Dạ không cụ Xù, em không có bộ "Bão biển". Đây là ở một quán cafe chúng em gặp nhau và em chụp lại. Trong những cuốn cũ mèm này, em gặp rất nhiều tác giả như: Nguyễn Minh Châu (Dấu chân người lính); Ma Văn Kháng (Đám cưới không giấy giá thú); Nguyễn Quang Sáng (Dòng sông thơ ấu); Chu Văn (Bão biển); Nguyễn Bính...toàn những cây đại thụ trong văn học.
Rồi cả Vũ Bằng - nhà văn "của" Hà Nội...
Ngoài ra, còn một số cuốn, được bọc giấy bóng kín, bên trong sách cũng đã cũ lắm, bìa không còn. Có những cuốn cả bìa và chữ đều màu nâu, không thể đọc nổi chữ. Giấy chưa bị "gẫy", nhưng quá cũ để có thể nhìn ra chữ gì...
Em đoán, chủ nhân cũng có nhiều hoài niệm. Hoặc, là một người cũng có những đau đáu về ký ức...
Sau những ngày vấn vít với mùi bánh chưng, mứt kẹo, em cũng đã đọc xong "Những mảnh ký ức viết bằng bút chì" của tác giả Lê Hồng Lam. Một cuốn tản văn, có thể nói như một tách trà. Nhâm nhi, chậm rãi sau những bận rộn ngày cuối năm; thảnh thơi nhấp từng ngụm, từng ngụm để "cảm" cái vị - là những mảnh ký ức được chắp ghép từ những nơi tác giả đi qua.
Không có những đoạn khiến cho người ta phải bộc lộ cảm xúc ở mức cao trào, nhưng lại khiến cho người đọc, đôi khi, nghẹn lòng. Vì những điều được kể lại, gần gũi, thấp thoáng đâu đó bóng hình của mỗi người - trong cuộc đời phải mưu sinh, phải dằn lòng xuống và quên đi hay gói ghém lại những gì riêng tư nhất...
Một cuốn tản văn có những điều được chắt lọc một cách từng trải và tinh tế. Ngôn từ, có lúc bay bổng, nhẹ nhàng như vạt hoa chiều Thu. Lại có lúc trầm lắng như ngọn núi xanh thẫm lúc chiều Đông. Còn nữa, là rất nhiều cảm xúc "chạm" đến những điều sâu kín. Từ những lúc lê la hàng quán, rong ruổi khắp đó cùng đây; cho đến những lúc ngồi trong những nơi "sang chảnh"...rất rất "đời"...
...
Nhiều lắm những lúc phải gấp mép cuốn tản văn này lại, để nhâm nhi dần trong những ngày Tết. Bởi vì, như vị trà: Sau cuối mới thấy vị ngọt đọng lại ở đầu lưỡi. Thanh và trong.