Đi đâu loanh quanh...

Mr.Funny

Xe tải
Biển số
OF-74388
Ngày cấp bằng
1/10/10
Số km
413
Động cơ
427,282 Mã lực
Bài viết của mợ thật thú vị, giọng văn lãng đãng mà sâu lắng. Chờ bài viết tiếp của mợ.
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
HAPPY NEW YEAR

Đôi khi ngồi một mình hay khép hờ mắt lại. Khép mắt lại để cho những hình ảnh năm cũ hiện lên rõ ràng hơn, không chìm khuất trong mông lung ký ức. Khép mắt để lắng nghe một bài hát xưa xưa mà năm nào cũng vang lên trong những dịp này: “Happy New Year” của ABBA.

Chẳng có bài hát nào trong dịp lễ tết mà lại buồn như thế. Chẳng có bài hát nào mà khiến người ta nhiều lúc muốn ứa nước mắt như thế.

1980 là thời điểm ra đời của bài hát. Ở thời điểm ấy, con người nghĩ gì, làm gì? Họ hướng tới 10 năm sau. Mười năm sau thế giới sẽ ra sao? Và mười năm sau nữa? Và rồi sau đó…


Có rất nhiều câu trả lời, nhưng câu trả lời chắc chắn nhất là chúng ta đang già đi. Tôi đang già đi, bạn bè tôi đang già đi. Và không chắc thế giới này sẽ tốt đẹp hơn khi mà mỗi ngày những dòng tin tức tốt xấu khắp nơi ở Việt Nam và trên thế giới ùa về, chen chúc trên các trang báo viết, báo mạng, trên ti vi, trên mọi phương tiện truyền thông đại chúng.

Sometimes I see
How the brave new world arrives
And I see how it thrives
In the ashes of our lives
Oh yes, man is a fool
And he thinks he'll be okay
Dragging on, feet of clay
Never knowing he's astray
Keeps on going anyway...

Có lẽ con người nhiều khi là những kẻ ngốc, khi mà nghĩ rằng bản thân mình rất ổn và lại tiếp tục đi nốt chặng đường đời mà không hề biết rằng mình đã lạc hướng. Rằng cuộc đời thật ra vô vị và rỗng tuếch.

Seems to me now
That the dreams we had before
Are all dead, nothing more
Than confetti on the floor
It's the end of a decade
In another ten years time
Who can say what we'll find
What lies waiting down the line
In the end of eighty-nine.

Ai có thể nói trước là chúng ta sẽ tìm thấy những gì và điều gì đang chờ chúng ta ở phía cuối con đường?

“Happy New Year” là một bài hát cho năm mới, với mong mỏi:

Happy new year
Happy new year
May we all have a vision now and then
Of a world where every neighbour is a friend.

Nhưng mong mỏi tốt đẹp về một cái nhìn mới và một thế giới mà mọi người đều là bạn của nhau liệu có quá viển vông không, khi mà buổi tiệc vừa kết thúc, những confetti vừa kịp rơi lả tả thì niềm vui ngay lập tức đã chấm dứt, cùng với bao nhiêu là nỗi thất vọng, là cảm giác tan vỡ, là nỗi chán chường về những giấc mơ không còn nữa.

Chẳng bao giờ nghe “Happy New Year” mà thấy vui cả. Nhưng vẫn thích nghe, luôn luôn thích nghe. Có bài hát buồn nào mà giai điệu lại quyến rũ đến thế không? Có bài hát nào suy tư mà lại réo rắt đến thế không?

Những ngày cuối năm người ta thường hay nhớ lại. Năm 2010 có gì để nhớ nhung? Năm 2010 có gì để luyến tiếc? Là khoảnh khắc ngắm hoàng hôn Angkor hay cảm giác hãi hùng khi bước đi trên những xương người ở Cánh đồng Chết?

Năm nay là biển cả. Là Côn Đảo, Phú Quốc, Phan Thiết, Phan Rang – Tháp Chàm, Phú Yên. Là cảm giác mênh mông gió biển thổi vào tận tim người. Ngồi ở địa điểm cứ 9 tháng trong năm lại là điểm cực đông trên đất liền của Tổ quốc, mơ có ngày đón lại bình minh ở chốn này. Là ngắm những tháp Chàm phế tích nhớ dĩ vãng vàng son của một dân tộc đã điêu tàn.

Năm nay cũng là núi rừng. Là Sơn La – Mộc Châu – Mai Châu – Hòa Bình. Sương mù trắng không thấy đường đi. Là cảm giác buốt tim khi thấy chiếc ô tô lao thẳng vào mình.

Năm nay cũng là đồng bằng, là miền Tây yêu mến gạo chợ nước sông, là Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ.

Là những lúc lang thang ở chiến khu Đ đất Tây Ninh, mường tượng những ngày kháng chiến.


Và năm nay cũng là năm loanh quanh nhiều lần với Hà Nội – Hải Phòng – Tam Đảo. Quá quen thuộc đến nỗi luôn cảm thấy như ở nhà mình.


Nhớ cảm giác bình yên khi ngắm cây phượng ngay cửa phòng làm việc, cảm giác được ngồi một mình trong phòng vắng vẻ vào những chiều cuối tuần ở cơ quan, làm việc, viết linh tinh và lắng nghe tiếng nhạc khe khẽ.

Năm nào cũng thế, lúc giao thừa xong, bao giờ cũng chạy vào phòng riêng, đứng trước gương và tự chúc mình vài câu tốt đẹp. Năm nay sẽ tự chúc mình điều gì?

Có lẽ chúc bình yên.
 
