trên giấy tờ có thể gọi là tiến sĩ cụ ạ, nhưng thực tế đều không ai đỗ phó bảng dám nhận xằng tiên sĩ xuất thân, nhiều cụ hậm hực cả đời vì cái "phó bảng". Em cũng chỉ đọc thông tin từ nhóm Nghieen cứu lịch sử. Xin trích và gửi link lại để cụ soi ạ.
Thời Minh Mạng, đến khoa thi Hội thứ 3 (1829), ngoài đỗ hạng trúng cách, nhà vua cho lấy đỗ thêm một số thí sinh. Quy định của triều đình: Thí sinh qua 4 kỳ đạt 10 điểm trở lên thì đỗ chánh trúng cách và được vào thi Đình, 4 kỳ đạt từ 4 đến 9 điểm hoặc 3 kỳ đạt 10 điểm mà có một kỳ bất cập phân (tức zê rô điểm) thì cho đỗ loại lấy thêm. Nhà vua cho lấy hạng đỗ thêm vì có lẽ qua hai khoa thi Hội năm 1822, 1826 thấy số lượng đỗ tiến sĩ quá ít, không đủ nguồn lực bổ sung vào bộ máy nhà nước. Loại đỗ lấy thêm được ghi tên ở bảng Ất (tức bảng phụ nên thường gọi là Phó bảng); còn những người trúng cách (đỗ chính thức) thì tên ghi ở bảng Giáp (bảng chính). Đỗ Phó bảng rồi thì không được thi Hội lại lần sau.
Phó bảng sau khi đỗ Hội xong thì được cấp phát văn bằng và trở về quê quán để chờ triều đình bổ nhiệm quan chức, chứ không được vào thi Đình như những thí sinh trúng cách. Mãi đến các khoa 1877, 1879, 1880, thời vua Tự Đức, mới cho phép Phó bảng được vào thi Đình; đến thời vua Kiến Phúc (1884) thì Phó bảng lại không được phép thi Đình. Năm 1885, thời vua Hàm Nghi lại cho phó bảng được thi Đình.
Sau khi vua Thành Thái lên ngôi vua, việc thi Hội, thi Đình được sắp xếp lại theo một quy củ thống nhất và được áp dụng bắt đầu từ khoa thi Hội năm 1889 cho đến khoa cuối cùng năm 1919:
+ Thi Hội có tất cả 4 kỳ, thí sinh nào cộng tất cả 4 kỳ được 8 phân trở lên mà không có kỳ nào bị bất cập (điểm liệt) thì đỗ hạng chánh trúng cách (chính thức); thí sinh cộng 3 kỳ được 8 phân trở lên mà có một kỳ bất cập hoặc cộng 4 kỳ được từ 4 đến 7 phân mà không có kỳ nào bất cập thì đỗ hạng phó trúng cách (còn gọi là thứ trúng cách). Hai hạng này đều được phép vào thi Đình.
+ Thi Đình được quy định điểm đỗ: 10 phân đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ đệ nhất danh (Trạng Nguyên); 8-9 phân đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ đệ nhị danh (Bảng Nhãn); 6-7 phân đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ đệ tam danh (Thám Hoa); 4-5 phân đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; 3 phân đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân; 1-2 phân đỗ Phó bảng.
Những người đã đỗ trúng cách ở thi Hội thì vào thi Đình dù văn bài chỉ đạt 1-2 phân vẫn được đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ, còn những người đỗ phó trúng cách thì phải đạt từ 3 phân trở lên mới đỗ tiến sĩ, còn 1-2 phân thì chỉ đỗ phó bảng. Những trường hợp phó trúng cách ở khoa thi Hội mà đỗ vượt lên tiến sĩ ở kỳ thi Đình rất hiếm hoi, còn đa số đều an phận ở hàng phó bảng.
Sau khi chấm thi Đình xong, những người đỗ chính thức ở ba hạng nhất, nhì, ba được ghi tên ở bảng Giáp (chính bảng), những người đỗ phó bảng được ghi tên ở bảng Ất (phụ bảng).
