Văn hóa từ Ấn cũng phổ biến các tượng kiểu này, như bên trên là con bò thần Nandi của họ.
Nói đến Chăm Pa, thời Lý thì có tượng Xi Vẫn nhưng tượng này gốc Trung quốc hay Ấn độ cũng chưa chắc.
Si Vẫn 螭吻 (đầu con Si), hoặc Si vĩ (đuôi con Si) là linh vật gốc từ Trung Quốc, có từ thời Hán. Theo truyền thuyết, Si Vẫn là động vật biển có đuôi cong tròn, đập sóng thì mưa xuống. Bởi vậy, người xưa thường đắp nó trên hai đầu nóc mái các công trình kiến trúc với ý nghĩa phòng ngừa hoả hoạn.

Ảnh Si vẫn ở TQ thời Minh, lúc này đã phát triển thành long vẫn
Cũng như nhiều biểu tượng văn hóa khác, Si vẫn cũng được du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam, dân gian gọi với tục danh là con Kìm. 1000 năm Bắc thuộc ta không còn công trình kiến trúc nào tồn tại nên không khảo cứu được. Nhưng bắt đầu từ thời Lý đã tìm thấy Si vẫn, với hình thức là đầu rồng (gọi là long vẫn). Từ đó, si vẫn phát triển qua nhiều hình thức khác nhau như hình rồng; hình cá, hình đầu rồng đuôi cá; hình đuôi si, hình đầu rồng đuôi si... Các cụ đi đình chùa nhìn lên hai đầu nóc thấy đắp linh thú chính là con Si vẫn này.

Si vẫn thời Lý, hình đầu rồng

Si vẫn thời Lê sơ ở Thái miếu Lam Kinh, cũng hình đầu rồng
Si vẫn Thời Lê trung hưng, đầu rồng, đuôi si, giống với truyền thuyết nhất

Si vẫn hình cá

Hình đuôi si
Còn tượng con bò trên là Bò thần Nandin của người Chămpa, vật cưỡi của thần Shiva, một trong 3 vị thần tối cao của Hindu giáo (cùng với Brahma - sáng tạo và Vishnu - Bảo tồn). Ở Ấn Độ người ta tôn thờ bò, chính là vì tính chất "thần" của nó, khác với con dê ở lăng Sĩ Nhiếp chỉ là linh vật canh gác bảo vệ.
Khi du nhập vào Chămpa, Hindu giáo đã chuyển hóa và hòa nhập vào nền văn hóa bản địa, hình thành nên một tôn giáo chuyên thờ Thần Shiva, được gọi là Shiva giáo. Theo đó, người Chăm đề cao và tôn sùng thần Shiva một cách tuyệt đối. Các vua Chăm hầu hết được coi là hiện thân của thần Shiva.
Hình tượng khởi đầu của Thần Shiva là cột lửa hình Linga (bộ phận sinh dục nam, đại diện cho dương tính). Bởi vậy, Thần Shiva đã được biểu tượng hóa thành Linga - cột vũ trụ để thờ trong chính điện các đền tháp. Linga thường được kết hợp với Yoni (bộ phận sinh dục nữ, đại diện cho âm tính, biểu tượng của Nữ thần Shakti, vợ Shiva) để tạo thành chỉnh thể hợp nhất Linga - Yoni, tượng trưng cho năng lực sáng tạo của Thần Shiva.

Một linga biểu tượng của thần Shiva Chăm, ở Mỹ Sơn.

Khi linga được tạc thêm hình mặt thần Shiva thì gọi là Mukhalinga

Kosalinga, toàn làm bằng kim loại quý, là cái chụp lên linga, có gắn đầu thần Shiva. Loại này đã bị chảy máu ra nước ngoài hết, trong nước chỉ còn lại 1 cái đầu kosalinga bằng vàng ở Quảng Nam.
Ngoài biểu tượng Linga, trong điêu khắc đá Chămpa, Thần Shiva còn được thể hiện dưới dạng nhân hình với nhiều hình thức, vai trò khác nhau như Shiva thế tục hóa, mang vẻ gần gũi với hình ảnh người thường hoặc là nhà tu hành khổ hạnhvới bộ râu dài, tay cầm chuỗi tràng hạt… Nhưng phổ biến hơn cả là hình thức Nataraja (Vua khiêu vũ). Đây là hình thức biểu trưng cho quyền năng tuyệt đối và là biểu hiện hoàn hảo nhất về Thần Shiva. Theo Hindu giáo, ở cuối mỗi chu kỳ vũ trụ, Thần Shiva là Nataraja sẽ thực hiện các vũ điệu thần thánh của mình để hủy diệt vũ trụ cũ không còn sức sống, chuẩn bị cho quá trình sáng tạo ra vũ trụ mới. Hai hình thức phổ biến của khiêu vũ Nataraja là Tandava - điệu nhảy dữ dội, bạo lực kết hợp với hủy diệt và Laysya - khiêu vũ nhẹ nhàng, gắn với tái sinh, sáng tạo. Laysya được thực hiện sau Tandava, với sự đáp ứng của người phối ngẫu là Nữ thần Parvati. Thực chất, Tandava và Laysya là hai mặt của bản chất của Shiva, phá hủy để tái sinh, sáng tạo.

Tượng Shiva múa Chămpa