Chỉnh sửa cuối:

Damthidam

Xe tải
Biển số
OF-70360
Ngày cấp bằng
10/8/10
Số km
330
Động cơ
431,404 Mã lực
Đọc một lèo và...Yêu mợ mất rồi!
Chúc mừng năm mới!
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Tổ quốc tôi như một con tàu. Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau (Xuân Diệu)

Ngày cuối năm, dự định năm nay sẽ có những ngày đón Tết ngoan hiền với mọi người thân trong gia đình. Nhưng rồi chuông điện thoại réo lên. Một lời rủ rê: “Có đi Đất Mũi Cà Mau không? Ngày mai lên đường nhé”. Thế là lại khăn gói lên đường, không màng đến việc ghi điểm ngoan hiền trong mắt người thân nữa. Chuyến đi vỏn vẹn ba người. Cái số của tôi không được may mắn đi du lịch với chị em phụ nữ (trừ phi đi với Hội tiểu thuyết), mà chỉ toàn đi với các quý ông lãng tử, thành ra chuyến đi nào tôi cũng đóng vai “độc cô”.

Xuất phát từ Sài Gòn lúc năm giờ sáng đúng ngày mùng 1.1.2011, đường còn khá vắng nên xe chạy tương đối nhanh. Từ ngày có con đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, những chuyến về miền Tây bỗng thú vị hơn. Lần lượt băng qua Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng. Quyết định dừng lại một ít thời gian ở Sóc Trăng để thăm một loạt các chùa.

Trong những chuyến lang thang, bao giờ tôi cũng phải mang theo một cái khăn làm vật bất ly thân. Lúc nắng thì đội đầu, che vai. Vào chùa, vào đền, vào nhà thờ thì quấn thành cái xà rông để che quần short, tăng thêm phần lịch sự với các đấng bề trên. Chuyến này đi không hiểu thế nào mà nổi hứng mang theo hẳn ba cái khăn, để cho đời thêm phần màu sắc.

Đầu tiên là ghé chùa Khléang ở ngay trung tâm thành phố Sóc Trăng. Chùa này được gắn biển là một địa chỉ đỏ vì ngày xưa có nhiều sư sãi hoạt động cách mạng. Được xây dựng từ năm 1533, du khách tìm đến chùa này vì cái tên chùa gắn liền với truyền thuyết về địa danh Sóc Trăng. Khléang có nghĩa cái kho, vựa, tượng trưng cho sự trù phú, giàu có của vùng đất này. Từ đó có tên Srok Khléang. Srok tức là xứ, là cõi. Srok Khléang là cõi, xứ kho, lâu dần đọc chệch sang âm Việt là Sóc Trăng.






Chùa được xây trên một nền đất cao, nhiều cây xanh bao bọc, đặc biệt là có nhiều cây thốt nốt. Chính điện có 16 cây cột gỗ to, sơn son thiếp vàng, vẽ nhiều hình ảnh nói về cuộc đời Đức Phật. Tường và trần cũng vẽ nhiều tranh ảnh về cuộc đời Đức Phật và những hoạt động Phật pháp.





Nét đặc sắc của chùa không phải ở kiến trúc. Chùa vẫn mang nét kiến trúc đặc thù của chùa Khmer Nam Bộ, dù có lai chút Hoa - Việt.

















Nét đặc sắc của chùa là nơi đây có một ngôi trường dạy học chương trình phổ thông và cả Phật học trung cấp có tiếng khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trường lớn, khang trang, có cả ký túc xá cho học trò. Dừng chân hỏi thăm một ông lục (tức là sư theo tiếng Khmer). Ông lục có vẻ rất tự hào về ngôi trường.



Ghé tiếp chùa thứ hai là chùa Đất Sét, tên chữ là Bửu Sơn Tự, chỉ cách đấy khoảng 300m. Chùa của người Việt, nhưng mang dáng dấp lai Hoa.



Ngôi chùa này nổi tiếng nhờ một vị cư sĩ đã qua đời, ông Ngô Kim Tòng. Ông đã bỏ ra mấy chục năm ròng rã để tạc hơn 1000 pho tượng lớn nhỏ bằng đất sét. Chùa có 8 cặp đèn cầy lớn, mỗi cây cao 2,6m, ngang 1m (chứa 200kg sáp), được đúc từ năm 1940. Hiện nay hai đèn nhỏ cháy suốt ngày đêm từ khi ông Ngô Kim Tòng qua đời (ngày 18-7-1970 đến nay). Chùa có thờ Bác Hồ.

Có đầy đủ cả Thanh Long, Bạch Hổ, Bạch Tượng... bằng đất sét, tuy đã được tô màu.












Miền Tây có lắm dị nhân. Ông Ngô Kim Tòng cũng là một dị nhân. Tôi thích tính cách “không giống ai” của người Nam Bộ. Nơi này có những thần đèn dời nhà cửa. Có những người đi xây cầu từ thiện, chế tạo máy móc… Miền Tây đầy rẫy những phát minh của Hai Lúa, điều mà không thấy được ở những nông dân miền Bắc, càng hiếm thấy ở những nông dân miền Trung.

Ngôi chùa thứ ba tôi dừng chân thì cực kỳ nổi tiếng: chùa Dơi (tiếng Khmer là chùa Wathseraytecho Mahatup). Năm 2007 Chùa Dơi đã bị cháy rụi và giờ được xây mới hoàn toàn. Trên tường, cũng vẽ nhiều tranh về cuộc đời Đức Phật.






