Đi đâu loanh quanh...

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
ĐỊA NGỤC TUOL SLENG

Rời Cánh đồng chết, chúng tôi quay về nhà tù Tuol Sleng. Thuê trọn một chuyến xe tuk tuk đi cả 2 nơi với giá 15USD. Anh chàng lái xe thì không biết tiếng Anh, chúng tôi thì không biết tiếng Campuchia, nói chuyện bằng tay hơi vất vả, nhưng nhắc đến địa danh Tuol Sleng thì anh chàng tỏ ý hiểu ngay.

Tuol Sleng vốn là một ngôi trường trung học nằm giữa thủ đô Phnom Penh. Nó nằm trên khu phố nhỏ yên bình Tuol Svay Prey. Trông Tuol Sleng rất nổi bật bởi vẻ ngoài cũ kỹ và những hàng rào thép gai dày đặc bao quanh. Thời Khmer Đỏ, từ tháng 5 năm 1976, nó được biết đến dưới tên gọi Nhà tù an ninh S21, là nơi giam giữ khoảng 17.000 người, có tài liệu nói khoảng 20.000 người. Lại có tài liệu nêu lên con số 10.499 người và khoảng 2.000 trẻ em. Những người bị giam giữ ở đây thuộc nhiều quốc tịch như Việt Nam, Lào, Thái, Ấn Độ, Pakistan, Anh, Mỹ, Canada, New Zealand, Australia, nhưng phần lớn là người Campuchia.

Những người ra khỏi nhà tù này là bị áp giải thẳng đến Cánh đồng chết và bị giết tại đó. Hầu như không ai sống sót khi bị bắt vào Tuol Sleng. Họ là công nhân, nông dân, kỹ sư, thợ cơ khí, dân trí thức, giáo viên, giáo sư, học sinh, nhân viên ngoại giao… Toàn bộ thành viên gia đình của phạm nhân, kể cả trẻ em mới đẻ cũng bị đưa vào giam giữ trong nhà tù.

Tuol Sleng có diện tích khoảng 600 x 400m, gồm 4 dãy nhà chính xếp lại thành hình chữ nhật và một số khu nhà phụ. Một ngôi trường trung học thuần túy đã bị Khmer biến thành nơi giam giữ, tra tấn và giết chết vô số người bị coi là “phản bội chế độ”.

Bây giờ nơi đây mang tên chính thức là Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng và là nơi thu hút nhiều khách du lịch. Rất đông khách Tây đến đây, nhưng tôi để ý thấy rất ít người châu Á, nếu có chỉ là Nhật và Hàn Quốc. Dường như người phương Đông sống thiên về tâm linh nên ít thích đến những nơi này. Lật cuốn số lưu niệm, viết vào đó mấy dòng cảm xúc, tò mò lật lên những trang trước, thấy khách tham quan đến từ rất nhiều nước, nhưng rất ít khách đến từ những quốc gia châu Á, người Việt Nam lại càng ít ỏi.

Đi dạo một vòng quanh Tuol Sleng, cũng ít thấy du khách nữ. Phụ nữ có thể yêu nhiều thứ nhưng không mấy khi yêu lịch sử.

Chỉ cách một bức tường thôi mà một bầu không khí hoàn toàn khác, một cảnh tượng hoàn toàn khác với cuộc sống sôi động của Phnom Penh ở phía bên ngoài.

Ngay khi bước vào Tuol Sleng, đập vào mắt là 14 ngôi mộ quét sơn trắng nằm ở một góc sân.



Tuol Sleng có 14 phòng tra tấn. Nghe nói khi bộ đội Việt Nam vào giải phóng Tuol Sleng, họ đã phát hiện ra 14 căn phòng tra tấn với 14 cái gường sắt, và trên đó là 14 xác người. 14 xác người đó đã được chôn ngay trong sân nhà tù Tuol Sleng.

Một căn phòng tra tấn nhìn từ phía bên ngoài.



Trong phòng chỉ để một chiếc giường sắt và dụng cụ tra tấn. Trên tường còn dính những vệt máu khô, qua thời gian đã thẫm lại, loang lổ.



Phòng nào cũng treo những bức ảnh nạn nhân như thế này. Những xác người nằm trên giường chết ở mọi tư thế khác nhau, đã trương phềnh, bắt đầu phân hủy.



Đây là những bức ảnh do phóng viên Việt Nam chụp khi theo bộ đội Việt Nam vào giải phóng Tuol Sleng. Những bức ảnh chụp lại những xác người trong những phòng tra tấn khi ấy. Những nạn nhân này đã bị tra tấn man rợ cho đến chết bằng những hình thức như dùng kìm rút móng chân, móng tay, đổ axít vào miệng, khoét ngực thả rết vào, dùng búa đập đầu…



Bước chân vào những căn phòng tra tấn, mùi tử khí như còn phảng phất đâu đây.
 

devilmaycry

Xe tải
Biển số
OF-35624
Ngày cấp bằng
19/5/09
Số km
215
Động cơ
475,540 Mã lực
Tuổi
41
ngày nào e cũng vào đọc xem mợ có viết thêm gì mới ko

mợ viết rất hay đấy
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Bước xuống sân để sang một khu nhà khác. Đi ngang qua một chiếc xà.



Đây là một kiểu tra tấn cực hình. Tù nhân bị treo lên xà ngang rồi kéo dây, dìm đầu xuống chum nước.



Bước sang một khu nhà khác, là những gian phòng trống trưng bày hình ảnh của những người tù. Phụ nữ bị buộc cắt tóc ngắn khi bước vào Tuol Sleng.



Cùm xích trói buộc những người tù. Một chiếc cùm như thế này có thể xích từ 20 đến 30 người.



Những dụng cụ tra tấn và giết người dã man, thô sơ như thời trung cổ. Khmer Đỏ giết người bằng cuốc, thuổng, gậy gộc chỉ vì một lẽ đơn giản là chúng áp dụng triệt để chính sách tiết kiệm đạn.




Chiếc giường đặc biệt này dùng để buộc và tra tấn tù nhân. Khmer Đỏ buộc tù nhân nằm giang tay chân trên giường và dùng kìm rút móng tay, móng chân họ, hoặc khoan sọ, mổ bụng họ.



Còn đây là cách tra tấn đi tàu lặn. Tù nhân bị dìm xuống nước cho đến khi gần chết ngạt thì lôi lên tra khảo tiếp.



Rất nhiều bức hình chụp những nạn nhân bị mổ bụng lôi ruột gan ra ngoài, bị chặt đầu, đầu để gần kề với thân. Những bức hình này do chính bọn Khmer Đỏ chụp. Và có cả hình chụp của chính những tên lính Khmer Đỏ. Nhiều đứa trong bọn chúng có những gương mặt bầu bĩnh, còn đượm nét ngây thơ, mới chỉ 14, 15 tuổi, tương phản kỳ lạ với những hình ảnh xác chết mất đầu, phanh thây.

Điều gì khiến cho những tên lính Khmer Đỏ giết người? Vì sao những đứa trẻ mới lớn có thể thản nhiên giết người bằng mọi hình thức dã man mà không ghê tay? Dân tộc Campuchia đã không trả lời được câu hỏi đó, thế nên nó lại càng là điều bí ẩn với những dân tộc khác.

Tôi đã ứa nước mắt khi nhìn tấm hình này. Mấy chục năm về trước, tấm hình người phụ nữ bị khoan sọ, tay ôm con nhỏ đã rất nổi tiếng trên thế giới. Tôi vội vàng chụp một, hai tấm ảnh, không ngắm chỉnh gì cả, vì không thể nhìn lâu hơn nữa, vì không chịu đựng nổi ánh mắt nhìn tuyệt vọng ấy. Trong giây phút cuối cùng trước khi mũi khoan ác hiểm khoan sâu vào sọ mình, cô ấy đã nghĩ gì, đã đau đớn như thế nào?





Lại thêm hình ảnh một người phụ nữ ôm một em bé. Tôi lại len lén chùi nước mắt, như lúc ở Cánh đồng chết, thấy chiếc áo đan bé tí xíu của một em bé nào đó đã chết thảm.



Tấm bản đồ nổi tiếng ghép hình đất nước Campuchia bằng sọ người. Từng có nhiều ý kiến của người dân Campuchia cho rằng nên bỏ tấm bản đồ này đi vì quá ghê rợn.