Người đỗ chính thức được gọi là tiến sĩ giáp bảng (tiến sĩ bảng chính), gọi tắt là tiến sĩ; người đỗ phó bảng gọi là tiến sĩ bảng Ất (tiến sĩ bảng phụ), gọi tắt là phó bảng.
Như vậy, ta có thể hình dung rằng tiến sĩ và phó bảng cùng đỗ một cấp thi, nhưng hai bậc đỗ: tiến sĩ là hạng đỗ chính thức, còn phó bảng là loại đỗ khuyến khích. Và phó bảng cũng là là tiến sĩ: Tiến sĩ là loại đỗ chính thức, tên ghi ở bảng chính (Giáp tiến sĩ); Phó bảng là loại đỗ khuyến khích, tên ghi ở bảng phụ (Ất tiến sĩ).
Vì vậy, gọi là Ất tiến sĩ đúng về mặt chữ nghĩa hơn và tên học vị này được ghi trong văn bằng do triều đình cấp phát, còn Phó bảng chỉ là cách gọi vắn tắt của từ bảng phụ. Thuật ngữ Phó bảng phổ biến trong dân gian hơn, tuy vậy cũng sẽ dễ gây ra sự hiểu lầm của nhiều người không am hiểu về khoa cử thời Nguyễn, cứ đinh ninh rằng Phó bảng là một học vị không phải là tiến sĩ.
Sự thiệt thòi của Phó bảng
Trong suốt hơn trăm năm khoa cử thời Nguyễn, qua cách đãi ngộ của triểu đình đối với những người đỗ đại khoa, ta có thể thấy được sự bất cân xứng giữa tiến sĩ và phó bảng.
1.Phó bảng không được tham dự kỳ thi Đình. Từ khi học vị Phó bảng xuất hiện năm 1829 đến năm 1875, suốt hơn 60 năm, sau khi thi Hội có kết quả thì những người đỗ Phó bảng không được tham dự kỳ thi Đình. Thỉnh thoảng theo nhu cầu chính trị, nhà vua cho phép phó bảng được thi Đình ở một số khoa (1877, 1879, 1880…) mà thôi.
Đến khoa thi Hội năm 1889, đời vua Thành Thái, mới có quy định phó bảng được chính thức thi Đình và duy trì mãi cho đến khi thi cử Hán học chấm dứt vào năm 1919 dưới thời vua Khải Định.
- 2. Phó bảng không được Xướng danh (truyền lô). Sau khi thi Đình có kết quả, triều đình tổ chức lễ Truyền lô (xướng danh) cho các tân khoa tiến sĩ. Ngày truyền lô, từ sáng sớm tại cửa Ngọ Môn, các quan trong hội đồng chấm thi y phục chỉnh tề tụ tập đông đủ; một người thư lại cầm danh sách những người thi đỗ, khi đọc đến tên người nào thì một người lính ngồi trên mình voi cầm loa hướng ra bốn phía xướng to đến 3 lần, ví dụ: “…đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, Nghệ An tỉnh, Nam Đàn huyện, Khánh Sơn xã, Nguyễn Văn Y”… Lễ xướng danh chỉ dành cho những người đỗ tiến sĩ giáp bảng, chứ tiến sĩ ất bảng thì không có.
3.
Treo bảng. Những khoa thi mà Phó bảng không được phép thi Đình thì sau khi có kết quả thi Hội, Hội đồng giám khảo sẽ cho chia làm hai bảng: Một bảng chính ghi tên những người trúng cách (đỗ chính thức) và một bảng phụ cho những người đỗ phó bảng. Hai bảng đều màu đỏ. Bảng chính được thực hiện theo nghi lễ một cách long trọng: Tấm bảng được đặt trên chiếc mâm lớn, trùm khăn nhiễu vàng, do một người lính kính cẩn bưng đi trước, các quan trong hội đồng giám khảo theo sau, đi vào cung điện trình lên nhà vua; và sau khi được vua duyệt y thì các quan trang trọng rước tấm bảng tiến ra cửa Ngọ Môn, đi đến Phu Văn Lâu và cho treo bảng lên trong 3 ngày. Còn bảng phụ thì chỉ cho treo trong một ngày và không có nghi lễ gì cả.