Ra đời cách đây khoảng 400 năm, là một ngôi chùa cổ, nhưng chùa Dơi nổi tiếng vì là nơi trú ngụ của nhiều con dơi khổng lổ, có con sải cánh dài đến 1,5 m. Ban ngày chúng ngủ ở trên cây trong vườn chùa, tối mới bắt đầu đi kiếm mồi.



Nghe bảo ngày xưa gần chùa có một quán thịt dơi nổi tiếng, nay không biết có còn không. Đến chùa Dơi, nhớ chùa Hang. Chùa Hang ở Trà Vinh, mấy chục năm về trước cũng có một đàn dơi trú ngụ, nhưng nay đàn dơi đã không còn, thay vào đó là một đàn cò trắng có đến cả ngàn con, chiều chiều bay về trú ngụ.

Chùa thứ tư là một ngôi chùa đặc biệt. Chùa Sà Lôn hay còn gọi là chùa Chén Kiểu, vì phía sau chùa có trang trí nhiều dĩa kiểu bằng sứ. Chùa có kiến trúc rực rỡ, nhìn đặc trưng Khmer. Kiến trúc của người Khmer khoáng đạt, không gò bó nặng nề như những ngôi chùa Phật giáo Đại thừa.





















Chùa trang trí bẳng dĩa kiểu như thế này.









Chùa có một chiếc ghe ngo trang trí rực rỡ.



Sóc Trăng và Trà Vinh là hai tỉnh có nhiều dân Khmer nhất, cũng là nơi có nhiều chùa Khmer nhất miền Nam. Tôi thích những ngôi chùa ở Trà Vinh hơn ở Sóc Trăng. Những ngôi chùa ở Trà Vinh thâm trầm hơn, cổ xưa hơn và vắng vẻ hơn.
 
Chỉnh sửa cuối:

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Rời Sóc Trăng, chạy thẳng đến Cà Mau. Thành phố nhỏ và buồn, tương tự như Bạc Liêu. Cũng có một chợ đêm nghèo nàn hàng hóa nhưng rất ồn ào, tấp nập người. Đường phố có nhiều cây xanh mát mắt.





Dừng chân ở lại Cà Mau một đêm, sáng hôm sau chạy tiếp xuống huyện Năm Căn. Quãng đường dài 50 cây số và có thêm một chiếc phà nhỏ, có tên là phà Đầm Cùng. Có lẽ đây là chiếc phà nằm ở cuối cùng, tận cực nam của đất nước. Sang bên kia phà là thấy đặt chân đến Năm Căn.

Huyện nhỏ, tỉnh lẻ, vắng người. Tôi nhảy xuống hỏi người đi đường đầu tiên gặp, hỏi địa chỉ thuê ca nô đi Đất Mũi. Từ Năm Căn đến Đất Mũi còn khoảng 50 cây số đường sông nữa, không có đường bộ. Nghe bảo khoảng mười năm nữa, may ra mới có đường bộ đến Đất Mũi. Phương tiện chuyên chở duy nhất ở đây là những chiếc vỏ lãi, giống như là xe máy đường sông. Cao cấp hơn thì có những chiếc ca nô cao tốc, đóng vai trò như những chiếc ô tô.



Thuê một chiếc ca nô cao tốc, anh chàng lái ca nô đúng kiểu dân miền Tây, thật thà chất phác, dọc đường đi nói chuyện rôm rả. Anh khoe chiếc ca nô này mua mất 370 triệu, nhà còn mấy chiếc lớn hơn, chiếc mua hơn bảy trăm triệu, chiếc mua hơn một tỷ, nhà có gần 10 chiếc ca nô để cho thuê. Cũng là một tỷ phú đường sông.



Sóng khá lớn, ca nô vẫn lướt nhanh xé nước, chắc vận tốc khoảng 60 – 80km/h, nhảy chồm chồm trên những ngọn sóng, lắc lư nghiêng ngả. Hai bạn đồng hành nhìn tôi lo âu, chắc chỉ chờ một cú ói mửa khủng khiếp hay vài tiếng kêu rú. Tôi cười phá lên: “Yên tâm đi, em thích cảm giác mạnh”, nghĩ thầm trong bụng: “Thấm gì so với sóng biển”. Hai bên bờ sông, đước xanh ngắt một màu.



Ca nô tôi ngồi giống chiếc này



Ngang trên sông có hàng đáy để bắt cá.



Đi khoảng một tiếng đồng hồ trên sông với trạng thái nhảy chồm chồm trên sóng, cuối cùng cũng đến được xã Đất Mũi. Dọc đường đi, các ngôi nhà đều quay hướng mặt tiền ra sông.

Đồ đạc đáng giá nhất của chủ nhân ngôi nhà này là chiếc vỏ lãi.



Phương tiện đi lại chính trên sông cũng là vỏ lãi.



Buôn bán, sinh hoạt đều ở mặt tiền sông.





Chợ Đất Mũi, chợ cuối cùng ở cực nam đất nước.



Mảnh đất cuối cùng là đây. Xanh bát ngát một màu đước. Đước là cây lấn biển, rễ mọc chùm tỏa ra níu đất. Đước giản đơn, mộc mạc, nhưng bền bỉ, mãnh liệt như tình người miền Tây.



Có một đài quan sát cao. Lên đây có thể thấy toàn cảnh khu vực Đất Mũi.







Một mốc GPS.





Và một tượng đài đánh dấu chủ quyền.