Và những dãy tủ xếp sọ người. Những chiếc sọ không lành lặn vì bị tra khảo.





Không trừng phạt được Pol Pot, Ieng Sary, Nuon Chea, Khieu Samphon, người dân Campuchia đã nhốt tượng trưng bốn bức tượng chân dung chúng vào chiếc lồng sắt này.



Trong ánh sáng ban ngày, Tuol Sleng nhìn thật bình yên. Nếu không nói, chắc không ai biết nơi đây đã diễn ra những tội ác man rợ vào bậc nhất của nhân loại trong nửa cuối thế kỷ XX.



Tôi nhớ một bài báo của hãng AFP có nói rằng mỗi khi bóng đêm buông xuống, những nhân viên bảo vệ của Bảo tàng Tuol Sleng thường xúm lại với nhau ở phòng bán vé. Họ sợ những hồn ma còn lảng vảng tại Tuol Sleng. Họ nói rằng trong đêm tối, họ vẫn thấy những bóng ma di chuyển. Nhiều người dân Campuchia tin rằng những hồn ma sẽ còn mãi cho đến khi những kẻ có tội bị trừng phạt. Nhưng những kẻ cầm đầu Khmer Đỏ chưa ai bị trừng phạt. Thế nên những hồn ma vô tội sẽ còn phải lang thang ở mãi nơi này.
 
Chỉnh sửa cuối:

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Sài Gòn những ngày này nóng điên người. Và công việc cũng nhiều đến điên người. Nhiều đến mức tôi đâm sợ tiếng chuông điện thoại reo, sợ cái laptop. Sợ mở cánh cửa phòng là không khí nóng ùa vào. Quay cuồng trong công việc, trong những cuộc họp lớn nhỏ đủ kiểu. Và bây giờ vẫn còn ngồi đây, ở cơ quan, chắc phải rất muộn mới về nhà.

Ở nơi mùa hè mà nhớ mùa đông. Ở giữa năm mà nhớ những ngày cuối năm. Ở Sài Gòn ồn ào, đông đúc, nóng nực mà nhớ Đà Lạt rét lạnh ngày cuối năm.

Ba ngày nữa đi ra biển rồi, mà sao nhớ núi.

THÀNH PHỐ BUỒN LẮM TƠ VƯƠNG

Những ngày cuối năm lên Đà Lạt. Lúc đầu chẳng muốn đi. Đà Lạt bây giờ có còn như ngày xưa nữa đâu. Thành phố sương mờ, thành phố mộng mơ, thành phố buồn… có lẽ chỉ còn là những cái tên trong ký ức.

Nhưng lâu lắm rồi không quay lại nơi này, chẳng nhớ là mấy năm, lâu lắm rồi không biết đến cái lạnh của cao nguyên. Và lần này đi cũng vì công việc nữa, một chuyến đi công việc xen lẫn đi chơi. Trước khi lên Đà Lạt, một người bạn lang thang có tiếng trên mạng đã gửi cho xem đường link về chuyến lên Đà Lạt vào tháng 9. Cũng là sự nuối tiếc về Đà Lạt của những ngày xưa. Mang tâm thức ấy, dùng dằng e ngại lên Đà Lạt.

Đà Lạt vẫn rất nhiều hoa. Có lẽ nhiều hoa hơn ngày xưa. Những ngày cuối năm, Đà Lạt thật vắng. Chỉ mấy ngày nữa thôi, sẽ rất đông khi người ta từ mọi nơi đổ về đây du xuân trong những ngày đầu năm. Nhưng dù sao, tôi vẫn thích sự vắng vẻ hơn, vắng vẻ để thấy lại chút không khí của Đà Lạt ngày trước.

Lên Đà Lạt lúc năm giờ chiều. Trời lạnh chừng 10 – 12 độ, gió rít lạnh. Cứ nghĩ mình giỏi chịu lạnh nhưng không phải. Giá buốt hai bàn tay, mặt nhợt đi vì gió. Vậy mà vẫn chỉ muốn ra đường, chỉ muốn lang thang. Nắng thì vẫn vàng, mà trời vẫn rét. Cái rét ngọt ngào thấm vào da thịt.

Trời Đà Lạt sẩm tối rất nhanh. Một chiếc áo pull màu đỏ, một áo khoác đỏ, kèm thêm chiếc khăn choàng đỏ cho ánh hồng lên gương mặt, lang thang xuống phố. Chỉ thiếu một cái nón len đỏ.

Quán cà phê Mộc trên đường Hai Bà Trưng, lối nhỏ dẫn xuống một căn hầm bằng gỗ thô mộc, ánh đèn mờ ảo. Ca cao thật nóng, thật thơm. Một nhóm bạn bè lấy cớ trời lạnh nên ngồi thật sát bên nhau, lắng nghe tiếng hát. Chỉ hai cây đàn guitar, vài lãng tử Đà Lạt với mái tóc dài nghệ sĩ, vài cô gái Đà Lạt xinh đẹp thay nhau hát. Và chỉ hát những bài nhạc buồn ngày xưa, những bài hát tuổi đời có lẽ còn lớn hơn tuổi của mình. Từ Trịnh Công Sơn, sang Phạm Duy, rồi Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An…

Anh chàng tóc dài lãng tử, nét mặt nhìn nghiêng hao hao một tài tử điện ảnh nổi tiếng, giọng trầm buông từng tiếng, “Bài không tên số 4” của Vũ Thành An.

Triệu người quen có mấy người thân
Khi lìa trần có mấy người đưa?

Lệ xóa cho em được không những kỷ niệm đắng
Lời nói yêu thương ngày xưa có trở về tìm?

Đếm cho em giây phút mặn nồng
Giữ cho em mái tóc bồng
Lời anh nói sẽ còn mãi đấy
Chuyện mai sau xin gửi trên tay.


Có cô gái nào mà không mơ ước “lời nói yêu thương ngày xưa có trở về tìm?”, có cô gái nào mà không mong mỏi “lời anh nói sẽ còn mãi đấy, chuyện mai sau xin gửi trên tay”. Nhìn sang bạn bè, nét mặt ai cũng trầm xuống, suy tư. Thấy hồn mình bay đi đâu xa mãi.

Khép mắt lại để chìm đắm hoàn toàn vào tiếng hát. Bàn tay lạnh bỗng thấy ấm áp hơn. Người bạn thuở đại học quen biết từ mười năm trước rụt rè cầm tay mình, bảo nhỏ: tay bạn lạnh quá, để mình sưởi ấm cho. Nhìn bạn cười, biết rằng bao giờ bạn cũng chịu khó chiều mình, biết rằng mười năm với bao thăng trầm trong cuộc sống của mỗi người, dường như với bạn, mình vẫn cứ là một cô bạn gái của ngày xưa, như ngày xưa.

Đường Đà Lạt 12 giờ đêm vắng lặng. Gió vẫn lạnh, nhóm bạn bè nắm tay nhau đi trên đường. Tiếng hát Tuấn Ngọc văng vẳng với bài “Đêm giã từ Đà Lạt” của Trần Quan Long, Hoàng Ngọc Ẩn:

Ðà Lạt về khuya sương xuống lạnh
Vai gầy nghe thiếu một vòng tay.

Chợ đêm Đà Lạt vẫn sáng đèn. Một ít ốc và chai Vodka Hà Nội để chống cái lạnh cao nguyên. Mơ hồ nghe một vài câu chuyện, mơ hồ nghe tiếng cười. Đà Lạt về đêm, mọi thứ đều mơ hồ, mông lung, chỉ có vị rượu là nồng hơn, đượm hơn.

Mơ hồ, đó là cảm giác rõ nét nhất của tôi lúc này, khi mà mọi thứ đều nhòe nhoẹt trong sương mờ, trong màn đêm.

Còn ở lại Đà Lạt mấy ngày nữa. Chẳng lẽ lúc nào tâm trạng tôi cũng mơ hồ, mông lung?

Đà Lạt là gì trong tôi? Một thành phố nhỏ yên bình và xinh đẹp. Thành phố được nhắc đến rất nhiều qua lời kể của một vài đồng nghiệp lớn tuổi, từng một thời học Văn khoa Sài Gòn. Đà Lạt với họ là tuổi thanh xuân của đầu thập niên 70, với những bài nhạc Trịnh, với những mối tình như gió như mây của những đôi tình nhân kéo nhau lên Đà Lạt, tìm một chút hiện sinh, nghiền ngẫm những dòng tiểu thuyết của Francoise Sagan, đầu mơ về những triết lý của Jean Paul Sartre và Albert Camus.

