TP Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất đất phương Nam chưa bao giờ biết thiết gạo nhưng người dân vẫn phải làm quen với khoai mì, hạt bi bo khô cứng những năm cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980. Là cán bộ ngân hàng, ông Lữ Minh Châu vẫn không quên những nồi bo bo vợ nấu đợi chồng mỗi buổi chiều về.
Bà Trần Ngọc Điệp (vợ ông Châu) tâm sự với chồng mình là Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, rồi tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước VN (tương đương chức vụ thống đốc hiện nay) mà về nhà vẫn ăn bo bo. Ông Châu vẫn ăn ngon lành, chỉ có gương mặt rất trầm ngâm.
Mãi về sau mọi người mới biết, đây là thời điểm ông Châu đang được Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt giao nhiệm vụ phối hợp cùng bà Ba Thi chạy gạo cho thành phố. Ông về nhà, nhai hạt bo bo càng thấm thía nỗi khổ của dân!
Thời khan hiếm miếng ăn, người ta hay nghĩ ai có chân trong công ty lương thức là "meo sa hũ mỡ" nhưng thực tế không hẳn vậy. Bà Nguyễn Thị Kim Anh - cán bộ văn phòng Công ty Lương thực TP.HCM từ thời còn là tổ thu mua, vẫn nhớ chế độ được mua gạo của mình cũng thiếu hụt như mọi người.
Mãi đến khi gạo miền Tây về thành phố nhiều hơn, bà mới được nâng suất lên 25kg gạo mỗi tháng. Song bằng ấy chẳng thấm vào đâu so với gia đình có 6 miệng ăn. Vì vậy, bữa cơm trộn bo bo là hết bình thường.
Bà Kim Anh vẫn nhớ như in hồi ấy, ba má đã lớn tuổi không nhai nổi hạt bo bo mà vẫn cố để nuốt chửng vào bụng. Thế nhưng cũng chẳng tiêu nổi. Mấy chị em khi đó phải nhường cơm cho ba má.
"Lo sáu cái bao tử trong nhà đã vã mồ hôi, tụi tôi còn phải chia sẻ thêm cho dòng họ lúc ấy còn đói hơn mình”, bà Kim Anh nhớ những ngày ghé thăm nhà người chú đang nuôi bốn con ăn học ở Thanh Đa.
Trước năm 1975, người chú này bán phụ tùng xe máy, sau giải phóng tình hình kinh doanh bết bát phải về Bình Quới làm vườn. Nồi chỉ có bo bo độn khoai mì mà cũng thường hụt miệng ăn. Chị chia phần gạo ít ỏi của nhà mình cho nhà chú vẫn không đủ, phải sẻ thêm cả bo bo.
Hũ gạo của cán bộ nhà nước có chế độ mà còn thiếu hụt thì tình hình của người dân bên ngoài rất căng thẳng. Ông Trần Văn Đức - dân kinh tế mới, chạy lên ở khu Mã Lạng, quận 1, đợt miền Tây lụt nặng năm 1978 cho biết, nhiều tháng liền vợ chồng phải ăn bo bo để dành gạo nấu cơm, cháo cho con. Có tối vợ ông lay hoay với con nhỏ, quên ngâm bo bo để sáng hôm sau nấu cho chồng đi đạp xích lô.
Sáng hôm sau ông dậy, đói quá phải đổ đại bo bo khô vào nồi nấu suốt 2 giờ đồng hồ mà nó vẫn cứng. “Nhai đâu có nổi, tôi phải cố nuốt trộng xuống bụng, bị nghẹn suýt tắc thở. Tôi ngã lăn ra. Bà vợ tưởng chồng bị tai biến vừa khóc vừa la làng. Hàng xóm chạy sang thấy tôi ho ói được mớ bo bo nguyên hột ra ngoài”. Cái bao tử không thể nghiền được hạt bo bo!
Không chỉ dân kinh tế mới khó khăn, nhiều người có nhà cửa, sinh kế bình thường ở Sài Gòn lúc ấy vẫn nhau khoai mì, khoai lang, cơm trộn bo bo.
Cũng bởi thế mà trong ký ức những người từng đi qua thời bao cấp coi bo bo là một thứ ám ảnh. Đến bây giờ nghĩ lại vẫn thấy rùng mình.