 
Chỉnh sửa cuối:

T 70

Xe máy
Biển số
OF-54325
Ngày cấp bằng
5/1/10
Số km
68
Động cơ
450,916 Mã lực
Website
www.dangerousgoods-hangnguyhiem.blogspot.com
Cảm ơn mợ Alice, mợ đi nhiều, viết hay và thẳng thắn, đã vodka mợ rồi.
P/S : Mợ đi boot đẹp lắm.
 

vanveo

Xe máy
Biển số
OF-44009
Ngày cấp bằng
21/8/09
Số km
97
Động cơ
464,970 Mã lực
Cảm ơn mợ Alice tui cũng đã ở cánh đồng chum đc 3 năm ,từ năm 1977 .từ đó đến nay chưa có dịp nào đc quay lại nơi đầy ắp những kỷ niệm của thời quân ngũ .nay mới lại đc nhìn cảnh cũ tuy đã có nhiều sự đổi thay qua những bức ảnh và lời văn của mợ thanks mợ nhiều chúc mợ hạnh phúc mạnh khỏe để có nhiều đóng góp cho anh chị em của of đc nhờ nhé.Ảnh đẹp văn hay ,mời mợ một ly đầy nhé
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Đường về cảm giác thấy gần hơn. Sóng to hơn. Ca nô vẫn chạy như xé nước. Về đến thành phố Cà Mau mới chỉ 3 giờ chiều. Loay hoay không biết làm gì cho hết thời gian. Mở cuốn sách hướng dẫn du lịch thấy có địa điểm Hòn Đá Bạc, ở cách Cà Mau chừng khoảng 50km, được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Thế là lại lên đường. Đường đi nhỏ hẹp, ô tô qua lại tương đối khó khăn, nhất là khi qua những chiếc cầu nhỏ chênh vênh.

Đi vào Hòn Đá Bạc phải qua một cây cầu khá dài, chặng đường đi bộ khoảng 1 cây số.



Hòn Đá Bạc gắn liền với một chiến công đánh giặc trước năm 1975 và sau năm 1975 là một sự kiện mà ngành công an rất tự hào: Phá vụ án Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Túy.












Có một khách sạn nhỏ, hơn 20 phòng dành cho khách du lịch nghỉ lại ban đêm. Ngoài ra nơi này có một đền thờ Cá Ông, bên trong có trưng bày một bộ xương cá voi dài hơn 20m, nghe nói rất linh thiêng.






Nét đặc sắc của Hòn Đá Bạc là những ghềnh đá chồng lên nhau. Có nhiều tảng đá tạo thành những hình thù đủ kiểu, như dấu bàn chân hay bàn tay. Ngắm hoàng hôn dần về trên biển, thấy lòng chợt trầm lại, dịu lại.









Buổi tối Cà Mau náo nhiệt chợ đêm. Những món đồ rẻ tiền xanh đỏ, lũ lượt người mua và xem. Đôi khi niềm vui và hạnh phúc chỉ đơn giản là một tấm áo mới, là chiếc quần jeans xanh, là đôi bông tai mỹ ký. Đời đơn sơ, đời bình dị, không cần phức tạp, cũng không cần nhiều suy tư cho ngày mai.



Viết sai chính tả cũng nhiều trên những biển hàng.



Sáng hôm sau về trễ nên cũng ghé nhà công tử Bạc Liêu ăn sáng trễ. Đây là lần thứ hai tôi ghé ngôi nhà này, ngôi nhà một thời là biểu tượng của sự sang giàu quyền quý và tính chịu chơi của người Nam Bộ. Nhớ rằng tôi cũng từng viết linh tinh gì đó về xứ Bạc Liêu này rồi.



Gương mặt của công tử Bạc Liêu và phu nhân chính thức.



Dấu vết giàu sang vẫn còn phảng phất đâu đó ở nơi nay đã là khách sạn.






Lại lên đường. Sài Gòn đang ở phía trước.

Tổng kết lại chuyến đi: đến được tận Đất Mũi, 2 lần bị công an thổi không rõ lý do, và không phạt mà cho đi cũng không rõ lý do. Đầu năm, vậy là may mắn.
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
VỀ MIỀN TÂY. CÓ AI VỀ MIỀN TÂY?

"Trong khi ta về lại nhớ ta đi". Khi lòng thật buồn thì sở thích lang thang lại trỗi dậy. Lại muốn có những ngày phiêu lãng đâu đó để "ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì".

Nhưng lần này không muốn "đi lên non cao đi về biển rộng" nữa. Chiều nay giữa Sài Gòn náo nhiệt, nghe vẳng tiếng hát "Điệu buồn phương Nam", lòng lại nhớ miền Tây tha thiết.

Về miền Tây để ngắm những cánh đồng lúa cò bay thẳng cánh, ngắm hàng cây thốt nốt vươn mình, được nếm vị ngọt thanh của nước dừa, được vào những vườn cây để hít thở "mùi hương, cây trái chín sau vườn", được đi xuồng trên những dòng kênh cạn và chơi trò nhận chìm xuồng để mọi người cùng ướt, được nướng trui cá lóc trên đồng, được nếm vị chát thanh của trái bình bát, trái trâm, vị đắng của lá sầu đâu.

Miền Tây là một cõi đi về của tôi. Không phải là quê hương, chỉ là nơi đã từng sống những năm tuổi học trò. Nhưng vẫn nhớ miền Tây đến lạ lùng. Nhớ những gương mặt bạn bè hiền lành, thân quen. Nhớ con đường có hàng cây phượng nở đỏ khi hạ về. Và nhớ vị ngon của món bún cá mà bao nhiêu năm nay tìm mãi ở Sài Gòn vẫn không gặp lại. Đã lâu lắm rồi không có dịp quay về thành phố nhỏ yên bình bên bờ sông, "trời xanh mây trắng, soi dòng Cửu Long Giang". Và đã lâu lắm rồi không được nghe giọng nói rặt miền Tây chất phác, dễ thương.