Đêm thứ hai ở Đà Lạt, tìm đến một quán cà phê mang tên Cung tơ chiều. Quán bán duy nhất 3 loại nước uống: trà đào, cà phê và rượu vang. Quán nằm trên một ngọn đồi khá tách biệt, đường lên dốc vắng vẻ, không đèn. Chủ quán là một phụ nữ thật khó đoán tuổi, tự xưng từng học Văn khoa Sài Gòn. Cô thường ôm đàn guitar và hát những bài nhạc cũng cực kỳ xưa cũ bằng một giọng trầm khàn ám khói. Và chỉ hát trong bầu không khí thật yên lặng, một giọng nói khẽ khàng cũng đủ khiến nữ chủ nhân phật ý và buông đàn bỏ đi.

Quán lạ, người cũng lạ, và giọng hát cũng lạ. Khách đến đây có lẽ vì những sự lạ ấy.

Một buổi sáng lang thang ra chợ Đà Lạt, chẳng biết đây có phải là “dốc tình”. Quay về ghé vào quán cà phê Tùng. Ngày xưa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay lui tới nơi này. Quán luôn mở nhạc Trịnh. Bao nhiêu năm rồi, nghe nói vị cà phê vẫn không thay đổi, vẫn ngọt ngào và đăng đắng hòa quyện vào nhau. Rải rác trong quán là vài gã trung niên Đà Lạt, tóc tai bù xù, quần áo bụi bặm, môi hờ hững ngậm thuốc lá, như bước ra từ thập niên 60, 70. Hình như ở nơi này thời gian trôi qua rất chậm. Những bộ bàn ghế cũng mang dấu ấn thời gian, cũ kỹ, bạc phếch.

Một buổi sáng khác ngồi ngắm thiên hạ từ một quán cà phê vỉa hè, kế bên một tiệm internet có cái tên hết sức ấn tượng và biểu cảm: “Lạc lối về”.

Đêm cuối cùng ở Đà Lạt, quay về với cà phê Mộc, ngồi ở đúng chỗ cũ, lặng nghe. Vẫn cô ca sĩ trong chiếc áo khoác trắng cất giọng hát. Một giọng hát như có ý run rẩy, ngập ngừng.

Em đến thăm anh đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em.

Tay em lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ em thơm
Sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết.


Có phải vì trời Đà Lạt lạnh, có phải vì gần Tết rồi mà bỗng thấy lòng nao nao khi nghe bài hát này của Vũ Thành An? “Cuộc tình đau”, “rớt hoài xuống hư không” liệu có thể biến cuộc đời con người thành “vực sâu”? Một chiếc lá vàng làm bằng chứng cho tình yêu, nhưng liệu còn gì mong manh hơn chiếc lá?

Và rồi một bài hát cuối, như một lời tiễn biệt, “Chiều đông Matxcơva” của Phú Quang.

Xin em, xin em, xin em thêm một lần nữa
Dù vẫn biết mai là giã từ
Mai đây khi trong xa xôi, trong niềm thương nhớ
Còn đâu nữa những phút giây này
Xin em, xin em, xin em thêm một lần nữa
Dù vẫn biết mai là giã từ
Mai đây khi trong xa xôi, xin người hãy nhớ
Dẫu tình yêu là những cơn mơ.


Lên Đà Lạt đã mấy lần rồi, nhưng chỉ đến lần này mới có chút gì để nhớ. Nhớ về một thành phố buồn đầy tiếng hát.
 

devilmaycry

Xe tải
Biển số
OF-35624
Ngày cấp bằng
19/5/09
Số km
215
Động cơ
475,540 Mã lực
Tuổi
41
up cho chị gái chủ theard

đang chờ đọc tiếp nè, viết hay quá :D
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Đôi khi tự hỏi bản thân mình thích bóng đá từ khi nào? Chắc từ khi là một cô bé bảy tuổi mới biết chữ, hay được anh trai sai đi mua báo "Thể thao văn hóa" ở sạp báo gần nhà. Cũng lon ton đọc báo, dù chả hiểu gì mấy. Cho đến nay, sau nhiều năm, tôi vẫn giữ thói quen đọc báo "Thế thao văn hóa". Để rồi bóng đá trở thành niềm đam mê dai dẳng.

Tháng 6 này không đi đâu, ngoài vài chuyến đi ngắn ngủi, Phan Thiết, Tiền Giang, Bến Tre và sắp tới là Phú Quốc.

Tháng 6 này, thôi không loanh quanh, quyết tâm ở nhà với trái bóng. Lạc đề sang chuyện quả bóng tròn sau hai hiệp đấu đầy cảm xúc giữa Đức và Serbia.

BÓNG ĐÁ ĐỨC – YÊU NHƯ LÀ YÊU THÔI

Nhớ có lần tôi đã từng viết, mọi cuộc tình rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình yêu bóng đá ở lại. Có lẽ phải nói cho chính xác hơn, đó là tình yêu với Mannschaft.

Chẳng biết yêu tuyển Đức từ khi nào, có lẽ là vào mùa hè Mexico 86. Xem trận chung kết giữa Đức với Argentina, nhớ khi ấy Đức thua Argentina 2 – 3 và Maradona từ đó trở thành số 10 huyền thoại, thành thần tượng không chỉ của người Argentina mà còn của vô số cổ động viên trên thế giới yêu màu áo sọc xanh trắng. Nhưng cảm tình của tôi lại dành cho người thua trận. Tôi cảm phục tinh thần của người Đức khi vùng lên gỡ hòa 2-2 và chỉ chịu thua sát nút.

Hai năm sau, EURO 88, Đức thua Hà Lan ở bán kết. Bắt đầu không ưa Hà Lan chỉ vì Hà Lan thắng Đức! Và đến năm 1990, mùa hè Italia nhiều cảm xúc, Đức đã lên ngôi vô địch sau khi đòi lại món nợ bốn năm trước bằng tỉ số 1 – 0 trước Argentina. Khi ấy tôi hãy còn là một con nhóc. Con nhóc mải mê sưu tầm hình các cầu thủ Đức và dưới tấm kính bàn học của tôi, chỉ toàn hình tuyển Đức và “thiên thần tóc vàng” Klinsmann. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi Italia 90, chỉ vì Đức vô địch, vì bài hát “Mùa hè Italia” quá ấn tượng. EURO 92, Đức vào đến chung kết và thua Đan Mạch. Lần ấy đã buồn ngơ ngẩn đến mấy ngày vì không hiểu sao đội bóng tôi yêu quý lại gục ngã ngay cửa thiên đường. Hai kỳ World Cup 1994 tại Mỹ và 1998 tại Pháp, Đức đã thua đau trước Bulgaria và Croatia. Nhưng tôi nhớ mãi kỳ EURO 1996 tại Anh, Đức đã lên ngôi vô địch châu Âu nhờ vào bàn thắng vàng của Oliver Bierhoff trước đội Czech. Hôm ấy ở nhà một mình xem bóng đá và khi Oliver Bierhoff ghi bàn thắng, đã hét ầm lên, đến nỗi hàng xóm tưởng tôi bị làm sao, chạy sang gọi cửa. Cũng từ trận đấu đấy, đã hình thành thói quen tắt tiếng TV mỗi khi tuyển Đức đá. Chỉ vì ghét những bình luận viên bóng đá, bao giờ cũng lên tiếng chê bai Đức đá rắn, đá thực dụng, đá thiếu kỹ thuật, đá lạnh lùng như cái máy. Chán ngán cả muôn ngàn ý kiến của vô số những độc giả Việt Nam chỉ thích những lối đá đẹp như của Brazil, Hà Lan và sau này khi VTV3 ngày đêm phát giải ngoại hạng Anh thì đa phần người hâm mộ Việt Nam lại chạy theo bóng đá Anh để ca tụng, ngợi khen.

Những kỳ EURO tiếp theo, 2000 và 2004, Đức cũng ra về trong thất bại, dù ở World Cup 2002, Đức đã chỉ nhường bước trước Brazil trong trận chung kết. Đến World Cup 2006 tổ chức ngay tại Đức, có Klinsmann trên băng ghế chỉ đạo, tôi đã kỳ vọng rất nhiều, nhưng cuối cùng Đức cũng chỉ giành hạng 3.

