Vài dòng suy nghĩ.
Gần Tết ngồi nhớ về Việt Nam, nhớ về những cái Tết của ngày xưa. Qua Mỹ bao nhiêu năm, ở ngay Little Sài Gòn thì năm nào cũng có Tết rôm rả, đầy đủ bánh mứt thịt thà, nhưng không có cái Tết nào giống cái Tết ở Việt Nam ngày xưa, cái không khí chộn rộn Tết từ giữa rằm tháng Chạp.
Thôi thì ngồi chia sẻ vài dòng với các cụ mợ về cuộc sống ở Mỹ.
Người đi Mỹ định cư vào những năm 90 thế kỷ trước như em, khi đặt chân tới Mỹ sẽ gặp rất nhiều điều khác lạ.
Bước ra khỏi sân bay, hít làn không khí mát lành lạnh, rồi lên xe ngồi chạy vun vút trên cao tốc, băng ngang đô thị Los Angeles, cái cảm giác đó không thể nào quên được dù bao nhiêu năm trôi qua.
Ở một thời gian thì em phát hiện ra một số điều.
Giáo dục: Trẻ em tới tuổi đi học thì phụ huynh chỉ việc ra đúng trường của khu vực mình mà ghi danh cho con đi học. Lớp học chừng mười mấy học sinh một lớp. Học miễn phí kể cả sách vở, gia đình nghèo thì được ăn sáng, ăn trưa miễn phí trong trường. Qua cấp học phổ thông, vô đại học mà nhà nghèo không có tiền thì cứ làm đơn xin chính phủ. Đủ tiêu chuẩn thì chính phủ cho luôn tiền học, không đủ thì cho mượn, cho vay lãi suất thấp. Học xong, ra trường 6 tháng sau (hình như có chỗ còn cho cả năm) mới phải lo trả tiền. Mà nếu lỡ chừng đó vẫn chưa có việc làm, thì lại xin nợ tiếp… Chỉ cần thích học, chịu học, và học được …là được học!
Y tế: đứa cháu bị sốt nặng co giật lúc nữa đêm, cha của nó tự lái xe đưa con đi cấp cứu ở bệnh viện Fountain Valley gần nhà. Hai cha con tới nơi khoảng gần 11 giờ khuya. Đến 12 giờ, cháu đã được chỉ định chụp hình và các loại xét nghiệm cần thiết. Mọi biện pháp trợ sức, cấp cứu đều được huy động lập tức. Trong phòng săn sóc đặc biệt, cháu có riêng 1 y tá túc trực 24/24 để theo dõi từng diễn biến nhỏ. Qua tuần sau, khi phải đón ngày sinh nhật trong bệnh viện, cháu lại được bệnh viện gửi tặng bánh kem, y tá trong khoa thì mang bong bóng và quà đến tận phòng hát mừng … Bé chỉ là 1 bệnh nhi bình thường như tất cả những bệnh nhi khác trong khoa. Như mọi trẻ em ở California, cháu được bảo hiểm y tế miễn phí.
Mà cũng chẳng phải chỉ có trẻ em mới được chăm sóc tốt như vậy. Sản phụ sinh mổ cũng không kém chút nào, lúc cô chị dâu sinh con phải mổ, suốt những ngày cô ấy nằm viện sau ca mổ, mọi việc vệ sinh cá nhân đều có y tá, điều dưỡng lo chu toàn, nhẹ nhàng, dịu dàng, vui vẻ. Mổ xong, bà mẹ nào mệt mỏi, đau đớn, hay thậm chí chỉ vì muốn nghỉ ngơi, đều có thể giao con cho phòng dưỡng nhi giữ ban đêm. Nếu bé bú mẹ, cứ tới giờ bú, y tá đưa bé về phòng để mẹ cho bú, rồi lại đưa bé đi, cho mẹ ngủ yên…
Chi phí sau ca sinh mổ là trên $60 nghìn thời điểm đó, nhưng chị ấy có bảo hiểm chi trả.
Cơ quan công quyền: có việc đi ra những nơi như phòng làm thẻ an sinh xã hội, phòng giáo dục, … em thấy viên chức chính phủ tươi cười niềm nở, giải thích rõ ràng. Người nào có “ngầu” mấy cũng không quát tháo, nạt nộ ai.
Giao thông : ra đường rất ít khi nghe tiếng còi xe, dù xe cộ đông đảo, nhưng đường ai nấy đi chạy, không chen lấn lộn xộn.