Và cũng đã lâu lắm không đi qua những chuyến phà. Nhớ những chuyến phà sang sông lộng gió. Chuyến phà Rạch Miễu đến Bến Tre sông xa thăm thẳm qua nhiều cồn bãi. Đôi lần đi vào buổi đêm, qua phà Cần Thơ, đứng trên phà mà nghe như văng vẳng câu hát nao lòng "Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm qua bến bắc Cần Thơ". Cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu xây xong, không còn những chuyến phà, cũng như cầu Mỹ Thuận, những chiếc phà rồi sẽ đi về đâu, có được tiếp tục những cuộc hành trình chở khách qua sông?

Lòng đã muốn "về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi, thương những đời như lục bình trôi". Có phải lục bình là loài hoa duy nhất biết đi, dù là đi trên sóng nước? "Như nắng buông trên dòng Tiền Giang. Như gió reo trên dòng Hậu Giang. Như lời thương nhớ ai. Mà giọng hát xa vời".

Lòng đã muốn về miền Tây để "Mình ngồi bên nhau nghe tiếng chuông chùa. Bình yên tựa nghe câu hát xa đưa. Mình ngồi bên nhau dưới ánh sao mờ. Lặng nghe dòng sông tiếng sóng vỗ bờ. Tiếng đàn kìm man mác buồn trên sông".

Nhớ miền Tây rồi. Có ai về miền Tây với mình không?
 
Biển số
OF-29355
Ngày cấp bằng
17/2/09
Số km
30,909
Động cơ
3,308,835 Mã lực
Hôm nay mới ghé đọc thớt này của mợ
Mợ quả là nhà văn của OF roài :x
 

dilac

Xe máy
Biển số
OF-14870
Ngày cấp bằng
17/4/08
Số km
65
Động cơ
513,750 Mã lực
(xóa bài)
 
Chỉnh sửa cuối:

vietstar

Xe đạp
Biển số
OF-70960
Ngày cấp bằng
18/8/10
Số km
28
Động cơ
428,070 Mã lực
Cám ơn bạn Alice đã chia sẽ những cảm xúc/những kiến thức hiểu biết về phong cảnh đất nước con người, đọc hết một lèo mà vẫn cảm thấy muốn đọc tiếp. mới tham gia OF nhưng tôi thấy rất cuốn hút và những chia sẻ như của bạn cũng như tinh thần OF những kinh nghiệm/trải nghiệm quý báu các bạn/các anh chị chia sẻ làm nên sự cuốn hút đó, chúc cộng đồng OF các bạn/anh chị năm mới sắp tới sức khỏe.
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
[FONT=&quot]Hôm nay buồn và nhớ nơi này.[/FONT]


Làng cổ, chùa cổ


Nhiều khi cũng cần chút chia sẻ. Chia sẻ về những chuyến đi bụi vặt vãnh. Những lần đi lang thang mệt mỏi mong sớm được dừng chân. Rồi giật mình chợt ngộ ra một chân lý cũ kỹ là mỗi người chỉ có một thời bay nhảy, một thời lang thang.



Ừ, trong khi còn lang thang được thì cứ lang thang. Những chuyến đi xa chẳng phải nối dài thêm cuộc đời vốn ngắn ngủi của con người đó sao.

Có lẽ chưa bao giờ khao khát được lang thang như thế. Bỏ lại sau lưng những muộn phiền, bỏ lại sau lưng những lời réo gọi công việc, những nỗi lo âu thường trực của cuộc sống, với tâm niệm “đi sẽ đến, tìm sẽ thấy”, tôi lại khăn gói lên đường.

Hà Nội mùa này nắng chói chang, không khí oi nồng. Sài Gòn cũng nắng, nhưng không có cái nóng dễ làm nản lòng những kẻ thích rong chơi. Nhưng có sá gì đâu vì lần này lang thang về xứ Đoài, về mảnh đất Sơn Tây của Quang Dũng. “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm”.

Làng cổ Đường Lâm vào một ngày nắng gắt. Nắng làm sáng lên những bức tường nhà cổ cũ kỹ bằng đá ong. Ngôi làng cổ là mảnh đất sản sinh nhiều nhân kiệt, có danh là đất hai vua: Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Ngô Quyền. Bước chân trên những phiến gạch cũ kỹ lát đường, đôi khi có cảm giác thời gian dường như ngưng đọng lại, thấy một thoáng lịch sử vọng về. Những cánh cổng bạc màu theo thời gian, những mái ngói rạn nét rêu phong, những chum vại phơi mình trong nắng ủ trong lòng một loại tương thơm thơm. Hình như có người đã từng bảo tôi tương ở Đường Lâm ngon chẳng kém tương Bần.







Tôi cúi mình bên chiếc giếng tương truyền là giếng nước của làng. Hơi nước mát lạnh tỏa ra từ lòng giếng, làm dịu đi chút ít cái nắng ngày hè. Bao nhiêu người đã đến đây, đã cúi mình bên giếng nước này. Rồi lại lẩn thẩn nghĩ rằng ếch tuy ngồi đáy giếng nhưng ngước mắt lên còn thấy một khoảng trời. Còn có biết bao con người chưa từng ngẩng đầu lên để nhìn thấy khoảng trời trước mặt. Bao người nông dân đã sống ở làng này, nhưng trong số đó có mấy người đã bước chân ra khỏi cổng làng để hướng đến những khoảng trời khác, cao rộng mênh mông hơn?