EURO 2008, lại hy vọng, lại mong mỏi Đức thành công. Biết rằng vào đến chung kết là thành công, nhưng cứ mong chức vô địch. Chỉ vì một tình yêu…
Và bây giờ, World Cup 2010, khi Michael Ballack vắng bóng… Khi hôm nay Đức thua Serbia 0 – 1. Quả thật… bỗng dưng muốn khóc.

Khi đã yêu một đội bóng, người ta sẽ yêu lối chơi của đội bóng đó. Lối chơi của Đức bao giờ cũng dựa trên một nền tảng thể lực vững chắc, chiến thuật hợp lý và tinh thần chiến đấu cao. Không hoa mỹ như Brazil, không ào ạt như Hà Lan, không tinh quái như Italia, bóng đá Đức đúng như một cỗ xe tăng, chậm chạp nhưng biết cách vượt qua được mọi chướng ngại vật trên đường. Nhiều người không thích lối chơi của Đức. Hình như ít ai yêu tuyển Đức ngoài chính những người Đức. Còn lý giải vì sao mà yêu đội Đức, vì sao mà yêu lối chơi khô khan như máy ấy thì có lẽ tôi không lý giải được. Yêu như là yêu thôi…

Từ thế hệ vàng 1990 ấy, sau bộ ba Lothar Matthaus, Jurgen Klinsmann, Andreas Brehme, nhiều cầu thủ của Đức cũng đã nổi danh như Matthias Sammer và sau này là Michael Ballack. Nhưng tôi vẫn thích Klinsmann. Con trai một người thợ làm bánh mì và là một anh chàng ham mê đọc sách. Tôi đã sưu tầm rất nhiều hình Klinsmann nhưng quý nhất là tấm hình anh chàng ngồi trên vỉa hè, tay cầm cuốn sách, mái tóc vàng, đôi mắt xanh mơ màng, đẹp trai không thể tả, khác hẳn chàng tiền đạo dũng mãnh thường ngày của tuyển Đức. Sau lần chuyển nhà, tôi mất tấm hình đó và đến bây giờ còn nuối tiếc. Không hiểu sao khi đọc vài dòng tiểu sử ngắn gọn của Klinsmann, cứ mường tượng ra một lò bánh mì ấm cúng ở thành phố nhỏ Goppingen, những con phố nhỏ lát đá rất Đức. Tôi đã dõi theo cuộc đời cầu thủ của Klinsmann khi sang đá cho Totttenham Hotspur, rồi sang Mỹ lập gia đình và năm 2006 lại vụt sáng trên cương vị huấn luyện viên của tuyển Đức. Có lẽ, tôi chưa từng yêu mến một cầu thủ nào như Klinsmann.

Mùa hè 1990 và mùa hè 1996 đã qua đi rất lâu rồi. Đội tuyển Đức đã đi qua nhiều thế hệ cầu thủ, đã nhiều khi thất bại cay đắng và nhiều lúc suýt chạm tay vào vinh quang. Nhưng cho dù có những thăng trầm, những khen ngợi hay những chê bai thì vẫn còn mãi một tình yêu với Đức. Năm nay có thể Đức lại thất bại, có thể Đức lại trắng tay, nhưng vẫn yêu như là yêu thôi.

Bóng đá Đức không bao giờ là bóng đá đẹp. Bóng đá Đức là bóng đá của những giá trị tinh thần, những chiến binh robot cần cù, chăm chỉ. Tôi dám chắc rằng cổ động viên của Đức trên thế giới và cả ở Việt Nam thật là ít ỏi nếu so với Brazil, Argentina, Hà Lan, Anh, Pháp, Italia… Và giữa vô số bạn bè quen biết cùng yêu bóng đá, đôi khi tôi cũng thật lạc lõng vì tình yêu với Đức. Nhưng biết làm sao được, bởi vì tình yêu luôn là điều khó lý giải, bởi vì… yêu như là yêu thôi.


MỘT CHÚT LINH HỒN Ý CHO SƯ TỬ ANH

Có lẽ vì VTV3 đã quá nhiều năm phát sóng giải ngoại hạng Anh.

Có lẽ vì bây giờ truyền hình cable hầu như nhà ai ở thành thị cũng có.

Nên tôi chắc rằng rất nhiều người Việt Nam hâm mộ bóng đá Anh.

Nhưng trong số đó không có tôi.

Tôi thích một đội bóng ít người thích: xe tăng Đức, thích từ năm 1986, dù năm ấy Đức thua Argentina 2-3 trong trận chung kết.

Nhớ lại thì cũng đã có một thời tôi thích tuyển Anh, dĩ nhiên là không bằng đội Đức. Đó là mùa hè 1990 nóng bỏng và đầy cảm xúc tại Italia. Khi ấy tôi cũng vẫn còn là một cô bé. Năm 1990 đội Anh có những tên tuổi lớn như thủ môn Peter Shilton, tiền đạo Gary Lineker, và một ngôi sao mới nổi: Paul Gascoigne. Nhưng tôi vẫn nhớ câu nói của Gary Lineker: "Football is a simple game; 22 men chase a ball for 90 minutes and at the end, the Germans win. (Bóng đá là một trò chơi đơn giản, 22 chàng trai cùng săn một quả bóng trong 90 phút và cuối cùng người Đức chiến thắng). Một thế hệ vàng của bóng đá Anh đã gục ngã trước tuyển Đức trong trận bán kết. Gazza đã bật khóc như một đứa trẻ con bị giành mất một món quà.

Những năm sau này, tôi vẫn thường xem bóng đá Anh, và chỉ cười thầm một mình mỗi khi trước vào một giải lớn, báo chí, truyền hình Việt Nam lại hăm hở xếp tuyển Anh vào nhóm những đội có triển vọng đoạt cúp nhiều nhất. Bởi lẽ tôi tin rằng đội Anh sẽ còn rất lâu, rất lâu nữa mới có thể đứng trên bục vinh quang. Đội tuyển Anh luôn chơi một thứ bóng đá không thuyết phục và luôn được chú ý ầm ĩ bởi những chuyện ngoài trái bóng. Một thứ bóng đá không thấy ánh sáng của trí tuệ, của chiến thuật, dù đôi khi cũng đẹp mắt và quả cảm. Đội tuyển Anh làm tôi nhớ đến câu chuyện lịch sử về Richard Sư tử tâm. Ông vua nước Anh một thời chỉ thích lao vào những cuộc Thập tự chinh phiêu lưu mạo hiểm, nhưng hầu như chả thu được kết quả gì ngoài danh hiệu "Sư tử tâm".

Sau thất bại cay đắng tại vòng loại EURO 2008, đội tuyển Anh có huấn luyện viên mới: Fabio Capello. Cuối cùng Liên đoàn bóng đá Anh đã nhận ra đội tuyển của họ thiếu cái gì.

Đội tuyển Anh - một đội tuyển thừa tài năng đá bóng nhưng thiếu phẩm chất điều khiển quả bóng.

Thừa sự trẻ trung, nhiệt huyết, nhưng thiếu sự già dặn tinh thần.

Thừa tiền lương để trả cho huấn luyện viên, nhưng thiếu huấn luyện viên có tài. Mà điển hình là Sven Goran Ericksson.

Liệu Fabio Capello có thể giúp cho đội Anh có thêm chút phẩm chất Ý? Giúp cho đội Anh chơi khôn ngoan hơn, tỉnh táo hơn, thực dụng hơn và cả may mắn hơn trong những giải đấu lớn? Giúp cho đội Anh có thêm sự vững chắc trong hàng phòng ngự, có thêm sự sắc bén trong tấn công?

Triết lý bóng đá thực dụng và nguyên tắc làm việc cứng rắn của Capello liệu có phù hợp với những chú sư tử Anh luôn chơi thứ bóng đá lãng mạn và bay bổng trên chín tầng mây?

Có lẽ phải chờ đợi thêm một thời gian. Nếu Capello thành công trong việc thổi chút linh hồn Ý vào trái tim sư tử Anh, chúng ta sẽ hy vọng sẽ thấy một đội Anh thành công, và biết đâu, kiếm được một chiếc cúp vô địch thế giới sau nửa thế kỷ đợi chờ vô vọng. Còn nếu cách làm việc của Capello vẫn không thể làm thay đổi bản sắc của bóng đá Anh, thì các fans của tuyển Anh lại có dịp than thở, chửi rủa trên những diễn đàn bóng đá.