Ở các khoa thi mà Phó bảng được phép thi Đình thì kết quả ở thi Hội vẫn treo bảng như đã miêu tả ở trên, còn sau khi thi Đình có kết quả thì treo bảng như sau:
– Bảng chính (Giáp bảng) màu vàng có vẽ hình rồng nên thường gọi là long bảng (bảng rồng) hoặc hoàng bảng, kim bảng (bảng vàng). Bản này ghi tên những người đỗ chính thức, gồm các tiến sĩ ở 3 giáp (đệ nhất, đệ nhị, đệ tam). Sau lễ Truyền lô thì bảng vàng sẽ được đưa đến treo ở chính giữa đền Phu Văn Lâu 3 ngày cho thiên hạ chiêm ngưỡng, sau đó được cất vào nơi lưu trữ của triều đình.
– Bảng phụ (Ất bảng) màu đỏ. Bảng này ghi tên những người đỗ phó bảng. Bảng phụ được treo ở cái chái bên cạnh Phu Văn Lâu, thấp hơn bảng chính một chút.
- Tiệc yến. Sau khi dự lễ Truyền lô xong thì tiến sĩ giáp bảng được ban áo mão và theo phái đoàn quan chức trong Hội đồng giám khảo và các đại thần trong triều vào sân điện để lạy tạ nhà vua. Hôm sau, các tân khoa tiến sĩ sẽ được vua đãi tiệc yến tại cung điện. Sau khi dự tiệc, các tân khoa sẽ được hướng dẫn đi thăm vườn Thượng Uyển của nhà vua và làm thơ xướng họa; rồi hôm sau nữa lại tiếp tục được triều đình cử quan chức, lính hầu che lọng dẫn các ông đi dạo chơi phố xá ở kinh thành.
- Bia đá. Để tôn vinh và lưu danh tên tuổi những người đỗ đại khoa, mỗi khoa thi triều đình lại cho dựng một tấm bia khắc đầy đủ tiểu sử vắn tắt của các tiến sĩ giáp bảng đã đỗ ở khoa đó. Bia đá được dựng ở nhà Văn Miếu ở phía tây kinh thành Huế, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày nay. Tổng cộng có tất 32 tấm bia đá ghi tên 293 tiến sĩ các khoa thi từ 1822 đến 1919 (chính thức có 292 người, về sau thêm Bùi Văn Dị được đặc cách nên tộng cộng là 293 người).
Phó bảng không được khắc tên vào bia đá.
- Vinh quy bái tổ. Sau khi hưởng đầy đủ những đặc ân của triều đình tại kinh đô thì tiến sĩ được sử dụng ngựa trạm để về quê và được dân địa phương đón rước vinh quy bái tổ. Theo quy định của triều đình phong kiến thì những người đỗ tiến sĩ sẽ được dân hàng tổng (gồm nhiều làng) khoảng dăm bảy trăm người được cắt cử đi theo hương chức các làng, gia đình người thi đỗ và viên chức của huyện sở tại, đem theo cờ trống võng lọng, lên tỉnh lỵ để đón rước về làng mở tiệc ăn mừng suốt mấy ngày trời.
Phó bảng thì không được triều đình quy định đón rước như tiến sĩ, cho nên phải trở về nhà âm thầm, không kèn không trống.
- Quan chức, phẩm hàm. Sau khi đỗ đạt, tiến sĩ và phó bảng đều được triều đình bổ nhiệm quan chức. Tuy vậy, buổi đầu bổ nhiệm bao giờ tiến sĩ cũng hơn phó bảng một bậc về chức vụ, phẩm hàm. Ví dụ: Tiến sĩ được bổ nhiệm tri phủ, hàm ngũ phẩm (bậc 5), trong khi phó bảng được bổ nhiệm tri huyện, hàm lục phẩm (bậc 6). https://nghiencuulichsu.com/2020/10/05/pho-bang-co-phai-la-tien-si/