cải vàng, tôi sững sờ trước một cánh đồng hoa cải cúc cũng đang vàng rực. Nếu hoa cải xanh có ánh vàng tươi huyền hoặc, thì hoa cải cúc có ánh vàng đậm hơn, vẻ đẹp có đôi phần hoang dã hơn. Cánh đồng hoa cải cúc như hiện ra từ một truyện cổ tích thần tiên nào đấy.

Lại nghe một bài hát khác vang lên:

Đời hai ta, đời hai ta hai ngả chẳng thong dong
Em - cánh cò, anh - cánh vạc bên sông
Nỗi nhớ ơ ơ...nỗi nhớ đọng sâu trong hương lúa, tìm hơi nhau qua hun hút gió đồng.

Bài hát "Thì thầm với dòng sông", viết về tình yêu mang hương lúa bên bờ sông Vàm Cỏ của nhạc sĩ Thuận Yến, mà thật lạ lùng, tôi lại cảm nhận được cái "hun hút gió đồng" ở một cánh đồng ngập hoa cải cúc vàng trong một chiều đông Hà Nội. Lặng lẽ đứng nhìn màu vàng hoa cải cúc, đứng giữa hơi lạnh của "hun hút gió đồng", tôi nghĩ về màu vàng óng nuột của tơ tằm, màu vàng mật của quả thị chín cây, màu vàng đậm đà của những hạt thóc phơi trên bờ đê. Đồng quê miền Bắc phong phú, giàu có những màu vàng. Chưa bao giờ thích màu vàng, cũng không yêu màu vàng, nhưng lần này, tôi đã bị màu vàng hoa cải hút hồn.

Dọc đường ra sân bay, vẫn không thể rời mắt khỏi cửa xe. Đằng xa kia lại là những làn sương mù trắng bạc. Qua sông Hồng, làn sương mù như dày thêm, khói sóng tỏa trên mặt nước. Tôi sắp phải rời xa một thế giới kỳ diệu, sắp phải từ giã một buổi chiều với những màu hoa vàng như cổ tích.

Chiều đông Hà Nội với màu vàng hoa cải, với ly trà nóng trên vỉa hè có lẽ sẽ là một trong những khoảnh khắc khó quên trong đời. Để rồi dù có về với Sài Gòn đầy nắng, sẽ có những lúc thả hồn mình nhớ về hoa cải vàng, nhớ về một chiều đông, và tự hỏi mình: bao giờ Hà Nội lại vào đông?
 

Thuxe

Xe tải
Biển số
OF-52796
Ngày cấp bằng
13/12/09
Số km
457
Động cơ
457,150 Mã lực
Qua đèo Khế, háo hức hỏi bạn đồng hành, có phải đây là con đèo Khế trứ danh trong thơ Tố Hữu

Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế
Gió qua rừng đèo Khế gió sang
Còn một Đèo Khế nưa mợ a, nó ở giữa Tuyên Quang và Thái Nguyên. Từ TQ qua Bến Bình Ca, vượt Đèo Khế thì sang Huyện Đại Từ của Tỉnh Thái Nguyên.
Mợ có những bài viết hay quá.
 

the tai

Xe tải
Biển số
OF-54961
Ngày cấp bằng
14/1/10
Số km
236
Động cơ
451,760 Mã lực
Nơi ở
Bình Phước
Đúng là phong cảnh hữu tình và lãng mạng quá,đẹp quá hén bác
 

dilac

Xe máy
Biển số
OF-14870
Ngày cấp bằng
17/4/08
Số km
65
Động cơ
513,750 Mã lực
Đèo Khế nối hai tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, vốn cũng là điểm kết giao giữa hai vùng chiến khu Định Hóa và Tân Trào mới chính là cái Đèo Khế bài thơ nổi tiếng kia đề cập.

Cái đèo Khế biên giới tỉnh Yên Bái Alice nói bây giờ chả còn hình thù cái đèo nữa, nó gần như đã bị bạt sạch. Chắc Mợ Dims và Lập tái vẫn chưa hết kinh hoàng về chuyến offroad qua đây hồi nó chưa sửa đường xong.
 
Chỉnh sửa cuối:

Dims

Xe điện
Biển số
OF-2264
Ngày cấp bằng
4/11/06
Số km
2,222
Động cơ
588,320 Mã lực
Nơi ở
Lung tung linh tinh
Website
glaptop.com
Đèo Khế nối hai tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, vốn cũng là điểm kết giao giữa hai vùng chiến khu Định Hóa và Tân Trào mới chính là cái Đèo Khế bài thơ nổi tiếng kia đề cập.

Cái đèo Khế biên giới tỉnh Yên Bái Alice nói bây giờ chả còn hình thù cái đèo nữa, nó gần như đã bị bạt sạch. Chắc Mợ Dims và Lập tái vẫn chưa hết kinh hoàng về chuyến offroad qua đây hồi nó chưa sửa đường xong.

Chỉ có bọn trẻ con là thích thôi, vì chúng nó được nghịch đất và nghịch bùn!!! Chỉ kinh hoàng vì bị đói đến tận chiều thoai!!!
 
Thông tin thớt
Đang tải
Top