Tôi không yêu tuyển Anh, không ghét tuyển Anh, tôi chỉ tò mò muốn xem thử tuyển Anh sẽ đi được đến đâu trong triều đại của Bố già Fabio Capello.
 
Chỉnh sửa cuối:

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Viết tiếp về Phnom Penh cho khỏi đi lạc theo trái bóng tròn sang đất Nam Phi.

Phnom Penh là nghĩa là “Vùng đất của bà Pênh” hay “Đồi của bà Pênh”. Vào năm 1372, bà Penh, một góa phụ giàu có vớt được một cây gỗ trôi dạt trên sông. Bên trong cây gỗ là 4 bức tượng Phật. Bà đã cho đắp một ngọn đồi (phnom có nghĩa là đồi) và một ngôi chùa nhỏ (wat) ở khu vực mà ngày nay gọi là Wat Phnom. Sau này, khu vực xung quanh được gọi theo ngọn đồi (Phnom) và người tạo ra nó (Penh), vì thế mà có tên gọi Phnom Penh. Phnom Penh còn có tên gọi khác là “Thành phố bốn mặt” do nằm trên hình chữ thập của những con sông Mekong, Bassac, Tonle Sap.

Phnom Penh còn mang nhiều dấu ấn kiến trúc của một thành phố thuộc địa của Pháp ngày xưa. Không sạch sẽ, bình yên như Vientiane, không ồn ào nhộn nhịp như Hà Nội, Phnom Penh có vẻ gì đó biếng lười, uể oải. Mấy chục năm về trước, nơi đây đã từng là một thành phố chết khi Khmer Đỏ tiến vào. Sau nạn diệt chủng, nhiều người Khmer chạy loạn sang Việt Nam đã trở về nước và nhanh chóng có được những công việc tốt, thay thế cho những người đã khuất.

Tôi nhớ khi tôi còn rất nhỏ, bố tôi từng có một lái xe người Khmer. Bác hiền lành, chân chất. Rồi một hôm bác quay về Campuchia, bắt đầu cuộc sống mới. Bẵng đi một thời gian lâu, bác quay về Việt Nam thăm lại những người quen. Chức của bác lúc ấy nghe nói tương đương hàm thứ trưởng tại Việt Nam.

Ngày nay đến Phnom Penh, không thể không ghé đến đồi bà Penh. Ngôi chùa nằm trên một ngọn đồi giữa thành phố. Chùa thờ Phật. Bà Penh được thờ ở bên cạnh chùa. Tượng người phụ nữ với nét mặt vui tươi, phúc hậu, luôn thu hút nhiều người đến cầu cúng, đặc biệt là giới nữ. Nhiều cô gái quỳ xuống khấn thầm, mắt khép hờ. Tôi cũng quỳ xuống xin bà một điều…

 
Biển số
OF-30269
Ngày cấp bằng
1/3/09
Số km
3,860
Động cơ
519,880 Mã lực
Nơi ở
MU.OFC
Chị V ơi!

Đọc đoạn hồi ký của chị về Fansipan làm em bồi hồi quá. Chị làm em như được sống lại những giây phút khi chinh phục nóc nhà Đông Dương, đúng như em Tiny nói "vừa leo, vừa bò vừa thở phì phò".:-s

Trước chuyến đi em khá tự tin về sức bền của bản thân nhưng ko ngờ dấn thân vào rồi mới biết gian nan cỡ nào :">

Em thì may mắn hơn là gặp thời tiết thuận lợi, lại đi đường Trạm Tôn. Nhìn HTT chinh phục Fan bằng con đường gian khổ nhất mà phục lăn =D>

@ Chị viết hay và chân thực thật í, nhất là chuyến đi Campuchia, đến đoạn viết về Cánh đồng chết - đọc đến đâu nổi da gà đến đó. Em đặt mục tiêu Cam vào tầm ngắm rồi đấy :D có gì chị tư vấn cho em nhá! :)

P/S: đố chị đoán được em là ai :P
 
Biển số
OF-30269
Ngày cấp bằng
1/3/09
Số km
3,860
Động cơ
519,880 Mã lực
Nơi ở
MU.OFC
Nhớ lại thì cũng đã có một thời tôi thích tuyển Anh, dĩ nhiên là không bằng đội Đức. Đó là mùa hè 1990 nóng bỏng và đầy cảm xúc tại Italia. Khi ấy tôi cũng vẫn còn là một cô bé. Năm 1990 đội Anh có những tên tuổi lớn như thủ môn Peter Shilton, tiền đạo Gary Lineker, và một ngôi sao mới nổi: Paul Gascoigne. Nhưng tôi vẫn nhớ câu nói của Gary Lineker: "Football is a simple game; 22 men chase a ball for 90 minutes and at the end, the Germans win. (Bóng đá là một trò chơi đơn giản, 22 chàng trai cùng săn một quả bóng trong 90 phút và cuối cùng người Đức chiến thắng). Một thế hệ vàng của bóng đá Anh đã gục ngã trước tuyển Đức trong trận bán kết. Gazza đã bật khóc như một đứa trẻ con bị giành mất một món quà.

Những năm sau này, tôi vẫn thường xem bóng đá Anh, và chỉ cười thầm một mình mỗi khi trước vào một giải lớn, báo chí, truyền hình Việt Nam lại hăm hở xếp tuyển Anh vào nhóm những đội có triển vọng đoạt cúp nhiều nhất. Bởi lẽ tôi tin rằng đội Anh sẽ còn rất lâu, rất lâu nữa mới có thể đứng trên bục vinh quang. Đội tuyển Anh luôn chơi một thứ bóng đá không thuyết phục và luôn được chú ý ầm ĩ bởi những chuyện ngoài trái bóng. Một thứ bóng đá không thấy ánh sáng của trí tuệ, của chiến thuật, dù đôi khi cũng đẹp mắt và quả cảm. Đội tuyển Anh làm tôi nhớ đến câu chuyện lịch sử về Richard Sư tử tâm. Ông vua nước Anh một thời chỉ thích lao vào những cuộc Thập tự chinh phiêu lưu mạo hiểm, nhưng hầu như chả thu được kết quả gì ngoài danh hiệu "Sư tử tâm".

Sau thất bại cay đắng tại vòng loại EURO 2008, đội tuyển Anh có huấn luyện viên mới: Fabio Capello. Cuối cùng Liên đoàn bóng đá Anh đã nhận ra đội tuyển của họ thiếu cái gì.

Đội tuyển Anh - một đội tuyển thừa tài năng đá bóng nhưng thiếu phẩm chất điều khiển quả bóng.

Thừa sự trẻ trung, nhiệt huyết, nhưng thiếu sự già dặn tinh thần.


Thừa tiền lương để trả cho huấn luyện viên, nhưng thiếu huấn luyện viên có tài. Mà điển hình là Sven Goran Ericksson.


Liệu Fabio Capello có thể giúp cho đội Anh có thêm chút phẩm chất Ý? Giúp cho đội Anh chơi khôn ngoan hơn, tỉnh táo hơn, thực dụng hơn và cả may mắn hơn trong những giải đấu lớn? Giúp cho đội Anh có thêm sự vững chắc trong hàng phòng ngự, có thêm sự sắc bén trong tấn công?

Triết lý bóng đá thực dụng và nguyên tắc làm việc cứng rắn của Capello liệu có phù hợp với những chú sư tử Anh luôn chơi thứ bóng đá lãng mạn và bay bổng trên chín tầng mây?

Có lẽ phải chờ đợi thêm một thời gian. Nếu Capello thành công trong việc thổi chút linh hồn Ý vào trái tim sư tử Anh, chúng ta sẽ hy vọng sẽ thấy một đội Anh thành công, và biết đâu, kiếm được một chiếc cúp vô địch thế giới sau nửa thế kỷ đợi chờ vô vọng. Còn nếu cách làm việc của Capello vẫn không thể làm thay đổi bản sắc của bóng đá Anh, thì các fans của tuyển Anh lại có dịp than thở, chửi rủa trên những diễn đàn bóng đá.