Vào 1 ngôi nhà cổ đã 400 tuổi, chợt có ý nghĩ buồn cười là nếu mình sống cách đây 400 năm thì mình sẽ như thế nào. Là một cô thôn nữ khép nép hay là 1 bà già lắm lời. Hay cũng có thể là một thiếu phụ nuôi mãi một anh chồng suốt ngày đèn sách mà thi hoài không đậu. Hương cau thì cứ thoang thoảng, hoa tường vi nở hồng bên bức tường gạch cổ, hồng đến nao lòng.

Bước chân ra khỏi đền thờ Ngô Quyền, tôi sững người trước các màu xanh của lá cây. Có màu xanh non của lúa, màu xanh tươi của những cây ngô dọc theo triền đồi, màu xanh tươi của những vạt sắn, màu xanh thẫm của hàng cây cổ thụ. Chợt thèm được nằm dài trên thảm cỏ mềm. Giá mà không vì thời gian hạn hẹp, tôi có thể ngồi lại đây cả ngày, đắm mình trong những màu xanh, nghe tiếng ve kêu cháy lòng. Rồi lại ước ao nếu mình sống ở Hà Nội có lẽ chủ nhật nào cũng chạy lên đây, mang theo mấy cuốn sách và sẽ ngồi đọc sách cho đến khi hoàng hôn xuống để chờ nhìn những ánh nắng cuối cùng đọng trên những tán cây.

Lang thang đi tiếp qua chùa Mía. Tương truyền là thờ bà chúa Mía, đoán thầm chắc là vợ vua hay chúa gì đây. Đêm về chợt nhớ ra mình đã đọc ở đâu rồi, chùa Mía là do một vị vương phi của chúa Trịnh Tráng xây nên. Các bà chúa ở Việt Nam hầu hết đều là những người sùng đạo Phật. Tìm đến Phật có lẽ để vơi bớt nỗi cô đơn chốn cung đình thâm nghiêm lạnh lẽo. Ngôi chùa nhỏ, nằm nép mình dưới những bóng cây, vắng lặng, trầm buồn. Những pho tượng cổ, cũ kỹ đứng lặng nhìn tôi bằng những đôi mắt Phật. Chẳng cần đến triết lý sắc sắc không không cũng đã tự biết cuộc đời này đầy biến ảo phù vân.

Rời chân đi mà lòng còn tiếc nuối. Mới lên đường mà nỗi nhớ nơi này đã bắt đầu nhen nhóm trong lòng. Và đã nghĩ đến một ngày trở lại, một ngày không xa...
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Cà phê


Ngày trước tôi ít khi uống cà phê. Thứ nước đắng có vị thơm quyến rũ đến từ thế giới Hồi giáo ấy không mê hoặc được tôi. Một thời kỳ stress triền miên thức trắng đêm càng làm tôi tin rằng thứ thần dược công hiệu nhất để thức đêm là nỗi buồn. Sau đó, như là một phản ứng tự vệ của cơ thể, tôi rơi vào trạng thái lúc nào cũng buồn ngủ lơ mơ. Và bắt đầu uống cà phê để cho tỉnh táo. Còn bây giờ thì đã đến giai đoạn không cần cà phê vẫn tỉnh táo, và dù có uống cà phê đậm đặc vẫn ngủ ngon.:-?

Thỉnh thoảng tôi hay mường tượng lại những quán cà phê ở những nơi đã đi qua. Cà phê Nha Trang ngon và đôi khi tôi cứ tưởng tượng như có vị mằn mặn của biển. Cà phê Nha Trang năm nào ngồi cùng với các bạn trong chuyến du lịch bụi đầu tiên, giờ chẳng thể nhớ ra tên quán ấy, nhưng hơn mười năm rồi, còn nhớ một đêm thức trắng sau đó, vừa chơi bài vừa xem bóng đá vì đúng mùa EURO, rồi vạ vật trên tàu về lại Sài Gòn. Những quán cà phê Nha Trang là những quán cà phê đầy âm thanh của sóng biển vọng về, có thể tiếng sóng mơ hồ, nhưng là có thật.

Cà phê Ban Mê Thuột những ngày theo học lớp tìm hiểu về sử thi dân gian của các dân tộc Tây Nguyên. “Khói thuốc bâng khuâng ly cà phê Ban Mê”, trời xứ cao nguyên se lạnh nên thường có điếu thuốc làm bạn cùng ly cà phê. Vị cà phê Ban Mê đậm đà và phảng phất mùi thơm của núi rừng. Tôi cứ nghĩ trong mỗi ly cà phê Ban Mê, có mùi hương hoang dại của dã quỳ chen vào. Tôi gọi những quán cà phê Ban Mê là cà phê núi rừng.

Cà phê Đà Lạt nóng bỏng môi đượm màu sắc hiện sinh. Không khí của thập niên 60, 70 của thế kỷ trước nơi quán cà phê Trịnh Công Sơn thường ngồi một thuở vẫn đặc quánh trong những giai điệu sắc màu lời hát. Những gã trai tóc dài, quần jeans ngồi thờ ơ vẩy tàn thuốc, nét lãng tử hằn lên trong từng nét môi, khóe mắt.

Cà phê miền Tây vỉa hè nghèo nàn hay trên xuồng lênh đênh giữa dòng sông, vị loãng và ngọt gắt, bỏ thật nhiều đá, nhiều đường hay nhiều sữa. Vậy mà uống vẫn thấy ngon. Vì tiếng nói miền Tây ngọt dịu dàng hay vì những kỷ niệm cứ lan man hiện về trong tâm tưởng. Cũng không biết nữa.