Trước những điều mới mẻ, lạ lẫm này, thời gian đầu em rất ngạc nhiên, nếu không muốn nói là “sốc”. Nhưng cái sốc ở đây, lại là cái “sốc tích cực”. Bởi “cú sốc” này khiến em vui hơn, lên tinh thần hơn, vậy cũng đáng công đã lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, sống đời viễn xứ…
Có điều, tấm huy chương nào, dù lấp lánh bao nhiêu, cũng có mặt trái của nó.
Chuyện qua Mỹ định cư cũng không phải là ngoại lệ. Thực tế cuộc sống có những va chạm, xung đột, khó khăn, thử thách mà nếu không chuẩn bị trước tinh thần, không ai là không sốc!
Xin kể cho các cụ mợ nghe những điều em đã mắt thấy, tai nghe. Nhưng với tâm tình của người đã sống đến tuổi trưởng thành mới rời xa Sài Gòn và cũng đã lăn lóc trên đất Mỹ nhiều năm, em sẽ kể lại và cố gắng phân tích những điều đó bằng con mắt khách quan.
1/ Chuyện của người Mỹ.
-Trong 1 tiệm tạp hóa, người cha dẫn đứa con nhỏ chừng 7-8 tuổi đi theo đến quầy để tính tiền. Trong số hàng hóa có vài cái là đồ chơi của đứa con. Tính tiền xong, người cha cầm mấy cái đồ chơi của đứa con ra, đối chiếu với giấy thanh toán rồi tính ra coi tiền của đứa con là bao nhiêu. Đứa con móc túi, vét hết tiền lớn tiền nhỏ, đếm đủ rồi trả lại cho cha, xong tự cầm đồ chơi của mình ra xe.
- Một cô học sinh lớp 11 xin làm part time cashier trong tiệm liquor suốt mùa hè chung với em. Mỗi tuần lãnh lương, cô bé lại hí hửng gom góp, cất kỹ. Hỏi để dành nhiều tiền vậy để làm gì? Đáp rằng “Để cuối hè làm birthday party”. Hỏi ba má không làm cho hay sao. Đáp “Ba má lo nuôi ăn học thôi, party thì phải tự lo chứ.”
– Có bà người Mỹ trắng, nhìn rất sang, vô tiệm liquor em đứng bán, mua chai rượu nhỏ và gói thuốc lá, khi thanh toán tiền, bốc ra cả xấp gần chục cái thẻ tín dụng, trong đó có 2 cái ATM. Bà ta không đụng tới 2 cái thẻ ATM, chỉ đưa credit card cho em. Cà hết thẻ này tới thẻ kia đều không được … (Em phải mượn ID của bà ta coi có đúng tên trong thẻ không). Khi toàn bộ thẻ đều đã bị từ chối, bà ta cũng không thể xài tới 2 cái ATM (Chắc trong account cũng chẳng còn tiền) … Cuối cùng, bà ta quay ra, không thanh toán được, dù số tiền cần trả chỉ là dưới $20 … Có thể đoán được là toàn bộ credit card bà ta có đều đã xài vượt giới hạn… Giả sử mỗi cái thẻ đó có số dư nợ chỉ 1000 đồng, thì ít nhứt bà ta cũng đang nợ trên 1 chục ngàn … trong khi account không có tiền để rút …!
Đi dọc đường, thỉnh thoảng hay thấy những cửa hiệu cho vay trương bảng “Payday loan”. Ai chưa tới ngày lãnh lương mà đã kẹt tiền thì đem giấy tờ cần thiết tới vay đỡ. Đến ngày lương, trả hết cả vốn lẫn lời… Mà ở đây, những người lao động chân tay thường hay lãnh lương tuần.
Chuyện anh Mỹ homeless.
Thời ấy có một anh Mỹ hay đứng xin tiền gần tiệm liquor nơi em làm, cứ xin đũ tiền là anh ấy vào móc ra một vốc tiền lẻ, đếm xong lấy gói thuốc lá hoặc chai rượu nhỏ rồi bước ra đường xin tiếp. Anh ta mặt mày râu ria, người có mùi hôi nhưng vẫn rất lịch sự, nói năng chào hỏi mọi người trong tiệm.
Em cũng không biết tại sao anh ta lại thành homeless.
Lần sau em sẽ viết tiếp về chuyện người Việt ở Mỹ.