Tôi không yêu tuyển Anh, không ghét tuyển Anh, tôi chỉ tò mò muốn xem thử tuyển Anh sẽ đi được đến đâu trong triều đại của Bố già Fabio Capello.
Những nhận xét chuẩn về tuyển Anh =D>

Xin lỗi là em đã rất vui khi Đức thua Serbi :D

Dù gắn bó với PL đã lâu nhưng chưa khi nào dám kỳ vọng tuyển Anh sẽ làm được chuyện lớn ở W.C hay Euro :-s Lý do thì đúng như những dòng bôi đậm kia [-(
 

tuanzs

Xe container
Biển số
OF-60474
Ngày cấp bằng
31/3/10
Số km
8,666
Động cơ
526,529 Mã lực
Nơi ở
Với vợ
Mợ Alice viết hay quá, cám ơn mợ nhiều
Chút Vodka mợ để viết tiêp cho hay hơn nữa nhé
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Trong khi chờ trận Hà Lan – Urugoay, viết tiếp về Phnom Penh


Phnom Penh gợi cho mọi người cảm giác về một thành phố biếng lười, một thành phố thờ ơ với mọi điều. Không có nhiều khách sạn cho khách du lịch, cũng không nhiều địa điểm tham quan, Phnom Penh buồn và tẻ nhạt đối với những ai ham vui.

Thật ra thì cũng có những địa điểm đủ sức khuấy động cả túi tiền và tình cảm của khách thập phương. Đó là những sòng bạc. Người ta hay nói rằng người Trung Quốc có máu đỏ đen nhất thế giới. Tôi thì nghĩ rằng nếu tính đến ngôi vị á quân thì chắc người Việt Nam phải được ghi danh, chỉ chịu xếp sau người Trung Quốc. Chuyện người Việt Nam cuối tuần sang Campuchia đánh bài đã trở thành chuyện bình thường.

Sòng bạc lớn nhất ở thành phố Phnom Penh là sòng bạc Naga. Naga là tên của linh vật rắn theo thần thoại Ấn Độ, du nhập vào Đông Nam Á. Naga là vị thần mưa nên có thể phun mưa dập lửa, mang lại sự bình an. Trong những ngôi chùa Campuchia, luôn có rắn Naga để trừ tà ma và tránh hỏa hoạn. Ý nghĩa thì tốt đẹp như vậy, nhưng sòng bạc Naga khác với rắn thần Naga, không phải là nơi… phun tiền, mà là nơi nuốt tiền bạc của khách thập phương.

Sòng bạc có một khu được thiết kế với bầu trời xanh và những áng mây trắng, với thứ ánh sáng khoảng 4g chiều. Bước chân vào đây, người ta có cảm giác quên thời gian, và cứ thế mải miết chơi bài.

Trong sòng bạc không được chụp hình, nên đành ra phía ngoài chụp hình các cô gái chân dài xinh đẹp.



Kiểu cách trang trí mang dáng dấp Trung Hoa. Ngôn ngữ trong sòng bài là tiếng Campuchia, tiếng Anh (ít thôi), tiếng Hoa, và tiếng… Việt Nam.



Loanh quanh trong sòng bài một lúc. Không hiểu cách chơi và cũng không thích nhìn người khác chơi, nhưng thích nhìn nét mặt của người chơi. Tôi đã gặp những nét mặt căng thẳng, những bàn tay run run, những ánh mắt thất vọng, cái cười tươi roi rói. Cũng lại gặp những vẻ lạnh lùng, những nét tỉnh bơ như không. Nhớ đến vài người quen của mình, đã mất tất cả, tình yêu, gia đình, tài sản vì trò đỏ đen này.

Vận may. Hình như ai trên đời cũng mong mình may mắn. Sòng bạc là một phương tiện có sẵn, tiện lợi để tìm kiếm vận may.

Có điều, vận may không dễ kiếm.
 

EZdong

Xe điện
Biển số
OF-39790
Ngày cấp bằng
3/7/09
Số km
3,578
Động cơ
504,780 Mã lực
Mợ là dân báo chí hay sao mà viết hay thế! Vốt ka mợ nhé!
 

ruaf

Xe máy
Biển số
OF-30119
Ngày cấp bằng
27/2/09
Số km
59
Động cơ
482,070 Mã lực
Phục mợ quá, đi nhiều, viết nhiều.... Em cũng là người rất thích đi, nhìn thấy những chuyến đi của mợ mà =P~ Chúc mợ giữ mãi được niềm đam mê "xê dịch" nhé!!!
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Thế là hết mùa bóng đá rồi, hết những buổi thức đêm, hết buồn vì đội Đức thua, hết chán ngán bạch tuộc Paul và đành quay về với sở thích viết linh tinh.


Có một nơi ở Phnom Penh mà nhiều du khách cũng thích đến: Hoàng cung. Campuchia là một trong số ít nước vẫn duy trì chế độ quân chủ, dù có những đứt quãng thời gian vì những biến cố lịch sử. Hoàng cung, gợi cho người ta nhớ về một thời vàng son của đế chế Khmer, thời kỳ những nét văn hóa của đạo Phật và đạo Bà la môn đan xen, nhớ về một thời quốc gia Campuchia trung lập dưới sự cai trị của nhà vua Sihanouk.



Như mọi nơi trang nghiêm khác, Hoàng cung cấm mọi kẻ chân dài quần ngắn. Ai đến đây cũng buộc phải mặc quần hay váy dài đến đầu gối.

Hoàng cung không lớn lắm, gồm nhiều tòa nhà theo phong cách kiến trúc Khmer, vàng son rực rỡ, với mái cong vút đặc thù.



Quốc vương hiện nay của Campuchia có tên là Sihamoni. Cái tên bắt nguồn từ một tình yêu, bắt nguồn từ chữ cái đầu tên của hai người: Cựu hoàng Sihanouk và bà hoàng Monique có dòng máu Pháp và Italia, sau đổi tên thành Monieath cho có vẻ Khmer. Quốc vương từng làm việc cho tổ chức UNESCO và có vẻ đam mê những vấn đề văn hóa hơn là những chuyện chính trị.

Tất nhiên là du khách chỉ được vào một số khu vực của Hoàng cung. Nơi nhà vua sống bị cấm lai vãng.

Cánh cổng hoàng cung






Nơi nhà vua tiếp các vị khách quý.



Và có rất nhiều hoa nở rực rỡ ở trong sân.





Có một tòa nhà dạng như bảo tàng, trưng bày trang phục và đồ dùng thường ngày của gia đình hoàng gia.

Trang phục của các cung nữ



Hai người phụ nữ lớn tuổi này từ một vùng xa đến để lễ Phật. Nét mặt và trang phục rất đặc thù Khmer. Họ nhanh chóng lọt vào ống kính máy ảnh của bao nhiêu du khách nước ngoài.



Trong khuôn viên hoàng cung có một ngôi chùa nổi tiếng. Chùa Bạc. Sàn chùa dát bạc. Nhưng trong chùa cũng nghiêm cấm chụp ảnh.



Gần lối ra của Hoàng cung có treo một tấm bản đồ. Bản đồ đất nước Campuchia thế kỷ 12 – 13, khi ấy đế chế Khmer bao trùm nước Lào, phần lớn Thái Lan, xuống tận miền Nam Thái Lan ngày nay và tất nhiên là bao gồm cả mảnh đất phương Nam của người Việt bây giờ. Nhưng mọi đế chế dù huy hoàng đến mấy cũng đều đến lúc phải lụi tàn. Đế chế Khmer cũng vậy, dù đã kịp để lại cho nhân loại những công trình kiến trúc tuyệt tác, mà có lẽ chính những công trình ấy đã đẩy nhanh sự suy tàn của đế chế.



Campuchia có vẻ như là một đất nước đang bị giằng xé giữa quá khứ và tương lai. Quá khứ một thời huy hoàng, một thời đen tối và tương lai thì chưa rõ rệt. Những người dân Campuchia tôi từng gặp, họ quan tâm nhiều đến việc thoát khỏi đói nghèo, nhưng họ vẫn loay hoay tìm kiếm đường đi thích hợp, thuận lợi. Họ đang muốn trở thành một đất nước như Thái Lan, như Malaysia. Nhưng ngày ấy có lẽ còn xa.
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Ở Hà Nội mà nhớ phố Hà Nội

Mùa đông năm trước ra Hà Nội, đã viết những dòng này:

“Ra Hà Nội lần này bỗng thích dạo phố lúc đêm khuya. 12 giờ đêm, đường vắng, quán xá đóng cửa, ngồi ở quán cà phê nào cũng bị lịch sự mời về, nên đành lang thang suốt trên phố. Dọc các dãy phố, những ngôi nhà đóng cửa im lìm, và ở rất nhiều con đường, lá cây rụng dày như những tấm thảm.