Cà phê Huế trầm buồn như dòng nước sông Hương chảy chậm mỗi ngày. Ly cà phê được bưng ra chầm chậm, cũng nhẹ tay quấy đều chầm chậm. Lâu đài thành quách xa xưa in bóng trong từng ly cà phê đắng. Cà phê xứ Huế có vị đậm đà, pha chút dư ảnh nuối tiếc của một quá khứ vàng son.

Cà phê Sài Gòn đẹp và vui, rực rỡ sắc màu, đủ sức làm tôi quên hết những lo âu, mệt nhọc thường ngày. Đẹp và vui làm quên lãng đi chuyện hương vị cà phê nồng đượm thế nào. Đôi khi cũng cà phê một mình, nhấm nháp cảm giác “Sáng nay cà phê một mình. Sài Gòn chợt mưa chợt mưa… Sáng nay mây thấp trên đầu. Từng giọt cà phê ngọt đắng”.

Cà phê Hà Nội ấm áp tình cảm của những cuộc hẹn nhau. Là một sáng mùa đông lạnh giá, uống ly cà phê cũng lạnh, nhưng vẫn thấy hơi ấm âm thầm len lỏi. Là những tối khuya ngắm con đường, hàng cây cô độc trong bóng tối. Là những lúc ngồi nhìn mặt nước hồ êm đềm trong nắng chiều muộn màng. Là góc nhỏ thân quen của một nhóm bạn mà lần nào ra Hà Nội cũng không thể không gặp. Cà phê Hà Nội, cà phê của những tình cảm tưởng mong manh mà bền chặt, tưởng xa xôi mà lại thân quen, gần gũi.

Buổi tối một mình, uống cà phê một mình và nhớ những quán cà phê. Tắt đèn để ngồi trong bóng tối.

Không có ngôi sao nào, trò chuyện cùng em đêm nay
Không có thoảng gió nào, thì thầm cùng em đêm nay
Chỉ có bóng tối thân quen căn phòng em ở
Chỉ có bóng tối thân quen khoảng trống em nhìn

Bóng tối đen như ly cà phê
Bóng tối đắng như ly cà phê
Em uống, từng ngụm nhỏ bóng tối


 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Nhân sắp có chuyến đi nên post bài này ;)


GIÀY



Phụ nữ có bao nhiêu đôi giày cho đủ? Không bao giờ là đủ. Đã lâu rồi tôi không đếm số giày của tôi trong tủ vì cố tránh cái con số dễ làm chính mình kinh hoàng và chùn tay không dám mua tiếp.

Thỉnh thoảng tôi cũng hay phân loại đàn ông. Dựa vào tiêu chí đó, tôi cũng phân loại giày của tôi. Xét cho cùng giày và đàn ông giống nhau ở chỗ là đều có giá trị sử dụng tốt. Giày và đàn ông đều nâng phụ nữ lên cao hơn thực tế. Phụ nữ thích mua giày, cũng như thích có nhiều đàn ông yêu mình. Nhìn chung có 4 loại giày:

- Loại giày bốt và giày thể thao: chiếm khoảng 1/4 tủ giày. Giày bốt có đủ loại, từ cổ cao đến cổ thấp, giày thể thao cũng đủ loại, nhưng tôi yêu nhất là loại chuyên dùng để leo núi. Giày bốt và giày thể thao cũng giống như đàn ông lãng tử. Tiện dụng nhưng không phải lúc nào cũng dùng đến. Thậm chí, cơ hội dùng đến là ít hơn nhiều so với các loại giày khác (hay đàn ông khác).

- Giày cao gót chiếm đa số. Tôi yêu những đôi giày cao gót màu đỏ. Tôi ghét những đôi giày cao gót màu đen. Giày cao gót giống như những người đàn ông hào hoa phong nhã, có sức mê hoặc phụ nữ. Nhưng tiếc thay, hầu hết những người đàn ông hào hoa phong nhã đều thuộc về nhiều người phụ nữ, chứ không thuộc về riêng một người.

- Những đôi giày xinh xinh đế bằng, kiểu búp bê cũng tương tự như những người đàn ông của gia đình. Xỏ giày vào chân thấy êm ái, yên ổn, cũng giống như cảm giác tin cậy đi bên cạnh một người mà mình biết là có thể cùng nắm chặt tay mình đến suốt đời. Nhưng cái gì êm ái quá thì cũng dễ dẫn đến buồn ngủ và mau chán.

- Những đôi giày xăng đan. Cũng tiện dụng, cũng thoải mái và cũng điệu, là sự tổng hợp của các loại giày trên. Giống như những anh chàng bình thường bây giờ gặp nhan nhản khắp nơi. Những anh chàng bình thường có một công việc bình thường, yêu những phụ nữ bình thường, có một cuộc sống bình thường. Cũng giống như cảm giác mang xăng đan để lộ đôi chân trần của chính bản thân. Hạnh phúc nhiều khi chỉ đơn giản và không cần tô vẽ.

Viết đến đây thì sực nhớ ra cần đi mua một đôi giày để chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới. Chán cả 4 loại giày rồi và đang muốn tìm loại thứ 5. Có loại thứ 5 không nhỉ?

