Nếu em không nhầm thì cây FA30 này tương đương với chiều cao của U2 chứ cụ? Nếu chỉ dựa trên thương hiệu thì cây Atlas luôn cho âm thanh mạnh mẽ hơn Yamaha. Cái này là do định hướng mục tiêu sản xuất của Atlas là tạo ra những cây đàn mang nhiều tính thủ công và cạnh tranh nhằm vào chất lượng tốt hơn một chút so với những cây đàn sản xuất công nghiệp đại trà do Toyo, Yamaha và Kawai sản xuất. Còn thực tế thế nào thì vẫn lại là phải kiểm tra trực tiếp vì nó là đàn cũ. Nhưng chắc với cụ thì điều này không khó gì đúng không ạ?
Về câu hỏi so với U1 thì em chắc cụ thừa hiểu biết, mà hỏi để hỏi thôi nhỉ
Định giá một cây đàn, nhất là đàn cũ, thường phụ thuộc vào chất lượng thực tế nhưng không dễ cho người có nhu cầu. Khác với tivi, nồi cơm điện, dao chặt thịt... những thứ mà chất lượng rất dễ đong đếm trực quan (có đẹp không, nấu cơm có chín nhừ không, dao có sắc không...) thì piano và nhạc cụ nói chung ngoài việc vận hành tốt còn đòi hỏi một điều không dễ dàng cho người nghiệp dư là âm thanh có tốt không. Yamaha đang bị đội lên vì thương hiệu, em sẽ phân tích ngọn nghành câu chuyện này (theo sự hiểu biết cá nhân) để cụ và những người quan tâm có thể trao đổi.
Tại Nhật, Yamaha là hãng piano có tên tuổi và bắt đầu sản xuất cũng gần như sớm nhất từ thế kỷ 19, rất nhiều các hãng piano khác được hình thành nhờ chính những kỹ sư của hãng Yamaha tách riêng ra và tự thiết kế một mô hình mà họ coi là tiến bộ hoặc phù hợp hơn. Vì vậy giai đoạn tiếp theo từ những năm 20 đến 60, đầu thế kỷ 20, Yamaha chịu sự cạnh tranh khốc liệt bởi những hãng piano khác và sản phẩm của họ không hề hơn (nếu không muốn nói là kém) so với các hãng này. Tuy nhiên nửa đầu thế kỷ 19, công nghệ sản xuất piano của Nhật đi theo con đường tương tự những gì mà các kỹ sư của họ học được từ châu Âu: tạo ra một cây đàn thủ công có chất lượng đặc trưng và hết sức cầu kỳ trong vấn đề thiết kế cũng như lựa chọn vật liệu. Kết quả là họ không bao giờ có thể cạnh tranh lại với những thương hiệu thủy tổ của piano tại châu Âu vốn đã có chỗ đứng vững chắc. Thị trường chủ yếu cho piano Nhật là nội địa và một số nước lân cận.
Mọi sự bắt đầu thay đổi khi chiến tranh thế giới thứ 2 bắt đầu, đa số các hãng piano buộc phải đóng cửa do nhu cầu vật tư và nhân lực quốc phòng tăng cao khiến nguồn và sự quan tâm đến đàn piano bị giảm xuống. Sau chiến tranh, phải mất 5 năm thì các hãng piano trước chiến tranh mới bắt đầu phục hồi và tìm cách sản xuất trở lại, vẫn với tư duy cũ: làm những cây đàn theo lối thủ công và đề cao chất lượng. Minh chứng cho điều này là toàn bộ những cây đàn nguyên bản thế hệ những năm 60 về trước có pedal đúc nguyên khối, bàn phím dùng gỗ nguyên khối, sound board gỗ lâu năm và quy trình xử lý phức tạp và cầu kỳ... thậm chí búa đàn - chi tiết đòi hỏi kỹ thuật và bí quyết sản xuất mà Nhật thua kém châu Âu - cũng sẵn sàng nhập từ nước ngoài về. Tuy nhiên nền kinh tế chưa thể phục hồi như giai đoạn những năm 30 đến 40 - giai đoạn đỉnh cao của piano Nhật trước đó, những cây đàn phẩm chất cao và đắt tiền không đi kèm với dễ bán. Vì vậy các hãng để giành giật nhau thị trường nhỏ bé đã phải cạnh tranh gay gắt với nhau bằng chất lượng, ngày càng phức tạp và đòi hỏi công nghệ sản xuất tốt hơn. Đây là một sự bế tắc, bởi càng làm tốt hơn đòi hỏi nhiều chi phí hơn, doanh thu có thể tăng nhưng lợi nhuận thì không hoặc thậm chí giảm.
Lúc này, Yamaha và một số hãng khác (Kawai, Toyo) tiên phong trong việc sản xuất sản phẩm công nghiệp. Tư duy mới của họ là tạo ra những sản phẩm có chất lượng có thể không thực sự cao như các hãng khác nhưng có chi phí sản xuất thấp và giá thành thật rẻ. Nó là một hướng đi thành công vang dội, đặc biệt với Yamaha. Đơn cử là cây đàn Yamaha dòng H - cây đàn quá thành công trong việc sản xuất đại trà và vô cùng phổ biến cho đến tận ngày nay. Khách hàng bình dân lựa chọn những cây đàn bình dân, những cây đàn cao cấp vẫn có chỗ đứng nhưng thị trường ngày càng nhỏ hẹp. Nhiều hãng piano khác kiên trì theo đuổi chất lượng và phá sản. Đáng tiếc là rất nhiều trong số đó là những hãng tên tuổi lớn, có chất lượng đàn rất tuyệt vời, xin kể một vài nhãn: Matsumoto, Belton, Flora, Ohhashi mà những cây đàn Yamaha cùng thời kỳ không bao giờ theo kịp về chất lượng được. Nhân công và vật liệu cao cấp ngày càng đắt, đến những năm 75-90, gần 70% nhãn hiệu của Nhật bị phá sản, bị Hàn Quốc hoặc Trung Quốc mua lại và chuyển sang sản xuất tại nước thứ 3. Yamaha, Kawai, Toyo thành công nhờ hướng đi đúng: làm ra một cây đàn ít tiền cho những người không chuyên. Tuy nhiên đến những năm 80-90 lại là giai đoạn chính những cây đàn piano cơ này cũng phải vật lộn để cạnh tranh với một đối thủ khác do chính hãng của mình tạo ra: piano điện. Piano điện không mạnh mẽ nhờ âm thanh, nhưng vấn đề diện tích ở chật hẹp khiến sự đòi hỏi riêng tư cao, việc bạn chơi đàn mỗi ngày có thể khiến hàng xóm phàn nàn hoặc thậm chí gọi cảnh sát. Ở trên phạm vi quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của piano rẻ tiền tại Trung Quốc hoặc khá hơn là của Hàn Quốc đã cạnh tranh dữ dội với những cây đàn piano công nghiệp ở Nhật. Thế là một lần nữa người ta bắt đầu nghĩ đến những cây đàn có chất lượng thủ công đặc trưng cho những gia đình nhiều tiền hoặc đòi hỏi chất lượng cao đồng thời những mẫu khác sản xuất tại nước thứ 3 (Indo, Malay, Trung Quốc...) với giá rất rẻ với mục đích thu lợi nhờ thuơng hiệu khi bán ở những thị trường nghèo. Đó là câu chuyện tại Nhật.
Em chạy ra ngoài có công việc. Buổi chiều về em kể chuyện hầu các cụ tiếp nửa còn lại câu chuyện ở Việt Nam.