Thu mình lặng lẽ trong chiếc ô tô từ Yên Tử về Hà Nội lúc 12 giờ đêm, đi qua những con đường vắng, bâng quơ thốt lên rằng: “Thích những con phố Hà Nội lúc ngủ đêm”. Lập tức có một câu hỏi làm mình bất ngờ: “Tại sao? Vậy đường phố Sài Gòn thì thế nào?” Có cần phải hỏi không nhỉ, khi mà ai cũng biết rằng ở Sài Gòn hầu như đường phố nào cũng thức đêm.

Lại một câu hỏi khác: “Thích con đường nào nhất ở Hà Nội?” Không cần suy nghĩ, đã có câu trả lời: “Thích phố Lý Thường Kiệt”.

Và nhớ lại những con đường mình đã đi trong mấy đêm qua.

Một đêm ngồi dưới gốc cây ở Triệu Việt Vương, nhấm nháp ly rượu trái cây, tận hưởng chút lành lạnh của đất trời, nghe một người bạn mới quen nói về những niềm vui giản dị của cuộc sống hiện tại, về những kế hoạch, ước mơ cho tương lai.

Đi qua Ngô Quyền, Lò Đúc, ngẩn người vì những thảm lá xà cừ phủ kín vỉa hè, tràn xuống lòng đường. Nhớ những câu thơ của Nguyễn Nho Khiêm tình cờ đọc được trên mạng:

Anh lại nhớ hàng cây xà cừ trước cổng trường sư phạm
Ta chờ nhau thấp thỏm tình đầu
Anh đã khắc tên chúng mình lên đấy
Gởi cho cây nói hộ đêm sâu!...


Sài Gòn cũng có xà cừ mà sao chưa bao giờ được thấy thảm lá rụng, chưa bao giờ được thấy “đêm sâu”.

Một đêm cùng với một người Hà Nội đã xa nơi này nhiều năm, đi mấy vòng Hồ Gươm, lang thang vào khu phố cổ, rồi quay lại con đường Nguyễn Du, Quang Trung. Bạn ngồi sau lưng mình, hát nho nhỏ. Bài hát “Im lặng đêm Hà Nội”. Trời lạnh, nhưng không dám hỏi bạn một câu: “Liệu có còn hơi ấm mối tình đầu?” Nhớ những lúc ở Sài Gòn, bạn nhắc rất nhiều về Hà Nội, nhắc rất nhiều về những bạn bè thân quen, về những tình cảm vấn vương không dứt. Lần này đi cùng bạn trong đêm khuya Hà Nội, mới hiểu vì sao bạn lại nặng lòng với Hà Nội đến thế.

Một đêm đi qua Phan Đình Phùng, chỉ để ngắm lại vỉa hè duy nhất ở Hà Nội có hai hàng cây, như lời của một người bạn khác nữa.

Và một đêm buồn, online lúc 11 giờ khuya, thấy một cái tên trên Yahoo Messenger vụt sáng, bâng quơ hỏi một câu: “Cà phê đêm khuya Hà Nội nhé”. Cà phê tan rồi, lại tiếp tục ra vỉa hè ngồi lặng im ngắm con phố vắng. Lòng thầm cảm ơn bạn, con người khô khan ít nói, bỗng phải chiều theo ý thích nắng mưa thất thường của mình.

Nhưng vẫn thích con phố Lý Thường Kiệt hơn tất cả những con phố khác. Ở đó có một địa chỉ mà khi nào ra Hà Nội mình cũng phải đến, đến để đắm mình vào một thế giới sách. Có vỉa hè rộng rãi với hàng cây phượng gợi nhớ những mùa hè tuổi học trò. Có cái tĩnh lặng kỳ lạ so với những con phố xung quanh.


Về Sài Gòn, sẽ rất nhớ phố Hà Nội, sẽ có những “đêm nằm mơ phố” và nhớ “tay em lạnh mùa đông ngoài phố”.

Còn lần này. Mùa hạ nắng chói chang.

Trưa vắng, ngồi một mình ở Amigo trong khi chờ thư viện mở cửa. Vẫn là món “hoa quả dầm sữa chua”. Giá mà ở Sài Gòn sẽ là “yaourt trộn trái cây”. Một quán cà phê như bao quán cà phê bình thường khác ở Sài Gòn. Nhưng đây là Hà Nội. Chỉ thế thôi là biết khác hẳn rồi.

Bình yên, quá bình yên.

Những ngày Hà Nội. Bao giờ Hà Nội cũng đặc biệt hơn những thành phố khác, đặc biệt hơn những nơi chốn khác.

Là vì Hà Nội có những điều mà Sài Gòn không có. Là vì Hà Nội có những thứ mà tôi từng mãi đi tìm. Có chợ hoa buổi sớm, có ly trà nóng ban mai, có những người bạn thân tình…

Là vì có trưa hè nóng nực mướt mồ hôi đi tìm một quán cóc vỉa hè.

Là đi mua quà sinh nhật cho ba người bạn ở Hà Nội. Lang thang một hồi, bỗng thấy mình đứng ở Đinh Lễ. Có ai chỉ biết tặng sinh nhật bạn bằng sách không?

Là đi trên con phố Lý Thường Kiệt thân quen. Tòa nhà số 26, cũ kỹ. Là mở ra những trang sách cũ, còn bám bụi thời gian của mấy chục năm.

Cũng có đôi thứ để thử tập làm quen mà sao mãi chẳng quen. Đó là cà phê Hà Nội, trà đá kiểu Hà Nội.[-(

Vài năm nay, tiếc thay, Hà Nội ngày càng giống Sài Gòn. Có nước ngập, có kẹt xe, có bụi bặm, có ồn ào. Nhưng vẫn tìm thấy ở Hà Nội những góc phố nhỏ cho riêng mình.

Thế nên mỗi lần ra Hà Nội, chưa kịp về Sài Gòn, đã lại thấy nhớ Hà Nội, nhớ phố Hà Nội.
 

mecghi

Xe buýt
Biển số
OF-58887
Ngày cấp bằng
12/3/10
Số km
785
Động cơ
451,488 Mã lực
Nơi ở
Hà nội
Ở Hà Nội mà nhớ phố Hà Nội



Về Sài Gòn, sẽ rất nhớ phố Hà Nội, sẽ có những “đêm nằm mơ phố” và nhớ “tay em lạnh mùa đông ngoài phố”.



Bình yên, quá bình yên.





Thế nên mỗi lần ra Hà Nội, chưa kịp về Sài Gòn, đã lại thấy nhớ Hà Nội, nhớ phố Hà Nội.
Lúc xưa không ở Hà Nội, em cũng hay có hoài niệm về HN, về mùa đông rét mướt và buồn, về mùi hương hoa sữa, hương ngọc lan tỏa hương về đêm nồng nàn, da diết. Một nỗi nhớ khắc khoải.

Nay em ở HN, em xa SG, em cũng nhớ SG. Nhưng nỗi nhớ của em về SG không sâu đậm. Em chỉ nhớ mang máng, một cách chung chung rằng SG hoa lệ về đêm, nhớ những âm thanh hình như rất ồn ào và tấp nập. Và chỉ có thế.

Nhưng có lẽ, " khi ta ở chỉ là nơi đất ở" , nên SG vẫn cứ luôn là những kỉ niệm đẹp và lung linh.
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Angkor - Thành phố của những thiên thần

Người Campuchia có hai thứ để thu hút khách du lịch từ bốn phương: Angkor và nạn diệt chủng.

Angkor Wat và Angkor Thom, tiếng Việt gọi là Đế Thiên và Đế Thích được xem là kiệt tác kiến trúc của đất nước Campuchia.

Angkor trong tiếng Khmer là kinh đô hay là thành phố, vốn xuất phát từ tiếng Phạn nagara, Wat là chùa hay đền. Tương tự, Angkor Thom có nghĩa là kinh đô vĩ đại. Ngày nay Angkor nằm gần thành phố Siem Reap, phía Tây Bắc của Campuchia, cũng gần với Biển Hồ Tonle Sap.