 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
[FONT=&quot]Đi về miền Tam giác vàng (tt)

[/FONT] Sáng hôm sau lại lên đường. Hành trình tiếp theo là chặng đường đến cửa khẩu Bờ Y và vượt sang bên kia biên giới

Xe băng qua miền cao nguyên Việt Nam. Bụi đất đỏ bazan và những rừng cây cao su nối tiếp nhau, dài tít tắp. Tây Nguyên mùa này là tháng bảy, không phải là tháng ba, không phải là mùa con ong đi lấy mật, cũng không phải mùa hoa dã quỳ vàng, không phải là mùa lễ hội. Bây giờ đang giữa mùa hè đầy nắng gió và cả mưa giông, không phải là mùa xuân, không phải là mùa dã quỳ nở. Màu vàng hoang dại mà mê đắm ấy, ai đã gặp một lần, sẽ khó có thể quên. Bao giờ, đến bao giờ tôi mới có thể thấy lại hoa dã quỳ, thấy lại màu vàng khắc khoải ấy, thấy lại màu vàng mà chỉ có hoa cải vàng ven đê sông Hồng cuối năm mới có thể so sánh được? Chắc sẽ còn lâu lắm… Lần này, chỉ là đi ngang qua Tây Nguyên thôi…






Đường đi từ từ lên dốc. Xe đang leo lên cao và khi sang bên đất Lào, thì sẽ xuống dốc, đang ở độ cao gần 700m so với mực nước biển. Bỗng thấy mình có đôi chút may mắn vì tình cờ được xếp ngồi xe số 1, là một trong vài người được nhìn thấy đầu tiên phong cảnh thiên nhiên, đất trời, và những cung đường dài tít tắp, được nếm cảm giác không biết phía trước là gì: một con chó hay một chú bò băng ngang đường, một chiếc xe đi theo chiều ngược lại, hay một khúc cua gấp đến nghiêng người?...

Khoảng 3 giờ chiều, xe đến Plei Kần (bản đồ thì ghi là Plei Cần). Chuyện chữ nghĩa địa danh tiền hậu bất nhất đã trở thành chuyện rất quen thuộc trong mỗi chuyến đi xa rồi. Cửa khẩu Bờ Y đã hiện ra trước mặt. Dọc đường, ngày càng nhiều những chiếc xe chở những khối gỗ khổng lỗ đi theo chiều ngược lại, báo hiệu biên giới Việt – Lào đã rất gần. Những khu rừng nguyên sinh của Lào chắc đã bị phá hoại rất nhiều. Vốn là người ủng hộ Green Peace nên cứ thấy thầm xót xa trong lòng, nhưng lại giật mình ngay, tự trách mình quá đa cảm với những chuyện xa xôi ấy.

Chiều biên giới trời không nắng mà chuyển mưa âm u. Cửa khẩu nghèo và vắng, thưa thớt người qua lại. Có lẽ chỉ có những chuyến xe chở gỗ và những kẻ buôn gỗ là thường xuyên đi qua nơi này. Nghe văng vẳng bên tai một câu hát rất xưa cũ trong bài “Chiều mưa biên giới”:

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
… Cờ về chiều tung bay phấp phới
Gợi lòng này thương thương nhớ nhớ
… Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn…








Có vô số phận người không “tơ vương khanh tướng” mà đường trần vẫn “mưa bay gió cuốn”, như những phận người nơi biên giới này. Vượt cửa khẩu sang đất Lào, con người còn nghèo nàn hơn. Những nhân viên hải quan cửa khẩu chỉnh tề trong bộ đồng phục, nghiêm chỉnh cài huy hiệu có chân dung hoàng thân Souphanouvong và Chủ tịch Cayson Phomvihan, nhưng nét mặt vẫn hằn lên vẻ khắc khổ. Hỏi xin họ một chiếc huy hiệu làm kỷ niệm, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu đầy bối rối.

Sang bên kia biên giới cũng là lúc bắt đầu đoạn đường quanh co với những đoạn cua tay áo liên tục đến chóng mặt.
 
Chỉnh sửa cuối:

Diboj

Xe hơi
Biển số
OF-66642
Ngày cấp bằng
19/6/10
Số km
125
Động cơ
435,050 Mã lực
Alice viết rất nhậy cảm và tinh tế lại còn ưu hoạt động, mợ thật toàn diện mong rằng sau này vẫn có những topic hay để em mở rộng tầm mắt, thank %%-
 

mrrocky

Xe buýt
Biển số
OF-82421
Ngày cấp bằng
10/1/11
Số km
974
Động cơ
423,040 Mã lực
Nơi ở
LIBERTY CITY
Mấy cái hố trông lạ lạ :D
 

Audi A6

Xe tải
Biển số
OF-67392
Ngày cấp bằng
30/6/10
Số km
313
Động cơ
437,221 Mã lực
Nơi ở
...nơi bình yên chim hót
Cảm ơn mợ đã chia sẻ về các chuyến đi. Mợ thật là người may mắn khi được trải nghiệm tới những vùng đất mà không nhiều người được biết tới. Mời mợ vodka cho ấm người!
 

yensuong

Xe điện
Biển số
OF-77790
Ngày cấp bằng
13/11/10
Số km
2,253
Động cơ
441,790 Mã lực
Nơi ở
Đại ngàn Pù Mát
Hôm nay vớ được thớt này của mợ, tôi bỏ hết công việc đọc đến trang 6, sau đó quay lại cùng bà xã đọc lại từ đầu.1 số vùng mợ nói tới ở lào là nơi tôi đã gửi 1 phần tuổi xuân ở đó.Đơn vị tôi đã góp phần mở đường đi Long chẹng, thủ phủ của vua phỉ Vàng Pao,làm đường đi MƯỜNG PHÀN và xây dựng thị xã Phôn xa vẳn.Bài của mợ quá hay, vodka mợ nhé
 
Thông tin thớt
Đang tải
Top