Angkor có hai lớp kiến trúc: Ấn Độ giáo và Phật giáo. Qua nhiều đời vua, vị thì theo Ấn giáo, vị thì theo Phật giáo, nên Angkor cũng được xây dựng theo hai cảm hứng tôn giáo khác nhau, dẫn đến sự hòa quyện giữa các vị thần trong Ấn Độ giáo và Phật giáo.

Angkor có khoảng trên 1000 ngôi đền, trong đó có khoảng 72 đền thờ chính, tuy nhiên, theo thời gian, hầu hết chúng đều đã bị hủy hoại không ít thì nhiều.

Angkor gợi nhớ về một thời kỳ huy hoàng của đế chế Khmer. Khi ấy, đế chế Khmer từng là một đất nước rộng nhất vùng Đông Nam Á, với diện tích lãnh thổ khoảng 1,2 triệu km2, bao trùm cả Lào, phần lớn Thái Lan và miền Nam Việt Nam hiện nay. Sách vở ghi nhận rằng đây từng là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất trong lịch sử nhân loại. Đế chế huy hoàng ấy đã tồn tại từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 15 sau công nguyên, nhưng sau đó đã lụi tàn vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính là do sự xâm lược của người Thái và sự thất bại của hệ thống thủy lợi. Các vị vua Khmer đã dời kinh đô về Phnom Penh và từ đó Angkor chìm vào quên lãng.

Năm trăm năm đã trôi qua, rừng rậm đã mọc lên, che lấp Angkor. Vào cuối thế kỷ 19, một nhà tự nhiên học, cũng là một nhà thám hiểm người Pháp, Henri Mouhot, trong chuyến du khảo đến Đông Dương, đã phát hiện ra Angkor chìm khuất trong những khu rừng già. Nước Pháp và cả thế giới sững sờ trước những công trình kiến trúc đầy tính nghệ thuật.

Lại gần hai thế kỷ nữa trôi qua. Dấu chân của bao nhiêu du khách đã lưu lại nơi này. Angkor cũng đã được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa thế giới và trở thành nơi mà du khách không thể không đến khi đặt chân lên đất nước Campuchia.

Một buổi chiều đến Angkor để được ngắm hoàng hôn Angkor. Người ta bảo, muốn thấy hoàng hôn Angkor đẹp nhất thì phải leo lên đồi Bakheng (Phnom Bakheng), ngọn đồi nằm giữa Angkor Wat và Angkor Thom. Đây thật ra là một núi đền, với một ngôi đền Hindu thờ thần Shiva trong Ấn Độ giáo được xây vào cuối thế kỷ 9, dưới thời trị vì của một vị vua tên là Yasovarman. Chiều cao của ngọn đồi vào khoảng 65m. Ngày nay du khách có thể đi bộ lên đỉnh đồi, còn ngày xưa, cư dân Angkor thuộc tầng lớp quý tộc có thể dùng voi. Lối đi ngày xưa thì khó hơn nhiều, phải băng qua bụi rậm, cây cối, dốc thẳng đứng, còn ngày nay đó là một lối đi khá dễ cho du khách.

Đền Bakheng cũng là biểu trưng cho núi thần Meru theo thần thoại của Ấn Độ giáo. Núi Meru có nhiều đỉnh cao thấp khác nhau. Vị thần tối cao ngự trên đỉnh cao nhất. Các vị thần khác tùy theo thứ bậc mà cư ngụ ở những đỉnh núi khác. Thật ra, các ngôi đền ở Angkor Wat và Angkor Thom đều có lối kiến trúc cao thấp khác nhau biểu trưng cho núi Meru. Ảnh hưởng của quan niệm này có thể thấy được ở những tháp Chàm rải rác khắp miền Trung Việt Nam.

Trên đỉnh đồi Bakheng ngày nay chỉ còn lại những phế tích của ngôi đền cách đây hơn ngàn năm tuổi. Rất nhiều du khách đổ về đây ngắm hoàng hôn. Ai cũng thích chiêm ngưỡng cái đẹp. Nhưng vì đông quá nên thật khó tìm được chỗ đặt chân. Đồi Bakheng của thời hiện đại cũng là nơi trình diễn các kiểu máy ảnh, từ nhỏ gọn du lịch, cho đến khủng bố kềnh càng :).





Từ trên đồi cao nhìn xuống.




Bình nguyên Angkor đang trải dài trong ánh hoàng hôn. Có lẽ một ngàn năm về trước, ánh nắng chiều cũng buồn như thế.



Rất nhiều du khách thích chụp hình nơi đây. Tôi cũng tìm được một cặp rất đẹp đôi, tình nguyện làm người mẫu.




Phía sau khung cửa đá này là một linga và một yoni to tướng.



Ngắm chán rồi lững thững xuống đồi. Tự hỏi một ngàn năm trước, người xưa đã từng khấn nguyện điều gì ở ngọn “núi đền” này? Bây giờ, chỉ thấy lớp lớp du khách. Vàng son một thuở không còn nữa, chỉ với chút phế tích này, cũng đủ để thu hút bao kẻ tò mò.
 
Chỉnh sửa cuối:

trantam1281

Xe đạp
Biển số
OF-39466
Ngày cấp bằng
29/6/09
Số km
30
Động cơ
469,600 Mã lực
Nơi ở
TPHCM
Bác viết hay quá! Mời rượu Bác.
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Đã có một hoàng hôn Angkor thì cũng có bình minh Angkor. Bình minh Angkor cũng đẹp và buồn như hoàng hôn.

Tôi đến Angkor Wat trước.

Lối vào nhỏ hẹp. Hỏi ra mới biết là lối vào được kiến trúc vừa đủ cho voi đi. Đối với người xưa là đủ, nhưng đối với người nay e quá chật hẹp.



Đầu tiên là một quần thể kiến trúc, có lẽ là đền Banteay Srei, nổi tiếng với hai thư viện đổ nát. Thư viện không sách vở, chỉ còn trơ lại những bức tường thi gan cùng tuế nguyệt. Khi điêu khắc những công trình bằng đá, có khi nào người ta tự hỏi mình rằng đá có vĩnh cửu không?



Có một nơi mà du khách đua nhau chụp hình. Đó là hồ sen và phía xa xa kia là tầm nhìn đủ thấy 5 đỉnh tháp Angkor Wat.



Angkor Wat được xem là công trình lớn nhất thế giới thờ thần Visnu trong Ấn Độ giáo. Đền quay về hướng Tây, mà hướng Tây tượng trưng cho cái chết. Thế nên cũng có nhiều học giả cho rằng Angkor Wat có thể được xây làm lăng mộ. Thật lạ lùng là nhiều công trình kiến trúc vĩ đại trên thế giới như Kim tự tháp của người Ai Cập, Kim tự tháp của người da đỏ Inca, Maya… lại gắn liền với sự tôn vinh và lưu giữ cái chết. Có lẽ đời sống thường nhật không mang lại sự vĩnh cửu cho con người nên họ đi tìm sự vĩnh cửu ở thế giới bên kia và hiện thực hóa mơ ước của mình bằng những kim tự tháp.

Đá sa thạch xưa nay đã bạc màu theo thời gian.



Du khách đến nơi này vẫn thấy thấp thoáng bóng áo vàng của những nhà sư tiểu thừa.



Có nhiều cây thốt nốt, biểu tượng của đất nước Campuchia, mọc rải rác ở sân đền. Cây thốt nốt gắn liền với đời sống của người dân Campuchia. Trái thốt nốt dùng để ăn, để uống nước, hoa thốt nốt dùng để lấy đường. Lá cây, thân cây thốt nốt dùng trong xây dựng nhà cửa. Cây thốt nốt còn non thì có thể để ăn được như một loại rau. Đặc biệt cuống lá thốt nốt sắc như răng cưa, sờ vào không khéo có thể đứt tay. Nghe kể ngày xưa Khmer đã dùng cuống lá thốt nốt để cứa cổ bao người.




Khi tôi đến, Angkor Wat đang được trùng tu nhiều, khắp nơi phủ những tấm lưới che chắn công trình, nên rất khó chụp hình. Nhưng cũng cố chụp được 5 đỉnh tháp chính. Tháp cao nhất là 65 mét, thế nên không có công trình mới nào được xây dựng cao quá 60 mét để tỏ ý tôn kính thần linh. Tháp có 7 vòng xây xung quanh, tượng trưng cho bảy ngọn núi thiêng của rặng núi Meru trong thần thoại Ấn Độ giáo.
 
Chỉnh sửa cuối:
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top